BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC CHA TÔMA:
LỄ ĐỨC MẸ FATIMA TẠI ĐỀN THÁNH ĐỨC MẸ BÃI DÂU
Ngày 13.5.2015
Tháng Năm là tháng được dành riêng để tôn vinh những người mẹ. Chúa nhật 10 tháng năm vừa qua là ngày mà con cái đến tặng mẹ một cành hoa hồng đỏ để nói với mẹ: con yêu mẹ, hoặc đặt trên mộ của mẹ một cành hoa hồng trắng để nói với mẹ: con nhớ mẹ. Tình mẹ thật sâu sắc và trầm lắng, dạt dào và sôi động. Xin dâng mẹ những cánh hoa lòng, những người mẹ của tình huyết nhục..
Và truyền thống đạo đức bình dân từ rất xa xưa tại Việt Nam đã dành riêng tháng năm gọi là tháng hoa, tháng mà các tín hữu đi hái những đóa hoa vừa nở rộ nhờ những trận mưa đầu mùa dâng lên Mẹ Maria, người mẹ thiêng liêng của các tín hữu, với những điệu múa lời ca, gọi là dâng hoa.
Hằng năm, vào ngày lễ Đức Mẹ hiện ra tại Fatima, người ta thường bàn tán xôn xao về một bí mật thứ tư mà người ta nghĩ rằng Đức Mẹ đã mặc khải cho Lucia nhưng chưa được tuyên bố. Từ đó, những lời đồn đại hay giải nghĩa cách lệch lạc về bí mật thứ tư như là mạc khải về chiến tranh loạn lạc, về ngày tận thế đã gần kề. Đức Hồng Y Angelo Amato, trước đây là Thư ký Bộ Giáo lý Đức tin và hiện nay là Tổng trưởng Bộ Phong Thánh, đã tuyên bố hôm 7/5 vừa qua tại Đại học giáo hoàng Antonianum trong một cuộc hội thảo về những lần Đức Mẹ hiện ra tại Fatima, rằng “không có bí mật thứ tư cũng chẳng có bí mật nào khác nữa”. Đức Hồng Y Angelo Amato, cũng đã viết trên báo Quan sát viên Rôma hôm thứ sáu, 08.05.2015 rằng không có sứ điệp bí mật thứ tư Fatima, như nhiều đồn đại đưa tin. Không còn có những bí mật nào khác nữa. Sứ điệp Fatima nói về trận chiến giữa sự tốt lành thánh thiện và sự dữ tội lỗi. Và trận chiến nầy luôn có và xảy ra mọi nơi, mọi lúc và trong mọi thời gian.
Đức Hồng Y Amato giải thích ý nghĩa của Sứ điệp Fatima như sau:
Thứ nhất, “bí mật Fatima vén mở bức màn cho thấy sự đối kháng thực sự giữa một bên là Đức Maria, là Đấng thánh thiện và là người hợp tác hiệu quả của Chúa Kitô; và bên kia là kẻ thù của sự thiện, là con rắn (Gn. 3: 14 -15), con rồng đỏ, Satan, ma quỷ (Khải Huyền 12: 1-9), các phản-Kitô (1 Gn 2:18; 2 Ga 1: 7).
Thứ hai, sứ điệp Fatima là một lời mời gọi mạnh mẽ hướng đến sự thiện, đặc biệt là việc nên thánh và sự tha thứ, là điều đòi hỏi “sự hy sinh và hãm mình.”
Sứ điệp Fatima gồm có ba phần. Qua 6 lần hiện ra tại Fatima kể từ ngày 13.5 năm 1917, Đức Mẹ Maria đã nói cho ba trẻ Lucia, Phanxicô và Giaxinta hai sứ điệp đầu tiên. Trong hai sứ điệp nầy, Đức Mẹ kêu gọi nhân loại ăn ăn thống hối trở lại với Chúa vì những đe dọa to lớn. Đó là những đau buồn tối tăm do chiến tranh, đói khát và Giáo Hội bị bắt bớ tàn sát, nhất là những tấn công bằng bạo lực của phái vô thần chống lại Giáo Hội. Hai phần nầy đã được công bố cho toàn thể nhân loại và thế giới vào năm 1941, bốn năm trước khi kết thúc thế chiến thứ hai. Sứ điệp thứ ba được giữ kín dành riêng cho Đức Giáo Hoàng, cũng đã được công bố cho toàn thể Giáo Hội và thế giới năm 2000 do lệnh của ĐTC Gioan-Phaolo II. Sứ điệp thứ ba nói về một vị Giám mục mặc áo trắng bị bắn trọng thương. Đức Thánh Cha Gioan-Phaolo II khẳng định mình là vị Giám mục mặc áo trắng được tiên báo trong sứ điệp thứ ba nầy và được Đức Mẹ cứu chữa. Giải thích về việc ĐTC Gioan-Phaolo II bị ám sát, Đức Hồng Y Ratzinger, bây giờ là ĐTC Benêđictô XVI, Đức Hồng Y Amato và Chị Lucia, một chứng nhân của sứ điệp Fatima, đã nói rằng: “bàn tay từ mẫu của Đức Mẹ, bàn tay đã đưa đầu đạn trệch đi để Đức Giáo Hoàng không bị tử thương, cho thấy không có định mệnh nào mà không thể thay đổi; và sức mạnh của đức tin cũng như lời cầu nguyện có thể ảnh hưởng đến lịch sử: lời cầu nguyện mạnh hơn súng đạn”
Năm 2002, Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II đã thiết lập lễ Đức Mẹ Fatima được cử hành vào ngày 13.5 hàng năm. Lễ kính Đức Mẹ Fatima có một tương quan mật thiết với ĐTC Gioan Phaolô II. Đó là ngày 13.5.1981, ngày ĐTC bị mưu sát. Giữa 75,000 tín hữu tại quảng trường Thánh Phêrô Rôma và hơn 11 triệu người đang xem trực tiếp truyền hình cuộc tiếp kiến hằng tuần ĐTC dành cho các tín hữu, đã xảy ra là một người Hồi giáo cuồng tín bắn bốn phát đạn vào ĐTC. Hai viên đạn trúng thẳng vào người Đức Thánh Cha, một viên tiến thẳng vào ổ bụng, nằm sát cạnh động mạch chủ. Đây là vết thương nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong. ĐTC bị thương nặng và ngã gục xuống giữa cả một rừng người đang được Người tiếp kiến. Nhưng Người không bị tử thương. Sự kiện lạ thường này đã xảy ra đúng vào ngày 13.5.1981 kính nhớ Đức Mẹ hiện ra lần đầu tiên với ba trẻ Lucia, Giacinta và Phanxicô ở Fatima ngày 13.5.1917. ĐTC nghĩ ngay đến Người Mẹ trên trời đã che chở Người. ĐTC tuyên xưng cách xác tín: “Một người bắn, nhưng một người khác hướng dẫn đường đạn”. “Đức Mẹ Maria đã cứu sống tôi”. Để biểu lộ lòng biết ơn Đức Mẹ Fatima, ĐTC Gioan Phaolô II đã có nhiều nghĩa cử thánh thiện nhằm tôn vinh và tạ ơn Đức Mẹ. Ngày 13.5.1982, tròn một năm sau ngày bị ám sát hụt, Đức Thánh Cha đã hành hương Fatima và đặt lên chiếc triều thiên của tượng Đức Mẹ tại đền thánh Fatima viên đạn lấy ra từ thân thể của mình, như một lời khẳng định với thế giới rằng Đức Mẹ đã cứu sống ngài.
Truyền thống của Giáo hội dành riêng tháng Năm để tôn kính Đức Trinh Nữ Maria. Người là bông hoa xinh đẹp nhất trong các thụ tạo, là cánh hồng xuất hiện vào thời sung mãn. Khi Thiên Chúa sai Con của Ngài đến trần gian thực hiện chương trình cứu độ loài người, Ngài đã ban cho thời sung mãn nầy một mùa xuân mới. Và cùng với Chúa Giêsu Đấng Cứu Độ, Đức Maria là người đồng hành âm thầm và khiêm tốn của Hội thánh tiên khởi: Mẹ là trái tim thiêng liêng của cộng đoàn, bởi vì sự hiện diện của Mẹ ở giữa các môn đệ là ký ức sống động về Chúa Giêsu và bảo chứng hồng ân của Chúa Thánh Thần.
Bài Tin Mừng Chúa Nhật VI Phục Sinh vừa qua, trích từ Gioan 15, 9-17, cung cấp cho chúng ta hình ảnh sống động của Mẹ Maria khi Chúa Giêsu nói rằng: “Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy (Ga 15, 14)”. Những lời này hướng đến các môn đệ, nhưng có thể được áp dụng ở cấp độ cao nhất cho người đã là môn sinh hoàn hảo, là bạn hữu chân tình của Chúa Kitô. Đó là Đức Maria. Thực vậy, Đức Maria là người đầu tiên đã tuân giữ lời của Con mình cách toàn vẹn và đã yêu mến Chúa Kitô không những với tư cách là mẹ, mà còn như một nữ tì khiêm tốn và vâng phục. Ngoài ra khi Chúa Giêsu hứa với các môn đệ rằng Chúa Thánh Thần sẽ đến giúp họ nhớ lại và hiểu biết tường tận hơn những lời giáo huấn của Người (xc. Ga 14,26), thì làm sao Chúa không nghĩ đến Đức Maria, người đã nghiền ngẫm, cân nhắc tất cả những lời của Con ở tận trong trái tim mình. Bởi thế, ngay từ trước cuộc Phục sinh của Chúa Giêsu, người Mẹ của Chúa Giêsu đã trở thành người Mẹ và khuôn mẫu của Giáo hội rồi.
Trong tháng hoa dâng kính Mẹ Maria, ở khắp nơi nơi, các tín hữu biểu lộ lòng tôn kính mến yêu đối với Mẹ qua việc dâng hoa, suy niệm và lần hạt Mân Côi, hy sinh hãm mình, cải thiện đời sống; đồng thời chúng ta hãy noi gương Mẹ lắng nghe, học hỏi và sống vâng theo Lời Chúa, Lời Tin Mừng Sự Sống, Lời trao ban Niềm Vui Tin Mừng. Là con cái Mẹ, chúng ta hãy biết xin vâng để sẵn sàng thi hành Thánh ý Cha trong cuộc sống hằng ngày, biết lắng nghe, suy niệm và sống Lời Chúa để trở nên chứng nhân Tin mừng của Chúa bằng chứng tá đời sống gia đình, các cộng đoàn giáo xứ và các cộng đoàn sống đời sống thánh hiến. Amen.