BÀI GIẢNG NGÀY HÀNH HƯƠNG CỦA GIỚI TRẺ GIÁO PHẬN BÀ RỊA – NGÀY 01.9.2013
Chúa Nhật 22 Thường Niên C: huấn dụ về sự khiêm tốn
Bài Tin Mừng theo Thánh Luca 14, 1.7-14 ghi lại lời huấn dụ của Chúa Giêsu về hai cách thể hiện khá phổ biến và thông dụng trong các giao tế hằng ngày. Đó là việc chọn chổ ngồi nơi đám tiệc và việc chọn khách để mời dự tiệc.
Nhìn thấy các khách dự tiệc cứ chọn chổ nhất để ngồi, Chúa Giêsu hiểu rõ tâm trạng và tham vọng của họ. Họ muốn ngồi chổ nhất để được vinh vang, tôn trọng, kính nể, để được nỗi bậc giữa những khách được mời. Thái độ nầy được biểu lộ rõ nét nơi những người biệt phái và kinh sư khi họ nới rộng thẻ kinh nối dài tay áo, thích ngồi chổ nhất trong hội đường, được chào kính ở nơi phố xá. Như thể đây là thái độ chung của những người giàu sang quyền chức thuộc mọi môi trường xã hội hôm nay cũng như hôm qua. Một miếng giữa làng hơn một sàng ở xó bếp. Chiếu trên, chiếu dưới ở đình làng ngày xưa và ngày nay, dưới nhiều hình thức, luôn có những tranh giành, thủ lợi, địa vị trên trước để có thể chiếm hữu một chỗ đứng hay một vị trí tốt trong xã hội.
Chúa Giêsu dạy: “Khi anh được mời, hãy vào ngồi chổ cuối, để người mời sẽ nói: mời ông lên chổ trên”. Mới nghe lời khuyên này, chúng ta có cảm tưởng đây chỉ là lời dạy cách ứng xử khôn khéo với một chút hàm ý không trong sáng. Chọn ngồi chỗ cuối để nếu chủ tiệc sắp xếp lại chỗ ngồi theo thứ bậc, bạn có cơ hội hãnh diện được mời lên chỗ trên. Như thế, việc ngồi chỗ cuối có thể chỉ là một giả vờ để che dấu tham vọng muốn được ngồi lên trên. Hoặc ngồi chỗ cuối chỉ là để tránh một hổ thẹn nếu bị đưa từ chổ trên xuống chổ dưới, hoặc để nhắm đến một vinh dự trước mặt các người đồng bàn khi được mời lên chổ trên.
Chúa Giêsu mời chúng ta vượt qua thói háo danh hay phô trương để sống khiêm tốn. Khiêm tốn không phải là giả vờ tự hạ để được nâng lên. Khiêm tốn không phải là mặc cảm tự ty hay lo sợ người khác chiếm phần. Khiêm tốn không phải là rụt rè, không dám nhận trách nhiệm. Khiêm tốn là biết mình đã nhận tất cả từ Chúa, và lớn lên mỗi ngày nhờ tha nhân. Người khiêm tốn không sợ chức vụ cao hay ghế nhất. Chiếc ghế không phải là mục đích họ cần chiếm được, nhưng là phương tiện để phục vụ mọi người. Người khiêm tốn không tự tìm vinh quang cho mình, họ tín thác để Thiên Chúa định liệu. Chúng ta dễ đánh giá người khác dựa trên vị trí hay chức tước của họ. Kitô hữu vẫn phải đối diện với cám dỗ của tham vọng và quyền lực. Ngấm ngầm hay lộ liễu, những tranh giành ảnh hưởng vẫn xảy ra. Trong lòng, ai cũng nghĩ mình xứng đáng hơn người khác. Gioan và Giacôbê xin mẹ mình nói với Chúa Giêsu để được ngồi bên tả bên hữu Người. Các môn đệ khác, khi nghe biết chuyện, bàn tán xì xào đến độ Chúa phải trấn an và giải thích.
Chúa Giêsu nói đến việc chọn khách để mời ăn. Người khuyên nên mời những kẻ nghèo khó, tật nguyền, những người không có gì đáp lễ, hơn là mời những người ruột thịt, thân quen hay giàu có. Người đưa chúng ta vượt qua óc tính toán vụ lợi. Chúng ta thường thích giao du với người có thế giá, có học thức, có của cải, để dễ nhờ vả khi cần.
“Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”: đây là huấn dụ về người biết tự hạ sẽ được Chúa tôn vinh. Bài ca Magnificat đã nói đến một sự đảo ngược chổ ngồi trong Nước Chúa: Chúa dẹp tan kẻ kiêu căng, hạ bệ người quyền thế, đuổi kẻ giàu sang, nhưng nâng cao kẻ khiêm nhường, ban dư đầy cho người đói (Lc 1, 51-53).
Bài giảng về các mối phúc (Lc 6, 20-26) nói lên hạnh phúc của người tự hạ sẽ tôn vinh và các mối họa của người kiêu ngạo sẽ bị hạ xuống. Phúc cho người nghèo, người đói, người khóc than. Khốn cho người giàu, người no, người được ca tụng. Dụ ngôn Ladarô và ông nhà giàu là một minh họa về điều ấy (Lc 16, 19-31). Trong câu cuối của bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng nói lên sự đảo ngược chổ ngồi khi Nước Thiên Chúa đến. “Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống. Còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (c. 11). Bị hạ xuống trong bữa tiệc, thật là điều sỉ nhục. Nhưng bị Thiên Chúa hạ xuống trong ngày sau hết thì rất bi thảm. Nỗi sỉ nhục nầy sẽ muôn đời còn mãi.
Các bạn trẻ thân mến,
Bài học được rút ra từ trích đoạn Tin Mừng mà chúng ta vừa chia sẻ, đó là: Hãy để Chúa xếp đặt cho mỗi người chúng ta một vị trí một vai trò xứng hợp. Nhờ đó chúng ta biết nâng đỡ lẫn nhau trong nhẫn nhục và bác ái, đối xử với nhau trong sự kính trọng, xa tránh mọi tìm kiếm hư danh hay khoe khoang và không giả vờ khiêm tốn. Trái lại tận tụy phục vụ mọi người như Chúa chọn gọi chúng ta rao giảng Tin Mừng Tình yêu của Người cho anh chị em chúng ta. Amen
Bà Rịa, ngày 01 tháng 9 năm 2013
+ Tôma Nguyễn Văn Trâm
Giám mục Giáo phận Bà Rịa