Theo quyết định của Đức Giám mục Giáo phận, trong năm Đức Tin, Linh Mục đoàn Giáo phận sẽ thực hiện chương trình thường huấn. Chương trình sẽ được lồng vào các ngày tĩnh tâm tháng trong năm với các đề tài học hỏi liên quan đến năm Đức Tin. Xin được giới thiệu bài chia sẻ của cha Tổng Đại diện Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn trong buổi tĩnh tâm tháng 1 vừa qua.
CÔNG ĐỒNG MỤC VỤ VATICANÔ II
Công Đồng Vaticanô II, một quyết định đã đưa Giáo Hội vào một khúc quanh quan trọng trên lối đường đồng hành với nhân loại trong thế giới ngày nay, một sự kiện đã để lại dấu ấn sâu đậm trên đời sống và sứ vụ của Giáo Hội toàn cầu, một thời điểm hồng ân với sức mạnh của lửa nóng và gió mạnh, đến độ tạo nên những bùng nổ như một “lễ Hiện Xuống mới”. Hôm nay, năm mươi năm sau, mọi thành phần Dân Chúa vẫn đang còn được mời gọi tiến bước trên những hướng đi mở ra từ Công Đồng, những lối đi được định hướng dựa trên nỗi thao thức của một Giáo Hội muốn luôn đổi mới để thực thi cách hữu hiệu sứ mạng cứu thế, để phục vụ Dân Chúa, con người và thế giới. Hôm nay, năm mươi sau, khi bật lại những điểm sáng đã từng được các Nghị Phụ thắp lên giữa Công Đồng, chúng ta nhận ra ngay những tín hiệu rõ ràng của một lời mời gọi dành riêng cho các linh mục giáo phận: liên lỉ thực hiện nỗ lực “aggiornamento” cho tác vụ mục tử giữa đoàn chiên. Đây cũng chính là điểm sáng đã làm nên nét đặc thù của Vaticanô II, một Công Đồng Mục vụ.
Sơ lược diễn tiến Công Đồng
Ngày 25.1.1959, sau giờ Kinh Chiều kết thúc tuần bát nhật cầu nguyện cho sự Hiệp nhất Kitô giáo, tại Hội Trường Đan viện Bênêđictô bên cạnh Vương Cung Thánh Đường Phaolô ngoại thành, Đức Thánh Cha Gioan XXIII, ba tháng sau ngày nhận tác vụ Giáo Hoàng, đã thông báo ý định triệu tập một Công Đồng Chung.
Ngày 11.10.1962, lễ kính thiên chức làm Mẹ của Đức Trinh Nữ Maria, khai mạc Công Đồng.
Ngày 3.6.1963, Đức Gioan XXIII băng hà.
Ngày 21.6, Hồng y Giovanni Battista Montini được bầu làm người kế vị – ngày 27.6, tân Giáo Hoàng Phaolô VI tuyên bố Công Đồng sẽ được duy trì.
Ngày 8.12.1965, lễ Đức Maria Vô nhiễm nguyên tội, bế mạc Công Đồng.
Công Đồng kết thúc sau 4 kỳ họp, với 10 phiên họp khoáng đại.
Đây là Công Đồng thứ 21 của Giáo Hội, với 3.093 Nghị Phụ trên toàn cầu được triệu tập đến Vatican dưới hai triều Giáo Hoàng. Đặc biệt, trong số những người trực tiếp tham dự Công Đồng, có bốn người sau này trở thành Giáo hoàng: Hồng y Giovanni Battista Montini, kế vị Đức Gioan XXIII với danh hiệu Phaolô VI; Giám mục Albino Luciani, Giáo hoàng Gioan Phaolô I, tháng 9 năm 1978; Giám mục Karol Wojtyła, Giáo hoàng Gioan Phaolô II, từ 22.10.1978 đến 02.4.2005; và linh mục Joseph Ratzinger, 35 tuổi, có mặt trong vai trò cố vấn thần học, hiện là đương kim Giáo hoàng Bênêđictô XVI.
Công đồng Vaticanô II được đánh giá là đồ sộ nhất về quy mô tổ chức, số lượng các Nghị Phụ tham dự, thời gian hội nghị, và nội dung làm việc. Đã có 3058 Nghị Phụ trên toàn thế giới được triệu tập trong đó có 129 Bề Trên Tổng Quyền các dòng tu. Các Nghị Phụ đến từ 136 quốc gia. Ngoài các Nghị Phụ, còn có tới 460 chuyên gia là các linh mục, tu sĩ và giáo dân. Như vậy, đây là lần đầu tiên giáo dân được mời là dự thính viên của Công đồng. Ngoài ra, còn có đại diện của các tôn giáo bạn từ 46 vị trong kỳ họp đầu tiên tăng lên 90 vị trong kỳ họp cuối cùng. Sau ba năm làm việc, Công đồng đã công bố 16 văn kiện, gồm 4 hiến chế, 9 sắc lệnh và 3 tuyên ngôn. Trước khi Công Đồng đạt đến kết quả đó, ban tổ chức đã phải in tới 56 triệu trang tài liệu cho các Nghị Phụ sử dụng.
Mục vụ: mục tiêu và tinh thần của Công Đồng
Đức Gioan XXIII mong muốn đây là một Công Đồng mang tính mục vụ và hướng đến việc đổi mới Giáo Hội. Ý định này cũng bị nhiều người hiểu không đúng và không hết.
Trong Thông điệp Ad Petri Cathedram (29.6.1959), Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến nhiệm vụ ưu tiên của Công Đồng sẽ là phát huy việc thăng tiến đức tin, tiếp nối Truyền thống, và cập nhật kỷ luật Giáo Hội. Công Đồng sẽ được thực hiện trong bối cảnh của chân lý, của tình hiệp nhất và đức ái, của khát vọng đại kết Kitô giáo. Đức Thánh Cha cũng cho biết Công Đồng được triệu tập trước tiên vì Giáo Hội đang cần tìm được một sức bật mới để thực thi sứ mạng Chúa đã trao phó. Luôn mãi trung thành với những nguyên lý căn bản và giáo thuyết đã tiếp nhận từ chính Đức Kitô, Hội Thánh luôn luôn tiếp nối bước chân của Truyền thống, củng cố và tăng cường sức mạnh trước những thách đố và hoàn cảnh của thời đại, xác lập những tiêu chuẩn cho đời sống và hoạt động của Giáo Hội.
Vào ngày khai mạc Công Đồng (11.10.1962), Đức Thánh Cha đã kêu mời các Nghị Phụ suy nghĩ, trao đổi, thảo luận để tìm ra những dạng thức hiệu quả nhất để để gìn giữ và giảng dạy giáo lý Hội Thánh. Chức năng Huấn giáo của Giáo Hội cần được thực thi cách hiệu quả hơn. Công Đồng muốn chuyển trao cho nhân loại một giáo lý tinh ròng và toàn vẹn, không bị gia giảm hay bóp méo, xuyên tạc. Giáo lý tinh tuyền đó cần được đào sâu và trình bày theo một cách thức phù hợp với những đòi hỏi của thời đại. Đức Thánh Cha phân biệt hai lãnh vực: nội dung (giáo thuyết toàn vẹn, chính xác, bất biến) và hình thức (cách diễn đạt).
Trong cách hiểu của Đức Gioan XXIII, vấn đề “mục vụ” không chỉ hạn hẹp trong những phương cách thực hành, tách rời khỏi giáo thuyết; theo ngài, không thể chấp nhận thi hành mục vụ mà không quan tâm đến giáo thuyết. Thiếu hiểu biết, coi thường và chối từ chân lý chính là nguyên nhân đưa đến nhũng lỗi lầm sai phạm gây xáo trộn cho đời sống cá nhân và cộng đồng nhân loại.
Mọi người đều được mời gọi để đón nhận và sống theo Tin mừng, nền tảng căn bản của chân lý. Hội Thánh có nhiệm vụ phải nắm vững và thấm nhuần Tin mừng để có thể trình bày chân lý cứu độ cho muôn dân. Ngài nói:”Chỉ khi nào chúng ta đạt đến và diễn đạt trong cuộc sống những chân lý chứa đựng trong Tin mừng, lúc đó tâm hồn chúng ta mới chắc chắn tìm được bình an và niềm vui” (x. Ad Petri Cathedram, AAS, 51 (1959), trg 502).
Thao thức mục vụ của các Nghị Phụ sẽ là sức đẩy cho những nỗ lực tìm hiểu, nghiên cứu và đào sâu giáo lý, đồng thời tìm cách trình bày sao cho mọi người có thể hiểu biết, chấp nhận và yêu mến chân lý.
Trên hướng đi mục vụ đó, Công Đồng muốn dùng giọng nói của đức ái mục tử để trình bày về những vấn đề con người ngày nay đang thao thức hoặc những khó khăn thế giới đang phải giải quyết.
Trong khi đó, “đổi mới” không là vất bỏ những cái cũ để tuỳ tiện đặt ra những thứ mới, không là cắt đứt với quá khứ hay quay lưng lại với thực tế, nhưng là một tiến trình phát triển, thăng tiến, hoàn thiện các sinh hoạt trong Giáo Hội.
Đức Phaolô VI khẳng định rằng Đức Gioan XXIII “không muốn đặt vấn đề đổi mới theo ý nghĩa mà một số người muốn gán cho thuật ngữ này, thật ra Giáo Hội muốn đổi mới chỉ để đạt được sự tương hợp với thế giới hiện đại trong nhiều lãnh vực: tín lý, giáo luật, cơ cấu, truyền thống cá biệt, trong khi vẫn bảo toàn tính vững bền về giáo thuyết và cơ cấu đặc thù của Giáo Hội, hay có thể nói là để đặt sự đổi mới vào vị trí bản lề nối kết tư tưởng và hành động của Giáo Hội.
Ngay trong đổi mới cũng vẫn hàm chứa tinh thần mục vụ, Công Đồng sẽ giữ thái độ yêu thương trước cả những sai lỗi. Công Đồng không muốn lên án, chỉ muốn trình bày bằng những giảng giải tích cực về chân lý thánh thiêng, dùng ánh sáng của chính Đức Kitô để rọi soi cho những ai đang đi lạc đường. Đức Gioan XXIII nhắc nhở các Nghi phụ, mặc dù Công Đồng luôn phải bảo toàn kho tàng chân lý đã được trao phó cho Giáo Hội, nhưng đối với những chủ trương sai lạc, những ý kiến và quan niệm nguy hiểm, cách thức xử sự sẽ là chữa lành bằng những “phương thuốc của lòng nhân hậu”. Giáo Hội không muốn làm quan toà kết án, nhưng chọn thái độ của một người Mẹ nhân hậu, đại lượng và nhẫn nại.
Theo hướng đi của nỗ lực đổi mới, đối thoại sẽ là phương thức để Giáo Hội công giáo và các anh em ly khai cùng tìm về hiệp nhất.
Tính cách mục vụ
Có thể nói “mục vụ” là một từ chuyên môn, môt biệt ngữ của Giáo Hội. Chúng ta thấy trong khoa Thánh Kinh học, ba bức thư gửi Timôthê và Titô được gọi là các thư mục vụ, vì trong thư chứa đựng những chỉ dẫn cụ thể về việc tổ chức và quản trị các giáo đoàn. Trong một thời gian dài trước đây, “mục vụ” lại chỉ về những sinh hoạt có liên quan đến thần học, nhưng với ý nghĩa là “không phải giáo thuyết”.
Trong các văn kiện Công Đồng Vaticanô II, chúng ta thấy chữ “mục vụ” được dùng rất nhiều, tuy dù không tìm thấy một định nghĩa rõ rệt nào về “mục vụ”. Công Đồng nói nhiều về hoạt động mục vụ nói chung của Giáo Hội, về các sinh hoạt mục vụ cụ thể, về các nhu cầu mục vụ, về các tổ chức hỗ trợ mục vụ, các học viện, trung tâm mục vụ ở nhiều cấp, các chương trình, kế hoạch mục vụ, về việc đào tạo những thừa tác viên mục vụ, củng cố và nâng cao các kỹ năng mục vụ, về chương trình thực tập mục vụ, thường huấn mục vụ, về việc nghiên cứu các phương pháp mục vụ, về việc kêu gọi sự cộng tác của giáo dân trong các công tác mục vụ, tham gia vào hội đồng mục vụ tại giáo xứ, giáo phận. Công Đồng cũng nói đến cảm thức mục vụ cần được khơi gợi nơi mọi thành phần Dân Chúa . . .
Nói chung, Công Đồng mong muốn có những mục tử lành nghề, thông thạo, hoàn hảo về chính tác vụ của mình giữa đoàn chiên.
Đối với Công Đồng, các mục tiêu mục vụ luôn nhắm đến việc thực hiện tiến trình đổi mới bên trong Giáo Hội, loan báo Tin mừng cho toàn thể nhân loại, và đối thoại với thế giới ngày nay. Nói cách khác, mối tương quan với thế giới cần được thực hiện bởi một Giáo Hội luôn tìm cách đổi mới các phương thức rao giảng Tin mừng và hoạt động tông đồ.
Đức Phaolô VI, trong khoá họp IX của Công Đồng, đã khẳng định Giáo Hội, trong khi vẫn luôn hoạt động cho Nước Trời, sẽ thể hiện tình ưu ái nhiều hơn nữa đối với nhân loại và thế giới; Giáo Hội hiện hữu vì con người và thế giới; Giáo Hội luôn gắn kết với nhân loại; được sai đến với thế giới, Giáo Hội mang trách nhiệm soi dẫn cho cuộc sống con người bằng các chân lý mặc khải, chăm sóc con người bằng tình hiền mẫu; Giáo Hội phải đồng hành với nhân loại trong lịch sử, cùng với mọi người đạt đến cứu cánh chung cuộc của công trình tạo dựng.
Như thế, Vaticanô II đã có một định hướng rõ ràng, đây sẽ không hẳn là một Công Đồng tín lý, càng không là một Công Đồng kỷ luật, nhưng trước tiên là một Công Đồng mục vụ.
Mục vụ cho thế giới ngày nay
Tính cách mục vụ của Công Đồng Vaticanô II được thể hiện rõ nét nhất trong “hiến chế mục vụ” Gaudium et Spes, văn kiện dài nhất của Công Đồng. Được gọi là “mục vụ”, nhưng luôn dựa trên nền tảng tín lý, mục vụ trong ý nghĩa là những áp dụng thực hành của các nguyên tắc thần học; mục vụ vì nêu lên những vấn đề liên quan đến thái độ của Giáo Hội đối với thế giới và con người ngày nay; mục vụ với những lối mở và cả những thách đố mới: thế giới và nhân loại ngày nay có những vấn đề, vừa mới mẻ, vừa đa dạng, vừa như thể vượt quá giới hạn của đức tin và thần học, chẳng hạn vấn đề truyền thông, kỹ thuật, xã hội, kinh tế, chính trị, những vấn đề với những nguyên tắc cá biệt, không tìm thấy, ít ra không trực tiếp tìm thấy, trong mặc khải.
Con người và thế giới, đối tượng của Công Đồng mục vụ Vaticanô II, được nhìn từ nhiều góc cạnh: hữu thể thụ tạo, hiện hữu trong thời gian lịch sử, năng lực vượt trội, nguy cơ bị huỷ diệt và tự huỷ diệt. Hiến chế đề cập đến con người ở mọi lãnh vực, nói về ơn gọi, tự do và phẩm giá của con người, về sự hiện diện của con người nơi gia đình, trong xã hội, giữa các nền văn hoá, và trên toàn thế giới. Nhưng trong bất cứ cảnh vực nào của thế giới, Công Đồng muốn Giáo Hội luôn là ánh sáng đặt nơi cao, là men trong bột, là nhân tố mang lại sức sống cho cá nhân cũng cộng đồng trong tất cả các chiều kích của nhân vị con người.
Mục tử theo tinh thần Công Đồng mục vụ
Chỉ là 16 văn kiện, nhưng đã và sẽ là những gợi ý cho bao nhiêu thế hệ mục tử giữa lòng Giáo Hội. Khi đọc lại các văn kiện theo đường dẫn được vạch ra từ định hướng và mục tiêu đặc thù của Công Đồng mục vụ Vaticanô II, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra những tính cách, hay đúng hơn, những đòi hỏi của đời sống và tác vụ linh mục. Và những gì chúng ta tiếp nhận từ những suy tư của các Nghị Phụ, được dàn trải trong các văn kiện Công Đồng, phải được trở thành hiện thực trong tác vụ mục tử hôm nay.
Mục tử của Chúa Kitô và Giáo Hội. Không là nhân viên điều hành của một tổ chức trần thế, nhưng là người được trao ban hồng ân Thánh chức và lãnh nhận tác vụ từ Chúa Kitô qua Giáo Hội và trong Giáo Hội.
Mục tử của lời mời gọi đổi mới. Không chỉ “mục vụ”, nhưng chính mục tử luôn cần thưc hiện “aggiornamento” liên lỉ.
Mục tử của thần học và suy tư. Cần tạo nền cho sinh hoạt mục vụ, giữ ý nghĩa cho phụng vụ bí tích, định hướng cho những kế hoạch và nghiên cứu các phương pháp mục vụ.
Mục tử của đức ái. Được sai đi để phục vụ tất cả mọi người, không hạn chế, không loại trừ bất kỳ ai. Yêu thương đến cùng.
Mục tử của Dân Thiên Chúa, của con người và thế giới. Nhận dạng và đọc hiểu những dấu chỉ thời đại. Đón nhận những thách đố từ một thế giới đa dạng và phức tạp. Đồng hành và thăng tiến những con người nhiều giới hạn nhưng cũng đầy năng lực.
Định hướng và tinh thần mục vụ của Vaticanô II đã mở ra những không gian mới cho toàn thể Giáo Hội, đã thấm đẫm vào mọi lãnh vực sinh hoạt của cộng đoàn Dân Chúa, như Phụng vụ, Huấn giáo, Thần học và cả Giáo luật. Các linh mục, năm mươi năm sau, đang được mời gọi đọc, đọc lại và tiếp nhận Công Đồng mục vụ Vaticanô II, để tái khám phá niềm vui đổi mới, để một lần nữa tạo nên sức bật mới cho tác vụ mục tử giữa lòng Giáo Hội, theo hình ảnh và mẫu gương của vị Mục Tử nhân lành tối cao.
Lm. Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn
Bài chia sẻ với Linh Mục đoàn Giáo phận Bà Rịa trong ngày tĩnh tâm tháng 01. 2013