PHÚC ÂM HÓA ĐỜI SỐNG CỘNG ĐOÀN
Bài nói chuyện của Đức Giám mục Giáo phận
với các Nữ tu phụ trách các hội dòng và các cộng đoàn tu sĩ
tại Đền thánh Đức Mẹ Bãi Dâu ngày 14.12.2013
Dẫn nhập
Chúng ta đang sống giữa mùa Vọng trong bối cảnh Giáo Hội vừa kết thúc Năm Đức Tin và đồng thời bước vào Năm mục vụ “Phúc-Âm-hóa đời sống gia đình” theo tinh thần Thư chung của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam ngày 10/10/2013. Trong chiều hướng đó, chúng ta cùng nhìn về cộng đoàn chúng ta đang sống như một gia đình để có thể áp dụng việc Tân phúc Âm hóa vào đời sống cộng đòan.
1. Cộng đoàn tu sĩ là một gia đình
Đời sống thánh hiến bắt nguồn từ chính Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã mời gọi những người nam và người nữ bước theo Người, sống hiệp thông với Người và lời mời gọi được họ đáp trả cách tự nguyện dấn thân theo Chúa Giêsu sống triệt để ba lời khuyên Phúc Âm: nghèo khó, khiết tịnh và vâng phục (x. Mt 8,20; Lc 9,58; VC 14; PC 1). Việc dấn thân triệt để này trước hết do sáng kiến của Chúa Cha, được Chúa Kitô mời gọi và được Chúa Thánh Thần thúc đẩy (x. VC 14), chính vì thế đời sống thánh hiến mang chiều kích Ba Ngôi, và đời sống cộng đoàn tu sĩ phải là phản ánh đời sống của “gia đình Ba Ngôi”: hiệp nhất và yêu thương.
Nếu gia đình trần thế là một cộng đoàn có cha, có mẹ và con cái làm thành một “xã hội thu nhỏ”, một “Hội Thánh tại gia” thì cộng đoàn tu sĩ theo nghĩa rộng cũng là một gia đình. Cha Thánh Phêrô Giulianô Eymard, Đấng Sáng Lập Dòng Thánh Thể, được Giáo Hội mừng kính vào ngày 02-08 hàng năm, có định hướng cộng đoàn Thánh Thể như một gia đình. Đời tu đối với cha thánh không chỉ là dâng mình cho Chúa, tuyên khấn các lời khuyên Phúc Âm, nhưng còn phải sống tinh thần cộng đoàn tu sĩ như một gia đình cách đầy đủ. Không có tinh thần cộng đoàn, tu sĩ không thể dâng hiến cuộc đời mình để phục vụ Chúa Giêsu trong bí tích tình yêu cách trọn vẹn được.
Như thế cộng đoàn tu sĩ phải là một gia đình, trong đó Chúa Giêsu tìm được một mái ấm như ở gia đình Nazareth. Và những anh chị em sống trong cộng đoàn phải coi cộng đoàn là gia đình thứ hai của mình, là gia đình thiêng liêng.
