Bài 3:
TẠI SAO PHẢI ĐI LỄ NGÀY CHÚA NHẬT?
Dẫn nhập
Trước những lôi kéo ngày một mạnh mẽ của khuynh hướng dửng dưng tôn giáo và tục hóa trong cuộc sống đức tin hôm nay, Đức Thánh Cha Benedicto XVI tha thiết kêu gọi chúng ta chú tâm hơn nữa vào việc tham dự Thánh Lễ: “Dân Thiên Chúa được phát sinh từ cuộc Vượt Qua của Chúa Giêsu Kitô trong ngày Chúa Nhật, nên phải quay trở về với ngày này là nguồn vô tận để thấu hiểu hơn nữa về căn tính và lý do sinh tồn của mình”[1].
1. Giáo huấn của Hội Thánh
Theo truyền thống Tông đồ, bắt nguồn từ chính ngày Chúa Kitô sống lại, Hội Thánh cử hành mầu nhiệm Vượt qua vào mỗi ngày thứ tám, ngày thật đáng gọi là ngày của Chúa hay ngày Chúa Nhật. Trong ngày đó, các Kitô hữu phải họp nhau lại để cùng với việc nghe Lời Chúa và tham dự Hiến Lễ Tạ Ơn, họ kính nhớ cuộc Thương Khó, sự Sống Lại và cuộc tôn vinh của Chúa Giêsu, đồng thời cảm tạ Thiên Chúa, Đấng đã “tái sinh họ trong niềm hy vọng sống động nhờ sự Phục Sinh từ trong cõi chết của Chúa Giêsu Kitô” (1P 1,3)[2]
2. Diễn giải
Bài này được triển khai giới hạn trong 02 điểm sau:
1. Hiệp dâng Thánh lễ, đặc biệt là Thánh Lễ Chúa Nhật là ta cùng với Hội Thánh tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô Phục sinh, gặp gỡ Người và cùng Người tôn vinh Thiên Chúa[3].
1.1. Tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô Phục sinh.
Với biến cố Chúa Phục sinh vào “ngày thứ nhất trong tuần” năm ấy[4], cũng như “ngày thứ nhất trong tuần” tám ngày sau đó[5], đã làm nên Chúa Nhật, ngày của Chúa Giêsu Kitô Phục sinh. Ý nghĩa quan trọng này đã được nhìn nhận qua hơn hai ngàn năm lịch sử và đã được nhắc lại trong Công Đồng Chung Vaticanô II: Cứ mỗi bảy ngày, Hội Thánh lại cử hành mầu nhiệm Phục Sinh. Đây là một truyền thống từ thời các Tông Đồ, bắt nguồn từ chính ngày Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô. Và dạy ta tham dự Lễ Chúa Nhật để cùng với Hội Thánh tuyên xưng Chúa Giêsu Phục sinh và gặp gỡ Người[6].
Như vậy, mỗi lần hiệp dâng Thánh Lễ, đặc biệt là Lễ Chúa Nhật, Dân Lữ Hành của Chúa (tôi – chúng tôi) công bố mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Giêsu “cho tới khi Người lại đến” (1Cr 11, 26)[7].
1.2. Gặp gỡ Đức Kitô Phục sinh và cùng với Người Tôn vinh Thiên Chúa.
Hiệp dâng Thánh Lễ đặc biệt Lễ Chúa Nhật là ta đến gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô Phục sinh. Đức Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolo II dạy: “Chúa Nhật chẳng những là việc tưởng nhớ một biến cố quá khứ, mà còn là một cử hành sự hiện diện sống động của Chúa Phục Sinh giữa dân của Người”[8]. Cũng trong ý hướng này, trình thuật Tin mừng Luca nhắc tới ý nghĩa gặp gỡ của cử hành Thánh Lễ: Nhờ việc bẻ bánh, mà hai môn đệ trên đường Emmau đã nhận ra Chúa sau khi Người phục sinh[9].
