Kính thưa quý Cha Quản hạt, quý Cha cố cùng quý Cha,
Đề tài Cha Đặc trách Huấn giáo trao cho con là: “Đức Tin Và Những Thách Đố Hôm Nay”. Con xin được trình bày.
Dẫn nhập
Đọc Tin Mừng chúng ta thấy Chúa Giêsu nhiều lần đã phải ngạc nhiên trước sự cứng tin của con người. Ngài đã từng thốt lên lời cảm thán: “ khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” ( Lc 18,8 ). Quả thật, hành trình Đức tin thời nào cũng đầy thách đố gian nan. Không thiếu những người đã từ chối đón nhận hồng ân đức tin, nhiều người đánh mất hoặc không sống những đòi hỏi của đức tin. Thời đại chúng ta không phải là một ngoại lệ. Thậm chí còn nghiêm trọng hơn, như lời Đức nguyên Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã nói: “ hiện nay tại nhiều nơi, đức tin có nguy cơ bị dập tắt, như một ngọn lửa đang tàn” vì “ những khủng hoảng đức tin, nhất là mất dần ý thức tôn giáo” trong đời sống ( bài nói chuyện cùng các thành viên Thánh Bộ Tín Lý ngày 27.01.2012).
Trong rất nhiều huấn từ của mình, Đức nguyên Giáo Hoàng đã cho thấy: do sự bành trướng của chủ nghĩa tương đối và chủ nghĩa duy thế tục, thế giới chúng ta đang sống cùng là một thế giới bất đồng quan điểm với Giáo Hội trong những xác tín về Thiên Chúa, về chân lý, về đời sống luân lý… Ngài không ngần ngại cho rằng cặp đôi chủ nghĩa trên là những thách đố chính cho Đức tin của chúng ta hôm nay. Tác động của chúng đang bao trùm mọi lãnh vực đời sống nhân loại và gây phương hại nghiêm trọng cho đức tin của nhiều thành phần Dân Chúa.
Chắc chắn con sẽ không thể trình bày được dẫu chỉ là một phần nhỏ, về những chủ thuyết đa dạng và phức tạp này, cũng như không dám cho rằng mình sẽ nói hết được những thách đố mà chúng đặt ra cho Đức tin của chúng ta. Con chỉ xin dựa vào một số chứng từ để nhắc lại ít khái niệm về chúng, cũng như nương vào những huấn ngôn của Giáo Hội để kể ra một vài thách đố, khơi gợi suy tư của chúng ta trong giờ này.
I) Một số ý niệm về Chủ nghĩa Tương đối và Chủ nghĩa Duy thế tục.
1. Chủ nghĩa duy tương đối
Chủ nghĩa tương đối chủ trương rằng mọi thứ đều tương đối. Cũng có nghĩa là chẳng có gì tuyệt đối. Chủ trương này được những người theo chủ thuyết duy tương đối đem áp đặt trên mọi lãnh vực tư duy và hoạt động của con người, của xã hội, và xem ra họ rất thành công.
Đọc lại những huấn từ của các vị mục tử Giáo Hội, chúng ta sẽ nhận ra bản chất của chủ thuyết này. Chẳng hạn, trước chủ trương không có chân lý tuyệt đối, Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong thông điệp Đức tin và Lý trí đã viết: “ trong mọi hình thức của thuyết bất khả tri và thuyết tương đối hiện có trong tư tưởng thời đại, sự đa dạng chính đáng của các lập trường đã nhường bước cho một sự đa dạng bất phân biệt, xây dựng trên sự khẳng định rằng tất cả các lập trường đều có giá trị ngang nhau: đó chính là một trong những triệu chứng phổ biến nhất của sự nghi ngờ đối với chân lý mà người ta có thể nhận thấy trong bối cảnh hiện nay” ( số 5 ). Hoặc như Đức nguyên Giáo Hoàng Bênêdictô XVI, khi lên án chủ trương không có luân lý tuyệt đối và sự thực luân lý tùy thuộc nhận thức của mỗi người, đã nói: “ thuyết tương đối này không công nhận bất cứ điều gì là vĩnh hằng, chỉ giữ lại như biện pháp cuối cùng là cái tôi với những ham muốn của nó, và với bề ngoài là tự do, sẽ trở nên nhà tù cho mỗi người”( Diễn văn tại Giáo phận Rôma ngày 06.6.2005).
