KHOA HỌC CỦA TÌNH YÊU THẦN LINH
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II
Tuyên Nhận Thánh Nữ Thérèse Hài Đồng Giêsu là Tiến Sĩ Hội Thánh
1.
KHOA HỌC CỦA TÌNH YÊU THẦN LINH, một khoa học được Vị Cha của nguồn xót thương tuôn đổ qua Chúa Giêsu Kitô trong Thánh Thần, là một tặng ân được ban cho thành phần bé mọn và khiêm hạ để họ hiểu biết và loan báo những bí mật của vương quốc được che giấu khỏi thành phần thức giả và thành phần khôn ngoan; đó là lý do Chúa Giêsu đã hân hoan trong Thánh Thần, dâng lời ca ngợi Cha là Đấng đã ưu ái muốn như thế (cf Lk 10:21-22; Mt 11:25-26).
Mẹ Giáo Hội cũng hân hoan nhận thấy rằng trải suốt giòng lịch sử, Chúa đã tiếp tục tỏ mình ra cho thành phần bé mọn và thành phần khiêm hạ, giúp những ai được Người tuyển chọn, nhờ Thần Linh là Đấng “thấu suốt mọi sự, thậm chí thâm cung của Thiên Chúa” (1Cor 2:10), có thể nói về những tặng ân “được ban Thiên Chúa ban xuống trên chúng ta … bằng những lời lẽ không do cái khôn ngoan của con người mà do Thần Linh dạy dỗ, giải thích những chân lý thiêng liêng bằng ngôn từ thiêng liêng” (1Cor 2:12,13). Nhờ đó, Thánh Thần hướng dẫn Giáo Hội vào tất cả sự thật, phú bẩm cho Giáo Hội những tặng ân khác nhau, trang điểm Giáo Hội bằng những hoa trái của Ngài, làm tươi trẻ Giáo Hội bằng quyền năng của Phúc Âm và giúp Giáo Hội có thể nhận thức được các dấu chỉ thời đại để đáp ứng ý Chúa cách trọn vẹn hơn (cf. Lumen gentium, nn. 4, 12; Gaudium et spes, n. 4).
Sáng chói trong số những kẻ bé mọn được tỏ cho biết những bí mật Nước Trời một cách đặc biệt là Chị Thérèse Hài Đồng Giêsu và Thánh Nhan, một đan nữ tu tuyên khấn của Dòng Carmêlô Chân Không, vị năm nay kỷ niệm 100 năm về quê hương thiên đình.
Trong đời sống của mình, Chị Thérèse đã khám phá thấy “những ánh sáng mới, những ý nghĩa kín đáo và mầu nhiệm” (Ms A, 83v) và đã lãnh nhận từ vị Thày thần linh “khoa học yêu thương” được chị bấy giờ diễn đạt một cách đặc biệt sáng tạo nơi các bản văn của mình (cf. Ms B, 1r). Khoa học này là những gì thể hiện một cách rạng ngời cho thấy kiến thức của chị về mầu nhiệm Nước Trời cũng như về cảm nghiệm riêng tư của chị về ân sủng. Có thể coi khoa học này là một đặc sủng về đức khôn ngoan Phúc Âm mà Chị Thérèse, như các vị thánh và thày dạy đức tin khác, có được trong nguyện cầu (cf. Ms C, 36r·).
2.
Việc tiếp nhận trước gương mẫu về đời sống và giáo huấn Phúc Âm của chị trong thế kỷ của chúng ta là những gì xẩy ra mau chóng, toàn cầu và liên tục. Như để noi gương bắt chước mức độ chín mùi thiêng liêng sớm phát triển của chị, trong vòng có ít năm Giáo Hội đã công nhận thánh đức của chị. Thật vậy, vào ngày 10/6/1914, Đức Piô X đã ký sắc lệnh cho tiến hành việc phong chân phước cho chị; vào ngày 14/8/1921, Đức Biển Đức XV đã tuyên bố những nhân đức anh hùng của Người Tôi Tớ Chúa, nhân dịp này nói về con đường thơ ấu thiêng liêng; và Đức Piô XI công bố chị là chân phước vào ngày 29/4/1923. Sau đó ít lâu, vào ngày 17/5/1925, cũng vị Giáo Hoàng này phong thánh cho chị trước một đám đông cả thể ở Đền Thờ Thánh Phêrô, đề cao những nhân đức sáng ngời của chị và tính chất sáng tạo nơi giáo huấn của chị. Hai năm sau, vào ngày 14/12/1927, để đáp ứng thỉnh nguyện của nhiều vị Giám Mục thừa sai, ngài đã công bố chị là quan thày của việc truyền giáo cùng với Thánh Phanxicô Xaviê.
Mở màn bằng những tác động công nhận này, ánh quang rạng ngời thiêng liêng của Chị Thérèse Hài Đồng Giêsu đã gia tăng trong Giáo Hội và lan ttràn khắp thế giới. Nhiều tổ chức sống đời tận hiến và các phong trào trong giáo hội, nhất là nơi những Giáo Hội trẻ trung, đã chọn chị làm quan thày và thày dạy, lấy hứng từ giáo huấn thiêng liêng của chị. Sứ điệp của chị, thường được tóm gọn lại thành những gì được gọi là “con đường bé nhỏ”, một con đường không là gì khác ngoài con đường thánh thiện của Phúc Âm đối với tất cả mọi người, đã được học hỏi nghiên cứu bởi các thần học gia và chuyên viên về tu đức. Các vương cung thánh đường, các đền thờ, các đền thánh và các nhà thờ trên khắp thế giới đã được xây cất và cung hiến cho Chúa dưới sự bảo trợ của vị Thánh thành Lisieux này. Giáo Hội Công Giáo tôn kính chị qua những nghi lễ Đông phương và Tây phương khác nhau. Nhiều tín hữu đã cảm thấy được quyền năng chuyển cầu của chị. Nhiều người trong số được kêu gọi sống thừa tác vụ linh mục hay đời tận hiến, nhất là ở các xứ truyền giáo và tu viện, qui ơn Chúa kêu gọi họ cho việc chuyển cầu và gương sống của chị.
3.
Các vị Mục Tử của Giáo Hội, bắt đầu với các vị tiền nhiệm của tôi là các Vị Giáo Hoàng của thế kỷ này, những vị nêu gương thánh đức của chị cho tất cả mọi người, cũng nhấn mạnh là Chị Thérèse là thày dạy của đời sống thiêng liêng bằng một giáo huấn vừa thiêng liêng vừa sâu xa được chị rút tỉa từ Phúc Âm theo sự hướng dẫn của vị Sư Phụ thần linh và rồi truyền đạt cho anh chị em mình trong Giáo Hội một cách hiệu nghiệm nhất (cf. Ms B, 2v-3).