2. Phúc Âm hóa đời sống cộng đoàn
Để Phúc-Âm-hóa đời sống cộng đoàn, thiết tưởng chúng ta cũng nên trở về với định hướng của Thư chung của HĐGMVN 2013 với bốn mục tiêu: Gia đình là cộng đoàn cầu nguyện, gia đình là cộng đoàn yêu thương, gia đình là cộng đoàn phục vụ sự sống, gia đình là cộng đoàn loan báo Tin Mừng (x. Thư Chung 2013 số 6)
2.1. Cộng đoàn cầu nguyện
Trong việc cầu nguyện, nếu trước đây chúng ta thực hiện có phần máy móc, vì giờ cầu nguyện thường lặp đi lặp lại mỗi ngày, thì bây giờ chúng ta tái canh tân lại các giờ cầu nguyện trong cộng đoàn cho thật sốt sắng. Làm sao để giờ cầu nguyện của chúng ta là giờ gặp gỡ với Chúa thật sự. Tân Phúc-Âm- hóa đời sống cầu nguyện chính là xin Chúa biến đổi ta thật sự sau mỗi lần cầu nguyện. Tận hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa và sống kết hợp với Ngài, người tu sĩ dành một vị trí đặc biệt quan trọng cho việc cầu nguyện để duy trì và đào sâu mối liên hệ với Chúa. Việc cầu nguyện được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa, bằng các Giờ kinh phụng vụ đọc chung với nhau, bằng những giờ yên lặng suy gẫm, bằng những kỳ tĩnh tâm… trong đó Bí Tích Thánh Thể là trung tâm. Đặc biệt trong năm này chúng ta để ý cầu nguyện cho các gia đình, cầu nguyện cho cuộc sống gia đình được tốt đẹp, cầu nguyện cho có nhiều gia đình trở về với Chúa, cầu nguyện cho các gia đình tan vỡ được hàn gắn trở lại…và nhất là cầu nguyện cho cộng đoàn dòng tu của chúng ta trở thành một gia đình của sự cầu nguyện. Chúng ta dõi theo gương mẫu của Đức Maria, một chân dung rõ nét của đời cầu nguyện lắng nghe Lời Chúa với trọn cả con tim, đáp trả lời “Xin Vâng” vô điều kiện, cưu mang Lời Chúa trong lòng mà suy đi gẫm lại, chứng nhân của Lời Chúa, phục vụ Lời Chúa (x. Lc 1, 38-56)
2.2. Cộng đoàn yêu thương
– Yêu thương với trái tim của Chúa Giêsu
Chúng ta học cách phục vụ của Chúa Giêsu. Yêu thương với trái tim của Chúa Giêsu. Chúng ta gặp thấy trong Tin mừng Gioan: “Người đã yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian và Người yêu thương họ đến cùng. Trong bữa ăn tối, Người đứng dậy […] và bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau” (Ga 13,1-2.4-5).
Đức Chân Phước Gioan Phaolô II trong “Tông Huấn Đời Sống Thánh Hiến” đã giải thích như sau: “Trong khi rửa chân, Đức Giêsu hé cho thấy Thiên Chúa thương yêu con người đến mức độ nào : nơi Người, chính Thiên Chúa đã muốn phục vụ loài người. Đồng thời, Người mạc khải ý nghĩa của đời sống Ki-tô hữu và tất nhiên của đời thánh hiến, đó phải là một đời sống yêu thương trao hiến, một cuộc đời phục vụ cụ thể và quảng đại. Khi muốn theo chân Con Người, Đấng “đã đến không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ” (Mt 20,28), đời thánh hiến có một lịch sử thật dài, và trong những thời kỳ tốt đẹp nhất của lịch sử này, người ta quen nhận biết đời thánh hiến qua việc “rửa chân” nghĩa là qua việc phục vụ, ưu tiên cho những người nghèo khổ và thiếu thốn nhất. Nếu một bên, đời thánh hiến chiêm ngưỡng mầu nhiệm cao cả của Ngôi Lời trong lòng Chúa Cha (x. Ga 1,1) thì bên kia, đời thánh hiến cũng theo gót Ngôi Lời trong mầu nhiệm làm người (x. Ga 1,14), hạ mình để phục vụ loài người. Ngày hôm nay, những người theo Đức Ki-tô trên con đường sống các lời khuyên Phúc Âm cũng muốn đi tới nơi Người đã đi và làm điều Người đã làm” (VC 75).
Như những bậc phụ huynh có thể học các kỹ năng nuôi dạy con làm cho gia đình được hạnh phúc, các cộng đoàn cũng có thể học lắng nghe nhau với sự thấu hiểu và chấp nhận nhau, khiến cộng đoàn trở thành nơi an toàn cho mọi thành viên.
