Toàn văn Sứ điệp Ngày Thế giới Bệnh nhân thứ 28
Dưới đây là toàn văn Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Ngày Thế giới Bệnh nhân thứ 28, được cử hành vào ngày lễ Đức Mẹ Lộ Đức 11-2-2020.
Anh chị em thân mến,
1. Những lời của Chúa Giêsu, “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Tôi, Tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.” (Mt 11:28) đã chỉ ra con đường mầu nhiệm của ân sủng được mặc khải cho những người đơn sơ và mang lại sức mạnh mới cho những ai rã rời mỏi mệt. Những lời này của Chúa Kitô diễn tả sự liên đới của Con Người với tất cả những ai đang đau đớn khổ sở.
Có biết bao nhiêu người đau khổ cả về thể xác lẫn tâm hồn! Chúa Giêsu kêu gọi mọi người đến bên Ngài – “ Hãy đến với Tôi!” – và Ngài hứa ban cho họ sự thoải mái và nghỉ ngơi. “Khi Chúa Giêsu nói điều này, trước mặt Ngài là những người Ngài gặp gỡ hằng ngày trên đường phố Galilê: rất nhiều người đơn sơ, nghèo khổ, bệnh tật, tội lỗi, bị gạt ra khỏi xã hội do gánh nặng của lề luật và hệ thống xã hội áp bức… Những người này luôn theo Ngài để nghe lời Ngài, là những lời mang lại hy vọng! Lời của Chúa Giêsu luôn mang lại hy vọng! “ (Buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật, ngày 6-7-2014).
Trong Ngày Quốc Tế Bệnh Nhân XXVIII này, Chúa Giêsu nhắc lại những lời ấy cho những người đau yếu, bị áp bức và nghèo khổ. Vì nhận ra rằng mình hoàn toàn phụ thuộc vào Chúa và, dưới gánh nặng của những thử thách, họ cần được chữa lành. Chúa Giêsu không đưa ra những đòi buộc cho những người đang phải gánh chịu các tình trạng khổ đau và yếu đuối, nhưng trao cho họ lòng thương xót và sự hiện diện đầy an ủi của Ngài. Ngài nhìn vào một nhân loại bị thương tổn với đôi mắt thấu suốt con tim mỗi người. Ánh mắt đó không phải là một cái nhìn thờ ơ, nhưng đón nhận mọi người trong tổng thể của họ, đón nhận mỗi người trong tình trạng sức khỏe của họ, không loại bỏ ai, nhưng mời gọi mọi người chia sẻ trong cuộc sống của Ngài và trải nghiệm tình yêu dịu dàng của Ngài.
2. Tại sao Chúa Giêsu có những cảm xúc này? Bởi vì chính Ngài đã trở nên yếu đuối, chịu đựng những đau khổ nhân sinh và nhận được sự an ủi từ Chúa Cha. Thật vậy, chỉ những người đích thân trải nghiệm đau khổ mới có thể an ủi người khác. Có rất nhiều loại đau khổ nặng nề: bệnh nan y và mãn tính, bệnh tâm lý, các tình trạng cần phục hồi chức năng hoặc chăm sóc giảm đau, vô số các dạng thức khuyết tật, những bệnh nhi và bệnh lão. Đôi khi chúng ta tiếp xúc với các bệnh nhân này mà không thể hiện sự ấm áp của tình nhân loại. Theo quan điểm chữa lành nhân bản toàn diện, cần thiết phải tiếp cận bệnh nhân, không chỉ chữa bệnh mà còn chăm sóc. Khi trải qua bệnh tật, các cá nhân không chỉ cảm thấy toàn thể thân xác của họ bị đe dọa, mà cả các quan hệ, trí tuệ, tình cảm và tinh thần của cuộc sống của họ cũng bị nguy hiểm. Vì thế, ngoài trị liệu và hỗ trợ, họ mong đợi sự chăm sóc và quan tâm. Tắt một lời là họ cần tình yêu. Bên mỗi người bệnh, còn có gia đình, và gia đình họ cũng đang đau khổ, cần được hỗ trợ và an ủi.
