TÂN PHÚC-ÂM-HÓA ĐỂ THÔNG TRUYỀN ĐỨC TIN
BÀI GIẢNG NGÀY HÀNH HƯƠNG
CỦA NỮ TU GIÁO PHẬN BÀ RỊA – NGÀY 19.10.2013
“Tân Phúc-âm-hóa để thông truyền đức tin Kitô giáo” là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong Năm Đức Tin mà ĐTC Bênêđictô XVI trước đây, ĐTC Phanxicô hiện nay cùng với các giám mục, linh mục luôn khơi dậy và thôi thúc mọi tín hữu thực hiện một cuộc Tân Phúc-âm-hóa. “Tân Phúc-Âm-hóa” hay Phúc-âm-hóa mới là gì? Đây không phải là rao giảng một Phúc Âm mới, vì Phúc Âm là chính Chúa Giêsu, Tin Mừng Chúa Cha gởi đến cho loài người, và vì Chúa Giêsu vẫn là một, hôm qua, hôm nay và mãi về sau. Nhưng là “mới về lòng nhiệt thành, mới trong phương pháp, và mới trong cách diễn tả”.
Mới về lòng nhiệt thành là làm mới lại tương quan giữa bản thân chúng ta với Chúa Giêsu Kitô qua cách thức sống và tuyên xưng đức tin để mối tương quan ấy hướng dẫn toàn bộ đời sống chúng ta.
Mới trong phương pháp là biết vận dụng những phương pháp thích hợp để đáp ứng sự thay đổi nhanh chóng của thời đại về nhiều mặt như văn hóa, xã hội cũng như kỹ thuật.
Mới trong cách diễn tả là cố gắng nghiên cứu và sử dụng những cách thế diễn tả phù hợp để con người hôm nay có thể hiểu và lĩnh hội được sứ điệp Phúc Âm (x. Thư Chung HĐGMVN năm 2013, số 4).
ĐTC Phanxicô, khi gặp các vị Hồng y, giám mục và linh mục trong Hội Đồng Tòa thánh về Tân Phúc-âm-hóa, đã nhấn mạnh đến ba điểm then chốt của công cuộc Phúc-âm-hóa, đó là thức tỉnh tâm trí con người thời nay về đức tin, là sự cần thiết phải đi gặp gỡ tha nhân và là qui hướng vào Chúa Giêsu như trọng tâm của niềm tin.
1.Thức tỉnh tâm trí con người thời nay về đức tin
Ảnh hưởng các trào lưu tục hóa cùng các tiến bộ khoa học kỹ thuật dể dàng làm cho con người đặt vấn nạn: có đức tin hay không, có cần thiết phải tin vào Chúa hay không, đâu là bằng chứng thuyết phục về đức tin. Các tu sĩ sống đời thánh hiến cũng không thoát khỏi những thử thách và cám dỗ về đức tin. Khi chọn đời sống thánh hiến với các lời khuyên Phúc Âm khó nghèo, vâng phục và khiết tịnh, hình như các tu sĩ cũng muốn tìm hưởng thụ những kết quả của tiến bộ khoa học kỹ thuật, không phải là để thỏa mãn nhu cầu cá nhân, nhưng nhằm cải thiện đời sống cho tập thể và cho việc thi hành tác vụ cách hiệu quả hơn. Thư Chung năm 2013 của HĐGMVN dạy: “Công cuộc Tân Phúc-Âm-hóa đòi phải thực hiện việc hoán cải, tức sự biến đổi, từ trong tâm thức đến định hướng và phương pháp mục vụ. Từ kinh nghiệm của các nước đã có nhiều Kitô hữu bỏ đạo, nếu chúng ta không nhanh chóng thực hiện cuộc hoán cải mục vụ này, thì trong tương lai không xa, Hội Thánh tại Việt Nam cũng có thể rơi vào tình trạng băng giá của mùa đông đức tin như một số nơi trên thế giới” (Thư Chung 2013, số 4). Dù muốn hay không, với mức độ nhiều hay ít, đức tin các tín hữu bị thử thách và chao đảo. Nhiều tín hữu sống như thể không có Thiên Chúa trong đời sống tâm linh của họ. Nhiều tín hữu chỉ theo cảm tính mà tin vào những điều hời hợt hàm hồ vì thiếu hiểu biết giáo lý cách chuẩn xác. Đức Tin là một hồng ân Chúa ban, tuy nhiên điều quan trọng là các tín hữu Kitô cần chứng tỏ mình sống đức tin một cách cụ thể, qua tình thương, sự hòa thuận, niềm vui và cả những đau khổ bách hại. Vào thời sơ khai của Giáo Hội: có những vấn nạn là tại sao các tín hữu sống tình thương, hòa thuận, vui tươi như thế? điều gì thúc đẩy họ can đảm đón nhận đau khổ, bách hại và cái chết? Đó là những vấn nạn dẫn tới trọng tâm của việc rao giảng Tin Mừng là làm chứng về Chúa Giêsu Kitô và đức tin vào Người. Điều các tu sĩ chúng ta cần làm, trong thời hôm nay, là trở nên những chứng nhân đáng tin cậy bằng đời sống và bằng lời nói, làm cho Tin Mừng trở nên hữu hình, khơi dậy sự thu hút đối với Chúa Giêsu Kitô và vẻ đẹp của Thiên Chúa. Chứng tá đời sống thánh hiến phải trở thành chứng tá của Tin Mừng. Những tu sĩ dành trọn cuộc đời để phục vụ trẻ khuyết tật hay thiểu năng, giúp đỡ người già cả neo đơn, chăm sóc bệnh nhân phong hủi hay HIV giai đoạn cuối. Sự hiện diện và đồng hành của họ là chứng tá tích cực của nền Văn minh Tình thương, là rao giảng Tin Mừng bằng việc sống Tin Mừng sát nghĩa: yêu thương tha nhân như thể Chúa yêu thương mình.