– Sống tình huynh đệ
Sống tình “huynh đệ”, tình yêu của anh chị em trong một gia đình, nâng đỡ nhau, chia sẻ cho nhau, quan tâm chăm sóc cho những người yếu đuối, cảm thông cho nhau. Như thế cộng đoàn tu sĩ hiện diện như là “gia đình Thiên Chúa” hoặc như Tông Huấn Đời Sống Thánh Hiến (Vita Consecrata) gọi là “nhà Thiên Chúa giữa lòng nhân loại”:
“Đời sống huynh đệ là một yếu tố cơ bản trong hành trình thiêng liêng của những người tận hiến, để họ tự canh tân thường xuyên và để họ hoàn tất trọn vẹn sứ mạng của họ trong thế giới. Xác tín này dựa trên những nền tảng thần học, và đã được chính kinh nghiệm củng cố. Vậy tôi khuyến khích những người tận hiến hãy nhiệt thành vun trồng đời sống huynh đệ, theo gương các Ki-tô hữu tiên khởi Giê-ru-sa-lem, chuyên cần trong việc lắng nghe giáo huấn của các Tông Đồ, cầu nguyện chung, tham dự bí tích Thánh Thể, chia sẻ của cải vật chất và thiêng liêng (x. Cv 2,42-47). Tôi đặc biệt khuyến khích các thành viên của các tu đoàn tông đồ, hãy sống cho trọn tình yêu hỗ tương, diễn tả tình yêu ấy theo cách phù hợp với bản tính của mỗi tu hội, ngõ hầu mỗi cộng đoàn là một dấu chỉ sáng ngời của thành Giê-ru-sa-lem mới, “nhà của Thiên Chúa giữa lòng nhân loại” (Kh 21,3). (VC 45)
– Sống hiệp thông
“các cộng đoàn sống đời thánh hiến, nơi mà những con người khác nhau về tuổi tác, ngôn ngữ và văn hoá lại gặp nhau như những anh em chị em, trở thành những dấu chỉ chứng minh rằng luôn luôn có thể đối thoại được với nhau, và có thể hài hoà được nhờ có hiệp thông”. (VC 51)
– Tha thứ và khoan dung với những lỗi lầm của chị em
Chúng ta được mời gọi noi gương Chúa Giêsu, “không bẻ gãy cây sậy đã gập xuống, không dập tắt tim đèn còn leo lét khói”; không nhắc lại lầm lỗi quá khứ của chị em, vì nếu cứ nhớ và nhắc lại lầm lỗi quá khứ là dập tắt niềm vui được tha thứ và biến đổi của người khác. Trái lại, quên bỏ lỗi lầm quá khứ là luôn khích lệ, cổ vũ giúp chị em lật sang một trang mới của cuộc đời, với hy vọng và tin yêu. Trong giờ kinh sáng thứ bảy tuần thứ hai thường niên chúng ta đọc thấy lời cầu:
“Nơi nào có oán ghét hận thù,
Xin giúp con xây dựng tình thương.
Nơi nào có khinh khi nhục ma,
Xin giúp con mang lại thứ tha.
Nơi nào có mâu thuẫn bất đồng,
Xin giúp con nên người hòa giải.
Nơi nào có giả dối sai lầm,
Xin giúp con rao truyền chân lý.
Nơi nào có hoài nghi ngờ vực,
Xin giúp con củng cố đức tin.
Nơi nào có nản chí sờn lòng,
Xin giúp con gieo niềm hy vọng.
Nơi nào có bóng tối mây mù,
Xin giúp con khơi nguồn ánh sáng.
Nơi nào có u sầu buồn bã,
Xin giúp con đem lại an vui.”
(Lời cầu Kinh Sáng Thứ Bảy II TN)
2.3. Cộng đoàn phục vụ sự sống
Trong cộng đoàn, sống là triển nở. Cần tôn trọng sự khác biệt của mỗi chị em. Mỗi người là một bông hoa trong vườn hồng của Chúa; mỗi người Chúa ban cho một khả năng nhất định. Giúp chị em triển nở khả năng, nhân cách của mình. Cổ võ sự tôn trọng lẫn nhau nhờ đó chúng ta chấp nhận cuộc hành trình chậm chạp của những phần tử yếu đuối hơn, đồng thời không bóp nghẹt sự phát triển những cá nhân phong phú hơn; tôn trọng nuôi dưỡng óc sáng tạo, trách nhiệm với người khác và với sự liên đới.
2.4. Cộng đoàn Loan Tin Mừng
Chúng ta có thể loan Tin Mừng bằng nhiều cách khác nhau tùy theo linh đạo của Hội Dòng và Tu Hội. Nhưng cách chung là bước theo Chúa để Chúa Giêsu biến đổi chính mình trước hết và rồi đem Chúa Giêsu vào môi trường nơi Hội Dòng, Tu Hội mình đang sống đang làm việc. Môi trường đó có thể là: trường mầm non qua việc giáo dục trẻ em, giúp những bệnh nhân, người già, giúp và nuôi dưỡng những trẻ em khuyết tật, giúp những cô gái “cơ nhỡ”[1], môi trường giáo dục và truyền thông…Như thế chúng ta đang tích cực sống chiều kích Loan Báo Tin Mừng trong cộng đoàn như Tông Huấn Vita Consecrata nói đến đóng góp đặc thù của đời thánh hiến vào việc truyền giảng Phúc Âm đó là: “Những người tận hiến có nhiệm vụ đặc biệt đóng góp vào việc Phúc Âm hoá, trước hết bằng chứng tá một cuộc đời hoàn toàn sống cho Thiên Chúa và cho anh chị em mình, bằng cách bắt chước Chúa là Đấng vì yêu thương con người đã muốn hạ mình làm kẻ nô lệ. Thật vậy, trong công trình cứu độ, tất cả đều bắt nguồn từ sự thông phần vào lòng mến của Thiên Chúa – agapê. Các người tận hiến, nhờ việc thánh hiến và việc hoàn toàn hiến mình, làm cho người khác thấy được sự hiện diện yêu thương và cứu độ của Đức Ki-tô, Đấng được Chúa Cha thánh hiến và sai đi (183). Khi để Đức Ki-tô chiếm đoạt (x. Pl 3,12) họ chuẩn bị trở thành, cách nào đó, nhân tính kéo dài của Chúa Ki-tô (184). Đời thánh hiến cho thấy cách hùng hồn rằng, càng sống trong Đức Ki-tô, người ta càng phục vụ người khác tốt hơn, sẵn sàng đi tới những tiền trạm truyền giáo và dám đương đầu với những nguy cơ lớn nhất” (VC 76).
Kết:
Như thế sống Phúc Âm Hóa trong đời sống cộng đoàn chính là nổ lực đổi mới đời sống cộng đoàn chúng ta theo tinh thần Phúc Âm, theo Lời Chúa dạy và theo gương Chúa sống. Xin Mẹ Maria là Ngôi Sao Sáng đồng hành và khẩn cầu cho chúng ta trong nổ lực Phúc Âm Hóa. Xin được trích Sứ Điệp của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới về Tân Phúc Âm Hóa để kết thúc như một lời mời gọi chúng ta trong việc Tân Phúc Âm Hóa để Loan Báo Tin Mừng cho anh chị em: “Anh chị em hãy lãnh nhận lời mời gọi dấn thân hơn nữa rao giảng Tin Mừng và làm cho Chúa Giêsu được nhận biết trong thế giới hôm nay. Chúng tôi khích lệ anh chị em gặp gỡ Ngài trong đời thường của anh chị em, lắng nghe Ngài và khám phá, qua việc cầu nguyện và suy niệm, ân sủng có thể nói : « Chúng tôi biết rằng Người nay thực sự là Đấng Cứu Độ trần gian » (Ga 4, 42)” (Sứ Điệp Tân Phúc Âm Hóa số 13).
Chữ viết tắt:
VC: Vita Consecrata, Đời sống thánh hiến
PC: Perfectae Caritatis, Đức ái trọn hảo