THƯ GỬI SINH VIÊN, HỌC SINH CÔNG GIÁO NHÂN DỊP MỪNG XUÂN ẤT TỴ 2025
ỦY BAN GIÁO DỤC CÔNG GIÁO
trực thuộc
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
THƯ GỬI SINH VIÊN, HỌC SINH CÔNG GIÁO
NHÂN DỊP MỪNG XUÂN ẤT TỴ
Các con thân mến,
Cùng với toàn thể Giáo Hội trên thế giới, chúng ta vừa khai mạc Năm Thánh 2025, mang theo tâm tình “những người hành hương của hy vọng” để bước vào mùa xuân của ân sủng. Giờ đây, chúng ta lại chuẩn bị đón Tết Nguyên Đán năm Ất Tỵ 2025, một sự kiện quan trọng trong phong tục tập quán Việt Nam. Có thể nói rằng, khắp mọi miền đất nước, người người cùng đón Tết, nhà nhà cùng mừng xuân. Cho dù cuộc sống hôm nay có thêm nhiều tiện nghi mới mẽ, những công nghệ trang trí hiện đại đắt tiền, nhưng với cha, những ngày này luôn gợi lại nhiều ký ức khó quên về việc chuẩn bị cho ngày Tết xưa: Dọn nhà, Lau cửa, Lặt lá mai, Làm mới lại các vật dụng trên Bàn thờ… và rất nhiều những công việc khác nữa. Tất cả làm nên một bầu khí thật đặc biệt mỗi khi Tết đến xuân về. Như vậy, chỉ còn ít ngày nữa là chúng ta mừng xuân Ất Tỵ, bước vào một tuổi mới, một chu kỳ mới trong dòng đời của mình, chúng ta cầu xin Chúa chúc lành cho Năm Mới Ất Tỵ này.
1. Năm mới trong cái nhìn đức tin.
“Chúc Mừng Năm Mới”, một câu nói rất quen thuộc mà chúng ta dành tặng cho nhau trong những ngày Tết. Đó là một lời cầu chúc ngắn gọn, nhưng lại bao hàm một ý nghĩa phong phú: một năm mới, một chu kỳ mới cho đời người với tất cả mọi điều mới mẽ tích cực. Nếu như Tết là một thời khắc giao mùa giữa cũ và mới, thì với Thánh Phaolô, sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô chính là cánh cửa, khép lại thời gian của tội lỗi và sự chết, mở ra cho chúng ta “sống một đời sống mới” (Rm 6, 4). Nghĩa là, bởi dòng nước thanh tẩy, chúng ta quyết tâm chết cho con người tội lỗi và yếu đuối của mình, thì giờ đây, cùng với Chúa Phục Sinh, chúng ta được được bước vào một chu kỳ mới trong ân sủng của Người. Như vậy, đời sống của chúng ta, những người tin vào Chúa Phục sinh, là đời sống của những người luôn và phải sống trong tinh thần của Năm mới, vì chúng ta đã mặc lấy con người mới, con người được đổi mới theo hình ảnh của Chúa (x. Cl 3, 10). Cũng trong ý hướng đó, Êdêkien đã loan báo cho dân Chúa bước vào một thời kỳ ngập tràn sắc xuân, chan chứa tình người: “Ta sẽ ban tặng các ngươi một quả tim mới, sẽ đặt thần khí mới vào lòng các ngươi. Ta sẽ bỏ đi quả tim bằng đá khỏi thân mình các ngươi và sẽ ban tặng các ngươi một quả tim bằng thịt” (Ed 36, 26).
Một nghiên cứu khác về chủ đề này được thực hiện và trình bày, có thể làm chúng ta ngạc nhiên. Theo đó, Tết như là một sự kiện đưa mọi người đến gần Thiên Chúa chân thật và duy nhất, thông qua niềm tin vào Con Một của Ngài là Chúa Giêsu. Nghĩa là mỗi khi Tết đến, số tuổi con người được dài thêm, nhưng cuộc đời thì càng ngắn lại. Như thế, ngày chúng ta về trình diện trước mặt Chúa càng đến gần hơn. Chủ đề này không có ý gây chia rẽ hay tạo nên hoang mang, nhưng giúp chúng ta tích cực xây dựng thân thể Chúa Kitô ở trần gian một Hội thánh chân chính và bình an. Với tư cách là những người Kitô hữu, chúng ta được kêu gọi giữ gìn bản thân khỏi những thói quen của một thế giới đang chết dần trong xu hướng tục hóa, để tiếp tục loan báo Tin mừng cho anh chị em mình, nhằm lan rộng chiều kích ơn cứu độ đến cho mọi người.
2. Năm mới trong truyền thống dân tộc.
Tết cổ truyền luôn là ngày lễ lớn nhất trong năm, là thời khắc thiêng liêng mà mọi người tạm gác lại tất cả công việc thường ngày, để sum họp gia đình, kết chặt tình nghĩa họ hàng. Tết cổ truyền của mỗi đất nước đều có những nét đặc trưng riêng, thể hiện bản sắc văn hóa của dân tộc đó. Người Công giáo chúng ta luôn mang trong mình bản sắc văn hóa Việt Nam đa dạng, nhưng các con đừng quên ba mối tương quan mật thiết sau đây.
a. Thờ phượng Thiên Chúa
Khi được hỏi đâu là Điều răn quan trọng nhất, Đức Giêsu đã trả lời: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi” (x. Mt 22, 35-38). Câu trả lời này hoàn toàn không chứa đựng một ý muốn độc quyền trong đức tin và tôn giáo, nhưng Chúa Giêsu muốn giới thiệu và dẫn người ta đi vào một mối tương quan thật mới mẽ và thân tình với Thiên Chúa của mình, một liên hệ mà không một người Do thái nào ở thời điểm đó dám nghĩ đến: “Lạy Cha chúng con…” (Kinh Lạy Cha). Dĩ nhiên lời kinh ấy là cầu xin và ước nguyện của chúng ta, nhưng nó sẽ cho thấy được lý do mà Giáo Hội kêu gọi và dành những giờ phút đầu tiên của Năm mới để cùng nhau hướng về Chúa trong tâm tình cảm tạ và tri ân. Việc làm này vừa thể hiện được nét văn hóa đặc trưng của người Việt trong những ngày Tết, vừa biểu lộ lòng biết ơn và sự khiêm nhường đúng nghĩa khi nhìn nhận rằng: “Bốn mùa Chúa đổ hồng ân. Ngài gieo màu mỡ ngập tràn lối đi” (Tv 65, 12). Một kinh nghiệm nhỏ của cá nhân mà cha muốn chia sẻ với các con như một xác tín rằng: cuộc đời của chúng ta luôn được kết nối bởi những ơn lành của Chúa, kể cả những khi ta không hiểu được những gì đang xảy ra với chính mình. Vậy, chúng ta không những chỉ tạ ơn Chúa trong ngày đầu năm, mà còn phải yêu mến và thờ phượng Chúa ở bất cứ hoàn cảnh nào trong cuộc sống của mình.
