GIÁO XỨ HỮU PHƯỚC CHẦU THÁNH THỂ THAY GIÁO PHẬN
Chúa Nhật III Mùa Vọng, ngày 15.12.2013, giáo xứ Hữu Phước đã cử hành ngày Chầu Thánh Thể theo luân phiên trong giáo phận Bà Rịa.
BTT Giáo hạt Bình Giã
BÍ TÍCH THÁNH THỂ TRƯỜNG DẠY YÊU MẾN THA NHÂN
Ngày giáo xứ chúng ta chầu Thánh Thể Chúa thay cho giáo phận, là ngày hồng phúc, là dịp thuận tiện để mỗi chúng ta một lần nữa tái khám phá hồng ân Thiên Chúa tặng ban cho chúng ta qua Bí Tích Thánh Thể – Bí Tích Tình Yêu. Nhờ đó, mỗi chúng ta tôn thờ Thánh Thể Chúa trong niềm cảm tạ tri ân.
Bởi việc tôn sùng mầu nhiệm Thánh Thể là linh hồn của mọi đời sống Kitô hữu. Thật vậy, nếu đời sống Kitô hữu được diễn tả trong việc chu toàn lệnh truyền cao cả, nghĩa là trong tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân; tình yêu đó bắt nguồn từ chính bí tích Thánh Thể, thường được gọi là bí tích tình yêu.
Bí tích Thánh Thể nói lên ý nghĩa của đức ái, nhắc nhớ và cụ thể hóa, đồng thời hiện thực đức ái. Mỗi lần chúng ta tham dự bí tích đó cách ý thức, một chiều kích vương giả của tình yêu khôn thấu mở ra trong tâm hồn của chúng ta; tình yêu bao hàm tất cả những gì Thiên Chúa đã làm cho loài người, và vẫn tiếp tục thực hiện, đúng như lời của Đức Kitô: “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc”(Ga 5,17). Với hồng ân khôn lường và nhưng không mà đức ái đã bộc lộ trong hy tế cứu độ của Con Thiên Chúa mà Thánh Thể là dấu chỉ trường tồn cho hy tế đó, chúng ta sẽ có một lời đáp trả sống động phát xuất tự tâm hồn. Không những chúng ta biết được tình thương, mà chúng ta còn bắt đầu yêu thương. Có thể nói chúng ta bước vào con đường của tình yêu, và thực hiện những bước tiến trên con đường đó. Tình yêu xuất phát từ mầu nhiệm Thánh Thể hình thành trong chúng ta, phát triển, cắm rễ sâu và trở nên vững chắc trong ta nhờ mầu nhiệm đó.
Việc tôn sùng mầu nhiệm Thánh Thể là cách diễn tả tình yêu, một nét đặc thù, sâu thẳm nhất của ơn gọi Kitô hữu. Việc tôn sùng đó xuất phát từ tình yêu và phục vụ tình yêu; đó là ơn gọi của chúng ta trong Đức Giêsu Kitô. Hình ảnh hoàn hảo về Thiên Chúa mà chúng ta đang mang trong mình, tương ứng với hình ảnh mà Đức Kitô mặc khải cho chúng ta; hình ảnh đó là kết quả sống động của việc tôn sùng mầu nhiệm Thánh Thể. Nhờ đó, khi trở thành những người tôn thờ Chúa Cha “trong thần khí và chân lý” (Ga 4,23), chúng ta tăng trưởng trong sự kết hiệp ngày càng hoàn hảo với Đức Kitô, ngày càng nên một với Người cách mật thiết hơn, và, nếu có thể diễn tả, ngày càng liên đới với Người.
Giáo lý về mầu nhiệm Thánh Thể, dấu chứng của sự hiệp nhất và mối dây bác ái, được Thánh Phaolô chỉ dạy (1 Cr 10,17), đã được đào sâu trong tác phẩm của nhiều vị Thánh có thể xem như những mẫu gương sống động cho việc tôn sùng mầu nhiệm Thánh Thể. Chúng ta phải luôn giữ thực tại đó trước mắt mình, đồng thời không ngừng cố gắng làm sao cho thế hệ của chúng ta cũng đóng góp vào số các mẫu gương vĩ đại của quá khứ, những mẫu gương mới, không kém phần sống động, hùng hồn, mà còn phản ảnh được thời đại của chúng ta.
Ý nghĩa chính xác của bí tích Thánh Thể đã trở thành một trường dạy yêu mến tha nhân. Chúng ta biết lệnh truyền đích thực và toàn diện về tình yêu mà Chúa đã dạy : “Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35). Mầu nhiệm Thánh Thể giáo dục chúng ta sống tích cực tình yêu này. Quả vậy, mầu nhiệm Thánh Thể soi tỏ giá trị của mỗi con người, nam cũng như nữ, trước mặt Thiên Chúa, vì Đức Kitô đã tự hiến mình cho mỗi người, dưới hình bánh rượu. Nếu việc tôn sùng mầu nhiệm Thánh Thể của chúng ta có giá trị đích thực, thì sẽ làm nảy sinh trong chúng ta ý thức về nhân phẩm của mọi người. Ý thức phẩm giá này trở thành lý do sâu thẳm nhất cho tương quan của chúng ta với tha nhân.
Chúng ta phải nhạy cảm trước tất cả những đau khổ và khốn cùng của nhân loại, trước mọi nỗi bất công và sai trái, và phải tìm biện pháp chữa trị cách hữu hiệu. Chúng ta học khám phá và tôn trọng chân lý về con người nội tâm vì chính nội tâm của con người sẽ là nơi cư ngụ của Thiên Chúa hiện diện trong bí tích Thánh Thể. Đức Kitô đến trong tâm hồn và thăm viếng các lương tâm anh chị em chúng ta. Nếu như chúng ta ý thức thực tại này, và lấy thực tại đó làm đối tượng suy tư, thì hình ảnh về mọi người và mỗi người sẽ thay đổi biết bao! Ý nghĩa của mầu nhiệm Thánh Thể thúc đẩy chúng ta yêu thương tha nhân, yêu thương hết mọi người. (Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông thư DOMINICAE CENAE, 24.02.1980, số 5-6)
Ước mong mỗi chúng ta luôn nhận ra những lời chỉ dạy yêu thương của Thánh Thể Chúa, để mỗi lần cử hành, tôn thờ bí tích Thánh Thể chúng ta biết mở lòng ra với Chúa và tha nhân. Nhờ đó, đời sồng của mỗi chúng ta thực sự trở nên dấu chứng tình yêu của Chúa cho mọi người. Nhất là cho những người thân yêu trong gia đình của chúng ta trong năm Phúc Âm Hóa đời sống gia đình này.