HÀNH HƯƠNG TRONG NĂM ĐỨC TIN
Giáo Lý Viên Giáo Phận Bà Rịa, Thứ Sáu 26-07-2013
Kính chào toàn thể anh chị em Giáo lý viên Giáo phận.
Xin chúc mừng và cám ơn anh chị em đã thành tâm đáp lại lời mời gọi và nhiệt thành thực thi sứ vụ giảng dạy giáo lý, thông truyền đức tin.
Hôm nay, chắc chắn rằng anh chị em cùng mang một tâm tình đạo đức, hân hoan khi hành hương về nơi đây để cử hành ngày lễ Quan thầy Giáo lý viên Giáo phận. Và trong tinh thần của Năm Đức Tin, hẳn rằng anh chị em chúng ta hiểu rằng việc hành hương, cử hành phụng vụ… đều biểu tỏ đức tin mà chúng ta đang có và đang sống.
Trong tinh thần ấy, xin chia sẻ cùng anh chị em đôi chút về việc Hành hương trong Năm Đức Tin. Trước hết, chúng ta sẽ lược qua về ý nghĩa Năm Đức Tin, về việc hành hương trong năm sống Đức tin này. Tiếp đến, chúng ta sẽ nói về việc sống và thông truyền đức tin vì liên quan đến anh chị em Giáo lý viên chúng ta. Sau cùng, chúng ta cùng gợi nhớ lại Kinh Tin Kính và Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo là tóm lược căn bản đức tin của chúng ta.
I. Hành hương trong Năm Đức Tin
1. Ý nghĩa Năm Đức Tin[1]
Như chúng ta biết, ngày 11/10/2011 Đức nguyên Giáo Hoàng Benedicto XVI đã ban hành Tông thư Cửa Đức Tin (Porta Fidei – từ đây viết tắt là PF.), trong đó Ngài công bố mở một Năm Đức Tin (kể từ ngày 11/10/2012 đến ngày 24/11/2013) nhằm “đưa toàn thể Giáo Hội bước vào một giai đoạn suy tư đặc biệt và tái khám phá đức tin”. Hai biến cố ghi nhớ khi khai mở Năm Đức Tin mà Đức nguyên Giáo Hoàng nhắc đến : nhân kỷ niệm 50 năm khai mạc Công đồng Vatican II (từ đây viết tắt là CĐ. Vat. II) bởi Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan XXIII (11/10/1962) và kỷ niệm 20 năm ký ban hành sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo (từ đây viết tắt GLHTCG) bởi Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II (11/10/1992). [2]
Thực ra, đây là lần thứ hai Năm Đức Tin được thiết lập trong Hội Thánh Công Giáo. Lần thứ nhất, Năm Đức Tin được khai mở vào năm 1967 do Tôi tớ Chúa Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, nhân kỷ niệm 1900 năm ngày hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô chịu tử đạo để tuyên xưng và làm chứng nhân đức tin. Theo Đức Benedicto XVI, Năm Đức Tin với mong muốn của Đức Phaolô VI “là một thời điểm long trọng để trong toàn thể Hội Thánh chính thức và chân thành ‘tuyên xưng cùng một đức tin’ ; ngoài ra, ngài mong muốn đức tin được củng cố ‘về phương diện cá nhân cũng như tập thể, có tự do và ý thức, nơi nội tâm cũng như bên ngoài, khiêm tốn và chân thành’.” [3]
Nhận thấy trong bối cảnh xã hội ngày nay, do cuộc khủng hoảng sâu sắc về đức tin đã ảnh hưởng đến nhiều người, đức tin không còn được coi là tiền đề hiển nhiên của đời sống xã hội, thậm chí còn bị phủ nhận, Đức Bênêdicto XVI ngay từ khi bắt đầu sứ vụ kế vị Thánh Phêrô đã “nhắc đến việc cần phải tái khám phá hành trình đức tin để luôn làm nổi bật niềm vui và niềm hưng phấn mới của việc gặp gỡ Chúa Kitô” [4]. Vì thế, khi khởi sự Năm Đức Tin này, Đức nguyên Giáo Hoàng muốn toàn thể Hội Thánh cùng nhau bước vào hành trình suy tư và tái khám phá đức tin dựa trên nội dung cốt yếu của đức tin được hình thành từ nhiều thế kỷ đã qua và là gia sản quý giá của mọi Kitô hữu ; từ đó đưa ra những chứng từ phù hợp với hoàn cảnh hiện tại, đồng thời “phải làm sống lại trong toàn Hội Thánh niềm khao khát thiết tha được loan báo về Đức Kitô cho người đương thời” [5].
