LỄ THÁNH PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ
Bổn mạng các Ban Hành Giáo
Cộng đoàn phụng vụ thân mến,
Quý Chức các ban hành giáo thân mến,
Giáo Hội hoàn vũ hôm nay long trọng mừng kính hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô là hai cột trụ chính yếu xây dựng Hội Thánh mà Đức Giêsu đã thiết lập và Chúa Thánh Thần khai sinh trong ngày lễ Hiện Xuống. Trên nền đá Phêrô, Đức Giêsu đã xây Hội Thánh của Ngài và quyền lực của tử thần, dù hôm qua hay hôm nay và mãi về sau, sẽ không thể phá hủy được (x. Mt 16, 18). Trên đường Đamascô, một luồng ánh sáng từ trời chiếu xuống làm cho Saolô, người thành Tarxê, với chứng thư của thầy thượng tế Do thái, đang hăng say tìm kiếm và bắt bớ các tín hữu của Đức Giêsu, đã phải ngã xuống đất và được Đức Giêsu chọn gọi như là lợi khí để mang danh Giêsu đến các dân ngoại, các vua chúa và dân tộc Israel (x. Cv 9, 15).
Trong ngày lễ kính hai thánh Phêrô và Phaolô, chúng ta được mời gọi chiêm ngắm hai khuôn mặt vừa khác nhau vừa giống nhau của hai thánh tông đồ. Hai người thuộc hai giai tầng xã hội và địa vị tôn giáo khác nhau. Phêrô, một ngư dân ít học ở làng hồ Giênêzarét, như thể bị hớp hồn bởi lời mời gọi hãy theo Thầy sau mẻ cá lạ lùng để trở nên ngư phủ lưới người. Phêrô bỏ tất cả: cha mẹ, vợ con, nghề nghiệp để lên đường cùng Thầy Giêsu ngay từ lúc khởi đầu sứ vụ và cùng với các môn đệ đầu tiên của Thầy như Anrê, Giacôbê và Gioan, Matthêô, Nathanael và Philipphê, rao giảng Tin Mừng ơn cứu độ khắp cả vùng đất Palestina. Còn Phaolô, người biệt phái nhiệt thành, hơn hẳn với Phêrô về gia thế, học thức và đức hạnh theo truyền thống do thái, đã được Đức Giêsu cảm hóa và biến đổi, từ một người đang hăng say nhiệt thành bảo vệ đạo của cha ông là Do Thái giáo và bách hại các tín hữu kitô, trở nên người nhiệt tình rao giảng Tin Mừng Đức Kitô bị đóng đinh, sống và chết vì Đức Kitô.
Khác biệt về địa vị xã hội hay tôn giáo, nhung hai ngài đều được Đức Giêsu chọn gọi cách đặc biệt. Phêrô được gọi khi ông cùng với các bạn ngư dân đang thả lưới. Phaolô được gọi khi ông đang hăng say tiến vào Đamascô bắt bớ các Kitô hữu. Cả hai đã từ bỏ tất cả để theo tiếng gọi của Chúa. Cả hai đều đã từng có lần vấp ngã. Vấp ngã như Phêrô, trong một phút giây quá tự tin vào sức riêng mình, đã yếu đuối chối Thầy khi bị một tớ gái của thượng tế nhận diện và chất vấn. Ngã ngựa bất ngờ và trở nên mù lòa như Phaolô, trong lúc tưởng mình sáng mắt và đi đúng hướng. Vấp ngã nào cũng đau điếng và in một dấu ấn không phai. Và vấp ngã nào cũng có thể trở nên ơn phúc dẫn đưa con người đi vào hướng đúng.
