BÀI GIẢNG CHÚA NHẬT LỄ LÁ 2015
ĐẠI HỘI GIỚI TRẺ GIÁO PHẬN BÀ RỊA
GIUĐA, NGƯỜI TÔNG ĐỒ ĐI LẠC
***
Các bạn trẻ thân mến,
Bài Thương khó theo thánh Marcô, mà chúng ta vừa nghe công bố, kể lại cho chúng ta cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu Kitô. Trong số các nhân vật xuất hiện bên cạnh Chúa Giêsu trong cuộc khổ nạn nầy, có một nhân vật khá quen thuộc đáng để chúng ta dành đôi phút để suy nghĩ đến: đó là Giuđa Iscariot, vị tông đồ được Chúa tuyển chọn, nhưng đã mất phẩm chất, sa ngã và chết đi trong hư vong.
Giuđa là vị tông đồ được Chúa Giêsu chọn gọi và liệt kê vào nhóm Mười Hai sau một đêm thức trắng cầu nguyện (x. Lc 6, 12). Chúa gọi tên từng người một: Simon, Anrê, Giacobê, Gioan…và cuối cùng là Giuđa Iscariot với tên riêng là kẻ phản bội để phân biệt với Giuđa con ông Giacôbê. Thực sự ngay từ lúc ban đầu, Giuđa đã đáp lại tiếng gọi của Chúa, đã bỏ gia đình và nghề nghiệp để đi theo Chúa. Giuđa đã kiên nhẫn bước theo Thầy, chia sẻ đói no với Thầy, chứng kiến những phép lạ Chúa đã làm, lắng nghe những lời Chúa đã dạy, thấy rõ những tranh chấp và đối kháng của các thủ lãnh và biệt phái đối với Chúa. Giuđa đã được chọn để trở nên tông đồ, được đặt ngang hàng với Phêrô, Anrê, Mathêu, Philiphê và những tông đồ khác. Giuđa cũng đi rao giảng Nước Trời như họ và thậm chí có lẽ đã làm nhiều phép lạ như Chúa đã ban ơn nầy cho các tông đồ khác. Giuđa đã được cả nhóm đón nhận và đã chọn ông làm quản lý giữ túi tiền chung, vì họ tôn trọng tài năng của ông. Họ quý mến và tin cẩn ông, không có một sự phân biệt nào, một sự nghi kỵ nào.
Giuđa tự đánh mất ơn gọi và vai trò tông đồ của mình. Thật ra từ lúc ban đầu, Giuđa không xuất hiện như một người phản bội và bán nộp Chúa. Nhưng Giuđa đã bước đi từng bước một đến sự phản bội Thầy và đã chết trong tuyệt vọng vì nhận ra rằng Thầy bị kết án cách oan ức và mình đã lầm lỗi không thể tha thứ. Giuđa được Chúa Giêsu nhắc nhở và cảnh báo cách kín đáo, tế nhị và rõ ràng mỗi khi ông lầm lỗi. Thánh sử Gioan nhận xét về Giuđa là một người tham lam tiền bạc, ích kỷ, tự phụ, gian dối và sẽ nộp Người (x. Ga 6, 71).
Một lần, khi nhìn đám đông bỏ đi vì không hiểu được những lời giảng của Chúa Giêsu về Bánh hằng sống, Người đã hỏi các tông đồ: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?. Simon Phêrô thưa lại cách xác quyết: “bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6, 67-68). Và ngay lúc ấy, Chúa Giêsu nói về Giuđa, mà chỉ có Giuđa hiểu rõ Chúa muốn nói về mình: “Chẳng phải Thầy đã chọn cả Nhóm Mười Hai sao? Thế mà một trong anh em lại là quỷ” (Ga 6, 70). Chúa Giêsu gọi Giuđa là quỷ vì Người đã nhận ra Giuđa đang từ từ đánh mất ơn gọi và vai trò tông đồ của mình và trở thành nô lệ của tiền tài, của ma quỷ.
Lần khác, tại nhà Bêtania, lúc Maria lấy bình dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá xức chân Chúa Giêsu, Giuđa phàn nàn: “Sao lại không bán dầu thơm đó lấy ba trăm đồng bạc mà cho người nghèo ?”. Thánh sử Gioan ghi chú về Giuđa: “Y nói thế không phải vì lo cho người nghèo, nhưng vì y là một tên trộm cắp; y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung” (Ga 12, 5-6). Lòng tham của cải làm băng hoại con người và làm cho Giuđa mất phương hướng.
Nhưng điều làm cho Giuđa chết trong tuyệt vọng, đó là việc ông chối bỏ lòng thương xót của Chúa dành cho ông. Ông đã từ chối những cánh cửa Chúa đã mở cho ông. Chúa Giêsu biết rõ Giuđa sẽ phản bội, sẽ bán đứng mình bằng ba mươi đồng bạc và một cái hôn. Chúa chỉ muốn Giuđa được biến đổi và trở nên tông đồ của Chúa. Nhưng ông đã từ chối tình thương Chúa đặc biệt dành cho ông.
Trước khi dùng Bữa Tiệc ly, Chúa Giêsu rửa chân cho Phêrô, cho các môn đệ và cho cả Giuđa. Ngài rửa chân cho Giuđa để ông thức tỉnh trước tội ác phản bội Thầy. Dù con người bất trung bất xứng tới đâu, Thiên Chúa vẫn một niềm trung tín, vì Ngài là tình yêu, biết mình bị phản bội mà vẫn cứ yêu thương. Ngài cúi xuống rửa chân cho Giuđa, mong ông hối cải và trở về.
“Thật, Thầy bảo thật anh em, có một người trong anh em sẽ nộp Thầy” (Ga 13, 21). Chúa Giêsu đau xót khi báo trước một môn đệ đã được Chúa gọi và từng bước theo Người, nay sắp phản bội Người. Các tông đồ khác không biết ai là người phản bội Thầy. Giuđa muốn hỏi thử xem Chúa có biết chính ông sẽ bán nộp Người không: “Lạy Thầy, chẳng lẽ con sao?” Và Chúa trả lời: “Chính anh nói đó”; (Mt 26, 25). Chúa Giêsu trao miếng bánh cho Giuđa. Nhưng Giuđa vừa ăn xong miếng bánh, thì Satan nhập vào, tâm hồn ông đã ra chai cứng. “Anh làm gì thì làm đi”. Giuđa đi ra. Lúc đó, trời đã tối. Giuđa cứng lòng. Giuđa đã thuộc về bóng tối. Và ngay tại vườn Cây Dầu, Chúa Giêsu muốn thức tỉnh Giuđa lần cuối khi Người trách ông: “Giuđa ơi, anh dùng cái hôn mà nộp Con Người sao?” (Lc 22, 48). Kết cục bi thảm. Giuđa đã nhận ra tội của mình nhưng không biết thoát ra cách nào.“Tôi đã phạm tội nộp người vô tội, khiến người bị chết oan” (Mt 27, 3). Giuđa ném số bạc vào đền thờ và đi thắt cổ. Ông đã chết trong thất vọng vì đã bán nộp Thầy và vì đã mất niềm tin vào Đấng giàu lòng thương xót đang chịu khổ hình và chết vì yêu thương ông và mọi người.
Các bạn trẻ thân mến,
Khi nói đến Giuđa, chúng ta thường hình dung Giuđa là một người phản trắc, lừa thầy dối bạn, tham lam tiền của, giả dối gian manh. Trong bức tranh Bữa Tiệc ly, Leonarđo da Vinci đã mô tả Giuđa với đôi mắt dữ tợn, với cái nhìn láo liên, với bàn tay đang nắm chặt tíu tiền, đang ở với các tông đồ nhưng tâm trí bất an như đang toan tính một điều gì bất chính. Giuđa đã hỏi Thầy: có phải con không?. Các môn đệ khác cũng hỏi Thầy: “Có phải con không?” Và lúc nào chúng ta cũng có thể hỏi Chúa Giêsu cùng câu hỏi đó. Dù mỗi ngày chúng ta cùng chia sẻ bàn tiệc Thánh Thể với Chúa, chúng ta vẫn có thể rơi vào tội của Giuđa. Giuđa phản bội vì ham tiền. Và điều này không làm chúng ta ngạc nhiên, vì tiền là thần tượng lớn nhất, là gốc rễ của mọi điều xấu xa. Tội phản bội của Giuđa vẫn tiếp diễn trong lịch sử, nhưng không phải chỉ có ở nơi những người có chức vụ. Cả trong mỗi người chúng ta nữa.
Mùa Chay là dịp thuận tiện để chúng ta soi mình vào gương Giuđa mà nhìn thấy rõ thân phận yếu đuối, mỏng giòn của mình chẳng khác gì con người tội lỗi Giuđa ngày xưa. Để rồi từ đó, chúng ta xin ơn biến đổi và cảm nghiệm sâu xa hơn con đường chúng ta đang đi, đang dấn thân, cũng như xin ơn nhận ra tình thương bao la của Thiên Chúa dành cho con người và dành cho mỗi người chúng ta. Mùa Chay là một chặng dừng cần thiết của cuộc hành trình nội tâm của chúng ta. Đó là giờ của ân sủng, là thời gian Thiên Chúa yêu thương con người. Hãy cúi mình xuống trong sự chân thành và khiêm hạ để có thể mở rộng tâm hồn với ân sủng Chúa ban và hãy luôn xác tín rằng Chúa vẫn luôn yêu thương chúng ta và muốn chúng ta đặt trọn vẹn niềm hy vọng được ơn cứu rỗi nhờ Chúa Kitô, Đấng đã chết và sống lại vì chúng ta. Amen.
+ TÔMA NGUYỄN VĂN TRÂM
GIÁM MỤC GIÁO PHẬN BÀ RỊA