b. Tôn kính Cha Mẹ
Từ góc nhìn văn hóa, có thể nói chữ “Hiếu” là cái hồn của Tết Việt. Đạo Hiếu là một truyền thống lớn và nổi bật trong văn hóa Việt Nam. Nghĩa là nó được trải dài trong cuộc sống và con người đất Việt. Tuy nhiên, vào những ngày mừng xuân đón Tết, lòng hiếu thảo được thể hiện một cách đặc biệt hơn qua những phong tục đa dạng và phong phú: Thăm viếng, Mâm cơm, Chúc tuổi, Lì xì, …
Trong các Điều răn mà chúng ta đang tuân giữ, hiếu thảo là bổn phận được đưa lên hàng đầu trong nhóm các việc phải làm và không được phép làm đối với tha nhân. Một lý do giải thích sự quan trọng này là cả Thánh Kinh Cựu Ước và Tân Ước đều nhắc nhở chúng ta phải tôn kính cha mẹ mình. “Hãy tôn kính cha mẹ ngươi, để ngươi được sống lâu trong xứ sở mà Đấng Hằng Hữu, Thiên Chúa của ngươi ban cho ngươi” (Xh 20, 12), “Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này” (Ep 6,1-3). Như thế, việc sống hiếu thảo với ông bà cha mẹ, không những là một nét đẹp văn hóa, mà còn là một phương tiện để đạt đến hạnh phúc ở đời này và đời sau vĩnh cửu. Vậy, Giáo Hội muốn các con sống và thực hành lòng hiếu thảo như thế nào? Sách Giáo Lý của Hội Công Giáo từ số 2214 – 2220 đã hướng dẫn thật đầy đủ và phong phú. Trong phạm vi của những lời nhắn nhủ này, cha muốn tóm gọn lại để các con dễ nhớ trong ba thực hành cụ thể: sự biết ơn, vâng phục và trợ giúp. Ước mong rằng: các con sẽ không dừng lại ở các lễ nghi phong tục của ngày Tết về lòng hiếu thảo, nhưng chúng con phải cầu nguyện cho Ông Bà Cha Mẹ lúc còn sống cũng như đã qua đời.
c. Cầu nguyện cho Tổ Quốc
Sách Giáo Lý của Hội Công Giáo từ số 2238 – 2243 đã nhắc đến bổn phận của một người công dân đối với quê hương đất nước. Trong tinh thần đó, lòng yêu mến và sự phục vụ Tổ quốc phát xuất từ bổn phận của lòng hiếu thảo, biết ơn những người đã mang lại cho chúng ta di sản văn hóa tinh thần, nhớ ơn những người đã chăm lo gìn giữ và xây dựng đất nước nơi mình đang sinh sống. Điều này gợi nhớ đến lời Cầu nguyện thứ 9 trong Phụng vụ thứ sáu Tuần Thánh, thật cảm động và gần gũi, Giáo Hội đã long trọng dâng lời Cầu nguyện cho những nhà lãnh đạo quốc gia, luôn biết hành động theo thánh ý Chúa mà tận tình lo cho dân nước được an cư lạc nghiệp và vui hưởng tự do.
Hướng về cội nguồn trong ngày Tết, thật đẹp lòng Chúa khi chúng ta thêm lời cầu nguyện cho quê hương đất nước của mình, để trước hết, nhờ ơn Chúa ban, “chúng ta được an cư lạc nghiệp mà sống thật đạo đức và nghiêm chỉnh” (x. 1 Tm 2, 2). Đồng thời, khi cầu nguyện cho các vị lãnh đạo đang điều hành đất nước, chúng ta vừa thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của mình, nhưng cũng vừa minh chứng nét đẹp truyền thống của văn hóa Tết quê hương.
Các con thân mến, Giáp Thìn đã chuẩn bị rời đi để nhường chỗ cho Ất Tỵ đang về, mang theo những hoài bảo và khát vọng cho một Năm mới tròn đầy hơn. Với tất cả niềm vui và lòng yêu mến, hy vọng và ân sủng của mùa xuân Năm Thánh, cha cầu chúc cho tất cả các con và gia đình một năm mới luôn an bình mạnh khỏe, điềm tĩnh, hiền lành, và thành công trên đường đời, ân sủng trong đường đạo. Các con hãy cố gắng tham dự đầy đủ các Thánh lễ đầu năm để nguyện cầu Chúa Xuân chúc lành và gìn giữ các con. Xin Người thương mến và ban bình an cho các con (x. Ds 6, 24-26).
CHÚC MỪNG NĂM MỚI ẤT TỴ 2025.
Vĩnh Long, ngày 25 tháng Chạp năm Giáp Thìn.
+ Phêrô Huỳnh Văn Hai
Giám mục Giáo Phận Vĩnh Long
Chủ tịch Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo