MỘ THÁNH PHAOLÔ, NHỮNG NGUỒN CỘI KITÔ GIÁO ROMA
Xác nhận khoa học
Sự xác nhận được đưa ra với cảm xúc sâu sắc vào ngày 29/6/2009, trong giờ kinh chiều I bế mạc Năm Thánh Phaolô, bởi Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI. Nhân dịp đó, Đức Giáo Hoàng đã thông báo kết quả của cuộc phân tích khoa học cẩn thận được tiến hành trên ngôi mộ 2000 năm sau Thánh Phaolô sinh ra: một cuộc thăm dò đặc biệt được thực hiện trong mộ đá, đã phát hiện dấu vết của một loại vải lanh màu đỏ tía quý giá, dát vàng mỏng. Những mảnh xương rất nhỏ cũng được xác định của một người sống giữa thế kỷ 1 và thế kỷ thứ 2. Đức Giáo Hoàng Biển Đức nhận xét: “Điều này dường như xác nhận truyền thống nhất trí và không thể tranh cãi rằng đây là hài cốt của Thánh Tông đồ Phaolô”.
Mộ Thánh Phaolô
Một ngôi mộ chưa bao giờ được mở
Cha Lodovico Torrisi, đan sĩ Dòng Biển Đức ở Đền thờ Thánh Phaolô Ngoại thành cho biết, mười lăm năm sau thông báo đó, ngôi mộ chưa bao giờ được mở ra, vì lo ngại rằng khi mở nắp, những rung động, tiếp xúc với ánh sáng và oxy có thể phá hủy, phân rã những gì còn lại của thi thể Thánh Phaolô.
Phiến đá
Dưới chân bàn thờ, người ta có thể nhìn thấy những viên đá của ngôi mộ được các nhà nghiên cứu đưa ra ánh sáng vào năm 2006. Ngọn lửa nhỏ cháy liên tục ngày đêm cho thấy sự thánh thiêng của nơi này. Bên cạnh đó, một chiếc hộp bằng đồng và thủy tinh bên trong có sợi dây xích giam vị Tông đồ ở Roma, đã có trong Đền thờ từ thế kỷ thứ IV.
Mộ thánh Phaolô
Qua khung lưới, người có thể nhìn thấy, bên dưới một phiến đá cẩm thạch được tạo thành từ hai mảnh: có kích thước 2,12 x 1,27 mét. Dòng chữ PAULO APOSTOLO MART nổi bật trên đó và có ba lỗ: một hình tròn và hai hình vuông. Có niên đại từ thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ thứ 5 và là bằng chứng về sự tôn kính đã ảnh hưởng đến nơi này ngay từ đầu, cả trước khi xây dựng nhà thờ.
Tấm lưới
Tử đạo bên ngoài tường thành
Nơi Thánh Phaolô chịu tử đạo bằng hình thức chặt đầu rất gần nơi ngài được chôn cất. Cách Đền thờ khoảng 4 km, tại Acque Salvie, nơi ngày nay có Đan viện Tre Fontane. Tại đây Thánh Phaolô được đưa ra khỏi Nhà tù Mamertine, nơi ngài bị giam giữ. Các nhà sử học vẫn chưa hiểu tại sao cuộc tử đạo lại diễn ra ở đây. Ngài bị chặt đầu bên ngoài Tường thành Aureliano, tại một địa điểm có không khí trong lành, gần đường Ostiense trong khoảng thời gian từ 65 đến 67, dưới thời hoàng đế Nero.
Nơi tử đạo của Thánh Phaolô
Ba mạch nước
Khi đầu ngài rơi xuống, đã nẩy lên ba lần và theo truyền thống, xuất hiện một cách kỳ diệu từ ba điểm đó ba mạch nước, dòng nước thứ nhất nóng, thứ hai bình thường và thứ ba lạnh. Trên con đường dọc theo đan viện Trappist, một đoạn đường tương tự như của Roma cổ đã được tái xây dựng trong thời gian khá gần đây để gợi nhớ con đường mà Thánh nhân đã đi trước khi bị hành quyết. Một dòng chữ bằng đá cẩm thạch trên mặt tiền của nhà thờ Thánh Phaolô Tử đạo, được xây dựng vào thế kỷ thứ 5, được kiến trúc sư Giacomo Della Porta cải tạo vào năm 1599, và là một phần của khu phức hợp đan viện, có nội dung: “S. Pauli Apostoli martyrii locus ubi tres fontes mirabiliter eruperunt” (Nơi tử đạo của thánh Phaolô tông đồ, nơi đây ba mạch nước vọt lên cách kỳ diệu). Vào bên trong, có thể nhìn thấy rõ nơi ba mạch nước tuôn chảy, thẳng hàng với cùng khoảng cách. Từ năm 1950, sau quá trình đô thị hóa và hậu quả là ô nhiễm, mạch nước đã bị đóng.
Nơi tử đạo của Thánh Phaolô
Thanh kiếm
Bị người Do Thái bỏ tù, Thánh Phaolô đến Roma vào năm 61 để được xét xử ở đó với tư cách là công dân Roma. Sinh ra là một người Do Thái với tên Saul, ngài được hưởng quyền công dân Roma như tất cả cư dân ở Tarso, thành phố quê hương ngài, ở Cilicia, phía nam Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay.
Cha Lodovico nhận xét: “Thánh Phaolô được tượng trưng bằng thanh kiếm để chỉ cách ngài bảo vệ Lời Chúa. Để bảo vệ Tin Mừng ngài đã chết dưới lưỡi gươm một cách tàn bạo, như một chiến binh dũng cảm”.
Thủ cấp của Thánh Phêrô và Thánh Phaolô
Đầu của Thánh Phaolô được đặt trên đây để chém
Cũng theo truyền thống, sau khi Thánh Phaolô bị chặt đầu, một phụ nữ Roma đã đặt thi thể thánh nhân vào một hòm đá và chôn ở đường Ostiense. Theo những gì được kể lại, phụ nữ này tên là Lucina: cách Acque Salvie hai dặm, bà sở hữu một khu chôn cất bên trong một nghĩa trang ngoại giáo có khoảng 5 ngàn ngôi mộ. Các cuộc khai quật đã xác nhận sự tồn tại của nghĩa địa này với các hốc chôn cất và mộ dành cho những người nghèo và nô lệ. Sau đó đầu của Thánh Phaolô được tìm thấy và cùng với đầu của Thánh Phêrô được đặt trên tán che bàn thờ chính của Đền thờ Gioan Latêranô. Cả hai đều chịu tử đạo trong cùng một ngày.
Mạch nước
Những nguồn cội của Giáo hội Roma
Nơi chôn cất Thánh Phaolô ngay lập tức trở thành địa điểm hành hương cho các tín hữu đến cầu nguyện và để tỏ lòng tôn kính Thánh nhân, họ đã xây dựng một đài tưởng niệm. Ngay từ những năm đầu, nhiều người được rửa tội đã quyết định chôn cất ở khu vực xung quanh và nghĩa địa dần dần chuyển từ ngoại giáo sang Kitô giáo.
Tu sĩ Biển Đức giải thích, nhiều người đã chọn chôn gần mộ của Thánh Tông đồ. Điều này được thấy rõ nơi nhiều bảng khắc bằng tiếng Latinh, tiếng Hy Lạp và tiếng Do Thái được đặt trên các bức tường của đan viện Thánh Phaolô Ngoại thành.
Trong khi tái thiết, khai quật hoặc gia cố nền móng, nhiều ngôi mộ của người ngoại giáo và các Kitô hữu đã được tìm thấy ở đây. Kitô giáo Roma đã ra đời chính xác ở khu vực này. Trong số những đồ thủ công có giá trị nhất được tìm thấy ở khu vực này vào năm 1838, nổi bật là quan tài bằng đá, thế kỷ thứ 4, hiện được lưu giữ trong Bảo tàng Vatican.
Đền thờ
Vào năm 313, với Sắc chỉ Milan, Hoàng đế Constantino đã cho tự do thờ phượng. Vì muốn tôn kính ký ức về vị Tông đồ dân ngoại, năm 324, ông đã cho xây tại đài tưởng niệm một Đền thờ. Ngôi thánh đường đầu tiên không lớn lắm, nhưng sau đó được các hoàng đế Theodosius, Arcadius và Valentiniano II mở rộng, trở thành một Đền thờ lớn, với năm gian được gọi là “Theodosiana” hay “của ba vị hoàng đế”.
Trận hoả hoạn vào tháng 7/1823 đã phá huỷ phần lớn Đền thờ chỉ trong một đêm. Vào ngày 25/01/1825, với Thông điệp “Ad plurimas” Đức Giáo Hoàng Leo XII đã đưa ra lời kêu gọi các tín hữu tái xây dựng Đền thờ. Ngôi thánh đường được tái xây dựng theo cách giống hệt, tái sử dụng những mảnh được cứu khỏi trận hỏa hoạn để bảo tồn truyền thống Kitô giáo nguyên thủy và được Đức Giáo Hoàng Piô IX thánh hiến vào ngày 10/12/1854. Trong những năm đó, công trình xây dựng ấn tượng nhất của Giáo hội Roma thế kỷ 19 đã ra đời, Đền thờ Thánh Phaolô Ngoại thành, xuất hiện như những gì chúng ta thấy ngày nay.
Dây xích
Thánh Phaolô và mọi người khắp nơi trên thế giới
Không chỉ người Công giáo, mà toàn bộ thế giới đã đồng loạt đáp lại lời kêu gọi của Đức Leo XII: Sa hoàng Nichola I và Vua Fouad I của Ai Cập đã tặng các cột và tảng đá, cũng như đá quý. Trong dịp đó, Thánh Phaolô thành Tarso đã cho thấy ngài là điểm quy chiếu phổ quát cho các tín hữu và dân ngoại. Gợi lên sự đồng thanh của những người tụ tập xung quanh vị tông đồ vĩ đại của Kitô giáo này là những tấm đá cẩm thạch trên tường của nhà thờ có khắc tên của nhiều hồng y và giám mục có mặt trong ngày thánh hiến. Các vị đến Roma để công bố Tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, đã cử hành lễ cùng với Người kế vị Thánh Phêrô, một cách tượng trưng dưới cái nhìn của tất cả các Giáo hoàng trong lịch sử được miêu tả bằng những bức tranh khảm trên các huy chương lớn trang trí các gian giữa của Hội trường.
Tông đồ của sự hiệp nhất các Kitô hữu
Hoạt động tông đồ của Thánh Phaolô mở rộng từ người Do Thái đến mọi dân nước. Ngài đã thành lập nhiều cộng đoàn Kitô giáo ở Ả Rập, Tiểu Á, Macedonia, Sýp và Hy Lạp. Biểu tượng cho những chuyến hành hương của vị Tông đồ dân ngoại là thánh tích, một cây gậy được sử dụng trong các chuyến đi của ngài, được bảo quản trong Bảo tàng Đền thờ.
Cây gậy của Thánh Phaolô
Cha Lodovico Torrisi cho biết thêm: “Thánh Phaolô được cả Kitô hữu và những người không phải Kitô hữu tôn kính. Ngài là khuôn mặt nền tảng cho sự hiệp nhất các Kitô hữu. Do đó, các cử hành và sự kiện đại kết diễn ra tại Đền thờ. Theo cái nhìn này, các sự kiện và đồ vật đặc biệt quan trọng được liên kết với địa điểm này. Tại đây, trong đan viện, ngày 25/01/1959, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã công bố với các Hồng y ý định triệu tập Công đồng Vatican II”.
Hơn nữa, vào năm 2006, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã hoàn thành ước muốn của Thánh Gioan Phaolô II: tặng hai mắt xích của vị Tông đồ dân ngoại cho Thượng phụ Athens Christodoulos.
Thánh Phaolô và Năm Thánh
Cửa Thánh
Cuối cùng, trên hành trình hướng tới sự hiệp thông trọn vẹn giữa các Kitô hữu, một vị trí nổi bật là Cửa Thánh Đền thờ Thánh Phaolô sẽ mở vào ngày 05/01/2025. Về điều này cha Lodovico nói: “Cửa Thánh có một giá trị rất quan trọng. Cửa được thực hiện ở Constantinople và được tặng vào năm 1070. Ban đầu cửa nằm ở lối vào chính. Ngọn lửa đã làm hỏng, làm giảm kích thước cửa. Do đó cửa đã được chuyển đến một lối vào bên cạnh”.
Cha Lodovico kết luận: “Trong Năm Thánh, chúng tôi hy vọng các tín hữu, những người hành hương và du khách từ khắp nơi trên thế giới sẽ sống ở đây một trải nghiệm đẹp về sự hoán cải và đức tin sâu sắc, sự hiệp nhất và tiếp xúc với Chúa qua chứng tá của Thánh Tông Đồ Phaolô”.
Nguồn: vaticannews.va/vi