Lòng khiêm nhường của Phê-rô, lòng kính mến Chúa của Phê-rô, kinh nghiệm về ơn tha thứ của Chúa, tất cả đã kéo ông trở lại với tình yêu…Ông đi bất cứ nơi nào Chúa muốn đưa ông đi, dù nơi đó là Rô-ma, dù nơi đó là cái chết, dù nơi đó là thập giá. Phaolô đã sung sướng tự hào cả khi ý thức những yếu đuối của mình “ Ơn Ta đủ cho con vì chưng quyền năng trong yếu đuối mới viên thành” (2 Cr 12,9). Không gì có thể làm nao núng lòng tin mãnh liệt ấy “chúng tôi bị dồn ép tư bề nhưng không bị đè bẹp; hoang mang nhưng không tuyêt vọng; bị ngược đãi nhưng không bị bỏ rơi; bị quật ngã nhưng không bị tiêu diệt”( 2Cr 4,8-9). Vị Tông đồ dân ngoại đã nhiệt thành loan truyền Đức Kitô với tất cả thao thức: “Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”( 1Cr 5,14). Ngài luôn sống trong niềm tin tưởng yêu mến vào Đấng đã kêu gọi Ngài: “tôi sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, là Đấng yêu mến tôi và thí mạng vì tôi”( Gl 2,20)
Phêrô và Phaolô đều yêu mến Đức Giêsu cách nhiệt thành và nồng cháy, vì họ cảm nhận sâu xa mình được Ngài yêu. “Này Simon, anh có mến Thầy không? Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy.” (Ga 21,16) Cả Phaolô cũng yêu Ðấng ông chưa hề biết trước, trái lại còn căm giận vì Ngài rao giảng một thứ giáo thuyết khác với giáo huấn của cha ông. Phaolô được biến đổi vì xác tín Đức Giêsu là “Con Thiên Chúa, Ðấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi.” (Gl 2, 20) Phaolô đã không ngần ngại khẳng định: Không gì có thể tách được chúng ta ra khỏi Tình Yêu của Ðức Kitô (x. Rm 8, 35.39) Tình yêu Ðức Kitô là linh hồn của việc loan báo Tin Mừng và truyền giáo chính là giúp người khác nhận ra và yêu mến Ðấng đã yêu tôi và yêu cả nhân loại. Cả hai vị tông đồ đều hăng say rao giảng, bất chấp muôn vàn nguy hiểm khổ đau. Phêrô đã từng chịu đòn vọt ngục tù (x. Cv 5,40) Còn nỗi đau của Phaolô thì không sao kể xiết (x. 2Cr 11, 23-28). “Tôi mang trên mình tôi những thương tích của Ðức Giêsu” (Gl 6, 1-7). Cả hai vị đã chết như Thầy. Phêrô bị dẫn đến nơi ông chẳng muốn (x. Ga 21, 18). Phaolô đã chiến đấu anh dũng cho đến cùng, và đã đổ máu ra làm lễ tế (x. 2Tm 4, 6).
Trong Lời Tiền Tụng thánh lễ trọng thể hôm nay, Giáo Hội ca tụng Phêrô là người đầu tiên tuyên xưng đức tin và thiết lập Hội Thánh tiên khởi cho người Israel. Giáo Hội ca tụng Phaolô là người làm sáng tỏ đức tin và thầy giảng dạy đức tin cho muôn dân. Giáo hội mừng kính hai thánh Tông đồ, hai cột trụ Giáo Hội chung một ngày. Hai con ngưòi khác nhau từ cá tính đến thân thế, nhưng chung một ơn gọi từ Chúa Kitô, chung một niềm tin và một sứ mạng do Chúa Kitô trao phó và cuối đời chịu tử đạo vì Chúa Kitô. Chúa Kitô đã đưa hai ngài đến một cùng đích là làm chứng cho đức tin và Tin Mừng Kitô giáo và ban cho các ngài triều thiên khải hoàn.
Anh chị em thân mến, Mỗi người chúng ta, trong ơn gọi và bậc sống, đều được Đức Giêsu mời gọi làm tông đồ và môn đệ dấn thân vào việc loan báo Tin Mừng cho mọi người. Đặc biệt, anh chị em là thành viên các ban hành giáo giáo xứ và giáo họ biệt lập, anh chị em được chọn gọi sống đức tin mà các thánh Phêrô và Phaolô truyền đạt, loan báo đức tin qua các cung cách sống thường ngày và nhất là thực hiện việc loan báo Tin Mừng Chúa Kitô bằng việc thi hành tác vụ tông đồ giáo dân qua vị trí và vai trò là thành viên Ban Hành giáo trong các giáo xứ và giáo họ trong Giáo phận chúng ta. Amen