Cùng với niềm hân hoan khi gặp gỡ Chúa Giêsu Phục sinh, chúng ta được mời gọi liên kết trong Người để Tôn vinh cảm tạ Thiên Chúa. Vì nhờ sự chết và sự Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô mà chúng ta được tái sinh trong niềm hy vọng sống động[10]. Chúng ta dâng lời ca ngợi, tôn vinh Thiên Chúa qua chính những lao nhọc và đau khổ, qua niềm vui và nỗi buồn, qua những gian nan thử thách, và cả những yếu đuối thất bại của phận người… như thánh Phaolo dạy trong thư gởi tín hữu Roma: “Anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa” (Rm 12,1).
2. Hiệp dâng Thánh lễ, đặc biệt là Thánh Lễ Chúa Nhật là ta đến để được nuôi dưỡng rồi ra đi loan báo Tin Mừng Cứu Độ[11].
Nhờ hiệp thông vào Mình và Máu Chúa Giêsu Kitô, chúng ta tiến vào cuộc sống mới[12]. “Thật vậy, Bí tích Thánh Thể cực thánh chứa đựng trọn vẹn nguồn ơn phúc thiêng liêng của Hội Thánh, chính là Chúa Kitô, Chiên Vượt Qua của chúng ta và bánh trường sinh trao ban sự sống cho nhân loại bằng chính Thịt của Người, Thịt bởi Chúa Thánh Thần và Thịt mang lại sự sống, nhờ đó, con người được mời gọi và sẵn sàng kết hợp với Người để hiến dâng chính mình cùng với những lao công vất vả và toàn thể tạo vật”[13].
Như thế, hiệp dâng Thánh Lễ là ta được mời gọi hãy làm cho hy lễ của Chúa Giêsu tiếp tục được thực hiện qua những hy sinh hằng ngày của người tín hữu: “Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết” (1 Cr 11, 26).
Hiệp dâng Thánh Lễ chính là để Chúa Giêsu thâm nhập vào mọi khía cạnh của con người, là để Chúa Giêsu trở nên động lực thúc đẩy mọi hành vi của đời sống “dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa” (1Cr 10,31).
Hiệp dâng Thánh Lễ chính là để Thần Khí Chúa Giêsu ngày qua ngày sẽ đổi mới con người, từ tư tưởng, tình cảm cho đến lời nói và việc làm hầu ngày càng trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu Thánh Thể: “Ai kết hiệp với Chúa thì trở nên cùng một thần trí với Ngài” (1Cr 6, 17).
Trong mối thông hiệp như thế, Đức Thánh Cha Benedicto XVI xác quyết với việc nhắc lại GLHTCG rằng: Thánh Thể “Hiến lễ của Chúa Kitô, cũng chính là hiến lễ của Hội Thánh và của mọi tín hữu”[14]. Và qua đó, người tín hữu đang góp phần loan báo Tin Mừng Cứu độ bằng chính đời sống. ĐHY F.X Nguyễn Văn Thuận đã viết trong sách Đường Hy Vọng với niềm xác tín: Người công giáo “Chúa nhật” (đi lễ vì bổn phận, đi lễ cho qua lần chiếu lệ) không đủ sức để cải tạo thế giới vật chất ngày nay. Sống Thánh Lễ là bí quyết để đem Chúa đến cho thế giới và đưa thế giới đến với Chúa[15].
3. Áp dụng
Hãy siêng năng tham dự Thánh Lễ. Đức Chân Phước Giáo hoàng Gioan Phaolo II khích lệ chúng ta:“Xin đừng sợ phải dâng cho Chúa Kitô thời giờ của anh chị em”, thời giờ dành cho việc tham dự Thánh lễ Chúa Nhật cách trọn vẹn và sốt sáng. Với niềm xác tín, Ngài nói: Thời gian được dâng cho Chúa Kitô sẽ chẳng bao giờ trở thành một thời gian bị mất mát, mà là một thời gian có lợi; nhờ đó, chúng ta được sống sung mãn thực sự[16].