Giáo huấn thiêng liêng này đã được thông đạt cho chúng ta chính yếu qua cuốn tự truyện của chị, một tác phẩm bao gồm 3 bản thảo được chị viết vào những năm cuối đời của chị và được phát hành một năm sau khi chị qua đời với tên gọi là Histoire d’une âme – Truyện Một Tâm Hồn (Lisieux 1898), đã khơi lên một niềm hứng khởi phi thường mãi cho tới thời của chúng ta đây. Cuốn tự truyện này, được chuyển dịch cùng với những bản văn khác của chị sang 50 ngôn ngữ, đã làm cho Chị Thérèse được biết đến ở hết mọi nơi trên thế giới, thậm chí cả ở ngoài Giáo Hội Công Giáo. Một thế kỷ sau khi qua đời, Chị Thérèse Hài Đồng Giêsu vẫn tiếp tục được công nhận như là một trong những vị đại sư của đời sống thiêng liêng trong thời đại của chúng ta.
4.
Bởi thế không lạ gì Tòa Thánh đã nhận được nhiều thỉnh nguyện xin ban cho chị tước hiệu Tiến Sĩ của Hội Thánh Toàn Cầu.
Trong những năm gần đây, nhất là nhân dịp may gần tới ngày kỷ niệm bách niên đầu tiên sau cái chết của chị này, những yêu cầu ấy càng ngày càng nhiều hơn nữa, bao gồm cả phía những Hội Đồng Giám Mục; ngoài ra còn có những hội nghị học hỏi cũng được tổ chức và nhiều sách vở viết ra cho thấy Chị Thérèse Hài Đồng Giêsu đã có được một sự khôn ngoan phi thường và qua giáo huấn của mình chị đã giúp cho rất nhiều con người nam nữ thuộc mọi bậc sống nhận biết và yêu mến Chúa Giêsu Kitô và Phúc Âm của Người.
Trước những sự kiện ấy, tôi đã quyết cẩn thận nghiên cứu xem vị Thánh thành Lisieux này có những điều kiện tiên quyết nào chăng để được ban tặng tước hiệu Tiến Sĩ của Giáo Hội Hoàn Vũ.
5.
Theo chiều hướng ấy, tôi muốn vắn tắt nhắc lại một số biến cố trong đời sống của Chị Thérèse Hài Đồng Giêsu. Được sinh ra ở Alencon, Pháp quốc, ngày 2/1/1873, chị được rửa tội hai ngày sau đó ở Nhà Thờ Đức Bà, lãnh nhận tên Marie-Francoise-Thérèse. Cha mẹ chị là Louis Martin và Zélie Guérin, những vị được tôi mới công nhận các nhân đức anh hùng. Sau khi mẹ qua đời ngày 28/8/1877, Thérèse cùng với cả gia đình di chuyển tới thành phố Lisieux là nơi được cha và các chị quí thương, chị đã được giáo dục cách gắt gao nhưng đầy dịu dàng.
Vào cuối năm 1879 chị lãnh nhận bí tích Thống Hối lần đầu tiên. Vào Lễ Hiện Xuống năm 1883 chị đã được một ơn lạ là ơn được chữa lành chứng bệnh trầm trọng nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ Thắng Trận. Được giáo dục bởi các tu sĩ Dòng Biển Đức ở Lisieux, chị đã được Rước Lễ Lần Đầu vào ngày 8/5/1884, sau một cuộc sửa soạn thiết tha cho đến độ có được một cảm nghiệm ngoại thường về ân sủng hiệp nhất thân mật với Chúa Giêsu. Sau đó mấy tuần, vào ngày 14/6 cùng năm, chị đã lãnh nhận bí tích Thêm Sức với ý thức sống động về những gì tặng ân Thánh Linh cho chị được thông phần vào ân huệ Hiện Xuống. Vào Lễ Giáng Sinh 1886, chị có được một cảm nghiệm linh thiêng sâu xa được chị diễn tả là một “cuộc hoán cải toàn vẹn”. Từ đó, chị chế ngự nỗi yếu hèn về cảm xúc gây ra bởi việc mất mẹ và bắt đầu “chạy như một con người lực lưỡng“ trên con đường nên hoàn thiện (cf. Ms A, 44v45v).
Chị Thérèse muốn theo đuổi đời sống chiêm niệm, như các chị của mình là Pauline và Marie ở Dòng Carmelô thành Lisieux, thế nhưng không được vì tuổi trẻ của chị. Trong cuộc hành hương tới Ý quốc, sau khi thăm viếng Nhà Thánh Loretto và những nơi chốn của Thành Đô Muôn Thuở, trong cuộc triều kiến với Đức Giáo Hoàng của tín hữu thuộc Giáo Phận Lisieux vào ngày 20/11/1887, chị đã bạo dạn theo tình con thảo xin Đức Lêô XIII được phép vào Dòng Carmêlô năm 15 tuổi.
Vào ngày 9/4/1888 chị đã vào Dòng Carmêlô ở Lisieux, nơi chị đã lãnh nhận áo dòng trong Dòng Đức Trinh Nữ nào vào ngày 10/1 năm sau đó và tuyên khấn vào ngày 8/9/1890, lễ Sinh Nhật Trinh Nữ Maria. Ở Dòng Carmêlô, chị đã theo đuổi con đường nên trọn lành được phác họa bởi Mẹ Sáng Lập là Thánh Teresa của Chúa Giêsu, bằng một nhiệt tình và lòng trung thành chân thực trong việc chu toàn các công việc khác nhau của cộng đồng được trao phó cho chị. Được soi sáng bởi Lời Chúa, nhất là bị thử thách trước bệnh tật yếu đau nơi người cha yêu dấu của mình là Martin Louis, người đã qua đời ngày 29/7/1894, Chị Thérèse lao mình tiến bước trên con đường thánh đức, nhấn mạnh đến tính chất chính yếu của tình yêu. Chị đã khám phá ra và truyền đạt cho các tập sinh thuộc phần chăm sóc của chị con đường nhỏ thơ ấu thiêng liêng là con đường nhờ đó chị càng ngày càng tiến sâu vào mầu nhiệm Giáo Hội, và được tình yêu Chúa Kitô lôi kéo, chị cảm thấy trong mình ơn gọi tông đồ và truyền giáo thôi thúc chị mang hết mọi người cùng với chị đến gặp gỡ Vị Quân Phu thần linh này.
