Bài Diễn Văn Của Đức Thánh Cha Phanxicô
Cho Các Tham Dự Viên Khóa Học
Do Tòa Ân Giải Tối Cao Tổ Chức
Ngày 28-03-2014
Tôi xin nói lời chào thăm đón tiếp Quý Vị trong dịp tham dự Khóa Học về Tòa Trong. Tôi xin cám ơn Đức Hồng Y Mauro Piacenza vì các lời Ngài qua đó cuộc gặp gỡ của chúng ta bắt đầu.
Từ một phần tư thế kỷ, Tòa Ân Giải Tối Cao (Paenitentiaria Apostolica) cung cấp, nhất là cho các linh mục mới và cho các phó tế, cơ hội tham dự các khóa này, để đóng góp cho việc huấn luyện các Cha Giải Tội đầy khả năng, ý thức về tầm quan trọng của tác vụ này. Tôi cám ơn vì việc phục vụ quý báu này và Tôi khích lệ Quý Vị để làm cho việc phục vụ này tiến lên về trước với sự dấn thân được canh tân, làm thành kho tàng những kinh nghiệm đã có được và với sự sáng tạo khôn ngoan, để luôn giúp Giáo Hội một cách tốt đẹp hơn và giúp các Cha Giải Tội một cách tốt đẹp hơn, khi thi hành tác vụ của lòng thương xót này, đây là một tác vụ thật quan trọng!
Vì thế, Tôi muốn cống hiến một vài suy tư sau đây.
Trước tiên Vị làm Chủ của mầu nhiệm Hòa Giải đó là Chúa Thánh Thần. Việc tha thứ mà Bí Tích ban cho, là sự sống mới, được chuyển đạt từ Đức Kitô Phục Sinh nhờ Chúa Thánh Thần: “Các con hãy lãnh nhận Chúa Thánh Thần. Các Con tha tội cho ai, thì người đó được tha; các con không tha cho ai, thì tội của họ không được tha” (Ga 20, 22-23). Vì thế, Quý Vị được mời gọi để luôn là “những người của Chúa Thánh Thần“, là các chứng tá và những người loan báo, hân hoan và mạnh mẽ, về việc sống lại của Chúa Kitô. Chứng tá này được nhận ra trên nét mặt, người ta nghe được qua tiếng nói của vị linh mục, là vị cử hành bí tích với đức tin và như với ơn “xức dầu“, Bí Tích Hòa Giải. Linh mục đón tiếp các hối nhân, không phải với thái độ của một quan án và càng không với thái độ của một người bạn bình thường, nhưng với đức ái của Thiên Chúa, với tình yêu thương của một người cha nhìn thấy người con trở về và ra đi gặp gỡ người con của mình, với thái độ của một vị mục tử biết đi tìm lại con chiên lạc. Con tim của vị linh mục là con tim biết cảm động, không theo tình cảm hoặc do sự xúc động đơn thuần, nhưng với “lòng dạ của sự thương xót” của Đức Kitô! Nếu điều này đúng, là truyền thống đã chỉ ra cho chúng ta hai vai trò của thày thuốc và quan án nơi các vị giải tội, nhưng chúng ta không bao giờ quên rằng như thày thuốc được mời gọi để chữa trị và như vị quan tòa để tha thứ.