Hãy siêng năng tham dự Thánh Lễ để Đức tin được tươi mới, được niềm vui và niềm phấn khởi mới nhờ được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và Bánh hằng Sống như giáo huấn của ĐGH Benedicto XVI[17]
Chuyện kể 1: Khi sang thăm Liên Bang Xô Viết[18], khi gặp các vị lãnh đạo chính quyền, Mẹ Têrêsa Calcutta xin được mở các trụ sở bác ái và các vị đó đã nhanh chóng chấp thuận. Tuy nhiên, khi ngỏ lời xin cho các Linh mục hiện diện tại những nơi đó thì các vị ấy lại tỏ ra ngần ngại. Thấy họ băn khoăn lo lắng, Mẹ Têrêsa chân thành giải thích lý do và đây cũng là niềm xác tín mà mẹ đã sống, và coi đó như một linh đạo để xây dựng hội dòng, Mẹ nói: Nguồn sức mạnh của các nữ tu chúng tôi là do Mình Thánh Chúa. Nhờ mỗi ngày được cử hành Thánh Lễ và được rước MTC nên các nữ tu chúng tôi có sức hy sinh quên mình để phục vụ những người nghèo khổ. Do đó, cần phải có Linh Mục để mỗi ngày dâng Thánh Lễ và cho chúng tôi rước lễ. Mẹ Têrêsa đã xác tín thì yêu thương phục vụ tha nhân là hoa trái của việc “sống màu nhiệm Thánh Thể”.
Chuyện kể 2: Gia đình kia, chồng chết sớm để lại người vợ trẻ và hai đứa gái nhỏ. Ít năm sau đó, người mẹ trẻ lại tái giá. Tuy nhiên, chồng mới lại là người hung dữ và rượu chè say sỉn. Những lúc ngất ngưởng với thần lưu linh, ông hành hung đánh đập con riêng của vợ thật dã man. Có những lần ông treo ngược cổ con xuống mà không một chút thương cảm… Từ đó, người chị đem lòng hận thù sâu sắc với bố dượng, ghét bỏ người mẹ đã đi lấy chồng để các con bị đọa đầy. Thời gian cứ thế mãi trôi, hai chị em lập gia đình. Sau nhiều chục năm, sự hận thù không thể tha thứ này cứ mãi đeo đuổi, người chị không hề ghé về thăm gia đình khi có công to việc nhỏ, kể cả khi cha dượng nhắm mắt ra đi, người chị vẫn nhất quyết không về dự tang lễ và cũng chẳng nhìn nhận mẹ… Ngược lại, người em lại chọn hướng sống gieo rắc tình thương yêu, tha thứ. Người em vẫn thường xuyên lui tới và chăm lo cáng đáng mọi công việc của cha mẹ. Lúc cha mẹ đã già yếu, người em cùng chồng rước mẹ già và cha dượng về nuôi. Thấy thế, chị gái phàn nàn: Mày ngu lắm, nó (gọi cha dượng) đánh dã man như đánh súc vật mà mày vẫn đâm đầu rước về nuôi… Nhưng người em nói: Hãy chọn lối sống yêu thương, chỉ có yêu thương mới xoá bỏ hận thù, chỉ có thương yêu mới làm thay lòng đổi dạ con người. Để có được lối sống yêu thương như thế, người em rất siêng năng tham dự Thánh Lễ và dự lễ thật trang nghiêm sốt sắng. Ngoài việc bản thân quý trọng và siêng năng đi lễ, người em còn khích lệ chị làm như vậy. Kết quả là sau một thời gian, người chị đã được đổi mới, đã biết thứ tha, cảm thông và sống yêu thương. Người chị đã lui tới thăm hỏi và giúp đỡ mẹ già.
4. Ghi nhớ
H. Ngày Chúa Nhật có những ý nghĩa nào? (c. 498).
T. Ngày Chúa Nhật có hai ý nghĩa này: Một là nhắc nhở việc sáng tạo mới, được thực hiện nhờ cuộc Phục sinh của Đức Kitô, vào ngày “ngày thứ nhất trong tuần”, được gọi là “ngày của Chúa”. Hai là hoàn tất ý nghĩa ngày lễ nghỉ nơi dân Do Thái, và loan báo cho con người sự nghỉ ngơi muôn đời nơi Thiên Chúa.
H. Bí tích Thánh Thể là gì? (c. 270)
T. Bí tích Thánh Thể là chính hy tế Mình và Máu Chúa Giêsu, do Chúa thiết lập để lưu tồn hy tế thập giá cho tới khi Chúa đến. Như thế, Hội Thánh được ủy thác để tưởng nhớ cái Chết và sự Phục Sinh của Người. Đây là Bí tích tình yêu, nơi chúng ta lãnh nhận Đức Kitô.
H. Bí tích Thánh Thể có ý nghĩa gì trong đời sống của Hội Thánh? (c.273)
T. Bí tích Thánh Thể là trung tâm và tột đỉnh của đời sống Hội Thánh, tức là việc Thiên Chúa thánh hóa con người và sự phụng thờ Hội Thánh dâng lên Thiên Chúa. Vì Bí tích Thánh Thể chứa đựng của cải thiêng liêng của Hội Thánh là chính Đức Kitô, diễn tả và thực hiện mối hiệp thông với Thiên Chúa và hiệp nhất với nhau, đồng thời kết hợp ta với Phụng vụ trên trời.
H. Hội Thánh đòi buộc chúng ta phải tham dự Thánh lễ khi nào? (c.287)
T. Hội Thánh đòi buộc các tín hữu phải tham dự Thánh Lễ vào các ngày Chúa nhật và các lễ buộc, đồng thời khuyên chúng ta tham dự Thánh Lễ vào các ngày khác nữa.
H. Khi nào chúng ta phải rước lễ? (c.288)
T. Hội Thánh khuyên các tín hữu nên rước lễ thường xuyên mỗi lần dâng Thánh lễ, khi có điều kiện cần thiết, và buộc phải rước lễ một năm ít là một lần trong mùa Phục sinh.
H. Phải có điều kiện nào để được rước lễ? (c.289)
T. Muốn được rước lễ phải hoàn toàn thuộc về Hội Thánh Công giáo và ý thức mình không có tội trọng. Đồng thời phải giữ chay Thánh Thể và thái độ tôn kính Đức Kitô.
H. Việc rước lễ đem lại những ơn ích nào? (c.290)
T. Ta được kết hợp mật thiết với Đức Kitô và Hội Thánh, được tẩy xóa các tội nhẹ, được lớn lên trong ân sủng và bảo đảm sự sống muôn đời.
[1] ĐGH Benedictô XVI, Thư gửi cho Đức Hồng Y Francis Arinze, Tổng Trưởng Thánh Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, ngày 27 tháng 11 năm 2006, nhân kỷ niệm lần thứ 43 ngày công bố Hiến Chế về Phụng Vụ của Công Đồng Vaticanô II (4.12.1963).
[2] CĐ VATICANÔ II, Hiến chế Phụng vụ Sacrosanctum Concilium, 106.
[3] X. GLHTCG 1112; 1193; 1359 – 1361
[4] X. Mt 28,1; Mc 16,9; Lc 24,1; Ga 20,1
[5] X. Ga 20, 26
[6]X. CĐ VATICANÔ II, Hiến chế Phụng vụ Sacrosanctum Concilium, 106; GLHTCG 1166; 1193; 2174; x. ĐGH Gioan Phaolô II, Tông thư Dies Domini, 3. 6.
[7] X. GLHTCG 1344; 1404.
[8] ĐGH Gioan Phaolô II, Tông thư Dies Domini, số 31; x. CĐ VATICANÔ II, Hiến chế Phụng vụ Sacrosanctum Concilium, 7.
[9] X. Lc 24,13-15.
[10] X. CĐ VATICANÔ II, Hiến chế Phụng vụ Sacrosanctum Concilium, 106.
[11] X. GLHTCG 1112; 1332
[12] X. GLHTCG 654.
[13] CĐ VATICANÔ II, Sắc lệnh về linh mục Presbyterorum Ordinis, 5; GLHTCG 1407.
[14] X. ĐGH Benedicto XVI, Tông huấn Sacramentum Caritatis, 70; x. GLHTCG 1368.
[15] ĐHY F.X Nguyễn Văn Thuận, Đường Hy Vọng, câu 366.
[16] X. ĐGH Gioan Phaolô II, Tông thư Dies Domini, 7.
[17] X. ĐGH Benedicto XVI, Tự sắc Porta Fidei, 70.
[18] Tên gọi cũ, chưa đổi mới của nước Nga hôm nay.