Vào ngày 9/6/1895, lễ Chúa Ba Ngôi, chị dâng mình làm vật hy tế cho Tình Yêu nhân hậu của Thiên Chúa. Vào ngày 3/4 năm sau đó, nửa đêm Thứ Năm Tuần Thánh rạng Thứ Sáu Tuần Thánh, chị nhận thấy những triệu chứng đầu tiên về cơn bệnh sẽ đưa chị đến chỗ chết. Chị Thérèse đón nhận nó như là cuộc viếng thăm huyền nhiệm của Vị Phu Quân thần linh. Đồng thời chị trải qua một cơn thử thách về đức tin kéo dài cho tới khi chị qua đời. Vì sức khỏe của chị càng ngày càng suy yếu, chị được chuyển đến bệnh xá ngày 8/7/1897. Các chị của chị và những tu sĩ khác tập trung các lời nói của chị, trong khi đó những khổ đau và thử thách của chị, được chịu đựng cách nhẫn nại, cứ gia tăng cho tới khi chị qua đời vào chiều ngày 30/9/1897. Chị đã viết cho một trong những người anh em thiêng liêng của chị là Cha Bellière (Thư 244) là “Con không chết đi, con đang đi vào cõi sống”. Những lời nói cuối cùng của chị, “Chúa Trời con ơi, con yêu mến Chúa”, là dấu ấn của cuộc sống chị.
6.
Chị Thérèse Hài đồng Giêsu đã lưu lại cho chúng ta những bản văn đáng coi chị là thày dạy đời sống thiêng liêng. Tác phẩm chính của chị vẫn là truyện kể về đời chị ở trong ba bản viết tay tự truyện (Manuscrits autobiographiques A, B, C), đầu tiên được xuất bản với tên gọi chẳng mấy chốc trở thành nổi tiếng là “Truyện Một Tâm Hồn”.
Trong Bản Thảo A, được viết theo lời yêu cầu của chị Agnes Giêsu, vị bấy giờ là Đan Viện Trưởng của đan viện ấy, và được trao cho người chị này vào ngày 21/1/1896, Chị Thérèse đã diễn tả những giai đoạn về kinh nghiệm tu trì của mình: những năm đầu tiên của thời thơ ấu, nhất là thời điểm Rước Lễ Lần Đầu và Thêm Sức của chị, thời thanh thiếu niên, cho tới khi chị vào Dòng Carmêlô và khấn lần đầu.
Bản Thảo B, được viết trong cuộc tĩnh tâm của chị trong năm đó theo lời yêu cầu của chị Marie Thánh Tâm, chất chứa một số đoạn hay nhất, nổi tiếng nhất và thường được trích dẫn nhất từ vị Thánh thành Lisieux này. Những đoạn này cho thấy tầm mức hoàn toàn trưởng thành của vị Thánh khi chị nói về ơn gọi của chị trong Giáo Hội là Phu Thê của Chúa Kitô và là Mẹ của các linh hồn.
Bản Thảo C, được viết vào Tháng 6 và những ngày đầu tháng 7 năm 1897, một ít tháng trước khi chị qua đời và giành cho Đan Viện trưởng Marie de Gonzague, vị đã yêu cầu viết ra, hoàn tất những hồi tưởng ở Bản Thảo A về đời sống trong Dòng Carmêlô. Những trang này cho thấy sự khôn ngoan siêu nhiên của tác giả. Chị Thérèse thuật lại một số cảm nghiệm tuyệt vời xẩy ra trong giai đoạn cuối đời của chị. Chị giành những trang cảm kích này cho cuộc thử thách đức tin của chị: một ơn thanh tẩy nhận chìm chị vào một đêm tối tăm lâu dài và đau đớn, một đêm tối được chiếu soi bởi lòng tin tưởng của chị vào tình yêu thương nhân hậu cha con của Thiên Chúa. Một lần nữa, không cần tự lập lại, Chị Thérèse làm cho ánh sáng của Phúc Âm rạng ngời chiếu tỏa. Ở đây chúng ta thấy được những trang tuyệt vời nhất chị đã viết về việc tin tưởng phó mình vào bàn tay của Thiên Chúa, về mối hiệp nhất giữa tình yêu mến Thiên Chúa và tình yêu thương tha nhân, về ơn gọi truyền giáo của chị trong Giáo Hội.
Trong ba bản thảo khác nhau này, những bản thảo qui tụ lại thành một mối hiệp nhất về chủ đề và thành một diễn giải gia tăng về đời sống và linh đạo của mình, Chị Thérèse đã lưu lại cho chúng ta một tự thuật nguyên thủy là câu truyện về tâm hồn của chị. Nó cho thấy nơi đời sống của chị Thiên Chúa đã cống hiến cho thế giới một sứ điệp rõ ràng, nói lên đường lối Phúc Âm, đó là “con đường bé nhỏ”, một con đường mà hết mọi người có thể thực hiện, vì hết mọi người đều được kêu gọi nên thánh.
Trong 266 bức thư chúng ta có được, ngỏ cùng các phần tử gia đình, cùng thành phần nữ tu và “những người anh” thừa sai, Chị Thérèse chia sẻ sự khôn ngoan của chị, khai triển một giáo huấn thực sự là một thứ thực hành sâu xa trong việc hướng dẫn thiêng liêng cho các linh hồn.
Các bản văn của chị cũng bao gồm 54 Bài Thơ, một số có một chiều sâu về thần học và tu đức rất nhiều theo cảm hứng Thánh Kinh. Đáng được đề cập tới là Cuộc Sống Yêu Thương-Vivre d’Amour!… (bài 17) và Ôi Maria, Tại Sao Con Mến Mẹ – Pourquoi je t’aime, ơ Marie! (bài 54), một tổng hợp độc đáo về cuộc hành trình của Trinh Nữ Maria theo Phúc Âm. Trong thành phần tác phẩm văn chương này còn có 8 Récréations pieuses, tức những sáng tác về thi ca và kịch nghệ được cưu mang và thực hiện bởi vị Thánh này cho cộng đồng của chị vào một số ngày lễ theo truyền thống của Dòng Carmêlô. Trong số những bản văn này cần phải đề cập tới một loạt 21 Prières. Chúng ta cũng không thể nào quên được tuyển tập về tất cả những gì chị nói vào những tháng cuối đời của chị. Những lời nói này, có mấy ấn bản, được biết như là Novissima verba, cũng được đặt cho tên gọi là Derniers Entretiens.
7.
Từ việc nghiên cứu kỹ lưỡng các bản văn của Thánh Thérèse Hài Đồng Giêsu và từ tiếng vang chúng gây ra trong Giáo Hội, có thể nhận định thấy những khía cạnh nổi bật từ “giáo huấn xuất chúng” của chị, một giáo huấn là yếu tố chính yếu cho việc tặng ban tước hiệu Tiến Sĩ của Giáo Hội.
Trước hết, chúng ta thấy được một đặc sủng khôn ngoan. Người nữ tu Carmêlô trẻ này, không hề được học hành đặc biệt về thần học, nhưng được soi sáng bởi ánh sáng Phúc Âm, cảm thấy chị được vị Sư Phụ thần linh dạy dỗ, Vị như chị nói, là “Tiến Sĩ trên hết các Tiến Sĩ” (Ms A, 83v), và từ Người chị lãnh nhận “giáo huấn thần linh” (Ms B, 1r). Chị cảm thấy rằng những lời của Thánh Kinh được nên trọn nơi chị: “Ai là kẻ nhỏ bé hãy đến với Ta… Vì đối với ai bé mọn thì tình thương sẽ được chứng tỏ” (Ms B, 1v; cf Prv 9:4; Wis 6:6), và chị biết rằng chị được chỉ dẫn sống theo khoa học yêu thương, một khoa học được giấu đi trước thành phần khôn ngoan khéo léo, một khoa học được Vị Sư Phụ thần linh đoái thương tỏ ra cho chị như cho những thơ nhi (Ms A, 49r; cf. Lk 10:21-22).