Như vậy, để khôi phục lại niềm xác tín vào sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế giới và giới thiệu Chúa Kitô là đường dẫn đến ơn cứu độ và sự sống đời đời[6], Năm Đức Tin được xác lập nhằm mục đích « giúp các tín hữu tái khám phá hành trình đức tin trước cuộc khủng hoảng sâu sắc về đức tin Kitô giáo trong thế giới ngày nay ».[7]
2. Hành hương trong Năm Đức Tin
Hành hương là cuộc lữ hành của các tín hữu về một nơi được thánh hiến để dâng lời cầu nguyện trong một khung cảnh đặc biệt. Như thế, hành hương là một cuộc tìm kiếm Thiên Chúa và gặp gỡ Ngài trong khung cảnh phụng tự. Vì vậy, “Giáo Hội coi những cuộc tụ họp tại những nơi ghi dấu hoạt động của Đức Kitô đã như một dịp để các tín hữu hiệp thông trong đức tin và kinh nguyện. Nhất là những lúc đó Giáo Hội tìm cách nhắc nhở cho biết họ đang được Chúa hướng dẫn trên đường tiến về với Ngài”.[8]
Trong ý hướng đó, hôm nay chúng ta hành hương về nhà thờ Chính Tòa với tâm tình tri ân cảm tạ và cầu nguyện nhân ngày mừng kính Chân phước Anrê Phú Yên, Quan Thầy Giáo lý viên Giáo phận, với ý thức dõi theo bước chân của Thầy Giêsu và theo gương vị Quan Thầy quảng đại và nhiệt tâm dấn thân loan báo Tin mừng, sống chứng nhân đức tin và thông truyền đức tin cho những người chúng ta gặp gỡ. Thực vậy, đây là sứ mệnh mà Đức Kitô đã trao cho Hội Thánh, một sứ mệnh mang tính trường cửu, kéo dài suốt thời gian lịch sử của nhân loại tại thế. Đây cũng chính là sứ vụ của mọi tín hữu trong Hội Thánh, những người đã lãnh nhận bí tích Rửa tội và Thêm sức, nên phải ra sức chu toàn, dù sẽ gặp phải nhiều khó khăn, gian khổ…
Đức nguyên Giáo Hoàng Benedicto XVI trong Tông thư Cửa Đức Tin đã mời gọi hiệp nhất với ngài là Đấng kế vị Thánh Phêrô, trong thời điểm ân phúc thiêng liêng Chúa dành cho chúng ta để nhớ lại hồng ân đức tin quý giá đã lãnh nhận. Đức Thánh Cha đã viết rằng : “Chúng ta mong được cử hành Năm Đức Tin này một cách xứng đáng và sinh ơn ích. Cần tăng cường suy tư về đức tin để giúp tất cả những ai tin vào Chúa Kitô được ý thức hơn và củng cố lòng gắn bó với Tin mừng, nhất là vào lúc nhân loại đang sống giữa những đổi thay sâu sắc như hiện nay. Chúng ta sẽ có cơ hội tuyên xưng đức tin nơi Chúa Phục Sinh trong các nhà thờ Chính tòa và các nhà thờ trên khắp thế giới, trong các gia đình, để mỗi người cảm thấy sự đòi hỏi cấp thiết phải hiểu biết hơn nữa về đức tin và truyền lại đức tin cho các thế hệ mai sau.”[9]
Với ước mong Năm Đức Tin sẽ khơi dậy nơi mỗi tín hữu khát vọng tuyên xưng đức tin, Đức Benedicto XVI đã nhắc nhở rằng : “Năm này cũng sẽ là một cơ hội thuận lợi để tăng cường việc cử hành đức tin trong phụng vụ, nhất là phép Thánh Thể, vốn là ‘chóp đỉnh mà hoạt động của Hội Thánh hướng tới, đồng thời là nguồn mạch tuôn trào sức mạnh của Hội Thánh’[10]. Đồng thời, chúng ta ước mong việc làm chứng bằng đời sống của các tín hữu sẽ tăng tiến trong sự khả tín. Tái khám phá nội dung đức tin được tuyên xưng, được cử hành, được thể hiện qua đời sống và cầu nguyện, và suy tư về chính việc làm của lòng tin, đó là nhiệm vụ mỗi tín hữu phải thực hiện, nhất là trong Năm Đức Tin này.”
II. Sống và thông truyền đức tin
1. Đức tin là một ân ban
Tin là đáp trả lại tình yêu của Thiên Chúa được mạc khải trong Đức Kitô. Nhờ ơn Chúa, chúng ta tin nhận Đức Kitô là Chúa và phó thác trọn bản thân chúng ta cho Người. Nói cách khác, bằng đức tin con người để trí tuệ và ý chí của mình hoàn toàn quy phục Thiên Chúa, thuận theo mạc khải của Thiên Chúa. Đức Benedicto XVI đã diễn giải rằng : “Đức tin không đơn thuần là một sự đồng ý của trí tuệ con người với những chân lý cụ thể của Thiên Chúa. Đó là một hành động mà qua đó tôi tự do phó thác chính mình cho một Thiên Chúa, Đấng là Cha tôi và yêu thương tôi ; là gắn bó với ‘Ngài’ là Đấng ban cho tôi niềm hy vọng và tin tưởng. Chắc chắn rằng, việc gắn bó với Thiên Chúa này không phải là không có nội dung : nhờ nó mà chúng ta biết rằng Thiên Chúa đã tự tỏ mình ra cho chúng ta trong Đức Kitô, đã cho chúng ta thấy dung nhan Ngài và thực sự trở nên gần gũi mỗi người chúng ta. Và thậm chí, Thiên Chúa đã tỏ lộ tình yêu của Ngài cho con người, cho mỗi người chúng ta, tình yêu khôn lường : trên Thánh Giá, Chúa Giêsu Thành Nazareth, Con Thiên Chúa làm người, đã cho chúng ta thấy một cách rõ ràng nhất rằng tình yêu này đi đến mức nào, đến tận mức tự hiến hoàn toàn.”[11]
CĐ. Vat. II khẳng định rằng : “Để có được, đức tin này cần phải có ân sủng đi trước và trợ giúp của Thiên Chúa, cùng với những sự giúp đỡ bề trong của Chúa Thánh Thần, Đấng chạm đến tâm hồn và hướng nó về Thiên Chúa, mở mắt tâm trí và ban cho ‘tất cả mọi người niềm vui ngọt ngào để chấp nhận và tin vào chân lý’”.[12] Sách GLHTCG cũng dạy rằng : “Chỉ có thể tin nhờ ân sủng và những sự trợ giúp bề trong của Chúa Thánh Thần. Nhưng không kém đúng rằng tin là một hành động đích thực của con người. Nó không ngược lại với sự tự do hay lý trí của con người”[13] Như thế, đức tin là một ân ban, là quà tặng của Thiên Chúa dành cho con người[14]. Tuy nhiên, đức tin cũng là một hành động tự do sâu xa của con người.
Trong bài giảng Giáo lý thứ hai về Năm Đức Tin tại quảng trường Thánh Phêrô ngày thứ tư 24.10.2012, Đức Benedicto XVI đã dạy rằng : “Nền tảng của cuộc hành trình đức tin của chúng ta là Phép Rửa, bí tích ban cho chúng ta Chúa Thánh Thần, làm cho chúng ta thành con cái Thiên Chúa trong Đức Kitô, và đánh dấu việc gia nhập vào cộng đồng đức tin, vào Hội Thánh : Chúng ta không tin một mình mà không có sự đi trước của ân sủng Chúa Thánh Thần ; và chúng ta không tin một mình, nhưng cùng tin với các anh chị em của mình. Từ khi chịu Phép Rửa, mỗi tín hữu được mời gọi để sống trở lại và biến lời tuyên xưng đức tin này thành của riêng mình, cùng với các anh chị em của mình.”[15]
2. Sống đức tin trong sự hiệp thông : hai chiều kích cá nhân và cộng đoàn
Hiến chế về Hội Thánh Lumen Gentium đã xác quyết rằng Thiên Chúa không muôn cứu độ chúng ta cách riêng rẽ, nhưng muốn quy tụ chúng ta thành một dân, đó là Hội Thánh.[16] Vậy nên, chúng ta không thể lãnh nhận, tuyên xưng, cử hành và sống đức tin một mình. Bởi vì, chỉ trong và nhờ Hội Thánh mà chúng ta lãnh nhận đức tin, mà chúng ta được nâng đỡ và nuôi dưỡng đức tin ấy, nhờ đó đức tin của chúng ta mới tăng triển đạt tới mức trưởng thành và toàn vẹn đích thực.[17]
Đức Benedicto XVI đã minh định rằng : “ ‘Cửa Đức Tin’ dẫn vào đời sống hiệp thông với Thiên Chúa và vào Hội Thánh của Ngài vẫn luôn rộng mở cho chúng ta”. Thật vậy, đức tin không chỉ đưa chúng ta vào thông hiệp với Thiên Chúa hằng sống, nhưng còn dẫn đưa chúng ta vào trong sự hiệp thông của Hội Thánh. Và như thế, chỉ trong Hội thánh người ta mới có được một đức tin đích thực và tinh tuyền vào Thiên Chúa. Vì thế, có thể minh xác rằng đức tin là một hành vi đáp trả tự do của mỗi người trước tiếng gọi của Thiên Chúa, nhưng đức tin không phải là một hành vi riêng rẽ. Mặc dù đức tin của chúng ta mang tính cá vị, nghĩa là đức tin lãnh nhận từ người khác, từ Hội Thánh trở thành niềm xác tin cá nhân, song đức tin phải được tuyên xưng trong Hội Thánh và cùng với Hội Thánh. Thực vậy, trong Kinh Tin Kính hay trong các công thức tuyên xưng đức tin khi lãnh nhận bí tích Rửa tội hay Thêm sức, chúng ta tuyên xưng đức tin ở ngôi thứ nhất số ít “Tôi tin”, nhưng mỗi người đều hiệp cùng toàn thể Hội Thánh để tuyên xưng đức tin ấy như lời kết công thức tuyên xưng đức tin rằng : “Đó là đức tin của chúng ta, đó là đức tin của Hội Thánh, chúng ta hãnh diện tuyên xưng đức tin ấy trong Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.”
Sách GLHTCG diễn giải rằng : “Đức tin là một hành vi cá nhân : Con người tự nguyện đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa, Đấng tự mạc khải. Nhưng đức tin không phải là một hành vi riêng rẽ. Không ai có thể tin một mình, cũng như không ai có thể sống một mình. Không ai tự ban cho mình đức tin, cũng như không ai tự ban cho mình sự sống. người tin nhận được đức tin từ kẻ khác, phải truyền đức tin lại cho kẻ khác. Tình yêu chủa chúng ta với Đức Giêsu và tha nhân thúc giục chúng ta nói với người khác về đức tin của chúng ta. Như thế, mỗi tín hữu là một mắt xích trong dây chuyền rộng lớn là các tín hữu. Tôi không thể tin mà không có đức tin của người khác đỡ nâng, và với đức tin của tôi, tôi góp phần vào việc nâng đỡ đức tin của kẻ khác.”[18]
3. Củng cố và đào sâu nội dung đức tin
Trong Tông thư Cửa Đức Tin nhằm khai mở Năm Đức Tin, Đức Benedicto XVI đã gợi mở một tiến trình nhằm giúp củng cố, tìm hiểu và đào sâu thêm nội dung đức tin mà chúng ta tuyên xưng, sống và cử hành.
→ Năm Đức Tin được khởi sự trùng với dịp kỷ niệm 50 năm khai mạc Công đồng Vatican II, được Đức Gioan Phaolô II nhận như là “hồng ân Hội Thánh được hưởng trong thế kỷ XX” và như “chiếc la bàn đáng tin cậy để định hướng trong cuộc hành trình thế kỷ đang mở ra”. Đức Benedicto XVI mời gọi hãy phổ biến và tìm hiểu thấu đáo những văn kiện của Công đồng như ngài từng nhấn mạnh : “Nếu chúng ta đọc và đón nhận Công đồng với sự giải thích đúng đắn, thì Công đồng ngày càng sẽ và luôn trở thành một nguồn lực lớn lao cho việc thực hiện cuộc canh tân vốn luôn cần thiết với Hội Thánh”.[19]
→ Kinh Tin Kính là bản tuyên xưng đức tin ngắn gọn nhất cần được công bố cách đặc biệt trong những dịp sinh hoạt của các giáo xứ, các dòng tu, các tổ chức trong Hội Thánh. Cần học thuộc lòng và sử dụng kinh này trong các giờ cầu nguyện hằng ngày.[20]
→ Sách GLHTCG là thành quả quan trọng nhất của CĐ. Vat. II, “trình bày nội dung căn bản của đức tin với sự tổng hợp có hệ thống và gắn bó hữu cơ” và “trình bày sự phát triển đức tin vươn đến tận những đề tài lớn của đời sống hằng ngày”. Đây là “bản ghi nhớ vĩnh viễn về biết bao cách thức Hội Thánh suy ngẫm về đức tin và tạo sự tiến triển trong giáo thuyết, nhằm giúp các tín hữu được vững vàng trong đời sống đức tin”. Và đây sẽ là “một công cụ đích thực nâng đỡ đức tin, nhất là cho những người quan tâm đến việc huấn luyện các Kitô hữu”.[21]
→ Nhìn lại lịch sử đức tin của chúng ta, “được ghi dấu bằng mầu nhiệm lạ lùng về sự đan xen giữa thánh thiện và tội lỗi. Lịch sử thánh thiện cho thấy sự đóng góp lớn lao của những người nam và nữ cho sự tăng trưởng và phát triển cộng đoàn bằng chứng từ cuộc sống của mình ; còn lịch sử tội lỗi thúc đẩy mỗi người phải thành tâm và thường xuyên hoán cải để cảm nghiệm lòng thương xót của Chúa Cha, Đấng đang đến gặp gỡ mọi người”. Chiêm ngắm Chúa Giêsu Kitô, Đấng luôn yêu thương vượt trên đau khổ và sự chết ; Đức Maria, đấng đã tin vào lời Chúa và suy ngẫm mãi trong đời ; các Tông đồ là những người đã từ bỏ mọi sự theo Chúa vì tin vào lời Chúa loan báo Nước Trời đã đến và được thực hiện nơi Ngài, đã loan báo và nên nhân chứng Chúa Kitô Phục sinh ; các cộng đoàn tiên khởi, các vị tử đạo theo dòng lịch sử đã hiến dâng mạng sống để làm chứng chân lý Phúc Âm ; những người nam nữ đã hiến dâng đời mình cho Chúa Kitô, từ bỏ mình sống tinh thần Phúc Âm và các mối phúc là những dấu chỉ cụ thể sự chờ đợi Chúa quang lâm… giúp chúng ta vững tin vào Chúa và nhiệt tâm tiến bước trên đường trọn lành. Càng nhận biết sự hiện diện sống động của Chúa nơi cuộc đời các ngài, chúng ta càng xác tín vào sự hiện diện yêu thương của Chúa trong cuộc đời mình hôm nay.[22]
4. Sống đức tin trong tình mến
Thánh Giacôbê tông đồ xác quyết rằng “Ai bảo mình có đức tin mà không hành động theo đức tin thì nào có ích gì ? Đức tin có thể cứu người ấy được chăng ? giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ : ‘Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no’, nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì ? Cũng vậy, đức tin không có việc làm thì quả là đức tin chết.” Vậy nên, nhờ đức tin, chúng ta tin nhận Thiên Chúa cùng những điều Ngài mạc khải và phó mình cho Thiên Chúa Tình yêu, sống gắn bó trong tương quan mật thiết với Ngài trong mọi hoàn cảnh. Tuy nhiên, người tín hữu sống đức tin không chỉ dừng lại ở những hiểu biết thuần lý, nhưng còn đức tin tuyên xưng cần được sống và cử hành, thể hiện qua đời sống cầu nguyện và thực hành những điều Ngài truyền dạy, nhất là điều răn yêu thương.
Vì thế, Đức Benedicto XVI đã nhắc nhớ rằng “Năm Đức Tin sẽ là cơ hội tốt để tăng cường làm chứng bằng thực thi bác ái”. Ngài diễn giải rằng : “Đức tin không có đức mến sẽ chẳng mang lại kết quả, còn đức mến không có đức tin, sẽ là tình cảm luôn phó mặc cho ngờ vực. Đức tin và đức mến cần có nhau đến mức nhân đức này giúp cho nhân đức kia thể hiện chính mình. Thực tế có nhiều Kito6 hựu hiến đời mình để yêu thương những người cô thế, bị gạt ra ngoài lề, bị loại trừ, coi họ là những người đầu tiên phải đến gặp và là những người chủ yếu phải được nâng đỡ, vì nơi họ phản chiếu gương mặt của chính Chúa Kitô. Nhờ đức tin, chúng ta có thể nhận ra gương mặt Chúa Phục sinh nơi những người đang được mong chúng ta yêu thương : ‘Tất cả những gì các con làm cho một trong những người anh em bé nhỏ nhất của Thầy đây, tức là các con đã làm cho chính Thầy’ (Mt 25, 40). Những điều Chúa nói chính là lời cảnh báo không được phép quên, và là một lời mời gọi không ngừng đáp lại tình yêu Chúa chăm sóc chúng ta. Chính đức tin giúp nhận ra Chúa Kitô và chính tình yêu của Chúa thôi thúc chạy đến cứu giúp Chúa mỗi khi người trở thành người thân cận của chúng ta trên nẻo đường cuộc sống.”[23]
Lời dạy của Đức nguyên Giáo Hoàng đủ để chúng ta hiểu được giá trị của việc sống đức tin qua đời sống chứng nhân hằng ngày, nhất là thể hiện đức tin qua tình mến và phục vụ. Đến đây chúng ta nhớ lại lời của Đức Phaolô VI như một phương châm thực hành : “Người thời nay sẵn sàng nghe những chứng nhân hơn là thầy dạy và người ta có nghe theo thầy dạy là vì thầy dạy cũng là chứng nhân”[24] ). Quả vậy, những việc làm cụ thể của tình bác ái thì có sức thuyết phục người khác và dẫn đưa họ về với Chúa hơn là những bài giảng hùng hồn nhưng lại không được thực hành trong cuộc sống.
5. Thông truyền đức tin (Sứ điệp Ngày Giới trẻ Thế giới 2013)
Trong những ngày này, chúng ta nhất là những người trẻ đang hướng về Đại hội Giới Trẻ Thế giới lần thứ 28 từ ngày 22 đến 29/07 tại Rio de Janeiro, thủ đô Brazil, với chủ đề : “Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28, 19). Không có điều kiện tham dự trực tiếp, chúng ta cùng hiệp thông trong tinh thần và lời cầu nguyện ; đồng thời chúng ta cũng lắng nghe và thực thi những lời nhắn nhủ của các vị chủ chăn hoàn cầu qua sứ điệp và lời mời gọi của các ngài.
Trong sứ điệp cho kỳ Đại hội này, nhắc đến việc truyền giáo, Đức Benedicto XVI đã nói rằng : “ơn gọi truyền giáo cũng cần thiết cho hành trình đức tin cá nhân của chính các con. Chân Phước Gioan Phaolô II đã viết: “Đức Tin được đào sâu khi nó được thông truyền cho người khác”. Khi công bố Tin Mừng, chính các con lớn lên trong đức tin vì được cắm rễ sâu nơi Đức Kitô và trở thành những người Kitô Hữu trưởng thành. Chúng ta không thể trở thành những tín hữu đích thực nếu không công bố Tin Mừng”.
Vì vậy, ngài nhắn nhủ rằng : “Cha khuyến khích các con hãy nhớ đến những quà tặng đã lãnh nhận từ Thiên Chúa, để đến lượt mình, các con cũng có thể trao ban cho người khác. Hãy đọc lại lịch sử cá nhân đời mình. Hãy ý thức về những di sản tuyệt vời các con đã lãnh nhận được từ các thế hệ trước. Có rất nhiều người, được đổ đầy bởi niềm tin, đã can đảm để trao ban đức tin cho dẫu phải đối diện với bao nhiêu thử thách và hiểu lầm. Chúng ta đừng bao giờ quên mình là những mắt xích quan trọng trong một dây chuyền vĩ đại, nơi đó những người nam và người nữ đã thông truyền chân lý đức tin và họ cần chúng ta để có thể thông truyền nó cho người khác. Trở nên một nhà truyền giáo giả thiết một sự hiểu biết về di sản này, đức tin của Giáo Hội. Thật cần thiết để ý thức rằng các con tin vào điều gì để có thể công bố điều đó”.
Đề cập đến việc Phúc Âm hóa, Đức nguyên Giáo Hoàng đã chỉ ra một cách hiểu chính xác và sâu sắc : “Phúc Âm hoá có nghĩa là mang Tin Mừng Cứu Độ đến cho người khác và giúp họ hiểu rằng Tin Mừng chính là một con người : Đức Giê-su Ki-tô. Khi tôi gặp gỡ Ngài, khi tôi khám phá ra Thiên Chúa đã cứu độ tôi và Ngài yêu tôi biết dường bao. Lúc đó, tôi cảm thấy không chỉ khao khát nhưng còn là một nhu cầu để làm cho Thiên Chúa được người khác biết đến… Phúc Âm hoá luôn khởi đi từ cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa. Những người đã đến với Đức Giê-su và đã kinh nghiệm về tình yêu của Ngài, lập tức họ sẽ muốn chia sẻ vẻ đẹp và niềm vui phát sinh từ tình bạn có được với Đức Ki-tô. Càng biết về Đức Giê-su, chúng ta càng muốn nói về Ngài. Càng thưa chuyện với Đức Ki-tô, chúng ta càng khao khát để nói về Ngài. Càng để Đức Giê-su chiếm đoạt mình, chúng ta càng khao khát lôi kéo người khác về với Ngài”.
Để được như thế, ngài khuyên các người trẻ rằng : “Các con hãy để cho chính mình được dẫn dắt bởi tình yêu Thiên Chúa. Hãy để cho tình yêu đó giúp các con vượt qua mọi khuynh hướng khép kín lại nơi thế giới, nơi các vấn đề và thói quen của mình. Hãy can đảm để ‘đi ra’ khỏi mình, ‘để đến’ với người khác và chỉ cho họ thấy con đường gặp gỡ Thiên Chúa.”
Và ngài đã ân cần nhắn nhủ rằng : “Đức Giê-su cần sự dấn thân và sự làm chứng của các con. Cho dẫu là khó khăn hay thiếu sự hiểu biết, các con đừng để mình bị nản chí trong việc mang Tin Mừng của Đức Giê-su đến bất cứ nơi đâu mà các con hiện diện. Mỗi người trong các con là một mảnh ghép quý giá trong bức tranh Mosaic của công cuộc loan báo Tin Mừng.”
Trước kỳ Đại hội này, trong buổi đọc Kinh Truyền Tin ngày 7/7 tại quảng trường Thánh Phêrô, Đức đương kim Giáo hoàng Phanxicô đã khích lệ các bạn trẻ đừng sợ đáp lại tiếng Chúa gọi để trở nên những nhà truyền giáo. Và ngài đã kêu gọi họ quảng đại bước theo tiếng gọi của Chúa Giêsu bằng cách tự hỏi mình xem đã có cảm thấy Đức Giêsu gọi mình ra đi, ra khỏi mình để làm những việc tốt…Tiếp sau đó, Đức Thánh Cha trực tiếp hỏi các bạn trẻ, nam cũng như nữ, xem họ có sẵn sàng lắng nghe và có đủ can đảm để trở nên các nhà truyền giáo. Ngài khuyến khích họ bằng cách nêu ra vẻ đẹp của tinh thần truyền giáo ; chỉ cho các bạn trẻ thấy niềm vui phát sinh khi thi hành sứ mạng truyền giáo. Niềm vui này chính Đức Giêsu trao ban “trong khi chúng ta để cho Ngài bước vào đời sống của mình để Người mời gọi bước ra khỏi ngoại vi cuộc sống, nhằm hướng đến việc loan báo Tin Mừng”.
Để kết : Theo gương Chân phước Anrê Phú Yên : Lấy tình yêu đáp đền tình yêu
Hòa chung với bầu khí của Giáo Hội toàn cầu, hôm nay nhân ngày lễ kính Quan Thầy, Giáo lý viên giáo phận chúng ta hành hương cử hành Năm Đức Tin cùng hiệp thông với các bạn trẻ trên toàn thế giới, và hiệp thông với nhau trong việc đào sâu đức tin và hăng say loan truyền đức tin, theo gương người trẻ và giáo lý viên tiêu biểu là Chân phước Anrê Phú Yên.
Chân phước Anrê Phú Yên đã nhiệt tâm rao giảng Tin mừng Chúa Kitô, can đảm minh chứng đức tin bằng chính cái chết của mình. Ngài đã dâng hiến mạng sống trong tình yêu trọn vẹn, hầu đáp trả tình yêu thương vô biên của Chúa, Đấng đã hiến mạng sống vì loài người. Và nhất là ngài đã luôn kêu gọi “hãy lấy tình yêu để đáp trả tình yêu của Chúa chúng ta, hãy lấy mạng sống đáp trả mạng sống”.
Trong thánh lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống vừa qua, trước hơn 250 000 thành viên các phong trào và hội đoàn giáo dân, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi anh chị em đặt Chúa Giêsu là trọng tâm đời mình và tích cực trong công cuộc truyền giáo. Trước tiếng reo hò của anh chị em, Đức Thánh Cha nói : “Anh chị em có mặt trên Quảng trường đã hét lên ‘Phanxicô, Phanxicô Đức Thánh Cha Phanxicô ! Nhưng Chúa Giêsu ở đâu? Tôi muốn nghe Chúa Giêsu, Chúa Giêsu là Chúa và Ngài ở giữa chúng ta. Từ bây giờ, đừng gào lên ‘Phanxicô ‘, nhưng anh chị em hãy hét lên, Chúa Giêsu !”.
Cầu chúc anh chị em Giáo lý viên tràn đầy niềm vui và sức mạnh của Chúa Thánh Thần, để luôn nhiệt tâm học hỏi và sống một đức tin chân thật và kiên vững, để hiểu biết và yêu mến sâu sắc hơn về Chúa Kitô và làm chứng nhân về Ngài ; đồng thời luôn hăng say rao giảng Đức Kitô, thông truyền đức tin Kitô cho người khác, nhất là những người trẻ là thế hệ tương lai của Hội Thánh.
“Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng !” (1 Cr 9, 16).
Thân mến chào anh chị em.
Lm. Giuse Nguyễn Ngọc Thảo
[1] Phần này được trích lại từ bài chia sẻ thường huấn Linh mục giáo phận Bà Rịa tháng 5/2013.
[2] x. Porta Fidei – Cửa Đức Tin, số 4.
[3] Như đã dẫn ở trên.
[4] Như trên, số 2.
[5] ĐGH. Bênêdictô XVI, Bài giảng Thánh lễ khai mạc Năm Đức Tin, ngày 11/10/2012 tại Rôma.
[6] x. PF., số 2 & 3.
[7] Hội Đồng giám Mục Việt Nam, Thư Mục vụ Năm Đức Tin, số 4 ; x. PF., số 2.
[8] Giáo Hoàng Học Viện Piô X, Điển ngữ Thần học Thánh kinh, mục “hành hương”.
[9] PF. số 8.
[10] PF. số 8.
[11] ĐGH. Bênêdictô XVI, Bài giảng Thánh lễ khai mạc Năm Đức Tin, ngày 11/10/2012 tại Rôma. Được trích lại trong Bài giảng Giáo lý thứ hai về Năm Đức Tin tại quảng trường Thánh Phêrô ngày thứ tư 24.10.2012.
[12] Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải Dei Verbum, số 5.
[13] GLHTCG, số 154.
[14] x. PF., số 10
[15] Bài giảng Giáo lý thứ hai về Năm Đức Tin tại quảng trường Thánh Phêrô ngày thứ tư 24.10.2012,
[16] x. CĐ. Vat. II, Hiến chế về Hội Thánh Lumen Gentium, số 9.
[17] x. GLHTCG, số 168 ; PF., số 10.
[18] GLHTCG, số 166.
[19] x. PF., số 5.
[20] x. PF., số 8-9.
[21] x. PF., số 11-12.
[22] x. PF., số 13.
[23] x. PF., số 14.
[24] ĐGH. Phaolô VI, Thông điệp Evangelii nuntiandi, số 41.