BÀI GIẢNG THÁNH LỄ TIỆC LY 2014
Xh 12, 1-8.11-14; 1Cr 11, 23-26; Ga 13, 1-15
Anh chị em thân mến,
Thánh lễ chiều thứ Năm thánh được gọi là Lễ Tình Yêu, Tình Yêu dâng hiến và Tình Yêu phục vụ của Chúa Giêsu Kitô, Đấng được gọi là Tình Yêu Thiên Chúa Nhập Thể cư ngụ giữa loài người. Tình Yêu dâng hiến được thể hiện bằng việc Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể như Thánh Phaolô ghi lại trong trích đoạn 1Cr 11, 23-26: “Anh em hãy cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em…, đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước mới”(1Cr 11,24-25; x. Lc 22, 19-20). Chúa ban cho các môn đệ Mình Máu Người để khi ăn và uống Mình Máu Người, họ nhận được Tình Yêu sung mãn và sự sống dồi dào của Đấng là Bánh ban sự sống. Khi lập bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu vừa ban Bánh sự Sống, vừa loan báo Hy tế Thập giá núi Sọ. Mình và Máu các môn đệ ăn và uống trong bữa Tiệc Ly là chính Mình và Máu sẽ bị trao nộp và đổ ra để nhờ đó nhiều người được ơn Cứu Độ. Chỉ có Tình yêu của Chúa Giêsu mới cao vời tuyệt hảo vì Người yêu thương chúng ta đến tận cùng, đến khổ hình thập giá. Bí tích Thánh Thể là bí tích Tình yêu và Thập Giá Chúa Kitô là chứng từ của Tình yêu cao cả ấy. Và không phải chỉ ban cho các môn đệ, mà Chúa còn muốn ban cho tất cả mọi người, những ai sẽ tin nghe lời các môn đệ rao giảng và ao ước được nuôi sống bằng Bánh Thánh Thể và được Chúa cứu độ bẳng hy tế thập giá. “Các con hãy làm việc nầy mà tưởng nhớ đến Thầy” là lệnh truyền mà Chúa Giêsu trối lại cho các môn đệ để bí tích Thánh Thể được cử hành hằng ngày cho đến ngày Chúa lại đến.
Thánh sử Gioan ghi lại bối cảnh bài học về Tình Yêu phục vụ trong trích đoạn Tin Mừng Gioan 13, 1-15. Đó là bữa cơm tối cuối cùng: “Thầy khát khao ăn lễ Vượt qua nầy với các con trước khi chịu khổ hình và Thầy sẽ không còn ăn lễ nầy nữa cho đến khi lễ nầy được nên trọn vẹn trong Nước Thiên Chúa” (Lc 22, 14-15). Trong bữa cơm tối cuối cùng nầy, Chúa Giêsu đã mở miệng ra và nói từ con tim của mình về những điều mà Người ấp ủ trong lòng. Người nói về tình yêu và những hoài vọng của Người đối với họ, về những ưu tư của Người là họ sẽ bị tan rã khi Người ra đi, về Đấng Phù trợ là Chúa Thánh Thần sẽ đến với họ để hướng dẫn, bảo vệ và thánh hóa họ, về nguy cơ và các cám dỗ sẽ xảy ra để thanh luyện, tẩy rửa và làm cho họ được trưởng thành. Chúa Giêsu tiếp tục nói, nói từ trong con tim của mình (x. Ga 13, 31- 17,26). Giữa khi Người bộc lộ tâm tình và huấn dụ như thế thì xảy ra một việc cãi vã nho nhỏ giữa các môn đệ. Họ muốn biết ai trong đám họ là người lớn nhất. Đó là một cuộc tranh chấp quyền bính. Họ tranh giành địa vị bên tả bên hữu. Họ muốn biết ai là người lãnh đạo. Chúa Giêsu đã làm gì để kéo lôi họ ra khỏi chính con người của họ để họ đi đúng đường mà Người vạch ra. Họ cần một sự chữa trị thật đầy ấn tượng để họ trở về sứ vụ mà Chúa sẽ giao phó cho họ. Chúa Giêsu lấy một bình đầy nước, quấn một chiếc khăn ngang lưng và yêu cầu tất cả họ ngồi xuống. Giờ đây Người bắt đầu rửa chân cho họ, từng người một, khởi đầu từ Phêrô cho đến Giuđa Iscariot. Họ đã kinh hoàng rúng động. Chúa Giêsu là Chúa, là Thầy của họ, là vị cứu tinh, là người lãnh đạo và là tất cả của họ; nhưng nầy đây, Người đã tự hạ mình xuống làm người thấp hèn nhất, làm một công việc thuộc về hạng tôi tớ. Khi Người đến với Phêrô, ông đã phản đối: Thầy rửa chân cho con sao, không đời nào con chịu đâu?. Nếu Thầy không rửa cho con, con sẽ không được chung phần với Thầy. Chung phần về việc gì? Uống chén đắng và trở thành người tôi tớ phục vụ mọi người. Vì trong Hội Thánh của Thầy, cai trị hay lãnh đạo là phục vụ. Và rửa chân cho cả Giuđa Iscariot là “ kẻ giơ tay chấm chung một dĩa với Thầy lại là kẻ nộp Thầy (Mt 26,23).