Đức Piô XI, vị đã coi Chị Thérèse Hài Đồng Giêsu là “Tinh Tú của giáo triều ngài”, đã không ngần ngại chủ trương trong bài giảng của ngài trong ngày tuyên phong hiển thánh cho chị, 17/5/1925: “Thần chân lý đã cởi mở và làm cho chị biết những gì Ngài thường giấu thành phần khôn ngoan khéo léo và tỏ ra cho những kẻ bé mọn; bởi thế mà chị đã hoan hưởng kiến thức về những sự thuộc thượng giới – như Vị Tiền Nhiệm vừa qua của Ta chứng thực – đến nỗi chị tỏ cho mọi người khác thấy được con đường cứu độ chắc chắn” (AAS 17 [1925], p. 213).
Giáo huấn của chị chẳng những am hợp với Thánh Kinh và đức tin Công giáo, mà còn là những gì trổi vượt (“eminet”) về chiều sâu và cái tổng hợp khôn ngoan nó đạt được. Giáo huấn của chị cùng một lúc là lời tuyên xưng đức tin của Giáo Hội, là một cảm nghiệm về mầu nhiệm Kitô giáo và là một đường lối nên thánh. Chị Thérèse cống hiến một tổng hợp chín mùi về linh đạo Kitô giáo: Chị tổng hợp thần học và đời sống thiêng liêng; chị cho thấy mình có một sức mạnh và thẩm quyền, một khả năng lớn lao trong việc thuyết phục và thông đạt, như được chứng tỏ nơi việc tiếp nhận và phổ biến sứ điệp của chị trong Dân Chúa.
Giáo huấn của Chị Thérèse cho thấy, bằng sự gắn bó và mối hiệp nhất hòa hợp, những tín điều của đức tin Kitô giáo như là một giáo huấn của chân lý và là một cảm nghiệm của đời sống. Về vấn đề này không được quên là việc hiểu biết về kho tàng đức tin được các Vị Tông Đồ chuyển đạt, như Công Đồng Chung Vaticanô II dạy, đạt được tiến bộ trong Giáo Hội nhờ ơn trợ giúp của Thánh Linh: “Có sự gia tăng về minh thức ở những thực tại và lời nói được truyền đạt… nhờ việc chiêm niệm và học hỏi của tín hữu là thành phần ngẫm suy những điều ấy trong lòng mình (cf. Lk 2:19 và 51). Việc phát triển này xuất phát từ cảm quan sâu xa về những thực tại thiêng liêng họ cảm nghiệm được. Và nó xuất phát từ việc giảng dạy của những ai đã lãnh nhận, cùng với quyền thừa kế trong hàng giáo phẩm, đặc sủng vững chắc về chân lý” (Dei Verbum, n. 8).
Trong các bản văn của Chị Thérèse thành Lisieux, chúng ta có lẽ không thấy, như nơi các vị Tiến Sĩ khác, một trình bày uyên bác về những điều liên quan tới Thiên Chúa, nhưng chúng ta có thể nhận thấy được một chứng từ sáng ngời về đức tin, một đức tin, khi chấp nhận bằng lòng yêu mến tin tưởng việc hạ cố và cứu độ xót thương của Thiên Chúa nơi Chúa Kitô, tỏ ra cho thấy mầu nhiệm và thánh đức của Giáo Hội.
Bởi thế, chúng ta có thể chính đáng nhận thấy nơi vị Thánh thành Lisieux này đặc sủng của một Tiến Sĩ Giáo Hội, vị tặng ân Thánh Linh chị đã lãnh nhận để sống và thể hiện cảm nghiệm đức tin của chị, và vì kiến thức đặc biệt của chị về mầu nhiệm Chúa Kitô. Nơi chị thấy được những tặng ân của luật mới, tức là ân sủng Thánh Linh, Đấng tỏ mình ra nơi đức tin sống động tác hành qua đức bác ái (cf. St Thomas Aquinas, Summa Theol., I-II, q. 106, art. 1; q. 108, art. 1).
Chúng ta có thể áp dụng vào Chị Thérèse những gì được vị Tiền Nhiệm Phaolô VI của tôi nói về một vị Thánh trẻ khác và là Tiến Sĩ của Giáo Hội, đó là Thánh Catherine thành Siena: “Cái tác động chúng ta nhất về vị Thánh này đó là sự khôn ngoan thâm sâu của chị, tức là, tình trạng chị thấm nhiễm thấu suốt, sâu xa và say mê những chân lý thần linh và các mầu nhiệm đức tin… Việc đồng hóa này chắc chắn là một ân huệ của những tặng ân thiên phú đặc biệt nhất, nhưng cũng là những gì kỳ diệu hiển nhiên do bởi đặc sủng khôn ngoan của Thánh Linh” (AAS 62 [1970], p. 675).
8.
Với giáo huấn chuyên biệt và kiểu cách không thể sai lầm của mình, Chị Thérèse xuất hiện như là một vị thày đích thực dạy đức tin và đời sống Kitô giáo. Trong các bản văn của chị, như được các Đức Thánh Cha nói tới, có sự hiện diện ban sự sống của truyền thống Công giáo là truyền thống dồi dào phong phú, như Công Đồng Chung Vaticanô II lại nói, “được tuôn ra nơi việc thực hành và đời sống của Giáo Hội, nơi niềm tin tưởng và việc nguyện cầu của Giáo Hội” (Dei Verbum, 8).
Nếu lưu ý tới thể loại văn chương, tương xứng với học vấn và văn hóa của chị, và nếu thẩm định theo những hoàn cảnh đặc biệt của thời đại chị sống, thì giáo huấn của Chị Thérèse thành Lisieux cho thấy một cách hòa hợp thiên định với truyền thống chân thực nhất của Giáo Hội, cả về việc giáo huấn của chị tuyên xưng đức tin Công giáo cũng như việc giáo huấn của chị phát động một đời sống thiêng liêng chân thực nhất, một đời sống thiêng liêng được trình bày cho tất cả mọi tín hữu hiểu bằng một ngôn từ sống động khả đạt.
