BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC CHA TÔMA
TRONG THÁNH LỄ AN TÁNG ÔNG CỐ GIUSE
(THÂN PHỤ CHA GIUSE NGUYỄN VĂN LƯỢNG)
TẠI Gx. KIM HẢI, NGÀY 20.6.2015
Lc 12, 35-40
Trong trích đoạn Tin Mừng Luca 12, 35-40, mà chúng ta vừa nghe công bố, Chúa Giêsu dạy các môn đệ phải biết chờ đợi Chúa đến trong cuộc sống và nhất là trong giây phút cuối đời mình. Chúa không đến theo ngày giờ chúng ta mong muốn hay ấn định. Chúa đến muộn hay sớm là do tình yêu của Chúa. Phần chúng ta, phải tỉnh thức và sẳn sàng đón Chúa đến, không được ngủ mê trong bã danh lợi thú, không ngủ say bên tiền của hay danh vọng. Hãy thắt lưng cho gọn, hãy thắp đèn cho sáng như người tôi tớ chờ đợi chủ về, như người chuẩn bị đi xa, đi về cõi đời đời, đi về nhà Cha trên trời. Giây phút quan trọng nhất là giây phút Chúa đến. Chờ đợi, tỉnh thức và sẳn sàng, tất cả đều hướng về giây phút nầy, giây phút định đoạt cả một đời người, hoặc đi vào cõi phúc, hoặc sa vào trầm luân. Chúa Giêsu dạy: “Chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn và đến bên từng người mà phục vụ”. Đây là phần thưởng Chúa dành cho người biết tỉnh thức và đón chờ Chúa đến. Kitô hữu biết mình chờ ai, chờ một người sớm hay muộn gì chắc chắn sẽ đến. Hạnh phúc đến với tiếng gõ cửa đầu tiên trong đêm. Chúng ta mong nghe được tiếng gõ nhẹ ấy như một tiếng gọi hãy vào chốn yên nghỉ với chủ mình. Và chúng ta mở cửa ngay để được thấy tận mắt Thiên Chúa đến ban cõi phúc đời đời cho những ai thắt lưng, cầm đèn cháy sáng và mở cửa ngay cho Chúa đến cách vĩnh viễn cho đời mình.
Hằng ngày chúng ta chứng kiến biết bao nhiêu cuộc ra đi bất ngờ của người thân, của bạn hữu, của đồng nghiệp hay của những người chúng ta không quen biết, chưa lần nào gặp gỡ. Ra đi không trở lại, ra đi vào cõi vĩnh hằng. Chúa đến gọi ta về. Cuộc hành trình trần thế của mỗi kitô hữu là một cuộc đi về: đi về Nhà Cha trên trời, đi về cõi phúc thiên đàng. Và cõi phúc thiên đàng nầy được đánh đổi bằng cả một đời người sống nơi trần gian. Tại đích đến là cái chết, có Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ đang đợi chờ và tiếp đón chúng ta. Tính cách bất ngờ là đặc điểm của ngày giờ Chúa đến. Cái chết bất chợt đến với mỗi người: có người đang trong độ tuổi thanh xuân với nhiều triển vọng; có người vô ý bước qua đường lộ gặp ngay tai nạn chết người như bước qua biên giới mong manh giữa chết và sống; có người đang hưởng thụ dồi dào sung túc bên đóng bạc vàng, bên quyền cao chức trọng; có người suốt đời khố rách áo ôm, không đủ ăn đủ mặc và chết đi trong cô quạnh lẻ loi. Nhưng ai cũng phải chết, cũng phải đến đích điểm đáng sợ ấy. Chúa Giêsu tự ví mình như chàng rể đến muộn, như kẻ trộm đào ngạch khoét vách khi chủ nhà mê ngủ, như người chủ đi ăn tiệc cưới về. Không ai biết trước giờ nào Chúa đến. Cũng không cần thiết là chúng ta biết trước giờ nào Chúa đến. Đó là giờ kinh khiếp hải hùng, giờ định đoạt số phận đời đời cho mỗi người chúng ta. Nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông sẽ canh thức, Không để nó khoét vách nhà mình. Các Kitô hữu, vì không biết ngày nào, giờ nào Chúa đến với từng người hay đến với mọi người, nên họ phải canh thức luôn luôn, phải sẵn sàng liên lỉ. Kẻ trộm xưa cũng như nay đều đến mà không báo trước, bất ngờ khoét vách nhà khi gia chủ còn ngủ say. Chúa Giêsu, qua một dụ ngôn, đã dám so sánh mình với kẻ trộm, chỉ vì Người giống anh ta ở nét bất ngờ. “Anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ anh em không ngờ, Con Người sẽ đến.”
Anh chị em thân mến,
Ông cố Giuse đã ra đi trước chúng ta. Chúa đã đến và gọi Ông về nhà Cha trên trời. Hẳn là suốt cuộc hành trình trần gian, Ông Cố như người tôi tớ trung tín và khôn ngoan biết chu toàn trách vụ mà Chúa đã giao phó cho ông, trách vụ của một kitô hữu, trách vụ của một người cha và người chồng trong ơn gọi sống đời hôn nhân. Mỗi người chúng ta đều được trao phó các phận vụ riêng biệt. Có những phận vụ nặng nề, có những phận vụ nhẹ nhàng hơn, nhưng điều quan trọng là phải biết chu toàn trách vụ trong sự tỉnh thức, cầu nguyện và sẳn sàng trả lời khi Chúa đến và đòi chúng ta phải trả lời, phải báo cáo về việc thi hành trách vụ. Cũng như mọi kitô hữu khác đã ra đi trước chúng ta. Ông Cố, khi còn sống tại thế, đều cố gắng sống tốt đẹp và thánh thiện, để khi được Chúa gọi về, sẽ được hưởng sự sống hạnh phúc đời đời nơi nhà Cha trên trời. Chúng ta không hề thất vọng vì đã sống làm người và làm kitô hữu, vì đã chết như tín hữu của Chúa Kitô. Trên bia mộ của người đã khuất, thường ghi đậm niềm tin về sự sống đời sau: “Nơi đây yên giấc ngàn thu và mong đợi ngày sống lại”.
“Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”, đó là lời của thánh Phanxicô Assisi được ghi trên thiệp gia quyến báo tang Ông Cố Giuse như muốn diển tả niềm tin về sự vui sống đời sau, về sự sống sau cái chết thể xác, về cõi phúc trường sinh. Ông Cố đã tỉnh thức đợi chờ ngày Chúa đến trong suốt cuộc hành trình trần thế với 83 tuổi đời, với bổn phận và trách nhiệm của người chồng và người cha. Ông Cố đã suốt đời hy sinh, chịu thương chịu khó và nuôi dưỡng giáo dục cho con cái nên người. Hằng ngày, trong đời thường, với nhiều lam lũ và khổ cực, Ông Cố luôn cầu mong cho mình và con cháu mình biết sống thế nào để khi Chúa đến, Ông và các con cháu mình đuọc Chúa thương đón nhận vào cõi phúc, vào thiên đàng vĩnh phúc.
Nhân vô thập toàn, không ai không vướng phải những tội lỗi, vấp ngã và yếu đuối. Chúng ta khẩn cầu Thiên Chúa giàu lòng thương xót và Chúa Giêsu Kitô Đấng Cứu Độ chúng ta, ban cho Ông Cố Giuse và các tín hữu đã qua đời được ơn tha thứ mọi tội khiên. Trong niềm tin vào Chúa Kitô Tử nạn và Phục sinh, mà tang lễ nầy chan chứa niềm tin và hy vọng ơn cứu độ đời đời, khi tang quyến và mọi người chúng ta đang hiện diện cùng tuyên xưng Chúa Giêsu là Sự Sống lại và là Sự Sống, để những ai tin vào Người cũng sẽ được sống lại trong ngày sau hết và được sống mãi mãi ở đời sau. Amen.