Chủ trương không có gì tuyệt đối cũng chính là chủ trương không có Thiên Chúa. Và như thế Mạc Khải hay Tin Mừng của Chúa chỉ là vô nghĩa, hoặc cùng lắm cũng chỉ ngang hàng với những giáo thuyết, triết thuyết khác trưng trong các “ siêu thị tôn giáo”, ai mua cái nào thì mua.
2. Tục hóa và chủ nghĩa duy thế tục
Để nhận diện chủ nghĩa duy thế tục ta lại cần nói tới tục hóa. Tuy nhiên, Tục hóa vốn đa nghĩa và phức tạp. Ở đây con chỉ nhắm tới một hiện tượng được gọi là trào lưu tục hóa khởi phát từ đầu thế kỷ VIII, để rồi không ngừng phát triển cho tới ngày nay. Trào lưu tục hóa là một nỗ lực nhằm tách rời các lãnh vực trần thế như văn hóa, kinh tế, khoa học, chính trị, giáo dục, nghệ thuật… ra khỏi ảnh hưởng và sự chi phối của tôn giáo; một nỗ lực xác định sự độc lập cho các sinh hoạt trần thế của con người và đặt chúng trên nền tảng lý trí tự nhiên chứ không phải đức tin siêu nhiên, nhất là một lý trí ngày càng chứng tỏ được sức mạnh qua những thành quả của khoa học và kỹ thuật được cho là những hoạt động thuần lý trí. Gọi cách tượng hình: tục hóa là sự tách biệt giữa Vương quốc Thiên Chúa và Vương quốc césar.
Hiện tượng tục hóa hiểu theo nghĩa là sự tách biệt giữa Vương quốc Thiên Chúa và Vương quốc césar được Giáo Hội nhìn nhận là một điều tốt, hữu lý và phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa, như lời Công Đồng Vat. II đã dạy trong Hiến Chế Mục Vụ, số 36: “… Nếu sự độc lập của các thực tại trần thế có nghĩa là các tạo vật và các cộng đồng xã hội đều có những định luật và những giá trị riêng mà con người phải dần dần nhận thức, sử dụng và điều hợp, thì đòi hỏi một sự độc lập như thế là một việc hoàn toàn chính đáng: Đó không chỉ là đòi hỏi của người đương thời , nhưng còn là điều phù hợp với ý muốn của Đấng Tạo Hóa. … Bởi vậy, việc khảo sát có phương pháp trong mọi ngành, nếu tiến hành một cách khoa học thực sự và theo các tiêu chuẩn luân lý, sẽ không bao giờ trái nghịch với đức tin vì các thực tại trần thế và các thực tại đức tin đều bởi một Thiên Chúa mà ra”.
Tuy nhiên, người ta nhiều khi đã không dừng lại ở chỗ tách biệt hữu lý ấy. Trái lại, từ chỗ xác lập quyền tự chủ cho trần thế, con người đã không ngần ngại đi tới chỗ coi tôn giáo là phản tiến bộ, mê tín, phương hại cho hạnh phúc của con người, để cuối cùng phủ nhận tất cả những thực tại siêu nhiên và chỉ nhìn nhận một thực tại duy nhất là trần thế. Khi tục hóa đạt tới mức độ đó, nó sẽ được mệnh danh là Chủ nghĩa Duy Thế tục, mang bản chất vô thần, duy vật và bài tôn giáo nữa.
Giáo Hội không thể chấp nhận chủ nghĩa duy thế tục: “ nếu “sự độc lập của các thực tại trần thế” được hiểu là các tạo vật không lệ thuộc vào Thiên Chúa và con người có thể sử dụng chúng mà không cần quy hướng về Đấng Tạo Hóa, thì bất cứ ai đã nhận biết Thiên Chúa cũng đều thấy rằng lập trường đó hết sức sai lầm” ( HCMV, 36).
II) TÁC HẠI CỦA CHỦ THUYẾT DUY TƯƠNG ĐỐI VÀ DUY THẾ TỤC
Chỉ cần nhắc lại đây một vài huấn ngôn của Đức nguyên Giáo Hoàng Bênêđictô XVI trong vô số những lời ngài lên án hai chủ thuyết trên, cũng đủ cho chúng ta hình dung được những tác hại mà chúng gây nên cho không chỉ niềm tin kitô giáo, mà còn trên đời sống của toàn nhân loại.
Trước hết, trong bài chia sẻ với Hồng Y đoàn trước khi được bầu làm Giáo Hoàng, ngài đã nhận định về Chủ nghĩa duy tương đối: “ Biết bao nhiêu là chiều gió chủ nghĩa chúng ta từng biết đến trong mấy thập niên qua! biết bao nhiêu là trào lưu ý thức hệ! biết bao nhiêu là trường phái tư tưởng! con tàu tư tưởng nhỏ bé của nhiều kitô hữu thường bị xô lấn bởi những cơn sóng dữ này, tung họ từ cực đoan này sang cực đoan kia… ngày nào cũng có những thứ giáo phái mới, khiến cho những lời của Thánh Phaolô nói trở thành sự thật về việc con người bị lừa đảo, về cái tinh quái làm cho con người bị lầm lạc” ( x. Ep 4,14 ). Và khi đề cập đến ngọn nguồn tội ác luân lý nặng nề, ngài đã kết luận rằng: “ Một khi để cho mình bị xô đẩy theo chiều gió chủ nghĩa thì lúc đó chủ nghĩa tương đối độc đoán được xây dựng, một chủ nghĩa vốn cho rằng không có gì là tuyệt đối mà chỉ tập chú vào cái tôi và những khát vọng của nó”. Để rồi, như ngài viết trong Sứ điệp Truyền giáo năm 2011: “ Ngày nay đang có một sự thay đổi văn hóa, được trào lưu toàn cầu hóa nuôi dưỡng, cùng với những phong trào tư tưởng và chủ thuyết duy tương đối, một sự thay đổi đưa tới một não trạng và một lối sống xa rời Sứ điệp Tin Mừng, sống như thể Thiên Chúa không hiện hữu, và đề cao việc tìm kiếm sự sung túc, kiếm tiền dễ dàng, công danh sự nghiệp và thành công như mục đích của cuộc sống, và gây thiệt hại cho các giá trị luân lý”.
Đồng hành với thuyết duy tương đối, chủ nghĩa duy thế tục, trong chính lý thuyết cũng như thực hành, luôn tìm cách loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống để xây dựng một nền luân lý hay luật lệ quốc gia tùy tiện, không căn cứ vào một tiêu chí khách quan nào. Khi cổ vũ cho một nền luân lý duy thế tục, con người rơi vào “ Thảm họa của nền văn hóa sự chết” như Đức Chân Phước Gioan Phaolô II đã cảnh báo. Biết bao nhiêu vụ thanh toán, giết người, bạo hành đẫm máu…vv… đang lan tràn. Sự đối kháng với Đức tin của chủ thuyết duy thế tục đạt đến đỉnh điểm khi người ta nhân danh một nền luân lý duy nhân bản để hợp pháp hóa các tội ác và tệ nạn: phá thai, ly dị, hôn nhân đồng phái, tự do luyến ái, trợ tử … những điều cũng không thiếu trong xã hội Việt Nam chúng ta hôm nay.
Ðức thánh cha Bênêdictô XVI không bỏ qua bất cứ cơ hội nào để lên tiếng cảnh báo về những tác hại của chủ thuyết này. Như khi ngài phát biểu trong cuộc viếng thăm vương quốc Anh ngày 16.9.2010: ” Ngày nay, vương quốc Anh đang cố gắng trở thành một xã hội tân tiến và đa văn hóa. Trong thách đố cao quý ấy, ước gì nước này luôn biết tôn trọng những giá trị truyền thống và những biểu hiện văn hóa mà những hình thức tục hóa hung hãn nhất không những không trân quý mà còn chẳng khoan nhượng với “. Trước mặt nữ hoàng Anh, thủ lãnh Anh Giáo, Ðức Thánh Cha mạnh mẽ tuyên bố: “Chúng ta đừng bao giờ quên rằng: loại trừ Thiên Chúa , tôn giáo và nhân đức ra khỏi cuộc sống công cộng cuối cùng sẽ dẫn đến một cái nhìn thui chột về con người và xã hội”.
Hoặc trong buổi tiếp kiến chung dành cho 37 Giám mục Colombia sáng ngày 10.9.2012 tại Castel Gandolfo, nhân dịp các vị kết thúc cuộc hành hương Roma viếng mộ hai thánh Tông Đồ và thăm Tòa Thánh. Ngài nói: ” Anh em cũng nhận thấy những hậu quả tàn hại của trào lưu tục hóa ngày càng gia tăng, ảnh hưởng mạnh mẽ tới cuộc sống và đảo lộn những nấc thang các giá trị của con người, khuynh đảo chính nền tảng của đức tin Công Giáo, của hôn nhân, gia đình và luân lý Kitô”
Cuối cùng, bằng tầm nhìn bao quát, ngài đã cho chúng ta một nhận định thật chính xác về thời đại hôm nay: “ Những thập niên vừa qua đã biết đến một “ sự sa mạc hóa” thiêng liêng. Một cuộc sống, một thế giới không có Thiên Chúa, vào thời Công Đồng người ta chỉ nhìn thấy xuyên qua một số trang bi kịch của lịch sử, nhưng ngày nay bất hạnh thay, chúng ta nhìn thấy nó mọi ngày chung quanh chúng ta. Chính sự trống rỗng đã được lan truyền”. Và ngài gọi hành trình của Giáo Hội là “ cuộc lữ hành trong sa mạc của thế giới hôm nay”. ( bài giảng Thánh Lễ khai mạc Năm Đức Tin)
III) VÀI THÁCH ĐỐ CHO HÀNH TRÌNH ĐỨC TIN TRONG SA MẠC CỦA THẾ GIỚI HÔM NAY.
Chủ trương duy tương đối và duy thế tục là gốc phát sinh, cũng là môi trường thuận lợi cho muôn vàn những chủ thuyết đối nghịch Đức tin: chủ nghĩa hưởng lạc, chủ nghĩa duy cá nhân, duy vật… vì vậy, cũng không thể kể xiết những thách đố cho đời sống của người Kitô hữu. Con chỉ mong nói lên được phần nào những khó khăn chúng ta phải đương đầu khi nỗ lực thực hiện những tiêu chí mục vụ của Năm Đức Tin: củng cố, cử hành, sống và làm chứng cho Niềm tin Kitô.
1. Loan báo Tin Mừng trong một thế giới phủ nhận Lời Chúa.
Chúng ta đang sống trong một thế giới trống rỗng về cảm thức thiêng liêng và siêu việt tính đích thực; phải rao giảng Lời Chúa trong một bối cảnh mà các học thuyết mới, đạo đức mới, giá trị mới hầu như xuất hiện mỗi ngày. Trào lưu toàn cầu hóa làm cho những học thuyết ấy được truyền đạt cách mạnh mẽ qua những phương tiện truyền thông hiện đại có mặt khắp hang cùng ngõ hẻm: phim ảnh, báo chí, internet, điện thoại di động… chúng dễ dàng chiếm hữu tâm thức của con người, điều khiển cách ứng xử và sự chọn lựa của con người. Thêm vào đó, quá trình giải thiêng cho mọi lãnh vực đời sống của những chủ thuyết vô thần đã làm cho con người đương đại cảm thấy xa lạ với những ngôn từ, hình ảnh, nội dung và niềm hy vọng Tin Mừng muốn đem lại.
Soren Kierkegard có câu chuyện ngụ ngôn nổi tiếng mà Đức nguyên Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã mượn làm khởi điểm cho những suy tư thật sâu sắc của ngài trong cuốn sách “ Đức Tin Kitô Giáo Hôm Qua Và Hôm Nay” , được viết khi ngài còn là Hồng Y. ( Muốn hiểu được hết tư tưởng của ngài phải nghiền ngẫm lâu ngày. Con chỉ có thể dừng lại ở khía cạnh biểu ảnh mà Đức Thánh Cha dùng để điễn tả tình cảnh cay đắng của những sứ giả Tin Mừng dưới con mắt của những người đã thấm nhuần chủ nghĩa duy thế tục cũng như hít thở bầu khí của “làn gió chủ nghĩa”). Chuyện kể rằng, “một rạp xiếc rong ở Đan Mạch bất ngờ bị bốc cháy. Lập tức ông chủ rạp sai anh hề, bấy giờ đã hóa trang xong, chạy sang làng bên để cầu cứu. Hơn nữa, vì cánh đồng khô mới gặt xong nên lửa lan di rất nhanh, có thể thiêu hủy cả làng. Anh hề vội vàng chạy đi, xin dân làng sang ngay để giúp dập tắt ngọn lửa. Thế nhưng, khi dân làng thấy anh hề la hét, họ ngỡ đó là một thứ mánh khóe để câu khách, nên tất cả ôm bụng cười lăn. Anh hề rơi vào thế dở khóc dở cười, thề thốt đủ lời để cho người ta hiểu đây là chuyện hết sức nghiêm trọng, cháy thực sự chứ không phải trò đùa, không phải mánh khóe gì cả, nhưng chẳng ai tin. Anh càng kêu gào thì người ta càng cho là anh diễn xuất hay. Kết cục ngọn lửa cháy tới làng, vô phương cứu vãn, cả làng và cả gánh xiếc đều bị cháy tiêu tan”.
Chúng ta xác tín và loan báo về sứ điệp tối hậu liên quan đến vận mạng con người, nhưng mấy ai tin?! Có khi còn bị cho là nhảm nhí. Khi ấy dưới con mắt của họ, chúng ta khác gì tình cảnh của anh hề kia! Phải làm sao đây?
2. Khơi lại mạch sống Đức tin thay cho trào lưu “ Vô thần thực dụng” được xem là một lối sống an toàn, khôn khéo, tốt đạo đẹp đời.
Vô thần thực dụng là tên gọi Đức nguyên Giáo Hoàng cũng thường sử dụng khi nói về những kitô hữu có lối sống rẽ đôi giữa niềm tin và cuộc sống; những kitô hữu không có được một đức tin cá vị, giữ đạo duy hình thức và vụ luật, đánh mất đi rồi cảm thức thiêng liêng hoặc chiều kích siêu việt của ơn gọi làm con Chúa. Nơi những người này, ân sủng bí tích không cần chú ý cho bằng làm cho xong một luật buộc; phẩm giá kitô hữu không bằng chất lượng đời sống… và cũng từ đó phát sinh biết bao điều lệch lạc. Con xin kể lại một vài mẫu chuyện:
Lần kia, trong ngày sinh hoạt cùng các sinh viên. Sau giờ giải tội, một sinh viên lương dân đến gặp con và đặt vấn nạn về bí tích hòa giải. Theo nhận định của anh lúc đó, bí tích này làm cho các sinh viên công giáo, bạn anh, mạnh dạn phạm bất cứ tội gì. Anh nói anh là lương dân, xác tín: gieo nhân nào gặt quả ấy, nên rất ngần ngại khi làm điều xấu. Các bạn công giáo thì không như vậy, bởi họ nói cứ đi xưng tội là sẽ được tha hết, Chúa nhân từ vô cùng. Anh quả quyết có khá nhiều bạn khi được hỏi, nói với anh như thế. Con đã phải dành khá nhiều thời gian để trình bày giáo lý bí tích hòa giải cho anh. Nhưng sau khi đã hiểu ra, anh còn đặt một câu hỏi làm con phải băn khoăn mãi. Anh nói: ” vậy thì do đâu mà các bạn của con lại có cách hiểu và thực hành sai quấy như thế?… Trong khi giáo lý lại rất đẹp”.
Chuyện khác. Trong một buổi thuyết trình về việc tôn trọng và bảo vệ sự sống, một gia trưởng phát biểu rằng: ” đạo có luật đạo, đời có luật đời. Kế hoạch hóa hoặc gì gì đó là làm cho xã hội tốt đẹp hơn, nên đó là một bổn phận, một điều tốt… “. Một phụ nữ thì cho rằng: ” ai ai cũng làm như thế…có sao đâu?”. Không thiếu những ánh mắt chăm chú nhìn vào thuyết trình viên đợi chờ sự đồng thuận, và họ thất vọng khi nghe thuyết trình viên phản bác hai ý kiến trên…
Một lối sống khá phổ biến hôm nay: khi người ta vi phạm hoặc muốn vi phạm điều luật của Chúa, người ta tìm ngay cho mình một luận cứ để biện minh, hoặc bằng cách giải thích méo mó Lời Chúa, hoặc bằng một lẽ sống được ai đó đồng thuận. Người ta cho cách sống ấy là hợp thời, khéo léo, là tốt đạo đẹp đời. Chủ nghĩa duy tương đối, duy thế tục cùng với vô số những chủ nghĩa tân thời sẵn sàng đón nhận và nuôi dưỡng cách ứng xử ấy. Chúng ta thì không. Nhưng làm sao đây?
Trong cương vị lãnh đạo Giáo Hội, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI hẳn đã phải trăn trở nhiều khi thốt lên lời cảm thán: “ có quá nhiều loại sa mạc… sa mạc của đói khát,… sa mạc của tình yêu bị huỷ diệt. Có những sa mạc của đêm đen Thiên Chúa, sự trống rỗng của các linh hồn không còn nhận thức được phẩm giá và mục đích đời người. Những sa mạc bên ngoài thế giới đang lớn dần vì những sa mạc bên trong đã trở thành quá mênh mông ”. (Bài giảng khai mạc sứ vụ mục tử ngày 24.04.2005)
IV. MỆNH LỆNH THOÁT LY HOANG ĐỊA TÂM LINH VÀ HY VỌNG CỦA CHÚNG TA.
Cũng như Đức Kitô đã vượt qua sa mạc niềm tin của con người bằng cuộc Tử nạn, và dựng lại Đức tin cho con người bằng mầu nhiệm Phục sinh của Ngài, Đức Bênêđictô XVI đã truyền ra cho chúng ta mệnh lệnh: “ Hội Thánh nói chung và tất cả các Mục Tử trong Hội Thánh, như Đức Kitô, phải lên đường để dẫn đưa con người ra khỏi hoang địa, đi về nơi có sự sống, về phía tình bằng hữu với Con Thiên Chúa, về Đấng ban cho chúng ta sự sống, sự sống sung mãn” (Porta Fidei, 2). Chính Ngài trong ngày khai mạc Sứ vụ Phêrô của mình, đã mở cho chúng ta thấy thực trạng của thế giới đương đại, thì sau hơn 7 năm trên cương vị lãnh đạo Giáo Hội, hôm nay ngài lại nói với chúng ta: “ chính từ kinh nghiệm về sa mạc, từ sự trống rỗng ấy, chúng ta có thể tái khám phá niềm vui đức tin, tầm quan trọng sinh tử của đức tin đối với chúng ta… Trong sa mạc người ta tái khám phá giá trị của những gì là thiết yếu để sống… Đó cũng là cách thức chúng ta có thể áp dụng cho Năm Đức Tin: đó là một cuộc lữ hành trong sa mạc của thế giới ngày nay, trong đó ta chỉ mang theo mình những gì là thiết yếu: không gậy, không bao bị, không bánh và không tiền bạc, không mang theo hai áo dài, như Chúa nói với các Tông Đồ khi sai họ đi giảng đạo (Lc 9,3)” ,nhưng là “ Tin Mừng và đức tin của Giáo Hội, mà các Văn kiện Công Đồng Vatican II diễn tả một cách rạng ngời, cũng như Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo công bố cách đây 20 năm diễn tả”. Ngài quả quyết: “ Và trong sa mạc này, đặc biệt cần phải có những con người có đức tin, mà bằng mẫu gương đời sống của họ, cho thấy con đường tiến về Đất Hứa và như thế nắm giữ, thức tỉnh niềm hy vọng. Đức tin được sống mở tâm hồn ra cho Ân sủng của Thiên Chúa, Đấng giải thoát khỏi sự bi quan”. ( Bài giảng khai mạc Năm đức tin ngày 11.10.2012).
Lời hưởng ứng cũng đã vang lên qua Sứ Điệp của Thượng Hội Đồng Giám Mục: “ Công việc của chúng ta, như Đức Thánh Cha Bênêđictô nói, có vẻ như một đường mòn qua hoang địa; chúng ta biết rằng mình phải lên đường, mang theo mình những gì là cần thiết: sự đồng hành của Chúa Giêsu, chân lý của Lời Người, Bánh Thánh Thể là lương thực nuôi dưỡng chúng ta, tình hiệp thông Hội Thánh, động lực của Đức Ái. Đó là nước của giếng làm cho hoang địa nở hoa”. (Sứ Điệp kết thúc Thượng Hội Đồng Giám Mục về Tân Phúc Âm Hóa, số 14)
Và đây nữa, một dấu chỉ thời đại mà Thiên Chúa đã ban tặng cho Giáo Hội: Đức Thánh Cha Phanxicô.
Đáp ứng nguyện vọng của “ Người tôi tớ Chúa “ được bộc lộ như một lời cầu nguyện trong tuyên bố từ nhiệm của ngài, Thiên Chúa đã trao cho Giáo Hội một mục tử mới, để: “trước một thế giới với quá nhiều những thay đổi nhanh chóng và đang rúng động bởi những vấn nạn liên quan sâu sắc đến đời sống đức tin; có thể lèo lái con thuyền của Thánh Phêrô và rao giảng Tin Mừng với cả năng lực của trí óc lẫn thể xác” (tuyên bố từ nhiệm của ĐTC Bênêđictô XVI).
Thật vậy, từ hơn ba tháng nay, một phần lớn thế giới, với tất cả sự ngưỡng mộ, đang đưa mắt dõi theo bóng dáng vị Tân Giáo Hoàng, con người mà từ lối sống, cung cách ứng xử toát lên, như người ta nói, bản chất Tin Mừng tinh ròng đích thực. Dường như vẫn còn đó trong tâm khảm con người, nỗi khát vọng sâu xa về một Tin Mừng nào đó mà thế giới duy thế tục không thể đáp ứng được, nên người ta đã không ngừng tuôn đến với vị Phêrô mới. Những phát ngôn mà não trạng duy thế tục không thể dung hợp thì lại được người ta chăm chú lắng nghe và đón nhận: “muốn xây dựng một Giáo Hội giàu có và thiếu vắng sự cho đi nhưng không, thì Giáo Hội trở nên già nua, Giáo Hội trở thành một tổ chức phi chính phủ, Giáo Hội trở nên thiếu sức sống” (Bài giảng lễ sáng thứ Ba 11.6.2013 tại Casa Santa Marta)……. “Tất cả chúng ta cần nỗ lực trở nên nghèo hơn một chút. Làm sao tôi có thể làm cho mình trở nên nghèo hơn một chút để tôi có thể giống như Chúa Giêsu, một vị thầy nghèo khó?” (Buổi tiếp kiến sinh viên trường Albanian và học sinh Italia sáng 12.6.2013 tại Vatican)…. Nhiều người thú nhận đã tìm lại được niềm tin nhờ chiêm ngắm vẻ đẹp Nghèo khó Phúc Âm sáng ngời nơi Đức Tân Giáo Hoàng.
Xét như thế, không chừng lời của Đức nguyên Giáo Hoàng nói với chúng ta mới là một thách đố đích thực: “Những sa mạc bên ngoài thế giới đang lớn dần vì những sa mạc bên trong đã trở thành quá mênh mông”. (Bài giảng khai mạc sứ vụ mục tử ngày 24.04.2005)./.
Lm. Giuse Võ Công Tiến