Khía cạnh thứ hai: nếu Bí Tích Hòa Giải truyền đạt sự sống mới của Đấng Phục Sinh và canh tân ơn thánh từ Bí Tích Rửa Tội, thì nhiệm vụ của Quý Vị là ban ơn đó một cách quảng đại cho anh chị em của mình. Ban ơn thánh này. Một linh mục không chăm lo tới phần này trong tác vụ của mình, hoặc trong việc dành số lượng thời gian hoặc trong thái độ tinh thần, thì ngài như một vị mục tử không chăm lo cho đoàn chiên của mình đang lạc mất; linh mục đó như một người cha quên đi đứa con đã mất và không lưu ý chờ đợi người con đó trở về. Nhưng lòng thương xót là con tim của Phúc Âm! Đừng quên điều này: lòng thương xót là con tim của Phúc Âm! Đây là tin thật vui, là Thiên Chúa yêu thương chúng ta, Đấng luôn yêu thương con người tội lỗi, và với tình yêu thương này, Ngài lôi kéo ta đến với Mình và Ngài mời gọi họ trở về. Chúng ta đừng quên rằng các tín hữu thường cảm thấy mệt mỏi ngại ngùng khi đi xưng tội, hoặc vì lý do thực tế, hoặc vì sự khó khăn tự nhiên để xưng thú với một người khác các tội riêng của mình. Vì lý do này cần làm việc nhiều trên chính chúng ta, trên bản tính nhân loại của chúng ta, để không bao giờ chúng ta là cản trở, không khích lệ con người đến gần lòng thương xót và sự tha thứ. Nhưng, có biết bao nhiêu lần xẩy ra, là một người đến và nói: “Con chưa xưng tội từ nhiều năm, con đã bỏ xưng tội vì con không tìm được một linh mục và và họ đã nói với tôi điều này”, và người ta thấy có sự không khôn ngoan, thiếu tình yêu mục vụ, như trong cây truyện vừa kể ra. Và người ta bỏ đi xa, vì kinh nghiệm xấu trong Tòa Giải Tội. Nếu có thái độ của người cha, đến từ lòng tốt của Thiên Chúa, thì điều này không bao giờ xảy ra.
Cần làm sao tránh khỏi hai thái cực đối ngược nhau này: sự cứng nhắc và sự rộng quá. Không thái độ nào trong hai thái độ này đem lại điều tốt, bởi vì trong thực tế người ta không gánh lấy gánh nặng của hối nhân. Trái lại, lòng thương xót lắng nghe với con tim của Thiên Chúa và muốn tháp tùng các linh hồn trong hành trình hòa giải. Việc xưng tội không phải là một tòa án kết tội, nhưng kinh nghiệm về sự tha thứ và lòng thương xót!
Sau cùng, tất cả chúng ta biết các khó khăn thường mà Việc Giải Tội gặp phải. Có rất nhiều lý do, hoặc về mặt lịch sử, hoặc về mặt thiêng liêng. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng Đức Kitô muốn trao ban ơn huệ lớn lao này cho Giáo Hội, khi cống hiến cho các người đã chịu Rửa Tội, cảm nghiệm chắc chắn về ơn tha thứ của Chúa Cha.
Vì điều vùa nói trên, nên thật quan trọng là, trong tất cả mọi giáo phận và trong các cộng đoàn giáo xứ, người ta cần lưu ý đặc biệt tới việc cử hành Bí Tích này, Bí Tích của sự tha thứ và của ơn cứu rỗi, Thật là điều tốt là trong mỗi giáo xứ, người ta biết khi nào giáo dân có thể tìm được các linh mục sẵn sàng ngồi tòa: khi có sự trung thành này, người ta sẽ thấy ngay hiệu quả. Điều này có giá trị một cách đặc biệt nơi các nhà thờ được trao cho Các Cộng đoàn tu sĩ, làm sao có thể bảo đảm một sự hiện diện liên tục các cha giải tội.
Nơi Đức Trinh Nữ, Mẹ Nhân Lành, chúng ta trao phó tác vụ của các linh mục, và mỗi cộng đoàn Kitô, chọ Mẹ, để chúng ta luôn hiểu thêm hơn nữa giá trị của Bí Tích Giải Tội. Tôi trao phó cho Mẹ của chúng ta tất cả Quý Vị và Tôi vui lòng ban Phép Lành cho Quý Vị.
(Dịch theo nguyên bản tiếng Ý do Phòng Báo Chí Tòa Thánh phổ biến ngày 28-03-2014. Linh mục Phanxicô Borgia Trần Văn Khả, ngày 28-03-2014.)
Nguồn: WGPSG