Đức Tin và mê tín
( Bài chia sẻ của Lm. Phêrô Trần Quốc Dũng trong buổi tĩnh tâm tháng 3. 2013 của Linh Mục đoàn Giáo phận Bà Rịa ).
Đức tin và mê tín là một đề tài mà rất nhiều người quan tâm cả trong thời xưa và cả trong xã hội hiện đại. Nhiều hiện tượng xem ra người tín hữu rất thành kính trong việc thể hiện đức tin, nhưng nếu xét cho kỹ, nó có nhuốm màu về mê tín với những mức độ nặng nhẹ khác nhau. Đức tin là một ân ban, trong khi đó, mê tín là một tội cần phải lên án và loại bỏ. Trong đời sống người kitô hữu, chúng ta luôn được dạy rằng, hãy cố gắng để đạt được đức tin trưởng thành và cố gắng loại trừ mê tín.
Người ta dễ lầm lẫn giữa đức tin và mê tín, nhiều người lầm tưởng mê tín là tội nghịch với đức tin, thật ra không phải vậy, đức tin là một nhân đức đối thần và tội nghịch với đức tin là hoài nghi, vô tín, lạc giáo, bội giáo và ly giáo. Hoài nghi có thể là cố tình hay vô tình; cố tình hoài nghi là xem thường hay không nhìn nhận là chân thật những điều Thiên Chúa mạc khải và Hội thánh dạy phải tin; vô tình hoài nghi là do dự không tin, không cố gắng vượt qua những vấn nạn đức tin hay khủng hoảng trước bóng tối đức tin . Vô tín là khinh thường chân lý mạc khải hay cố tình từ chối không tin. Lạc giáo là khi người tín hữu đã chịu phép rửa tội lại ngoan cố phủ nhận hay nghi ngờ một chân lý phải tin nhận, theo đức tin đối thần và Công giáo. Bội giáo là chối bỏ toàn bộ đức tin Kitô giáo. Ly giáo là từ chối tùng phục Đức Giáo hoàng hay từ chối hiệp thông với các phần tử Hội thánh đang phục quyền Người .
Trong khi đó, mê tín là tội nghịch với điều răn thứ nhất, nói cách khác đó là tội xúc phạm đến đức thờ phượng .
Tuy nhiên chúng ta xét ở đây thành một cặp là vì chúng có liên hệ chặt chẽ với nhau, và khó phân biệt ranh giới giữa chúng. Người ta cũng tự đặt câu hỏi: đâu là giới hạn giữa đức tin và mê tín. Nói cách khác, tin như thế nào để khỏi rơi vào mê tín và mê tín đến mức độ nào thì mới cấu thành tội. Đó là điều mà chúng ta sẽ minh giải trong bài viết này.