BÀI GIẢNG LỄ TRUYỀN DẦU 2015:
NIỀM VUI LINH MỤC,
NIỀM VUI CỦA NGƯỜI ĐƯỢC XỨC DẦU
Anh em linh mục và phó tế rất thân mến,
Cộng đoàn phụng vụ thân mến,
Trong nghi thức phong chức, linh mục được xức dầu hai lòng bàn tay. Lời nguyện xức dầu diển tả niềm vui của linh mục, người được xức dầu, đó là xức dầu bằng Thánh Thần để thánh hoá dân Chúa và hiến dâng hy lễ Bàn Thờ. Linh mục tràn đầy niềm vui vì ngài được xức dầu để lãnh nhận Thánh Thần và được Thánh Thần sai đi loan báo Tin Mừng. Niềm vui trào tràn, niềm vui vô giá , niềm vui không chỉ dành riêng cho các linh mục mà còn cho toàn thể dân Chúa. Đó là các niềm vui được xức dầu, niềm vui bất tận và niềm vui được sai đi mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã dạy các linh mục trong Bài giảng lễ Dầu năm 2014.
Đó là Niềm vui vì được xức dầu. Như dầu thấm chảy từ đầu xuống râu xuống áo chầu của Aaron (x. Tv 133, 2), niềm vui được xức dầu cũng thấm nhập tận trong cõi lòng các linh mục, uốn nắn và củng cố tâm hồn các ngài. Qua các dấu chỉ và cử hành trong nghi thức truyền chức, ân sủng được đổ đầy tràn, dạt dào chan chứa và trọn vẹn nơi mỗi linh mục. Các linh mục được xức dầu đến tận xương tuỷ, nghĩa là thấm nhuần cả thể xác lẫn tâm hồn. Niềm vui được trào dâng từ nơi sâu thẳm tâm hồn các ngài.
Đó là Niềm vui bất tận, nghĩa là niềm vui không bao giờ hết, cứ tiếp tục mãi, luôn tồn tại và hoàn hảo, không bị ai chiếm đoạt, là niềm vui không hề vơi cạn. Niềm vui ấy có thể như bị che khuất vì tội lỗi hay cuộc sống đầy khó khăn, nhưng từ trong sâu thẳm của tâm hồn linh mục, niềm vui ấy vẫn luôn nguyên vẹn và sẽ bùng lên khi được gió Thánh Thần thổi vào.
Đó là Niềm vui được sai đi, niềm vui thúc đẩy linh mục đi ra khỏi chính mình, ra khỏi nhà thờ nhà xứ để đến tận những vùng ven của cuộc đời, đến với những người bị bỏ rơi, bị lãng quên và bị loại trừ. Niềm vui mang tính truyền giáo. Niềm vui loan báo Tin Mừng cho mọi người. Khi linh mục được xức dầu trong bí tích Truyền Chức Thánh, ngài được giao phó nhiệm vụ xức dầu cho các tín hữu trong các bí tích như rửa tội, thêm sức và xức dầu bệnh nhân. Ngài chăm sóc và thánh hoá, chúc lành, an ủi và loan báo Tin Mừng.
Được xức dầu để lại xức dầu cho người khác. Linh mục lãnh nhận niềm vui để lại trao ban niềm vui ấy cho anh chị em của mình. Tin Mừng vừa là niềm vui cho người được xức dầu, vừa là niềm vui cho những người được nghe loan báo Tin Mừng. Đức Thánh Cha Phanxicô rất tâm đắc với hình ảnh dầu chảy tràn, từ đầu xuống râu ông A-ha-ron và xuống đến tận gấu lễ phục thánh thiêng của ông. Đó là hình ảnh diễn tả phép xức dầu cho các tư tế; dầu đó, xuyên qua người-được-xức-dầu, dầu chảy đến tận bờ cõi vũ trụ được biểu trưng bởi lễ phục. Được xức dầu, các linh mục được trao ban tác vụ xức dầu cho dân mà các ngài được kêu mời phục vụ; mục đích của việc các ngài chịu xức dầu là để phục vụ người nghèo, người bị cầm tù, người bị áp bức và để loan báo Tin Mừng và Năm hồng ân (x. Lc 4, 18-19).