Huấn dụ quan trọng của việc rửa chân nầy là: “Nếu Thầy là Chúa là Thầy mà còn rửa chân cho các con, thì các con phải rửa chân cho nhau. Thầy nêu gương cho các con, dể các con cũng làm như Thầy đã làm cho các con” (Ga 13,14). Điều xảy ra trong tối thứ Năm đó đã tóm gọn toàn bộ sứ mệnh của Chúa Giêsu. Người đã đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ. Và Người mời gọi các môn đệ cùng mọi kitô hữu hãy làm như thế.
Các môn đệ thực ra lúc bấy giờ đã không thấu hiểu ý nghĩa của việc rửa chân. Phải có thời gian để sứ điệp và gương phục vụ của Chúa Giêsu sinh hiệu quả. Cuối cùng họ nhận thấy rằng họ được kêu gọi để sống, không phải cho chính họ mà cho kẻ khác. Khi họ hiểu được sứ điệp và gương lành của Chúa Giêsu, lúc bấy giờ họ mới quấn khăn ngang hông, đổ đầy những chậu nước và rửa chân người khác nhằm mục đích phục vụ Tin Mừng.
Anh chị em thân mến,
Khi chứng kiến nghi thức rửa chân hôm nay, chúng ta hiểu biết rằng Chúa Giêsu dạy những bài học về việc phục vụ: bài học cho các môn đệ về vị thế của họ, vị thế của người tôi tớ, được sai đi để phục vụ; đồng thời nhắc nhở chúng ta hiểu rằng rửa chân là biểu tượng của phục vụ. Và phục vụ là hạnh phúc. Con người thường tìm hạnh phúc nơi việc được phục vụ. Thầy Giêsu dạy ta tìm hạnh phúc nơi việc cúi xuống đầy khiêm hạ. Hôm nay, Người vẫn hiện diện nơi những người đang cúi xuống, âm thầm và nhẹ nhàng băng bó các vết thương của tha nhân; hôm nay, Chúa Giêsu vẫn ở nơi những người cần được rửa sạch các vết thương, vết thương thể xác và tâm hồn.
Bài học cho mỗi người chúng ta khi chúng ta cúi mình rửa chân cho tha nhân, nghĩa là khi chúng ta tận tụy phục vụ và giúp đỡ tha nhân, có thể chúng ta sẽ nhìn thấy những vết sẹo, vết sần sùi và vết chai sạn của vất vả lầm than khổ cực trên đôi chân của anh chị em chúng ta. Hãy rửa chân cho tha nhân, có nghĩa là xoa dịu những vết thương của nghèo khổ và bệnh tật, của đau khổ và thất bại, của những người bị bỏ rơi, bị khinh dể và bị loại trừ. Và khi rửa chân cho tha nhân, chúng ta cũng có thể nhận ra nơi đời mình những sần sùi của tội lỗi, những vết sẹo của hận thù ganh tỵ, những dấu vết chai đá của tính ích kỷ, tham vọng và sự dửng dưng của mình trước khổ đau của tha nhân. Hãy rửa chân cho chính mình, rửa sạch những vết dơ bẩn của kiêu ngạo tự phụ, của tham vọng, đam mê và ích kỷ, của hận thù ganh tỵ, của bất nghĩa bất trung.
Và giờ đây, qua việc rửa chân cho các người đại diện của anh chị em, tôi mời gọi anh chị em hãy biết cúi mình rửa chân cho nhau, biết phục vụ lẫn nhau, biết tha thứ cho nhau, biết hòa giải và tương thân tương trợ lẫn nhau vì đây là việc làm của những người thuộc về Chúa Giêsu. “Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13, 15). Amen
Tôma NGUYỄN VĂN TRÂM
Giám mục Giáo phận Bà Rịa