3. Anh chị em đang đau yếu thân mến,
Bệnh tật khiến cho anh chị em đặc biệt trở thành những người “vất vả gồng gánh nặng nề” và do đó lôi kéo cái nhìn và trái tim của Chúa Giêsu. Nơi Ngài, anh chị em sẽ tìm thấy ánh sáng để chiếu soi những khoảnh khắc đen tối nhất và tìm được niềm hy vọng làm dịu nỗi đau của anh chị em. Ngài thúc giục anh chị em: “Hãy đến với Tôi”. Nơi Ngài, anh chị em sẽ tìm thấy sức mạnh để đối mặt với tất cả những lo lắng và vấn nạn đang tấn công anh chị em trong thời khắc đen tối này của thể xác và tâm hồn. Chúa Kitô đã không cho chúng ta những toa thuốc, nhưng nhờ cuộc thương khó, cái chết và sự phục sinh của Ngài, Chúa đã giải thoát chúng ta khỏi sự kìm kẹp của cái ác.
Khi phải chịu đựng bệnh tật, anh chị em chắc chắn cần một nơi để tìm thấy sự nghỉ ngơi. Giáo Hội mong muốn ngày càng nên giống như “quán trọ” của người Samaritanô nhân hậu, là Chúa Kitô (x Lc 10:34), nghĩa là, Giáo Hội muốn trở thành một ngôi nhà, ở đó anh chị em có thể gặp được ân sủng của Ngài, được thể hiện qua sự gần gũi, đón nhận và xoa dịu. Trong ngôi nhà này, anh chị em có thể gặp được những người, đã từng được lòng thương xót của Chúa chữa lành, sẽ giúp anh chị em vác thập giá của mình và khiến cho đau khổ có thể mang đến một viễn ảnh mới cho anh chị em. Anh chị em sẽ có thể nhìn xa hơn căn bệnh của mình, để hướng đến một chân trời lớn hơn trong ánh sáng mới và sức mạnh mới cho cuộc sống của anh chị em.
Các nhân viên y tế – bác sĩ, y tá, chuyên gia y tế và hành chính, các trợ lý và tình nguyện viên – đóng vai trò then chốt trong nỗ lực mang lại sự nghỉ ngơi và đổi mới cho các anh chị em đau yếu. Nhờ chuyên môn của họ, họ có thể khiến bệnh nhân cảm thấy sự hiện diện của Chúa Kitô, Đấng an ủi và chăm sóc người bệnh, và chữa lành mọi nỗi đau. Tuy nhiên, họ cũng là những người nam nữ với những yếu đuối và thậm chí là cả bệnh tật nữa. Họ cho thấy đúng là “một khi nhận được sự yên ủi của Chúa Kitô, chúng ta được mời gọi đến lượt mình trở thành niềm ủi an cho anh chị em của chúng ta, với thái độ ngoan ngoãn và khiêm tốn khi bắt chước Thầy mình” (Buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật, ngày 06 tháng 7, 2014 ).
4. Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe thân mến, Chúng ta hãy luôn nhớ rằng các phương pháp điều trị chẩn đoán, phòng ngừa và chữa trị, nghiên cứu, chăm sóc và phục hồi chức năng luôn nhằm để phục vụ cho người bệnh; thực sự là danh từ “người” phải được ưu tiên hơn so với tính từ “bệnh”. Ước gì, trong công việc của mình, anh chị em luôn nỗ lực đề cao phẩm giá và sự sống của mỗi người, và từ chối bất kỳ sự thỏa hiệp nào theo hướng an tử, hỗ trợ tự tử hoặc bóp nghẹt sự sống, ngay cả trong trường hợp bệnh nan y.