Chị đã làm cho Phúc Âm chiếu rọi một cách thu hút trong thời đại của chúng ta đây; chị đã có sự mệnh làm cho Giáo Hội là Nhiệm Thể của Chúa Kitô được nhận biết và yêu mến; chị đã giúp vào việc chữa lành những linh hồn khắc khổ và sợ hãi của Bè Rối Jansenism chủ trương nhấn mạnh tới phép công thẳng của Thiên Chúa hơn là lòng thương xót thần linh. Nơi tình thương của Thiên Chúa chị đã chiêm ngắm và tôn thờ tất cả mọi thiện hảo thần linh, vì “cho dù đức công minh của Ngài (và có lẽ còn hơn cả các thiện hảo khác nữa) đối với con dường như được mặc lấy tình yêu” (Ms A, 83v). Bởi vậy, chị đã trở nên hình ảnh sống động của Vị Thiên Chúa, Đấng, theo lời nguyện cầu của Giáo Hội, “cho thấy quyền toàn năng của mình nơi tình thương và việc thứ tha của Ngài” (cf Sách Lễ Rôma, lời nguyện mở đầu, Chúa Nhật 26 Thường Niên).
Cho dù Chị Thérèse không có một hệ thống giáo huấn thực sự và thích đáng, nhưng cái đặc biệt rạng ngời về giáo huấn tỏa ra từ các bản văn của chị, những bản văn, như thể được đặc sủng của Thánh Linh, đã nắm bắt được chính cốt lõi của sứ điệp Mạc Khải bằng một nhãn quan mới mẻ độc đáo, cho thấy một giáo huấn mang một phẩm chất xuất chúng.
Cốt lõi sứ điệp của chị thực sự là chính mầu nhiệm Thiên Chúa Tình Yêu, về Vị Thiên Chúa Ba Ngôi, vô cùng trọn hảo nơi bản thân mình. Nếu cảm nghiệm thiêng liêng chân thực của Kitô giáo cần phải am hợp với những chân lý mạc khải, trong đó Thiên Chúa thông đạt bản thân mình ra cùng với mầu nhiệm ý muốn của Ngài (cf. Dei Verbum, 20, thì phải nói rằng Chị Thérèse đã cảm nghiệm được mạc khải thần linh, đến nỗi chiêm ngắm được những chân lý sâu xa của đức tin chúng ta được liên kết trong mầu nhiệm sự sống Ba Ngôi. Ở tột đỉnh, như nguồn mạch và đích điểm, là tình yêu nhân hậu của ba Ngôi Thần Linh, như chị diễn tả như thế, nhất là trong Lời Nguyện Hiến Tế cho Tình Yêu Nhân Hậu. Ở gốc rễ, về phía chủ thể, đó là cảm nghiệm được là con cái thừa nhận của Chúa Cha trong Chúa Giêsu; đó là ý nghĩa đích thực nhất của vai trò con cái thiêng liêng, tức là cảm nghiệm về tình nghĩa con cái thần linh, theo tác động của Thánh Thần. Cũng ở tận căn gốc, và đứng trước chúng ta, đó là tha nhân của chúng ta, là những người khác, mà vì phần rỗi của họ, chúng ta cần phải hợp tác với Chúa Giêsu và trong Chúa Giêsu, bằng cùng một tình yêu nhân hậu như của Người.
Nhờ vai trò làm con cái thiêng liêng này người ta cảm nghiệm thấy rằng hết mọi sự đều xuất phát từ Thiên Chúa, quay trở về với Ngài và ở trong Ngài, cho phần rỗi của tất cả mọi người, trong mầu nhiệm của tình yêu nhân hậu. Đó là sứ điệp về giáo huấn đã được giảng dạy và sống bởi vị Thánh này.
Như đối với các vị Thánh của Giáo Hội trong mọi thời đại, với chị cũng thế, theo cảm nghiệm thiêng liêng của chị, Chúa Kitô là tâm điểm và là tất cả Mạc Khải. Chị Thérèse biết Chúa Giêsu, yêu Người và làm cho người được mến yêu bằng một lòng thiết tha của một người phu thê. Chị đã thấu nhập các mầu nhiệm về thời thơ ấu của Người, những lời nói của Người trong Phúc Âm, cuộc khổ nạn của Người Tôi Tớ khổ đau hằn lên Thánh Nhan của Người, nơi ánh quang rạng ngời sự sống hiển vinh của Người, nơi việc hiện diện Thánh Thể của Người. Chị đã ca khen tất cả những biểu lộ yêu thương thần linh của Chúa Kitô, như chúng được trình bày trong Phúc Âm (cf. PN 24, Jésus, mon Bien-Aimé, rappelle-toi!).
Chị Thérèse đã được một ánh sáng đặc biệt về thực tại của Nhiệm Thể Chúa Kitô, về tính chất khác biệt nơi những đặc sủng trong Giáo Hội, những tặng ân của Thánh Linh, về quyền năng tối thượng của tình yêu, một tình yêu một cách nào đó là chính con tim của Giáo Hội, nơi chị tìm thấy ơn gọi của mình như là một tâm hồn chiêm niệm và truyền giáo (cf. Ms B,2r·-3v·).
Sau hết, trong những chương độc đáo nhất về giáo huấn thiêng liêng của chị, chúng ta cần phải nhắc lại việc Chị Thérèse khôn ngoan đi sâu vào mầu nhiệm và cuộc hành trình của Trinh Nữ Maria, đạt được những thành quả rất gần gũi với giáo huấn của Công Đồng Chung Vaticanô II ở chương tám trong Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân cũng như với những gì chính tôi đã dạy trong Thông Điệp Mẹ Đấng Cứu Chuộc – Redemptoris Mater ngày 25/3/1987.
9.
Nguồn mạch chính yếu cho cảm nghiệm thiêng liêng của chị và cho giáo huấn của chị đó là Lời Chúa trong Cựu Ước và Tân Ước. Chính chị đã thú nhận như thế, đặc biệt nhấn mạnh đến lòng chị say mê Phúc Âm (cf. Ms A, 83v). Các bản văn của chị chứa đựng trên 1 ngàn lời trích dẫn từ Thánh Kinh: trên 400 từ Cựu Ước và trên 600 từ Tân Ước.
Mặc dù không đủ học hỏi và thiếu những nguồn liệu để học hỏi và giải thích các Sách thánh, Chị Thérèse đã tự trầm mình vào việc suy niệm Lời Chúa với một đức tin và lòng tự phát đặc biệt. Dưới ảnh hưởng của Thánh Linh, chị đã đạt được một kiến thức sâu xa về Mạc Khải cho chính bản thân chị và cho người khác. Nhờ việc chị ưu ái tập trung vào Thánh Kinh – chị thậm chí còn muốn học tiếng Do Thái và Hy Lạp để hiểu hơn nữa tinh thần và chữ nghĩa của các cuốn Sách thánh – chị đã tỏ cho thấy tầm mức quan trọng của các nguồn Thánh Kinh nơi đời sống thiêng liêng, chị đã nhấn mạnh đến tính chất độc đáo và mới mẻ của Phúc Âm, chị đã chừng mực vun trồng việc dẫn giải thánh kinh có tính cách thiêng liêng Lời Chúa trong cả Cựu Ước lẫn Tân Ước. Nhờ đó chị đã khám phá ra những kho tàng kín ẩn, khi nhận lấy cho mình những lời và những đoạn, một cách có lắm khi quyết liệt về phương diện siêu nhiên, như khi chị đọc các bản văn của Thánh Phaolô (cf.1Cor 12-13), chị đã nhận ra ơn gọi yêu mến của chị (cf Ms B, 3r-3v). Được soi sáng bởi Lời mạc khải, Chị Thérèse đã viết những trang sáng tỏ về mối hiệp nhất giữa tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân (cf. Ms C,11v-19r); và chị coi lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly như chính là lời chị bày tỏ để chuyển cầu cho phần rỗi của tất cả mọi người (cf Ms C, 34r-35r).
Giáo huấn của chị, như đã nói, am hợp với giáo huấn của Giáo Hội. Từ thời thơ ấu chị đã được gia đình chị dạy cho biết tham phần vào việc cầu nguyện và tôn thờ trong phụng vụ. Trong vấn đề sửa soạn cho việc Xưng Tội lần đầu, Rước Lễ lần đầu và bí tích Thêm Sức, chị đã cho thấy chứng cớ về một lòng mến yêu đặc biệt đối với những sự thật của đức tin, và chị đã học Giáo Lý hầu như từng chữ một (cf. Ms A, 37r-37v.). Về cuối đời, chị đã viết Kinh Tin Kính Các Tông Đồ bằng máu của chị, như là một biểu lộ lòng chị dứt khoát gắn bó với việc tuyên xưng đức tin.
Ngoài những lời Thánh Kinh và giáo huấn của Hội Thánh, Chị Thérèse khi còn trẻ được nuôi dưỡng bởi giáo huấn của cuốn Gương Chúa Kitô, một cuốn sách, như chính chị công nhận, chị hầu như thuộc lòng (cf. Ms A, 47r). Quan trọng cho việc hoàn trọn ơn gọi của chị là tu sĩ Dòng Carmêlô là những bản văn về đàng thiêng liêng của Mẹ Sáng Lập Teresa Giêsu, nhất là những bản văn giải thích về ý nghĩa chiêm niệm và giáo hội nơi đặc sủng của Dòng Carmêlô của Mẹ Teresa (cf. Ms C, 33v). Thế nhưng, Chị Thérèse được đặc biệt nuôi dưỡng bởi giáo huấn thần bí của Thánh Gioan Thánh Giá, vị là sư phụ thiêng liêng thực sự của chị (cf. Ms, 83r). Bởi vậy, không lạ gì nếu chị là người từng là môn đệ nổi nang nơi học đường của hai vị Thánh này, những vị sau đó đã được tuyên bố là các vị Tiến Sĩ của Hội Thánh, cần phải trở thành một thày dạy đời sống thiêng liêng.
10.
Giáo huấn thiêng liêng của Chị Thérèse thành Lisieux đã giúp vào việc mở rộng vương quốc của Thiên Chúa. Nhờ gương thánh đức của chị, gương trọn hảo trung thành với Mẹ Giáo Hội, gương hoàn toàn hiệp thông với Tòa Thánh Phêrô, cũng như nhờ những ân sủng đặc biệt chị mang lại cho nhiều anh chị em thừa sai, chị đã góp phần phục vụ đặc biệt cho việc loan báo và cảm nghiệm mới mẻ về Phúc Âm của Chúa Kitô cũng như cho việc phát triển đức tin Công giáo ở hết mọi quốc gia trên trái đất.
Không cần dài giòng về tính cách phổ quát của giáo huấn Chị Thérèse cũng như về việc rộng rãi chấp nhận sứ điệp của chị trong thế kỷ này từ khi chị qua đời: nó đã được ghi nhận rõ ràng đàng hoàng trong những nghiên cứu được thực hiện cho việc ban tặng chị tước hiệu Tiến Sĩ Hội Thánh.
Một sự kiện đặc biệt quan trọng về vấn đề này đó là Huấn quyền của Giáo Hội chẳng những công nhận thánh đức của Chị Thérèse mà còn đề cao sự khôn ngoan nơi giáo huấn của chị nữa. Đức Piô X đã nói rằng chị là “vị thánh lớn nhất trong thời tân tiến”. Khi hân hoan nhận được ấn bản Ý ngữ đầu tiên Truyện Một Tâm Hồn, ngài đã ca ngợi những hoa trái xuất phát từ linh đạo của Chị Thérèse. Đức Benedict XV, vào dịp tuyên bố các nhân đức anh hùng của vị Tôi Tớ Chúa này đã giải thích con đường thơ ấu thiêng liêng và ca ngợi kiến thức về các thực tại thần linh Thiên Chúa đã ban cho Chị Thérèse để chị dạy những người khác các đường lối cứu độ (cf. AAS 13 [1921], pp. 449-452). Vào cả dịp phong chân phước lẫn phong thánh cho chị, Đức Piô XI đã dẫn giải và khuyến dụ về giáo huấn của vị Thánh này, nhấn mạnh đến cái minh thức thần linh đặc biệt của chị (Discorsi di Pio XI, vol. I, Turin 1959, p. 91) và cho chị là một thày dạy đời sống (cf. AAS 17 [1925], pp. 211-214). Khi Đền Thờ thành Lisieux được thánh hiến vào năm 1954, Đức Piô XII đã đề cập nhiều điều, trong đó, ngài nói rằng Chị Thérèse đã thấp nhập tới tận tâm điểm của Phúc Âm qua giáo huấn của chị (cf. AAS 46 [1954], pp. 404-408). Đức Hồng Y Angelo Roncalli, vị Giáo Hoàng tương lai Gioan XXIII, đã đến thăm viếng Lisieux mấy lần, nhất là khi ngài làm Khâm Sứ Tòa Thánh ở Paris. Vào các dịp khác nhau trong giáo triều của mình, ngài đã tỏ lòng mộ mến vị Thánh này và giải thích mối liên hệ giữa giáo huấn của Thánh Têrêsa Avila với người con của thánh nhân là Chị Thérèse thành Lisieux (Discorsi, Messaggi, Colloqui, vol. II [1959-1960], pp. 771-772). Nhiều lần trong khi Công Đồng Chung Vaticanô II đang diễn tiến, các vị Nghị Phụ cũng đã nhắc đến gương mẫu và giáo huấn của chị. Vào dịp kỷ niệm 100 năm qua đời của chị, Đức Phaolô VI đã viết một bức Thư gửi cho Đức Giám Mục Bayeux và Lisieux, trong đó ngài ca ngợi gương mẫu của Chị Thérèse trong việc tìm kiếm Thiên Chúa, coi chị như là bậc thày của việc cầu nguyện và của thần đức cậy, và là mô phạm của mối hiệp thông với Giáo Hội, kêu gọi thành phần giáo chức, giáo dục, mục tử và thần học gia hãy học hỏi nghiên cứu giáo huấn của chị (cf. AAS 65 [1973], pp. 12-15). Chính tôi, vào một số lần đã hoan hỉ nhắc nhở về con người và giáo huấn của vị Thánh này, nhất là trong chuyến hành hương không thể quên được của tôi ở Lisieux ngày 2/6/1980, thời điểm tôi đã nhắc nhở mọi người rằng: “Người ta có thể xác tín nói về Chị Thérèse thành Lisieux rằng Thần Linh Thiên Chúa đã giúp cho tâm can của chị có thể trực tiếp tỏ ra cho dân chúng trong thời đại chúng ta mầu nhiệm nền tảng này, đã giúp cho tâm can của chị có thể trực tiếp tỏ ra cho dân chúng trong thời đại chúng ta mầu nhiệm nền tảng này, thực tại về Phúc Âm ấy… ‘Con đường bé nhỏ’ là con đường ‘thơ ấu thánh hảo’. Có một cái gì đó đặc thù nơi con đường này, đó là cái thiên phú của Thánh Thérèse thành Lisieux. Đồng thời nó cũng khẳng định và làm mới mẻ sự thật căn bản nhất và phổ quát nhất. Còn sự thật nào của sứ điệp Phúc Âm thực sự căn bản hơn và phổ quát hơn sự thật này: Thiên Chúa là Cha của chúng ta và chúng ta là con cái của Ngài” (Insegnamenti di Giovanni Paolo II, vol. III/1 [1980], p. 1659).
Những chi tiết đơn giản này dựa vào một chuỗi liên tục những chững từ của các vị Giáo Hoàng thuộc thế kỷ này về thánh đức và giáo huấn của Thánh Thérèse Hài Đồng Giêsu, cũng như vào việc lan truyền toàn cầu sứ điệp của chị là những gì hiển nhiên cho thấy mức độ Giáo Hội đã chấp nhận giáo huấn thiêng liêng của vị Thánh trẻ này nơi các vị mục tử và thành phần tín hữu của mình.
Một dấu hiệu cho thấy Giáo Hội chấp nhận giáo huấn của vị Thánh này đó là lời kêu gọi sống giáo huấn của chị nơi nhiều văn kiện thuộc Huấn Quyền bình thường của Giáo Hội, nhất là khi nói về ơn gọi chiêm niệm và truyền giáo, về lòng tin tưởng vào vị Thiên Chúa công chính và nhân hậu, về niềm hân hoan của Kitô giáo và về ơn nên thánh. Chứng cớ cho thấy sự kiện này đó là sự hiện diện của giáo huấn chị nơi Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo mới đây (các khoản 127, 826, 956, 1011, 2011, 2558). Chị là người rất yêu thích học hỏi đức tin nơi giáo lý xứng đáng được bao gồm trong số nhiều chứng nhân thế giá của tín lý Công giáo.
Chị Thérèse có được một tính cách phổ cập phi thường. Con người của chị, sứ điệp Phúc Âm về “con đường bé nhỏ’ của lòng tin tưởng và của vai trò con cái thiêng liêng đã được chấp nhận và tiếp tục đón nhận một cách đặc biệt hân hoan vượt hết mọi biên giới.
Tầm ảnh hưởng của sứ điệp chị trước hết vươn tới những con người nam nữ có thánh đức và nhân đức anh hùng được cính Giáo Hội công nhận, tới các vị mục tử của Giáo Hội, tới các chuyên viên về thần học và tu đức học, tới các vị linh mục và chủng sinh, tới các tu sĩ nam nữ, tới các phong trào Giáo hội và các cộng đồng mới, tới hết mọi con người nam nữ thuộc mọi thân phận và ở mọi châu lục. Chị Thérèse đã cống hiến cho hết mọi người cái khẳng định của bản thân chị rằng mầu nhiệm Kitô giáo, mà chị là chứng nhân và tông đồ bằng cách nhờ cầu nguyện trở thành “tông đồ của các tông đồ”, như chị hiên ngang gọi mình như thế (Ms A, 56r), cần phải được hiểu theo nghĩa đen, một cách thực tế bao nhiêu có thể, vì nó có giá trị cho hết mọi thời và mọi nơi. Quyền lực của sứ điệp chị là ở chỗ ý nghĩa cụ thể của nó về cách thức làm thế nào tất cả mọi lời hứa của Chúa Giêsu được nên trọn nơi người tín hữu biết tin tưởng đón nhận trong đời sống của mình sự hiện diện cứu độ của Đấng Cứu Chuộc.
11.
Tất cả những lý do ấy là chứng cớ rõ ràng cho thấy hợp thời biết bao giáo huấn của vị Thánh thành Lisieux cũng như về ảnh hưởng đặc biệt của sứ điệp chị tác dụng trên con người nam nữ trong thế kỷ của chúng ta. Ngoài ra, còn một số hoàn cảnh đã góp phần vào việc làm cho vấn đề chọn chị làm Thày Dạy của Giáo Hội trong thời đại của chúng ta thậm chí có một ý nghĩa hơn nữa.
Trước hết, Chị Thérèse là một nữ giới, thành phần khi tiến đến với Phúc Âm đã biết nắm bắt được cái phong phú kín ẩn của Phúc Âm với một cụ thể tính cùng với cái âm hưởng sâu xa của cuộc sống và sự khôn ngoan là những gì thuộc về cái thiên phú của nữ giới. Vì tính chất phổ quát của mình chị đã nổi bật trong muôn vàn phụ nữ thánh đức là thành phần ngời sáng về sự khôn ngoan Phúc Âm của các vị.
Chị Thérèse cũng là một con người chiêm niệm. Trong thầm lặng của Dòng Carmêlô của mình, chị đã sống một cuộc mạo hiểm cả thể của cảm nghiệm Kitô giáo cho tới độ biết được chiều rộng, chiều dài, chiều cao và chiều sâu của tình yêu Chúa Kitô (cf Eph 3:18-190). Thiên Chúa đã không muốn những bí mật của Ngài mãi giữ kín, nhưng để cho Chị Thérèse có thể loan báo những bí mật của Đức Vua (cf. Ms C, 2v). Bằng đời sống của mình, Chị Thérèse đã cống hiến một chứng từ và minh họa thần học về vẻ đẹp của đời sống chiêm niệm như là việc hoàn toàn hiến thân cho Chúa Kitô, Vị Phu Quân của Giáo Hội, và như là một sự xác nhận thượng quyền của Thiên Chúa trên tất cả mọi sự. Đời sống của chị là một đời sống kín ẩn mầu nhiệm sinh hoa kết trái trong việc truyền bá Phúc Âm và làm cho Giáo Hội và thế giới thơm phức mùi vị ngọt ngào của Chúa Kitô (cf LT 159, 2v).
Sau hết, Chị Thérèse thành Lisieux là một con người trẻ. Chị đã đạt tới tầm mức trưởng thành về thánh đức trong giai đoạn đầu của tuổi trẻ (cf. Ms C, 4r). Bởi thế, chị trở thành như là một Thày Dạy đời sống Phúc Âm, đặc biệt có tác dụng nơi việc soi chiếu đường đi nước bước cho giới trẻ, thành phần cần phải là những lãnh đạo viên và là những chứng nhân của Phúc Âm cho các thế hệ mới.
Chị Thérèse Hài Đồng Giêsu chẳng những là vị Tiến Sĩ trẻ nhất của Giáo Hội mà còn là một vị tiến sĩ gần chúng ta nhất về thời gian, sự kiện như thể nhấn mạnh tới tính cách liên tục trong việc Thần linh Chúa sai các sứ giả của Ngài đến với Giáo Hội, những con người nam nữ là thày dạy và là những chứng nhân cho đức tin. Thật thế, bất cứ những gì đổi thay có thể được nhận thấy nơi giòng lịch sử và bất chấp cái âm vang chúng thường gây ra trên đời sống và ý nghĩ của cá nhân ở mọi lứa tuổi, chúng ta không bao giờ được lạc mất cái tính chất liên tục liên kết các vị Tiến Sĩ của Hội Thánh với nhau: ở hết mọi bối cảnh lịch sử, các vị vẫn là những chứng nhân cho một Phúc Âm bất biến, và với ánh sáng cùng sức mạnh xuất phát từ Thánh Linh, các vị trở thành sứ giả của Phúc Âm, hướng về việc loan báo Phúc Âm một cách tinh tuyền cho thành phần đương thời của các vị. Chị Thérèse là một Thày Dạy cho thời đại của chúng ta, một thời đại khao khát những lời sự sống và thiết yếu, những tác động chứng nhân anh hùng và khả tín. Vì lý do ấy chị cũng được mến yêu và chấp nhận bởi anh chị em thuộc các cộng đồng Kitô giáo khác, thậm chỉ bởi cả những người không phải Kitô hữu.
12.
Năm nay, năm đang cử hành bách niên cái chết hiển vinh của Chị Thérèse Hài Đồng Giêsu và Thánh Nhan, trong lúc chúng ta đang dọn mừng Đại Năm Thánh 2000, sau khi nhận được rất nhiều thỉnh nguyện thư có thế giá, nhất là từ nhiều Hội Đồng Giám Mục khắp thế giới, và sau khi chấp nhận đơn chính thức, hay Supplex Libellus, ngỏ cùng tôi vào ngày 8/3/1997 từ Đức Giám Mục Bayeux và Lisieux, cũng như từ Bề Trên Tổng Quyền Dòng Carmêlô Đi Chân không của Trinh Nữ Maria Núi Carmêlô và từ vị Tổng Cáo Thỉnh Viên của cùng dòng, tôi quyết định trao phó cho Thánh Bộ Điều Tra Phong Thánh là cơ quan có thẩm quyền về vấn đề này, trong việc nghiên cứu đặc biệt về vấn đề điều tra để ban tặng danh hiệu Tiến Sĩ cho vị Thánh này, “sau khi nghe ý kiến của Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin liên quan tới vấn đề tín lý xuất sắc” (Apost. Const. Pastor Bonus, n. 73).
Sau khi đã thu thập những văn kiện cần thiết, hai Thánh Bộ trên đã đặt vấn đề trong các cuộc họp với những vị cố vấn của hai cơ quan này: Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin vào ngày 5/5/1997, liên quan tới vấn đề “tín lý xuất sắc”, và Thánh Bộ Điều Tra Phong Thánh vào ngày 29/5 cùng năm, để khảo sát “Positio” đặc biệt. Vào ngày 17/6 sau đó, các vị Hồng Y và Giám Mục là phần tử của hai Thánh Bộ này, thực hiện một phương thức do tôi chuẩn y trong dịp này, đã gặp gỡ trong một khóa họp khoáng đại liên bộ và bàn luận về vấn đề hồ sơ, đều tỏ ý nghĩ đồng loạt ưng thuận về vấn đề ban tặng tước hiệu Tiến Sĩ Giáo Hội Hoàn Vũ cho Thánh Thérèse Hài đồng Giêsu và Thánh Nhan. Bản thân tôi được thông báo về ý nghĩ này từ Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, Tổng Trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin, cũng như từ Quyền Tổng Trưởng Thánh Bộ Điều Tra Phong Thánh là Đức Tổng Giám Mục Alberto Bovone, Tổng Giám Mục hiệu tòa Caesarea ở Numidia.
Theo đó, vào ngày 24/8 vừa rồi, trong khi nguyện kinh Truyền Tin trước sự hiện diện của các vị Giám Mục và trước đám rất đông giới trẻ qui tụ lại từ khắp nơi trên thế giới ở Paris cử hành Ngày Giới Trẻ Thế Giới 12, tôi đích thân loan báo ý định tuyên bố Chị Thérèse Hài Đồng Giêsu và Thánh Nhan làm Tiến Sĩ của Giáo Hội Hoàn Vũ trong khi cử hành Chúa Nhật Khánh Nhật Truyền Giáo ở Rôma.
Hôm nay, ngày 19/10/1997, tại Quảng Trường Thánh Phêrô, đầy những tín hữu từ khắp nơi trên thế giới, và trước sự hiện diện của rất đông các vị Hồng Y, Tổng Giám Mục và Giám Mục, trong khi long trọng cử hành Thánh Lễ, tôi tuyên bố Chị Thérèse Hài Đồng Giêsu và Thánh Nhan làm Tiến Sĩ của Giáo Hội Hoàn Vũ bằng những lời lẽ như sau: Để thỏa đáng những mong ước của nhiều Chư Huynh trong hàng Giáo Phẩm và rất nhiều tín hữu khắp thế giới, sau khi tham khảo Thánh Bộ Điều Tra Phong Thánh và nghe ý kiến của Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin liên quan tới giáo huấn xuất sắc của chị, bằng một kiến thức vững vàng và sau một thời gian dài suy nghĩ, bằng tất cả thẩm quyền tòa thánh của Mình, Chúng Tôi tuyên bố Thánh Thérèse Hài Đồng Giêsu và Thánh Nhan, trinh nữ, là một vị Tiến Sĩ của Giáo Hội Hoàn Vũ. Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần.
Điều này được thích đáng ban bố, Chúng Tôi chỉ thị Tông Thư này phải được cẩn thận bảo trì và hoàn toàn có công hiệu hiện nay cũng như trong tương lai; bởi thế, nó phải được nhận định và xác định như là một quyền lợi, và bất cứ những gì phản do nỗ lực của bất cứ ai, bởi bất cứ thẩm quyền nào, biết hay không biết, đều vô hiệu và bất thành.
Làm tại Rôma, ở Đền Thờ Thánh Phêrô, ngày 19/10/1997, năm thứ 20 giáo triều của tôi.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch.