LỜI GIỚI THIỆU SÁCH: Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG
LỜI GIỚI THIỆU
Năm 2025 là Năm Thánh của Giáo Hội. Trong các sinh hoạt của Năm Thánh, hành hương là một phần thực hành không thể thiếu. Chủ đề của Năm Thánh 2025 là “Những Người Hành Hương Hy Vọng”. Với chủ đề này, “hành hương” không chỉ là một thực hành đạo đức giữa nhiều việc thực hành khác, nhưng còn là đề tài xuyên suốt và là nguồn cảm hứng cho việc suy niệm và cầu nguyện của Giáo hội trong suốt cả Năm Thánh.
Trong thư về Năm Thánh gửi Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella, Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Tân Phúc Âm hoá, Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết: “Chúng ta phải thổi bùng ngọn lửa hy vọng. Đây là món quà Thiên Chúa đã, đang và sẽ ban cho chúng ta và giúp mọi người có được sức mạnh và sự chắc chắn mới bằng cách nhìn về tương lai với tinh thần cởi mở, trái tim tin tưởng và tầm nhìn xa trông rộng. Năm Thánh sắp tới có thể góp phần rất lớn vào việc khôi phục bầu không khí hy vọng và tin tưởng như khúc dạo đầu cho sự đổi mới và tái sinh mà chúng ta hết sức mong muốn.”
Như thế, mục đích của việc hành hương là để làm sống lại niềm hy vọng và sự tươi mới trong đức tin của chúng ta giữa lòng Giáo Hội. Điều này đúng không chỉ trong thời gian Năm Thánh, nhưng trong mọi cuộc hành hương.
Với nhan đề “Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG”, tập sách được chuẩn bị bởi linh mục Giuse Phạm Đình Ngọc, SJ sẽ vừa là một người bạn đồng hành vừa là một thách thức cho những ai muốn tham gia các khóa hành hương và mong cảm nghiệm được ý nghĩa sâu xa của việc hành hương trong truyền thống Giáo hội.
Là một người bạn đồng hành, vì chắc chắn tập sách mỏng này sẽ là một trợ giúp hữu hiệu cho những chuyến hành hương của chúng ta trọn vẹn hơn và có chiều sâu hơn. Những bài viết đơn sơ dễ hiểu sẽ cho chúng ta chất liệu để suy niệm và sống với chiều kích hành hương không chỉ dọc suốt dòng lịch sử cứu độ của dân Thiên Chúa, từ Cựu Ước đến Tân Ước, mà còn dọc suốt dòng truyền thống của Giáo Hội. Những giải thích vừa đủ. Những lời mách nước cụ thể. Những câu hỏi gợi ý suy niệm ngắn gọn… Tập sách sẽ hữu ích cho mọi chuyến hành hương, dù là trên Đất Thánh hay ở Rôma, dù là qua các thành phố của Châu Âu, hay tại các trung tâm hành hương ở Việt Nam.
Là một thách thức, vì tập sách này sẽ không thích hợp với những ai muốn biến cuộc hành hương của mình thành một chuyến tham quan du lịch. Ngày nay, chữ “hành hương” rất dễ bị lạm dụng. Chỉ xách giỏ lên và đi thôi thì chưa đủ để làm nên một khóa hành hương đâu! Chỉ đến một nơi nào đó, mở cẩm nang ra để đọc một chút về lịch sử hay về giá trị văn hoá và kiến trúc, rồi sau đó là check-in, selfie, flex, rồi sau nữa là mua sắm, ăn uống… thì chưa phải là hành hương đâu! Tập sách này chỉ hữu ích với những ai có khả năng bước đi với đôi chân cầu nguyện, với đôi mắt của một kẻ đi tìm, và với trái tim khao khát của một người lữ khách.
Tập sách này mời chúng ta băng qua những vui vẻ tầm thường để hướng đến những giá trị thiêng liêng và linh thánh của chuyến hành trình. Tập sách này thách chúng ta để cho mình được biến đổi sau mỗi bước chân hành hương.
“Phúc thay kẻ lấy Ngài làm sức mạnh,
ấp ủ trong lòng giấc mộng hành hương […]
Càng tiến lên, họ càng mạnh bước
đến chiêm ngưỡng Chúa Trời ngự trên núi Xi-on” (Tv 84,6.8)
Những người “ấp ủ trong lòng giấc mộng hành hương” là những người được chúc phúc. Vì họ biết lên đường tìm Chúa. Vì họ biết lấy Chúa làm sức mạnh. Vì mỗi bước chân của họ sẽ là một bước đi có khả năng làm cho họ biến đổi cuộc đời. Cho họ thêm mạnh bước. Cho họ được chiêm ngưỡng Thiên Chúa và bao kỳ công của Thiên Chúa giữa dòng lịch sử và giữa lòng thế giới hôm nay.
