VĂN PHÒNG ĐỐI THOẠI ĐẠI KẾT VÀ LIÊN TÔN / HĐGMVN: BUỔI HỌP MẶT ĐẦU TIÊN
WGPSG (25.05.2024) – Đức Giám mục (ĐGM) Giuse Châu Ngọc Tri – GM Giáo phận Lạng Sơn – phụ trách Đối thoại Đại kết và Liên tôn (ĐTĐK và LT) trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN), đã chủ trì buổi họp mặt lần đầu tiên của Văn Phòng ĐTĐK và LT, vào chiều thứ Tư ngày 22-5-2024, tại Văn phòng HĐGMVN, địa chỉ: 72/12 Trần Quốc Toản, Phường 8, Quận 3, TP.HCM.
Linh mục (Lm) PX Bảo Lộc – Thư ký VP ĐTĐK và LT / HĐGMVN, giới thiệu thành phần tham dự, gồm có: Lm Giuse Nguyễn Kim Anh – Trưởng ban MV Đối thoại Liên tôn (ĐTLT) GP Phan Thiết, Lm GB Hoàng Đại Hoàng – Phó ban ĐTLT GP Phan Thiết, Giuse Cao Đình Phương và Lm Giuse Nguyễn Minh Chánh – GP Phú Cường, Lm Gregorio Nguyễn An Phú Đông – GP Đà Lạt, Lm Louis Hồ Trọng Hưng và Paul Võ Đình Hoài – GP Qui Nhơn, Lm Gioakim Phạm Việt Quang – GP Thái Bình, Lm Trương Diễn (CPPS), Lm Phêrô Giuse Maria Hà Thiên Trúc, Lm Giuse Nguyễn Hoàng Vinh (OP). Đặc biệt, có sự tham dự của Đức ông Indunil – Thư ký Bộ ĐTLT Vatican và Lm Vinh Sơn Nguyễn Văn Nghiêm – tháp tùng Đức ông từ Huế.
Ngoài ra còn có sự tham dự của Nữ tu (Nt) Ngọc Lan (FMM), Nt Ái Thiên (Loreto), Nt Kim Uyên (FMA), Nt Anna Phượng (OSP) và các anh chị thành viên Ban MV ĐTLT TGPSG.
Lúc 14g45, Lm PX Bảo Lộc đã cầu nguyện khai mạc buổi họp, xin Chúa Thánh Thần ban ơn hướng dẫn, để gắn kết mọi người cùng hiệp hành trong sứ vụ này.
Đề tài: “Đối thoại và rao truyền”. Lm PX Bảo Lộc chia sẻ một số điểm nhấn trong văn kiện “Đối thoại và rao truyền” của Hội Đồng Giáo Hoàng về ĐTLT và Thánh Bộ Truyền bá Phúc Âm cho các Dân tộc; giúp hiểu về tương quan giữa ĐTLT và Loan báo Tin Mừng, những trở ngại và điều kiện để thực hành ĐTLT.
Trong Hiến Chế Tín lý về Giáo hội (Lumen Gentium) số 16 xác định về tính khả thi của ơn cứu độ cho tín đồ ngoài Kitô giáo, với 3 điều kiện sau đây:
1. Không ngừng tìm kiếm Thiên Chúa (Chân lý);
2. Chu toàn bổn phận;
3. Sống theo tiếng lương tâm.
Sứ mạng của Giáo hội là làm tăng triển “Vương quốc của Đức Chúa chúng ta và của Đức Kitô” và phục vụ cho nước đó – lấy Vương quốc Thiên Chúa thực hiện nền Thần học tôn giáo;
ĐTLT là sinh hoạt nền tảng của Giáo hội, Giáo hội được mời gọi cộng tác với chương trình của Thiên Chúa, bằng các phương thức riêng của mình để hiện diện, tôn trọng và yêu thương mọi người. Đối thoại được lồng vào sứ mạng cứu độ của Giáo hội. Cho nên đó là một cuộc đối thoại cứu độ. (ĐGH Gioan Phaolô II). Trong đó, Kitô hữu và những người khác đều được gọi cộng tác với Thánh Thần của Chúa phục sinh.
Có bốn hình thức đối thoại liên tôn căn bản (DM 28 – 35)
- Đối thoại trong đời sống
- Đối thoại bằng hành động
- Đối thoại qua những trao đổi giữa các chuyên viên mang tính cách hàn lâ
- Đối thoại về kinh nghiệm tâm linh.
