1. Giáo huấn của Hội Thánh
“Trong Giao Ước Mới, có bảy Bí tích do Ðức Kitô thiết lập là Thánh Tẩy, Thêm Sức, Thánh Thể, Giải Tội, Xức Dầu Bệnh Nhân, Truyền Chức Thánh và Hôn Phối. Bảy Bí tích liên quan đến tất cả các giai đoạn và thời điểm quan trọng trong đời sống Kitô hữu: Người tín hữu được sinh ra và lớn lên, được chữa lành và sai đi. Giữa những giai đoạn của đời sống tự nhiên và đời sống thiêng liêng, có nhiều điểm tương đồng[1]”.
“Các Bí tích có mục đích thánh hóa con người, xây dựng thân thể Chúa Kitô, và sau cùng là thờ phượng Thiên Chúa. Tuy nhiên, là những dấu chỉ, các Bí tích còn giữ vai trò giáo huấn nữa. Không những các Bí tích giả thiết phải có đức tin, mà còn dùng lời nói và sự vật để nuôi dưỡng, củng cố và diễn tả đức tin đó. Do đó, được gọi là các Bí tích Đức tin[2]”.
2. Diễn giải
2.1. Các Bí tích trong đời sống Kitô hữu.
Theo Sách Giáo lý, “giữa những giai đoạn của đời sống tự nhiên và đời sống thiêng liêng có nhiều điểm tương đồng”[3].
– Các Bí tích Khai Tâm Kitô giáo: “Ba Bí tích: Thánh Tẩy, Thêm Sức và Thánh Thể là những Bí tích Khai tâm đặt nền tảng cho toàn thể đời sống Kitô hữu. “Nhờ ân sủng của Ðức Kitô, con người được tham dự vào bản tính Thiên Chúa. Tương tự như việc sinh ra, lớn lên và bảo tồn trong đời sống tự nhiên, người tín hữu được tái sinh trong đời sống mới nhờ Bí tích Thánh Tẩy, được củng cố nhờ Bí tích Thêm Sức, và nhận lấy bánh ban sự sống đời đời trong Bí tích Thánh Thể. Như vậy, nhờ các Bí tích Khai tâm Kitô giáo, họ được hiệp thông sâu xa hơn vào đời sống thần linh và ngày càng tiến tới đức mến hoàn hảo”[4]
– Các Bí tích chữa lành: Chính là phương dược thiêng liêng giúp cho người tín hữu được phục hồi sau những yếu đuối của bản thân, để tiếp tục cuộc sống của người con Chúa. Sách Giáo lý viết “Chúng ta nhận được sự sống mới của Ðức Kitô nhờ các Bí tích Khai tâm Kitô giáo. Nhưng sự sống này được chứa “trong những bình sành” (2Cr 4,7) và đang tiềm tàng với Ðức Kitô trong Thiên Chúa” (Cl 3,3). Chúng ta hiện sống trong “ngôi nhà dưới đất” (2Cr 5,1), phải chịu khổ đau, bệnh tật và phải chết. Ðời sống mới, tức là đời sống của con cái Thiên Chúa, có thể bị tội lỗi làm suy giảm hoặc hủy diệt.
Chúa Giêsu Kitô là thầy thuốc chữa lành linh hồn và thể xác chúng ta. Người đã từng tha tội và phục hồi sức khoẻ thể xác cho người bại liệt[5]. Người muốn Hội Thánh, nhờ quyền năng Thánh Thần, tiếp tục công cuộc chữa lành và cứu độ. Các chi thể của Hội Thánh rất cần điều này. Ðó là mục đích của hai Bí tích chữa lành: Bí tích Thống Hối và Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân”[6].
– Các Bí tích phục vụ cộng đoàn gắn liền với sự phát triển của Hội Thánh. Theo sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo thì: “Hai bí tích Truyền Chức và Hôn Phối được lập ra nhằm phần rỗi tha nhân. Tuy nhiên, khi phục vụ tha nhân, hai Bí tích này cũng góp phần cứu rỗi bản thân. Hai Bí tích này vừa trao ban một sứ mệnh đặc biệt trong Hội Thánh, vừa xây dựng cộng đoàn Dân Thiên Chúa”[7].
“Những người lãnh nhận Bí tích Truyền Chức được thánh hiến để nhân Danh Ðức Kitô chăn dắt đoàn chiên của Chúa là Hội Thánh “bằng Lời và ân sủng của Người”[8]. Còn “vợ chồng Kitô hữu, được củng cố và như được thánh hiến bằng một Bí tích riêng để đón nhận các bổn phận và phẩm giá của bậc sống họ” (x. GS 48,2)”[9]
2.2. Bí tích Thánh Thể, nguồn mạch và tột đỉnh của Phụng vụ
“Bí tích Thánh Thể là “nguồn mạch và tột đỉnh của đời sống Kitô hữu”[10]. “Những Bí tích khác cũng như các thừa tác vụ và các hoạt động tông đồ đều gắn liền với Bí tích Thánh Thể và qui hướng về đó. Thật vậy, Phép Thánh Thể Chí Thánh chứa đựng tất cả của cải thiêng liêng của Hội Thánh, đó là chính Chúa Kitô, Người là mầu nhiệm Phục Sinh của chúng ta” (PO 5)”[11]
“Bí tích Thánh Thể biểu thị và thể hiện chính thực chất của Hội Thánh là hiệp thông đời sống với Thiên Chúa và hiệp nhất Dân Thiên Chúa. Việc Thiên Chúa thánh hóa trần gian trong Chúa Kitô cũng như việc con người trong Thánh Thần, tôn thờ Chúa Kitô và nhờ Người tôn thờ chính Chúa Cha, cùng đạt tới tột đỉnh trong bí tích Thánh Thể” (x. CdR, huấn thị “Mầu nhiệm Thánh Thể” 6)”[12] .
Bởi vì là nguồn mạch và là tột đỉnh của đời sống Hội Thánh, nên trải qua mọi thời đại cho dù trong hoàn cảnh nào đi chăng nữa, thì việc cử hành Bí tích Thánh Thể là điều không thể thiếu nơi các cộng đoàn Kitô hữu. Thậm chí, việc cử hành này còn là một dấu chỉ để nhận biết một cộng đoàn của Hội Thánh. Trong một bản văn để giải thích cho hoàng đế La mã An-to-ni-us Pi-us, Thánh Giút-ti-nô cũng đã mô tả về buổi cử hành Thánh Thể như là một sinh hoạt quan trọng, đặc trưng của Hội Thánh[13].
3. Áp dụng
– Xét mình cẩn thận khi lãnh nhận Bí tích Hòa Giải.
– Dọn mình chu đáo khi lãnh nhận Bí tích Thánh Thể.
4. Ghi nhớ
1. H. Các Bí tích của Hội Thánh được phân loại thế nào?
T. Các Bí tích của Hội Thánh được phân thành ba loại này: Một là các Bí tích Khai tâm Kitô giáo. Hai là các Bí tích chữa lành. Ba là các Bí tích phục vụ (GLHT câu 250).
2. H. Nghi thức chính yếu của Bí tích Rửa tội là gì?
T. Nghi thức chính yếu của Bí tích Rửa tội là việc dìm xuống nước hay đổ nước trên đầu người lãnh bí tích và nói: “Tôi rửa (anh) nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần” (c. 256).
3. H. Bí tích Thánh Thể được cử hành thế nào?
T. Bí tích Thánh Thể được cử hành gồm hai phần chính, một là Phụng vụ Lời Chúa, hai là Phụng vụ Thánh Thể.
4. H. Trong cử hành bí tích Thánh Thể, Hội Thánh tham dự vào hy tế của Chúa Giêsu thế nào?
T. Hội Thánh tham dự vào hy tế của Chúa Giêsu khi kết hợp với Ngài mà dâng lên Chúa Cha lời ca ngợi, những hy sinh đau khổ và công lao vất vả của mình (c. 281).
5. H. Muốn lãnh nhận Bí tích Thống Hối phải làm gì?
T. Ta phải làm bốn việc này:
– Một là xét mình. – Hai là ăn năn dốc lòng chừa.
– Ba là xưng tội. – Bốn là đền tội. (c. 303)
[1] GLHTCG 1210
[2] CĐ Vaticanô II, Hiến chế Phụng vụ Sacrosanctum Concilium, 59.
[3] GLHTCG 1210.
[4] X. ÐGH Phaolô VI, Tông hiến Tham dự đời sống thần linh; x. OICA tiền chú 1-2; GLHTCG 1212.
[5] X. Mc 2,1-12
[6] GLHTCG, số 1420 – 1421.
[7] GLHTCG, số 1534.
[8] CĐ Vaticanô II, Hiến chế Lumen Gentium, số 11.
[9] GLHTCG, số 1535.
[10] X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế Lumen Gentium, số 11.
[11] GLHTCG 1324.
[12] GLHTCG 1325.
[13] X. GLHTCG 1345.