Sứ vụ của Đấng Thiên Sai mà Isaia tiên báo trong Bài đọc1 và trong Bài Tin Mừng Luca là sứ vụ thực hiện lòng thương xót của Thiên Chúa đối với người nghèo khi xoa dịu những đau khổ bệnh tật, khi xóa bỏ kỳ thị hay áp bức đối với người nghèo bị bỏ rơi, khinh miệt hay bị loại trừ, hay khi giải toả những bất công mà người bị giam cầm hay tù nhân phải gánh chịu. Công bố Năm Hồng ân là khai mở ơn cứu độ cho thời hôm nay, thời Tân Ước, thời của Chúa Giêsu Kitô. Chúa Giêsu đến là để trải rộng lòng thương xót của Thiên Chúa cho mọi người không phân biệt ai, không loại trừ ai, vì tất cả mọi người đều cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa.
Niềm vui của linh mục là niềm vui bắt nguồn từ tình yêu của Thiên Chúa. Bản thân linh mục nhỏ bé và vô dụng, nhưng hồng ân Chúa ban cho các linh mục thật là cao cả. Đức Thánh Cha Phanxicô dạy chúng ta: “Linh mục là người nghèo nhất giữa mọi người nếu Chúa Giêsu không làm cho linh mục được nên giàu có bằng cái nghèo của Người; linh mục là tôi tớ vô dụng nhất trong các tôi tớ nếu Chúa Giêsu không gọi linh mục là bạn của Người; linh mục là người điên rồ nhất trong mọi người nếu Chúa Giêsu không kiên nhẫn dạy bảo linh mục như đã dạy bảo Phêrô; linh mục là người yếu đuối nhất trong các Kitô hữu nếu Vị Mục tử tốt lành là Đức Giêsu Kitô không củng cố linh mục ở giữa đoàn chiên”. Đức Thánh Cha cũng nói rằng niềm vui này “chỉ bật sáng lên khi người mục tử ở giữa đoàn chiên mình”, đó là một “niềm vui được bảo vệ, được chính đoàn chiên canh giữ… Ngay trong những lúc u ám, khi mọi thứ xem ra tối tăm và cảm giác bị cô lập xâm chiếm, đôi khi những bơ phờ và chán nản xảy đến trong cuộc đời linh mục, cả trong những lúc như thế, dân Chúa sẽ bảo vệ niềm vui ấy”.
Anh em linh mục và phó tế rất thân mến,
Niềm vui đời linh mục cũng phải trải qua những thử thách và thăng trầm tuỳ theo tuổi tác, thời gian thi hành tác vụ và gánh nặng của chức vụ. Các linh mục mới được thụ phong, thì tràn đầy nhiệt huyết, sẳn sàng đi ra với dân Chúa và tiêu hao chính mình giữa dân Chúa. Các linh mục trung niên được dạn dầy kinh nghiệm và thử thách, với việc thi hành sứ vụ lâu năm, nên kinh nghiệm nhiều với gánh nặng của sứ vụ, nhưng các ngài luôn giữ được niềm vui sâu sắc và sự chín chắn khôn ngoan. Các linh mục cao niên, với tuổi đời và dồi dào kinh nghiệm sống, dù khoẻ mạnh hay đau yếu, đang phụ trách mục vụ hay đã nghỉ hưu, vẫn giữ được niềm vui toả sáng, đó là niềm vui của Thánh Giá, niềm vui được Chúa Kitô chịu đóng đinh thanh luyện và tôi luyện. Niềm vui vẫn toả sáng, hương vị hạnh phúc của đời mục tử vẫn là vô tận trong dòng thời gian chóng qua và nhất là cảm nghiệm được niềm vui khi chuyển giao sứ vụ cho thế hệ linh mục trẻ, khi nhìn thấy những thế hệ linh mục kế thừa tác vụ mục tử giữa lòng dân Chúa, cũng như các ngài là chứng nhân sinh động cho một niềm vui linh mục, niềm vui trào tràn hy vọng giữa những thử thách, cặm bẩy và cuốn hút của một xã hội tục hoá và vô thần hôm nay. Amen
+ TÔMA NGUYỄN VĂN TRÂM
GIÁM MỤC GIÁO PHẬN BÀ RỊA