Khi phải đối mặt với những hạn chế và thậm chí thất bại của y khoa trước các trường hợp lâm sàng ngày càng có vấn đề và những chẩn đoán ảm đạm, anh chị em được mời gọi mở lòng ra với chiều kích siêu việt là chiều kích cho thấy ý nghĩa tối thượng của ngành y.
Chúng ta hãy nhớ rằng mạng sống là thánh thiêng và thuộc về Thiên Chúa; do đó, mạng sống là bất khả xâm phạm và không ai có thể giành quyền tự do định đoạt theo ý mình (x. Tông huấn Donum Vitae, 5; Thông điệp Evangelium Vitae, 29-53). Cuộc sống phải được chào đón, bảo vệ, tôn trọng và phục vụ từ đầu đến cuối: cả lý lẽ con người và niềm tin vào Chúa – tác giả của sự sống – đều đòi hỏi điều này. Trong một số trường hợp, việc phản đối theo lương tâm trở thành một quyết định cần thiết nếu anh chị em nhất quán ủng hộ sự sống và con người. Khả năng chuyên môn của anh chị em, được đức ái Kitô giáo nâng đỡ, sẽ là sự phục vụ tốt nhất nhằm bảo vệ quyền con người đích thực, là quyền được sống. Khi anh chị em không còn có thể chữa trị những người ấy, anh chị em vẫn có thể chăm sóc và cứu chữa họ, thông qua các cử chỉ và các thủ thuật mang lại sự thoải mái và nhẹ nhõm cho người bệnh.
Đáng buồn là trong một số bối cảnh chiến tranh và xung đột bạo lực, cả các chuyên gia chăm sóc sức khỏe lẫn các cơ sở tiếp nhận và hỗ trợ người bệnh cũng bị tấn công. Ở một số khu vực cũng xảy ra trường hợp các nhà lãnh đạo chính trị cố gắng thao túng việc chăm sóc y tế vì lợi ích riêng của mình, do đó, hạn chế quyền tự chủ hợp pháp của ngành y. Tuy nhiên, việc tấn công những người cống hiến hết mình cho sự phục vụ những thành viên đau khổ trong xã hội như thế sẽ không phục vụ thiện ích của ai cả.
5. Vào Ngày Quốc Tế Bệnh nhân thứ XXVIII này, tôi nghĩ đến nhiều anh chị em của chúng ta trên khắp thế giới không được sự chăm sóc y tế vì sống trong nghèo đói. Vì lý do này, tôi kêu gọi các tổ chức chăm sóc sức khỏe và các nhà lãnh đạo chính phủ trên toàn thế giới đừng lơ là với công bằng xã hội do những thiên kiến phát sinh từ những quan tâm về tài chính.
Tôi hy vọng rằng, trong tinh thần liên đới và bổ sung, sẽ có nhiều nỗ lực cộng tác nhằm bảo đảm mọi người đều có quyền được điều trị để giữ gìn và phục hồi sức khỏe.
Tôi gửi lời cảm ơn chân thành đến tất cả những người tình nguyện phục vụ bệnh nhân, thường là để bù đắp những thiếu sót về cơ chế, đã có những hành động yêu thương và gần gũi mà phản ánh hình ảnh của Chúa Kitô, Đấng là người Samaritanô nhân hậu.
Tôi giao phó tất cả những người đang chịu gánh nặng bệnh tật, cùng với gia đình của họ và tất cả các nhân viên chăm sóc sức khỏe cho Đức Trinh Nữ Maria, Đấng là Sức khỏe của Bệnh Nhân. Tôi bảo đảm sẽ nhớ đến anh chị em trong những lời cầu nguyện của tôi, và tôi ưu ái ban Phép Lành Tòa Thánh cho anh chị em.
Làm từ Vatican, ngày 3 tháng Giêng năm 2020,
Lễ nhớ Danh Cực Thánh Chúa Giêsu
+ Giáo Hoàng Phanxicô
WGPSG chuyển ngữ