Những người đi hành hương đúng cách sẽ là những sứ giả của hy vọng, vì họ sẽ được sống lại niềm hy vọng và sự tươi mới của đức tin giữa lòng Giáo hội hôm nay.
Lm. Giuse Cao Gia An, SJ
Tiến sĩ chú giải Kinh Thánh
Rôma, Lễ Chúa Kitô Vua 2023
LỜI TỰA
Sau lễ bế mạc Đại hội Giới trẻ Thế giới 2023 tại Lisbon, Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời gọi các bạn trẻ tiếp tục hướng về Rôma (Năm Thánh 2025). Sau đó, ngài thông báo Đại hội lần tới diễn ra tại Hàn Quốc (2027). Đây là hai sự kiện lớn mà Giáo hội Việt Nam cũng đang chuẩn bị. Gần là Năm Thánh, xa là hành hương đến Seoul, Hàn Quốc. Những đoàn hành hương chuẩn bị để sẵn sàng lên đường. Khi trò chuyện với những người phụ trách dẫn đoàn hành hương, tôi nhận ra mình cũng phải làm điều gì đó.
Hiện nay trên Internet, các bài viết ngắn dài về chủ đề hành hương tiếng Việt rất ít. Sách liên quan đến hành hương lại càng hiếm hoi. Trước nhu cầu của những người hành hương muốn tìm hiểu thêm về hành trình thiêng liêng này, tôi đã viết cuốn sách này.
Sách không nhằm mục đích giới thiệu các địa điểm hành hương. Những trang sách này càng không phải là tài liệu hướng dẫn du lịch. Trên hết, tôi muốn cùng với độc giả thấy được lịch sử và ý nghĩa đích thực của hành hương. Hành hương xuất hiện trong lịch sử thánh. Ý nghĩa hành hương không gì khác hơn là gặp gỡ Thiên Chúa. Trong đạo Công giáo, việc tham gia hành hương thường được coi là một hành động tôn kính thờ lạy Thiên Chúa. Nhiều người đi hành hương để “cầu nguyện bằng đôi chân-praying with our feet”; họ có kinh nghiệm bằng các giác quan rằn, cả cuộc đời mình là một cuộc hành trình dài tiến về cùng Thiên Chúa.
Hành hương là một chuyến đi tới những nơi có ý nghĩa tâm linh, thường là các địa điểm thiêng liêng, như Đền Thánh, những nơi có liên quan đến cuộc đời của Chúa Kitô, Đức Mẹ, các thánh, hoặc những nơi có sự kiện lịch sử quan trọng đối với đạo Công giáo. Nói cách khác, “hành hương là hành trình của các tín hữu rời nơi mình đang ở, đi tới một nơi thánh thiêng, để tỏ lòng sùng kính, tham dự lễ hội, cầu nguyện, làm việc đền tội, xin ơn hay tạ ơn” [Từ điển Công giáo, mục từ Hành hương]. Do đó, sách gồm 4 phần:
1. Ý nghĩa hành hương thời Cựu Ước là gì?
2. Thời Tân Ước, hành hương gắn liền với Chúa Giêsu Kitô.
3. Sau biến cố Phục Sinh, Giáo hội lan rộng nhanh chóng khắp châu Âu, kể cả châu Á. Từ đó, truyền thống hành hương trở nên phổ biến hơn với những nền văn hóa khác nhau, kiến trúc và hội họa cũng khác nhau. Nhất là những linh địa gắn liền với Đức Mẹ hoặc những nơi quan trọng đối với Giáo hội, dòng người đổ về mỗi lúc một đông.
4. Chương cuối cùng nói đến cách thức giữ lửa hành hương trong và sau khi về nhà. Nhất là cuộc sống thêm hạnh phúc, đức tin thêm vững mạnh và lửa mến thêm nồng nàn hơn, sau khi hành hương về.
Với bốn phần trên đây, ước mong quý độc giả đón nhận như là chút chia sẻ để cùng nhau hành hương hiệu quả hơn. Khi đó, chúng ta không phí tiền, không tốn thời gian. Ngược lại, tạ ơn Chúa vì tôi đã được đi hành hương một cách hiệu quả…
Linh mục Giuse Phạm Đình Ngọc, SJ
Trích trong tập sách Ý nghĩa và lịch sử của hành hương, Nxb Tôn Giáo, 03/2024