1. Giáo huấn của Hội Thánh
“Phụng Vụ là công trình của Ðức Kitô toàn diện, gồm có Ðầu và Thân Thể. Vị Thượng Tế của chúng ta không ngừng cử hành Phụng Vụ trên
trời, cùng với Mẹ Maria, các tông đồ, chư thánh và đông đảo những người đã được hưởng Vinh Quang Nước Trời”[1].
“Trong Phụng Vụ, toàn thể cộng đoàn đều cử hành, mỗi người theo chức năng của mình. Toàn Thân Thể Ðức Kitô, đều có chức tư tế cộng đồng. Nhưng một số tín hữu đã lãnh nhận bí tích Truyền Chức để đại diện Ðức Kitô là Ðầu của Thân Thể”[2].
“Phụng Vụ sử dụng các dấu chỉ và biểu tượng lấy từ thiên nhiên (ánh sáng, nước, lửa), từ đời sống con người (rửa, xức dầu, bẻ bánh) và từ lịch sử cứu độ (các nghi thức Vượt Qua). Ðược đưa vào lãnh vực đức tin và được quyền năng Chúa Thánh Thần tác động, những yếu tố thiên nhiên, những nghi thức của loài người và những nghi lễ tưởng niệm ơn cứu chuộc đã trở thành phương thế Ðức Kitô dùng để cứu độ và thánh hóa nhân loại”[3].
2. Diễn giải
2.1. Khái niệm
Phụng vụ là việc tôn thờ Thiên Chúa chính thức của toàn thể Hội Thánh với Chúa Kitô là Đầu. Nhờ Phụng vụ, qua các dấu chỉ khả giác con người nhận được ân sủng dồi dào của Thiên Chúa.
Hiến Chế Tín lý về Phụng vụ viết: “Vì thế, Phụng Vụ đáng được xem là việc thực thi chức vụ tư tế của chính Chúa Giêsu Kitô, trong đó công cuộc thánh hóa con người được biểu tượng nhờ những dấu chỉ khả giác và được thể hiện hữu hiệu cách khác nhau theo từng dấu chỉ, và trong đó việc phụng tự công cộng vẹn toàn cũng được thực thi nhờ Nhiệm Thể Chúa Kitô, nghĩa là gồm cả Ðầu cùng các chi thể của Người”[4].
“Châm ngôn “Lex orandi lex credendi” – “Luật cầu nguyện (phụng vụ) là luật đức tin”. Châm ngôn này diễn tả thực tại sống của Hội Thánh, nghĩa là khi Hội Thánh cử hành phụng vụ là lúc Hội Thánh biểu lộ đức tin của mình”[5].
Do đó, trong Năm Đức Tin này, mỗi khi cử hành Phụng vụ, chúng ta cần chuẩn bị y phục sao cho xứng đáng, cùng với một thái độ nghiêm trang cung kính, để ngang qua việc cử hành Phụng vụ của mình, mọi người nhận ra được đức tin của chúng ta.
2.2. Phụng vụ qua dòng thời gian
– Thời Cựu Ước: Lễ tế của Abel (x. St 4, 3-4). Lễ tế của Noe (x. St 8, 20-21). Lễ tế của Tổ phụ Abraham (x. St 15, 9-10). Lễ tế của Giacóp (x. St 28, 10-19). Luật về ngày Hưu lễ (x. Xh 19, 8-11)…
– Thời Tân Ước: Chắc chắn cử hành hiến tế với đầy đủ ý nghĩa nhất chính là hiến tế của Chúa Giêsu trên thập giá. Điều này được diễn tả rõ nét qua trình thuật về cuộc Thương khó của Chúa Giêsu theo Tin mừng của Thánh Gioan[6].
Sách Công Vụ Tông Đồ khi thuật lại các sinh hoạt của cộng đoàn Hội Thánh thời sơ khai đã nhiều lần nhắc đến việc các tín hữu họp nhau lại để cử hành nghi thức bẻ bánh[7]. Sau này khi các Tông đồ đi rao giảng và thiết lập các giáo đoàn, thì việc họp nhau cử hành phụng vụ là điều không thể thiếu nơi các giáo đoàn[8].
Tất cả những điều này được Công đồng Vatican II diễn tả lại trong Hiến chế về Phụng vụ như sau: “Thiên Chúa muốn mọi người được cứu rỗi. Thiên Chúa “muốn cho mọi người được cứu rỗi và nhận biết chân lý” (1Tm 2,4). “Trước kia Ngài đã dùng các tiên tri mà phán bảo tổ phụ nhiều lần, nhiều cách” (Dt 1,1), và khi đã đến thời kỳ viên mãn, Ngài đã sai Con mình, Ngôi Lời nhập thể, được Thánh Thần xức dầu, để rao giảng Phúc Âm cho người nghèo, cứu chữa những người khổ tâm, như là “thầy thuốc của thể xác và tinh thần”, cũng là Trung Gian giữa Thiên Chúa và nhân loại. Vì thế, chính bản tính nhân loại của Người, hiệp làm một với Ngôi Lời, đã nên khí cụ phần rỗi chúng ta. Cho nên, nhờ Chúa Kitô “Thiên Chúa đã hoàn toàn nguôi lòng để chúng ta được giao hòa với Ngài, và cho chúng ta được phụng thờ Ngài một cách hoàn bị”[9].
Công cuộc cứu chuộc nhân loại và tôn vinh Thiên Chúa cách hoàn bị như thế đã được tiên báo trong dân Cựu Ước qua những kỳ công vĩ đại của Chúa nay lại được Chúa Kitô hoàn tất, nhất là nhờ mầu nhiệm phục sinh của cuộc Khổ Nạn hồng phúc, việc Sống Lại từ cõi chết và Lên Trời vinh hiển của Người… Vì chính từ cạnh sườn Chúa Kitô chịu chết trên thập giá, đã phát sinh bí tích nhiệm lạ là Hội Thánh.
Công cuộc cứu chuộc tiếp nối do Hội Thánh được thực hiện trong phụng vụ. Vì vậy, như Chúa Kitô được Chúa Cha sai đi thế nào, thì chính Người cũng sai các Tông Ðồ đầy tràn Thánh Thần đi như vậy… Nhờ phép Rửa Tội, con người được tháp nhập vào Mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa Kitô: Cùng chết, cùng chịu mai táng, cùng sống lại, được lãnh nhận tinh thần dưỡng tử, “do đó chúng ta xưng hô Chúa là Abba, Cha” (Rm 8,15) và như thế được trở nên kẻ phụng thờ đích thực mà Chúa Cha tìm kiếm . Cũng thế, mỗi khi ăn tiệc của Chúa, họ loan truyền việc Chúa chịu chết cho tới khi Chúa lại đến . Do đó, chính trong ngày Hiện Xuống, ngày Hội Thánh xuất hiện nơi trần gian, “những người suy phục lời giảng”của Phêrô, “đều chịu phép Rửa Tội”. Họ “kiên tâm theo lời giáo huấn của Tông Ðồ, thông công trong việc bẻ bánh và cầu nguyện… ngợi khen Thiên Chúa, lại được lòng toàn dân” (Cv 2,41-42; 47)[10].
Sự hiện diện của Ðức Kitô trong phụng vụ. “Ðể chu toàn công việc lớn lao ấy, Chúa Kitô hằng hiện diện trong Hội Thánh, nhất là trong các hoạt động phụng vụ. Người hiện diện thực sự trong Hy Lễ, không những trong con người của thừa tác viên, vì “như xưa chính Người đã tự dâng mình trên thập giá thì nay chính Người cũng dâng mình nhờ thừa tác vụ của các linh mục”, nhất là hiện diện thực sự dưới hai hình thái Thánh Thể… Người hiện diện thiết thực trong lời của Người vì chính Người nói khi người ta đọc Thánh Kinh trong Giáo Hội. Sau hết Người hiện diện khi Hội Thánh khẩn cầu và hát Thánh Vịnh, như chính Người đã hứa: “Ðâu có hai, ba người nhân danh Thầy mà họp lại, Thầy sẽ ở giữa họ” (Mt 18,20)”[11].
3. Tầm quan trọng của Phụng vụ trong đời sống Hội Thánh.
Như vậy, Phụng vụ chính là “công cuộc vĩ đại tôn vinh Thiên Chúa cách hoàn hảo và thánh hóa mọi người”, mà trong đó “Chúa Kitô hằng kết hiệp với Hội Thánh là hiền thê rất quý yêu và Hội Thánh kêu cầu Người như Chúa mình và nhờ chính Người phụng thờ Chúa Cha Hằng Hữu”.
Vì Phụng vụ là công việc của toàn Nhiệm Thể Chúa Kitô nên Phụng vụ có một giá trị cao nhất trong tất cả các hành vi thờ phượng như lời Công Đồng nói: “Do đó, vì là công việc của Chúa Kitô tư tế và Thân Thể của Người là Hội Thánh, nên mọi việc cử hành phụng vụ đều là hành vi chí thánh, và không một hành vi nào khác của Hội Thánh có hiệu lực bằng, xét cả về danh hiệu lẫn đẳng cấp”[12].
Vì thế, cho dù trong Hội Thánh có nhiều hoạt động khác nhau như: Hoạt động bác ái xã hội, các hoạt động thăng tiến xã hội, xây dựng các cơ sở vật chất… nhưng tất cả đều phải khởi đầu và quy hướng về Phụng vụ[13].
4. Áp dụng
– Mặc y phục sạch sẽ, chỉnh tề, đoan trang khi cử hành Phụng vụ.
– Tham dự cách ý thức, linh động và trọn vẹn Thánh lễ các ngày Chúa Nhật.
5. Ghi nhớ
1. H. Phụng vụ là gì?
T. Phụng vụ là việc Hội Thánh chính thức cử hành mầu nhiệm Đức Kitô, để thờ phượng Thiên Chúa và thánh hóa con người (GLHT câu 218).
2. H. Phụng vụ có vị trí nào trong Hội Thánh?
T. Phụng vụ là chóp đỉnh và là nguồn mạch các hoạt động của Hội Thánh, qua đó Đức Kitô tiếp tục công trình cứu độ của Ngài (c. 219).
3. H. Trung tâm của thời gian Phụng vụ là gì?
T. Trung tâm của thời gian Phụng vụ là ngày Chúa Nhật, nền tảng và cốt lõi của Năm Phụng vụ, mà chóp đỉnh là lễ Phục Sinh.
4. H. Chúa Cha là nguồn mạch và cùng đích của phụng vụ thế nào?
T. Chúa Cha đổ tràn phúc lành trong Đức Kitô và trao ban Chúa Thánh Thần của Ngài cho chúng ta (c. 221).
5. H. Đức Kitô thực hiện công trình nào trong phụng vụ?
T. Đức Kitô biểu lộ và hoàn thành mầu nhiệm Vượt qua, để trao ban ân sủng của Ngài (c. 222).
Ban Huấn giáo Giáo phận Bà Rịa
[1] GLHTCG 1187.
[2] GLHTCG 1188.
[3] GLHTCG 1189.
[4] CĐ VATICANÔ II, Hiến chế Phụng vụ Sacrosanctum Concilium, 7.
[5] Lm. Vinhsơn Nguyễn Thế Thủ, Phụng vụ Tổng quát, ĐCV Thánh Giuse 2001, tr. 47.
[6] X. Ga 19, 28-34.
[7] X. Cv 2, 42; 4, 32-35; 5, 12.
[8] X. 1Cr 11, 17-27.
[9] X. CĐ VATICANÔ II, Hiến chế Phụng vụ Sacrosanctum Concilium, 5.
[10] x. CĐ VATICANÔ II, Hiến chế Phụng vụ Sacrosanctum Concilium, 6.
[11] CĐ VATICANÔ II, Hiến chế Phụng vụ Sacrosanctum Concilium, 7.
[12] X. CĐ VATICANÔ II, Hiến chế Phụng vụ Sacrosanctum Concilium, 7.
[13] X. Lm Vinhsơn Nguyễn Thế Thủ, Phụng vụ Tổng quát, ĐCV Thánh Giuse 2001, tr. 28-29.