2. Sự cần thiết phải đi gặp tha nhân
Tân Phúc-âm-hóa nhấn mạnh đến sự cần thiết phải đi gặp tha nhân, là đi tới những người đã xa lìa đức tin và chối bỏ ý nghĩa sâu xa của cuộc sống. Giám mục linh mục không sống ẩn mình trong lâu đài Giáo Hội kiên cố và an toàn. Tu sĩ không thỏa mãn với những việc cầu nguyện, chiêm niệm, dâng thánh lễ và lãnh nhận các bí tích trong bốn bức tường của nhà dòng và quên hết mọi việc trần thế. Cần phải đi gặp gỡ tha nhân. Đó là một cách thế mới để loan báo Tin Mừng. ĐTC Phanxicô nói: “Không ai bị loại trừ khỏi niềm hy vọng sự sống và khỏi tình thương của Thiên Chúa. Giáo Hội được sai đi để khơi dậy khắp nơi niềm hy vọng ấy, nhất là tại những nơi niềm hy vọng này bị bóp nghẹt vì hoàn cảnh sống khó khăn và nhiều khi vô nhân đạo.” Điều quan trọng là đi ra ngoài để gặp gỡ tha nhân trong các khu ngoại ô, nhất là những con người bị loại trừ hay phân biệt đối xử trong những hoàn cảnh khác nhau. Đây là những khu ngoại ô, khu ổ chuột, khu nghèo đói của anh chị em bất hạnh xấu số. Đó là những vùng có nguy cơ ở ngoài lề xã hội, không được ánh đèn văn minh và khoa học tiến bộ chiếu vào. Đó là những người bị gạt ra ngoài lề, bị khinh rẻ, bị phân biệt đối xử. ĐTC khuyên nhủ: Anh chị em đừng sợ ra ngoài và gặp gỡ những người ấy, những hoàn cảnh ấy. Đừng để mình bị ngăn chặn vì những thành kiến, thói quen, sự cứng nhắc về tâm thức hoặc về mục vụ… Chúng ta thấy đó đây, dịp nầy dịp khác, có những tu sĩ cùng với các tình nguyện viên đến những vùng sâu vùng xa khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo. Các tu sĩ bước ra khỏi nhịp sống đơn điệu hằng ngày như khung nhà trẻ, trường mẫu giáo, sinh hoạt nhà thờ để đến và gặp gỡ anh chị em kể cả lương dân nhằm thực thi đức ái Kitô giáo, đồng thời rao giảng Thiên Chúa tình thương đang đến giữa dân Ngài.
3. Qui hướng về Chúa Kitô như trọng tâm
Chúa Giêsu là đối tượng của đức tin cậy mến. Mọi hoạt động tông đồ hay bác ái đều phải qui hướng về Chúa Kitô. ĐTC nhấn mạnh rằng: “Xả thân vào bao nhiêu việc tùy phụ hay vô bổ là điều vô ích, cần phải qui trọng tâm vào thực tại cơ bản là gặp gỡ Chúa Kitô, với lòng từ bi, tình thương của Chúa, và yêu thương anh chị em mình như chính Chúa đã yêu thương chúng ta…”. Chúng ta luôn hướng nhìn về Chúa Giêsu Kitô, là nguồn gốc và là tận điểm của đức tin (Dt 12,2): nơi Người mọi sóng gió và khát vọng của tâm hồn con người được giải đáp. Niềm vui của tình yêu, lời đáp trả thảm trạng đau khổ, sức mạnh của tha thứ trước sự xúc phạm phải chịu, và chiến thắng của sự sống trước cái trống rỗng của sự chết, tất cả đều tìm được sự giải đáp và thành toàn trong mầu nhiệm nhập thể của Chúa, mầu nhiệm Chúa làm người, chia sẻ sự yếu đuối của chúng ta để biến đổi nó bằng quyền năng sự phục sinh của Người. Trong Người là Đấng đã chết và sống lại để cứu độ chúng ta, những tấm gương đức tin được tràn đầy ánh sáng, những tấm gương đã ghi dấu 2 ngàn năm lịch sử cứu độ chúng ta (x. Tông thư Cửa Đức Tin, số 13).
Tất cả mọi sinh hoạt của các tu sĩ phải qui hướng về Chúa Kitô như đối tượng và cùng đích, chứ không phải qui hướng về cá nhân mình, cộng đoàn của mình hay hội dòng của mình. Nếu làm như thế, vô hình trung chúng ta tạo nên rào cản mang tính biệt phái và loại trừ và có nguy cơ tách biệt mình ra khỏi Chúa Kitô là đối tượng duy nhất của lòng trí chúng ta, trí khôn và tình yêu của chúng ta.
Các nữ tu thân mến,
Các chị em đang thực hiện một cuộc hành hương về Đền thánh Bãi Dâu dưới sự bảo trợ của Mẹ Maria. Các chị em suy nghĩ về cuộc hành trình thánh hiến của mình được đặt trên nền tảng là Chúa Giêsu Kitô. Các chị em được thôi thúc bởi khát vọng trở nên tông đồ lên đường loan báo Tin Mừng bằng chứng tá đức tin và đức ái, bằng việc ra đi gặp gỡ mọi người để hướng dẫn họ về với Chúa Kitô. Đây là lệnh truyền loan báo Tin Mừng, là trách nhiệm phúc-âm-hóa, là tác vụ và chứng tá của các tất cả tu sĩ chúng ta.
Bà Rịa, ngày 19 tháng 10 năm 2013
+ Tôma Nguyễn Văn Trâm
Giám mục Giáo phận Bà Rịa