1. Giáo huấn của Hội Thánh
“Nơi tận sâu thẳm của lương tâm, con người khám phá ra một lề luật không do chính mình đặt ra, nhưng lại phải tuân theo, và tiếng nói của luật lương tâm luôn luôn kêu gọi con người phải sống yêu thương và thi hành điều thiện cũng như tránh xa điều ác… Thiên Chúa đã khắc ghi sẵn trong tâm hồn con người một lề luật, phẩm giá con người có được nhờ tuân giữ lề luật ấy, và con người cũng sẽ bị xét xử theo lề luật ấy (x. Rm 2,14-16). Lương tâm là nơi thẳm sâu thầm kín, là cung thánh của lòng người, nơi đây chỉ còn một mình con người với Thiên Chúa”[1].
2. Diễn giải
Trong phần này, chúng ta sẽ tìm hiểu: Lương tâm là gì? Huấn luyện lương tâm và việc chọn lựa đúng theo lương tâm.
2.1. Lương tâm là gì?
Dù có niềm tin tôn giáo hay không, mỗi người đều khám phá ra tận đáy lòng mình có một tiếng nói, một lề luật mà chính mình không đặt ra, nhưng phải tuân theo. Tiếng nói ấy kêu gọi con người phải làm lành lánh dữ[2]. Ta gọi tiếng nói ấy là lương tâm. Lương tâm trở thành nền tảng để tất cả mọi người cùng tìm kiếm và giải quyết những vấn đề luân lý trong cuộc sống cá nhân và xã hội. Đối với người Kitô hữu, lương tâm là tâm điểm sâu kín nhất và là nơi Thiên Chúa hiện diện trong lòng người. Khi nghe theo tiếng lương tâm, ta có thể cảm nhận được Thiên Chúa đang nói với mình, và nhờ phán quyết của lương tâm, ta ý thức và nhận ra những quy luật của Thiên Chúa[3].
“Không ai bị cưỡng bách hành động trái với lương tâm, cũng như không ai bị ngăn cấm hành động theo lương tâm nhất là trong lãnh vực tôn giáo”[4].
2.2. Huấn luyện lương tâm.
Lương tâm có thể bị biến chất do những điều kiện sống xung quanh, nên cần phải huấn luyện lương tâm để có thể phán đoán ngay thẳng và chân thật.
Lương tâm ngay thẳng bao gồm ba yếu tố[5]:
– Nhận biết các nguyên tắc luân lý.
– Ứng dụng những nguyên tắc ấy vào những hoàn cảnh cụ thể.
– Phán quyết về các hành vi cụ thể đã làm hay sắp làm.
Phải huấn luyện lương tâm suốt đời[6]. Trong việc huấn luyện lương tâm, Lời Chúa đóng vai trò rất quan trọng, nghĩa là nhờ ánh sáng Lời Chúa, lương tâm sẽ đạt đến sự phát triển trọn vẹn[7].
2.3. Chọn lựa đúng theo lương tâm.
Lương tâm có thể phán đoán đúng, theo lý trí và luật Thiên Chúa, nhưng cũng có thể phán đoán sai.
2.3.1. Phán đoán sai.
Lương tâm phán đoán sai có thể có nhiều lý do: Thiếu hiểu biết về Chúa Kitô và Tin mừng, gương xấu của người khác, nô lệ các đam mê, quan niệm sai lầm về tự do lương tâm, khước từ quyền bính và huấn quyền Hội thánh, thiếu hoán cải và bác ái[8].
– Mỗi người phải chịu trách nhiệm về sự hiểu biết của mình, nhất là khi họ “không chịu quan tâm tìm kiếm điều chân thật, điều thiện hảo, hay trong trường hợp vì quen phạm tội mà lương tâm dần dần trở nên mù quáng”[9].
– Nếu không thể khắc phục được tình trạng thiếu hiểu biết hoặc phán đoán sai lầm không phải do bản thân mình, thì người đó không phải chịu trách nhiệm về điều xấu đã làm[10].
2.3.2. Chọn lựa đúng.
Để có một lương tâm đúng đắn ngay thẳng, ta phải dựa vào đức khôn ngoan, lời khuyên bảo của những người hiểu biết và sự trợ lực của Chúa Thánh Thần.
Tuy nhiên có một vài nguyên tắc có thể áp dụng trong mọi hoàn cảnh[11]:
– Không được lấy mục đích tốt để biện minh cho phương tiện xấu.
– Khuôn vàng thước ngọc: “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta” (Mt 7,12).
– Đức ái Kitô giáo đòi hỏi ta phải tôn trọng tha nhân và lương tâm của họ. Vì thế, không được xúc phạm đến tha nhân hoặc làm gương xấu cho người khác.
3. Áp dụng
Bác sĩ Bernard Nathelson. Vào khoảng thập niên 70, một bác sĩ Mỹ tên là Bernard Nathelson đã thành lập tại New York một trung tâm y tế, có tên là “kế hoạch hóa gia đình”. Đàng sau trung tâm này là cả một kỹ thuật phá thai dã man. Chỉ trong vòng 19 tháng làm Giám đốc trung tâm này, bác sĩ Nathelson đã tiến hành tới 60.000 vụ phá thai.
Thế nhưng đến một lúc không chịu nổi tiếng nói của lương tâm, Nathelson đã đóng của trung tâm và tuyên bố: Tại sao tôi thay đổi ý kiến? Đó không phải là vì tôi tin vào tôn giáo, vì tôi là một người vô thần. Tôi thay đổi ý kiến một mặt là dựa trên thực tế: Bào thai thực sự là một đời sống cần được bảo vệ; mặt khác, dựa trên nguyên tắc của riêng tôi: Nếu bạn không muốn bị ai tước đoạt sinh mạng của mình, thì bạn cũng đừng tước đoạt sinh mạng của người khác. Tôi đã bị day dứt sâu xa vì cái chết của 60.000 trẻ thơ vô tội mà chắc chắn tôi đã gây ra.
Lời nói của người tự nhận mình là vô thần trên đây hẳn làm cho chúng ta suy nghĩ. Có tôn giáo hay không có tôn giáo, vô thần hay hữu thần, không ai có thể chối bỏ được rằng tự đáy thẳm tâm hồn mỗi người luôn có một tiếng nói dõi theo từng hành vi của chúng ta. Đó là tiếng nói sâu kín thôi thúc chúng ta làm điều thiện và tránh điều ác, và cũng chính tiếng nói ấy là quan tòa xét xử mọi hành động của chúng ta. Tiếng nói ấy là lương tâm.
Xả thân hy sinh cho người khác là một hành động cao thượng, nhưng cao thượng hơn khi con người để cho tiếng nói lương tâm chi phối hành động của mình.
4. Ghi nhớ
1. H. Lương tâm là gì?
T. Hiện diện trong sâu thẳm lòng người, lương tâm là một phán đoán của lý trí thúc đẩy con người làm lành lánh dữ và chịu trách nhiệm về những hành vi mình đã làm, đang làm hoặc sẽ làm. Khi lắng nghe tiếng nói của lương tâm, con người có thể nghe được tiếng Chúa nói với mình.
2. H. Phẩm giá con người đòi chúng ta phải có một lương tâm như thế nào?
T. Phẩm giá con người đòi chúng ta phải có một lương tâm ngay thẳng và chân thật (GLHT c. 373).
3. H. Ta phải làm gì để có một lương tâm ngay thẳng và chân thật?
T. Phải huấn luyện lương tâm qua việc thấm nhuần Lời Chúa và các giáo huấn của Hội Thánh, qua việc cầu nguyện, xét mình và nghe theo lời khuyên bảo của những người đạo đức khôn ngoan (c. 374).
4. H. Có những nguyên tắc căn bản nào mà lương tâm phải theo?
T. Có ba quy tắc căn bản này: Một là không bao giờ được làm điều xấu để đạt tới điều tốt; Hai là làm cho người khác những gì người khác làm cho mình (x. Mt 7,12); Ba là tôn trọng tha nhân và lương tâm của họ (c. 376).
5. H. Có những nguyên nhân nào khiến lương tâm đưa ra những phán đoán sai lầm?
T. Có ba nguyên nhân này: Một là do không chịu học hỏi khiến lương tâm thiếu hiểu biết. Hai là do thói quen phạm tội khiến lương tâm dần dà trở nên mù quáng. Ba là do những hoàn cảnh tác động đến lương tâm từ bên ngoài (c. 376).
[1] CĐ VATICANÔ II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et spes, 16.
[2] X. CĐ VATICANÔ II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et spes, 16; x. GLHTCG, số 1777.
[3] X. GLHTCG 1778.
[4] CĐ VATICANÔ II, Tuyên ngôn Dignitatis Humanae, 3.
[5] X. GLHTCG 1780.
[6] X. GLHTCG 1784.
[7]X. GLHTCG 1785.
[8] X. GLHTCG 1792.
[9] CĐ VATICANÔ II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et spes, 16; x. GLHTCG 1791.
[10] X. CĐ VATICANÔ II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et spes, 16; x. GLHTCG 1793.
[11] X. GLHTCG 1789.