ĐÂU LÀ ĐỊA ĐIỂM THẬT SỰ DIỄN RA VIỆC CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA?
Ngành khảo cổ học thật kiên trì. Từ nhiều thế kỷ nay, ngành vẫn tìm tòi dấu vết và bằng chứng về câu chuyện Chúa Giêsu chịu phép rửa. Đó đúng là mục đích của môn khoa học này, nhưng trong trường hợp cụ thể đang nói, nó rất vất vả để nhận diện vùng Bêtania “bên kia sông Giođan” mà Gioan Thánh sử đề cập (Gioan 1,28), được truyền thống ấn định ở Đông Nam thành Giêricô. Ngày nay ở nơi gọi là Al-Maghtas (tiếng ả rập nghĩa là dìm xuống nước), phía vương quốc Giođani, có một thánh địa và là điểm đến của nhiều cuộc hành hương. Dù người ta không biết cụ thể thánh Gioan Tẩy Giả giảng đạo ở đâu, vẫn rất khó để nghi ngờ rằng ông đã không dìm người anh em Giêsu của mình xuống nước, vì câu chuyện này là một trong những đoạn hiếm hoi của Tân Ước được cả bốn vị Thánh Sử thuật lại.
Hình: Địa điểm diễn ra việc Chúa Giêsu chịu phép rửa tại Giođani, Shutterstock I DimaSid
Tuy vậy, đức tin và truyền thống vẫn cho phép bổ sung cho đủ những sự mò mẫm của khảo cổ học. Cỏ vẻ rõ ràng là việc Chúa Giêsu chịu phép rửa đã diễn ra ở phía đông sông Giođan, như tông đồ Gioan đã nói. Nhưng ý nghĩa của sự kiện là gì ? Chúa Giêsu khai mạc sứ vụ công khai của mình bằng cách vượt qua sông như một chứng tá. Người anh em họ Gioan Tẩy Giả của Chúa thực hành nghi thức thanh tẩy và tiên tri ngày đấng Messia (Cứu Thế) đến. Thánh nhân loan báo: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần (Mt 3,2) và khi đấng Kitô đến thánh nhân chỉ vào Người : “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian (Gioan 1,29) trong lúc giải thích: “Tôi thì tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần (Mc 1,8). Đây chính là đấng Cứu độ đã hứa và được mong chờ, đúng như lời Kinh Thánh, “Chúa cứu”.
Cuộc vượt qua sông Giođan của Jôsuê
Nhưng vị mang tên “Chúa cứu” đầu tiên trong Kinh Thánh không ai khác hơn là ông Jôsuê, một cái tên đồng nghĩa với tên Giêsu, Jôsuê là cánh tay mặt của ông Môisen. Ông Môisen và cả thế hệ của ông không nhìn thấy Đất Hứa, điểm đến của cuộc di cư dài thăm thẳm trong sa mạc từ vùng đất nô lệ Ai Cập. Chúa đã dẫn họ đi trong sa mạc 40 năm, nhưng những lời thở than, rên rỉ của họ, dấu hiệu của thiếu lòng tin, ngăn họ đến được vùng đất của sữa và mật mà Chúa cho họ. Quả vậy, đến đất hứa không phải là đương nhiên mà là hành động thể hiện đức tin ra bên ngoài. “Coi đây, hôm nay tôi đưa ra cho anh (em) chọn: hoặc là được sống, được hạnh phúc, hoặc là phải chết, bị tai hoạ. Hôm nay tôi truyền cho anh (em) phải yêu mến ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), đi theo đường lối của Người, và tuân giữ các mệnh lệnh, thánh chỉ, quyết định của Người, để anh (em) được sống, được thêm đông đúc, và ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), chúc phúc cho anh (em) trong miền đất anh (em) sắp vào chiếm hữu” (Dnl 30, 15-16).
Môisen chết ở phía đông sông Giođan, trên núi Nebo (nê-bô), lúc ngắm nhìn mảnh đất mà ông sẽ không được ở, chính Jôsuê được giao trọng trách dẫn dân Chúa vào xứ sở Canaan (Đất Hứa) để “sở hữu nó”. Do đó, ông đã vượt qua sông Giođan, không ướt chân giống như ở Biển Đỏ bốn mươi năm trước, dưới sự hiện diện của Chúa. “Các tư tế khiêng Hòm Bia Giao Ước của ĐỨC CHÚA đứng yên tại chỗ, nơi đất khô cạn giữa lòng sông Gio-đan, trong khi toàn thể Ít-ra-en qua sông trên đất khô cạn, cho đến khi toàn dân đã qua hết” (Gs 3,17). Phần tiếp theo ai cũng đã biết, được thuật lại rất dài trong Cựu Ước. Theo thời gian, những người Do thái không tuân thủ Giao Ước nữa, không sống theo luật, quay lại lối sống cũ, chờ đợi đấng Messia (cứu thế) đến giải thoát họ khỏi những kẻ áp bức… dần dần hiểu ra rằng Đất Hứa không phải là mảnh đất được mong chờ mà chính là cuộc sống muôn đời.
Chúa Giêsu, một Jôsuê mới
Đó là điều mà Đức Kitô đến để hoàn thành. Ông Josuê mới này khai trương Vương quốc của Thiên Chúa, đến gần với con người những không phải “từ thế giới con người”. Để khởi đầu công cuộc rao giảng, sẽ dẫn Người tới cái chết và sự sống lại, sẽ mở của Thiên Đàng cho con người, xứ sở tràn trề cuộc sống thánh thiêng, Người cùng sẽ vượt qua sông Giođan. Nhưng cuộc vượt qua đó, phép rửa bằng nước, mới chỉ là biểu tượng của phép rửa trong Thánh Linh, một phép rửa mà các Tông đồ là những người được kêu gọi vào ngày Chúa Thăng Thiên, để đi rửa tội cho muôn dân, muôn nước. Nhưng cuộc vượt qua đó, được thực hiện từ vị trí thấp hèn, chính là dấu hiệu của sự tự hạ của Thiên Chúa làm người hầu cho phép mỗi người chúng ta mặc lấy thiên tính.
Lê Hưng chuyển ngữ