1. Giáo huấn của Hội Thánh
“Thiên Chúa hằng sống và chân thật vẫn không ngừng kêu gọi từng người đến gặp Ngài cách huyền nhiệm trong việc cầu nguyện. Trong việc cầu nguyện, tình yêu trung tín của Thiên Chúa luôn đi bước trước, bước tiếp theo mới là sự đáp trả của con người”[1]
“Hãy cầu nguyện không ngừng”(1 Tx 5,17). Chúa không truyền dạy chúng ta phải luôn luôn lao động, canh thức hay giữ chay, nhưng dạy phải cầu nguyện luôn. Nhiệt tình cầu nguyện liên lỉ chỉ có thể phát xuất từ tình yêu”[2].
“Người tín hữu được mời gọi cầu nguyện chung với nhau khi tham dự Phụng Vụ thánh, nhưng cũng phải biết âm thầm cầu nguyện riêng với Chúa Cha, hơn nữa phải cầu nguyện không ngừng”[3].
2. Diễn giải
2.1. Cầu nguyện là gì?
Có nhiều định nghĩa về con người. Trong số đó có câu định nghĩa “Con người là sinh vật biết cầu nguyện”, nghĩa là có khả năng nghe và đáp lại lời của Thiên Chúa, biết chuyện trò với Đấng Tạo Hóa. Đối tượng của việc cầu nguyện không phải là một ý tưởng, một sự vật mà chính là Đấng Siêu Việt. Tuy siêu việt nhưng lại rất gần gũi thân thương và biết rõ từng người. Đấng ấy nói với ta và nghe được lời ta nói.
Theo Mẹ Tê-rê-xa Calcutta, cầu nguyện là mở rộng cõi lòng cho đến khi có thể chứa đựng được chính Thiên Chúa. Vì thế, mục đích của cầu nguyện là kết hợp mật thiết với Thiên Chúa, là mở rộng con tim cho Người ngự trị, là nên một với Người, là tìm kiếm và thực hành thánh ý Người.
2. 2. Chúa Giêsu cầu nguyện
Kitô hữu có một mẫu gương cầu nguyện rất sống động là chính Chúa Giêsu, Đấng đã luôn cầu nguyện để hợp nhất với Chúa Cha. Ngay từ lúc 12 tuổi, Ngài đã lên Đền Thờ cùng với Mẹ Maria và thánh Giuse để cầu nguyện (x. Lc 2,46). Chúa Giêsu còn vào hội đường Na-da-rét để cầu nguyện và đọc Sách Thánh (x. Lc 4,16-19). Trước khi bắt đầu cuộc sống công khai, Chúa vào hoang địa để ăn chay và cầu nguyện suốt 40 đêm ngày (x. Lc 4,2). Trước khi dùng bữa hoặc làm phép lạ, người ta cũng thấy Chúa cầu nguyện (x. Lc 9,16; 22,17.19; 24,30). Sau một ngày lao lung vất vả vì thi ân giáng phúc xua trừ ma quỷ, sáng sớm tinh sương Chúa Giêsu đã thức dậy tìm nơi thanh vắng để cầu nguyện (x. Mc 1,35). Người ta còn thấy Chúa cầu nguyện trong Vườn Cây Dầu, xin với Chúa Cha cho khỏi uống chén đắng, nghĩa là khỏi chịu khổ hình Thập giá, nhưng xin vâng theo ý Chúa Cha (x. Lc 22,41-42). Trên Thánh giá, Chúa cầu nguyện xin với Chúa Cha tha thứ cho những người đóng đinh mình vì họ không biết việc họ làm (x. Lc 23,34). Đích thân Chúa Giêsu dạy các môn đệ cầu nguyện bằng lời kinh Lạy Cha (x. Lc 11,1-13), và Ngài muốn chúng ta tin tưởng vào hiệu lực của lời cầu xin vì Chúa Cha luôn là Đấng tốt lành (x. Mt 7,9-11).
2.3. Sự cần thiết của việc cầu nguyện
Chúa Giêsu đã nhắc nhở các môn đệ phải cầu nguyện luôn, không được nản chí (x. Lc 18,1). Thánh Phaolô cũng khuyên các tín hữu cầu nguyện không ngừng: “Hãy chuyên cần cầu nguyện”(Rm 12,12), bởi vì cầu nguyện đối với Kitô hữu là việc cần thiết và tối quan trọng.
Thánh Gioan Kim Khẩu đã so sánh sự cần thiết của lời cầu nguyện bằng hình ảnh cá trong nước. Bao lâu cá ở trong nước thì nó vẫn sống, hoạt động và tăng trưởng, nhưng nếu bị bắt ra khỏi nước, nó sẽ chết. Cũng vậy, Kitô hữu muốn có đời sống siêu nhiên thì phải cầu nguyện. Nếu không cầu nguyện, họ sẽ mất nguồn trợ lực ở nơi Chúa, rồi dần dần họ sẽ mất sự sống siêu nhiên Chúa ban, không khác nào cá chết vì không có nước.
Thánh Bê-na-đô thì so sánh việc cầu nguyện với sự hô hấp trong cơ thể. Khó thở thì thân xác tiều tụy. Ngưng thở thì chết. Cũng thế, ít cầu nguyện thì tâm hồn ra bạc nhược. Khi không cầu nguyện nữa thì kể như linh hồn đã chết.
Thánh nữ Ca-ta-ri-na thì nói: Cầu nguyện cần thiết như hơi thở, như là không khí và như là máu huyết trong cơ thể chúng ta.
Một đệ tử hỏi thầy rằng: “Thưa Thày, lời cầu nguyện có quan trọng thật không? Nó có quan trọng hơn việc làm không? – Thầy trả lời: “Quan trọng lắm chứ. Bằng chứng là ma quỷ hằng tìm mọi cách để quấy phá và khiến cho việc cầu nguyện ra nặng nề. Nó tìm mọi phương thế khiến cho người ta ươn lười không muốn cầu nguyện và làm cho họ tin rằng cầu nguyện là vô ích. Cầu nguyện lúc nào cũng cần thiết cho con người. Con người bất toàn bất lực, cần được Chúa ban ơn thêm sức luôn. Bao lâu còn sống thì bấy lâu con người cần cầu nguyện”.
Như thế, cầu nguyện chính là hơi thở của linh hồn, là sự sống, là sức mạnh của người Kitô hữu. Một đức tin mà không có cầu nguyện cũng là một đức tin chết.
2.4. Tại sao ta nên cầu nguyện?
Ta nên cầu nguyện để lòng trí luôn nhớ đến Chúa và ý thức được sự hiện diện rất quan trọng của Ngài trong đời sống ta. Việc cầu nguyện duy trì tình bằng hữu với Chúa Giêsu là kho báu của lòng ta như Chúa Giêsu đã nhắc nhở:“Kho tàng của ngươi ở đâu thì lòng ngươi ở đó” (Mt 6,21).
Khi cầu nguyện, ta nhận ra được mục đích của đời mình, đó là: Thiên Chúa đặt ta ở thế gian này để ta nhận biết, yêu mến và phụng sự Ngài và nhờ đó đạt tới phúc Thiên Đàng[4].
Sách GLHTCG dạy rằng “Dù Chúa Cha trên trời biết rõ ta cần gì trước khi ta cầu xin, nhưng Ngài vẫn chờ ta cầu xin vì phẩm giá của người con cái Chúa hệ tại sự tự do của chính họ”[5]. Ta cần cầu nguyện để tự ý biểu lộ ước muốn của mình.
Có người thắc mắc rằng nếu cầu nguyện là kêu xin Chúa ban cho ơn này điều nọ thì chẳng khác gì bắt buộc Ngài làm theo ý chúng ta sao? Nhà bác học Ampère trả lời: “Cầu nguyện là một trong những cách thế Chúa chọn để chia sẻ quyền năng vô biên của Ngài cho chúng ta. Nếu trí thông minh Chúa ban cho con người giúp họ biến đổi thế giới thế nào thì sức mạnh của lời cầu nguyện cũng vậy”.
Trong Phúc Âm, chúng ta thấy việc cầu nguyện đem lại nhiều hiệu quả, chẳng hạn như: Chiến thắng ma quỷ (x. Mt 17,21) – là cách để tìm ra những giải đáp cho cuộc sống, để chuẩn bị cho những quyết định quan trọng (x. Lc 6,12-13) – để vượt qua những cám dỗ (x. Mt 26,41) – để nâng đỡ người khác (x. Ep 6,18-19) – và nhất là để tìm kiếm ý muốn của Thiên Chúa (x. Lc 21,41-44)…
Kết: Xét cho cùng, cầu nguyện là đi vào tương quan với Thiên Chúa. Nhưng để có được tương quan đúng đắn, con người cần phải biết Thiên Chúa là ai. Vì thế , khi dạy các môn đệ cầu nguyện, Chúa Giêsu mạc khải Thiên Chúa là Cha. Thiên Chúa là Cha nên yêu thương con người. Và vì Thiên Chúa là Cha yêu thương, nên con người luôn tin yêu phó thác.
Chúa Giêsu khẳng định Thiên Chúa luôn nhậm lời chúng ta: “Các con cứ xin sẽ được. Cứ tìm sẽ thấy. Cứ gõ cửa sẽ mở cho” (Lc 11,9). Nhưng cách Thiên Chúa nhậm lời vượt qua mọi tính toán chờ đợi của con người. Ngài vẫn nhậm lời chúng ta cầu nguyện, bằng cách ban cho chúng ta những gì có ích lợi nhất cho hồn xác chúng ta theo ý muốn của Ngài.
3. Áp dụng thực hành
3.1. Tại sao chúng ta không cầu nguyện?
Đặc ân lớn nhất Chúa ban cho con người là sức mạnh của sự cầu nguyện.
Vậy, tại sao chúng ta không cầu nguyện?
Có quyền được nói với Đấng thống trị hoàn vũ.
Vậy, tại sao chúng ta không cầu nguyện?
Quyền lực mạnh mẽ nhất con người có thể sử dụng là lời nguyện cầu.
Vậy, tại sao chúng ta không cầu nguyện?
Niềm khao khát lớn lao nhất trong tim Chúa là nói chuyện với con cái Ngài.
Vậy, tại sao chúng ta không cầu nguyện?
Không có gì là không thể đối với những người biết cầu nguyện.
Vậy, tại sao chúng ta không cầu nguyện?
Không ai ngần ngại cầu nguyện cho chính mình.
Vậy, tại sao chúng ta không cầu nguyện?
Mọi lỗi đều được tha, mọi tì ố đều được rửa sạch, mọi tội đều được giảm nhẹ nếu chúng ta cầu nguyện.
Vậy, tại sao chúng ta không cầu nguyện?
Địa ngục bị đẩy lùi, Satan phải trốn chạy khi con người cầu nguyện.
Vậy, tại sao chúng ta không cầu nguyện?
Điều không thể thành có thể, những giấc mơ biến thành hiện thực đối với những ai biết nguyện cầu.
Vậy, tại sao chúng ta không cầu nguyện?
Đức Giêsu dạy chúng ta phải luôn cầu nguyện.
Vậy, tại sao chúng ta không cầu nguyện?
Thánh Phaolô khuyên dạy chúng ta cầu nguyện không ngơi nghỉ.
Vậy, tại sao chúng ta không cầu nguyện?
Mọi người đều có thể cầu nguyện, già, trẻ, lớn, bé, giàu, nghèo, mạnh, yếu, tội nhân, tù nhân, bất kỳ quốc gia nào, ngôn ngữ nào, tất cả đều có thể cầu nguyện.
Vậy, tại sao chúng ta không cầu nguyện?
(Then Why Don’t We Pray – Trần Thị Kim Danh chuyển dịch)
3.2. Người mẹ cầu nguyện.
Bà Louise Elizabeth Vaughan, vợ của ông Francis Vaughan nước Anh, mẹ của 11 người con, được tiếng là một người mẹ thánh thiện. Là một người đàn bà nhà quê, bận rộn với việc đồng áng và nội trợ, thế mà mỗi buổi chiều bà đều dành một tiếng đồng hồ đến nhà thờ cầu nguyện. Nhiều người hỏi rằng bận rộn thế mà bà vẫn đi cầu nguyện được sao. Bà trả lời rằng chính vì quá bận rộn nên bà cần dành thời giờ để cầu nguyện nhiều hơn để xin Chúa giáo dục con cái mình trở thành những người con phụng sự Chúa và Giáo Hội. Hoa quả lời cầu nguyện của bà là: Đức Hồng Y Henri Vaughan, Tổng Giám Mục giáo phận Sydney (Úc), John Vaughan làm Giám Mục giáo phận Sébestropolis (Nga), 3 người con trai khác làm Linh Mục và 5 người con gái là nữ tu.
3.3. Châm ngôn:
Gia đình cầu kinh, gia đình an bình (Family prays together, stays together).
3.4. Bạn trẻ cầu nguyện.
Từ kinh nghiệm giao tiếp hàng ngày, chúng ta có những tâm tình tương ứng khi cầu nguyện với Chúa. Thí dụ:
– Lời chào (Good morning! How do you do!) là những tâm tình chúc tụng, thờ lạy Chúa.
– Lời cám ơn (Thank you) là tâm tình cám ơn, tạ ơn Chúa.
– Lời thỉnh cầu ( Please. If you please) là lời xin ơn cách lịch sự. Xin Chúa giúp nhưng hoàn toàn vâng theo ý Chúa.
– Lời xin lỗi (Sorry) cũng chính là tâm tình hối lỗi vì những lỗi lầm thiếu sót đối với Chúa và tha nhân.
4. Ghi nhớ
1. H. Cầu nguyện là gì?
T. Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên cùng Chúa để gặp gỡ và hiệp thông với Ngài trong tình yêu thương (GLHT c. 534).
2. H. Cầu nguyện có cần thiết không?
T. Rất cần thiết, vì cầu nguyện là hơi thở của người Kitô hữu, nhờ đó mà cuộc sông thiêng liêng của ta sống động và phong phú.
3. H. Tại sao ta phải cầu nguyện?
T. Vì tự bản chất con người luôn khao khát hướng về Thiên Chúa là nguồn sự sống và Người vẫn hằng kêu mời ta đến gặp gỡ, thưa chuyện với Người.
4. H. Ta có thể cầu nguyện khi nào?
T. Ta có thể cầu nguyện bất cứ lúc nào trong cuộc sống, chẳng hạn như tạ ơn Chúa khi lãnh nhận các ơn lành, ngợi khen Chúa khi hân hoan vui sướng và có thể xin Người ban cho ta hay cho người khác những ơn cần thiết.
[1] GLHTCG, số 2567.
[2] GLHTCG, số 2742.
[3] CĐ VATICANÔ II, Hiến chế Phụng vụ Sacrosanctum Concilium, 12.
[4] X. GLHTCG 1721.
[5] GLHTCG 2736.