Những tâm trạng và thành quả của ĐTLT
Đối thoại đòi hỏi thái độ quân bình. Đối thoại đòi hỏi mọi người có tinh thần cởi mở và tiếp nhận, cùng nhau dấn thân phục vụ chân lý và sẵn sàng cải hóa. Tuy nhiên, sự thành thật trong đối thoại tôn giáo đòi hỏi người ta dấn thân vào với xác tín toàn vẹn về niềm tin riêng của mình. Kitô hữu biết rằng mạc khải toàn vẹn dã được thông ban cho họ trong Đức Giêsu Kitô, vị trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa với con người (Tm 2, 4-6), đồng thời cũng phải nhớ rằng Thiên Chúa một cách nào đó đã tự tỏ lộ cho các tín đồ các truyền thống tôn giáo khác. Do đó họ được gọi để tiếp cận với các niềm tin và giá trị của người khác trong một tinh thần thông cảm.
Mở ra tiếp nhận chân lý. Chân lý không phải là cái chúng ta sở đắc; nhưng chân lý là một ngôi vị, nhờ vào Ngài chúng ta phải để cho chân lý ấy chiếm hữu chính chúng ta. Kitô hữu phải nỗ lực học hỏi nơi người khác những giá trị tích cực của các truyền thống tôn giáo của họ. Nhờ đối thoại Kitô hữu có thể vượt thắng những định kiến, những ý tưởng cố chấp; nhờ cởi mở, mới có thể gặt hái những thành quả của đối thoại. Bấy giờ hân hoan khám phá những gì Thiên Chúa nhờ Đức Kitô và trong Thánh Thần của Ngài. Một cuộc đối thoại chân thật không hề làm suy giảm đức tin Kitô giáo, nhưng là đào sâu đức tin ấy, giúp vươn đến chân trời mới khi khám phá mầu nhiệm của Đức Giêsu Kitô hiện diện linh động, vượt qua những biên giới hữu hình của Giáo hội và cộng đồng những người Kitô hữu.
Lm PX Bảo Lộc cũng đã lược qua một số hoạt động mục vụ, ngài cho biết ĐTLT là cần thiết và loan báo Tin Mừng là khẩn thiết; hai hoạt động này song hành với nhau để phục vụ cho công cuộc mở mang Nước Chúa.
Những hoạt động của Ban ĐTLT TGPSG. Lm PX thông tin những số liệu thống kê về các tôn giáo tại Việt Nam như: Công giáo, phật giáo, Cao Đài, Hồi giáo, Baha’i. Lm PX cũng giới thiệu (có chiếu hình ảnh minh họa) đôi nét về những tôn giáo này, và chia sẻ những hoạt động của Ban Mục vụ ĐTLT TGPSG, mối tương giao của Ban với các tôn giáo trên; cũng như sự tìm hiểu, học hỏi tôn giáo của nhau nơi một số giảng sư.
Trong năm, Ban ĐTLT đại diện HĐGMVN mừng lễ của các tôn giáo bạn. Hội Ngộ Liên tôn là hoạt động ĐTLT; Suy tôn Lời Chúa là hoạt động đối thoại đại kết (9 lần) cầu nguyện cho sự hiệp nhất, lắng nghe là điều cần thiết trong đối thoại.
Đề tài: “Giáo huấn của Giáo hội Á Châu về ĐTLT”, do Nt Nguyễn Thị Ngọc Lan trình bày.
“Đối thoại liên tôn là điều kiện cần thiết cho hòa bình trên thế giới, và vì vậy đó là nghĩa vụ của các Kitô hữu cũng như các cộng đồng tôn giáo khác” (EG 250 – ĐTC Phanxicô).
Trong tài liệu của Liên Hội Đồng Giám mục Á Châu (FABC): “Chúa Giêsu là đường là sự thật và là sự sống”. Cần giải thích Chúa Giêsu là đường và là sự sống trước khi trình bày Ngài là sự Thật, là Đấng cứu độ duy nhất. Nếu không như thế thì khó sống chung hoặc đoàn kết hiệp nhất với các tôn giáo khác. Giáo hội cần học nơi Đức Kitô mầu nhiệm tự hủy để trở nên khiêm tốn và cởi mở hơn với các tôn giáo khác.
Lục địa Á Châu rộng lớn về địa lý cũng như tiềm lực về con người, nhất là giới trẻ, cái nôi của nhiều tôn giáo lớn, nhiều người nghèo, tệ nạn, bất công xã hội, và nhiều nơi phẩm giá con người chưa được tôn trọng; nhiều thách thức khác nhau về triết học, thần học, mục vụ, và truyền giáo. Giáo hội một mặt được ca ngợi về hoạt động bác ái, y tế, giáo dục trong xã hội; mặt khác được coi là một giáo hội ngoại lai, bị bách hại. Trong Tông huấn GH Á Châucó viết:“quả thực đây là một huyền nhiệm: tại sao Đấng Cứu Thế sinh ra tại Châu Á mà cho đến nay vẫn có nhiều người của lục địa này chưa biết đến Người”. Trong suốt 5 thế kỷ qua từ khi Kitô giáo đến Việt Nam, các Kitô hữu thấy Giáo hội ưu việt hơn các tôn giáo khác; nhưng đàng khác tự ti vì cộng đồng Công giáo là thiểu số.
Sâu hơn nữa đó là cảm giác phức hợp, vì các nhà truyền giáo được đào tạo xoáy sâu vào niềm tin rằng ngoài Giáo hội không có ơn cứu độ, xem truyền thống các nền văn hóa tôn giáo khác thấp kém hoặc sai lầm. Chính vì thế gây bất lợi cho Công giáo, bị loại bỏ.
Từ sau Công đồng Vaticano II Giáo hội ngày càng ý thức được rằng “sự đa dạng không phải là điều đáng tiếc và phải bãi bỏ, mà là điều đáng vui mừng và phát huy, vì nó tượng trưng cho sự phong phú và sức mạnh. Trong tuyên ngôn đối thoại với các tôn giáo, Công đồng đưa ra giá trị của các tôn giáo, các tôn giáo đều muốn giải đáp câu hỏi liên quan đến vận mệnh của con người, sự đau khổ, thiện ác…và GH Công giáo không phủ nhận những giá trị chân thật và thánh thiện trong các tộn giáo. Tất cả những giá trị đó đem lại tia sáng chân lý. Năm 1970 (FABC đầu tiên) xác tín cách tiếp cận thực tế với người Á Châu cần phải quy về sự hòa hợp. Để khám phá ra căn tính của mình, phải dấn thân vào một cuộc đối thoại ba chiều. Điều này có nghĩa là mở ra cuộc đối thoại với các dân tộc Á Châu – đặc biệt là người nghèo [phát triển toàn diện], các nền văn hóa Á Châu [hội nhập văn hóa] và các tôn giáo Á Châu [đối thoại liên tôn]. Đối thoại ba chiều này đến nay vẫn còn giá trị.
Qua các cuộc họp, FABC cũng nhận thấy “đối thoại là phương tiện và đường lối chính yếu để hội nhập văn hóa”. Muốn đối thoại phải chấp nhận người khác cách tích cực trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, xác tín rằng lẽ ra phải có sự nhìn nhận và tôn trọng “các giá trị và ý nghĩa luân lý – thiêng liêng sâu sắc” của các tôn giáo khác. Chúng ta phải nhấn mạnh rằng việc soạn thảo cẩn thận những hướng dẫn tương lai cho Giáo hội ở Á Châu không chỉ chú ý đến những giá trị và ý nghĩa sâu sắc mà các nền văn hóa và tôn giáo cổ xưa của các châu lục mang theo. Các Giám mục đã công nhận rằng “chỉ khi đối thoại với những tôn giáo và nền văn hóa ấy, người Kitô hữu mới có thể khám phá ra nơi đó những hạt giống Lời Chúa”. Một mặt, cần phải cởi mở và sẵn sàng tiếp nhận những truyền thống này, đồng thời, cam kết thanh lọc và chữa lành, theo sứ điệp Tin Mừng, một số khía cạnh của chúng. Mặt khác, khả năng hoàn thành sứ mạng lớn lao được Chúa Giêsu chia sẻ với các tông đồ, đại diện cho nền tảng thần học và mục vụ của sứ mạng Phúc âm hóa (theo nghĩa loan báo và làm chứng) từ phía Kitô giáo.
Hiểu sâu hơn,học cách trân trọng những ân ban của Chúa Thánh Thần nơi các tôn giáo khác, xác định các yếu tố: Đối thoại như chiều kích nền tảng của Giáo Hội; Đối thoại và vai trò của giáo dân; Đối thoại như một phương cách để giải quyết những thách đố đang nảy sinh trong việc truyền giáo;Là con người đối thoại để trở thành môn đệ Chúa Kitô; Gia đình Á Châu như nơi chốn và tác nhân chính của cuộc đối thoại; Đối thoại như một phản ứng tích cực đối với sự bất khoan dung tôn giáo.
Tóm lại trong một câu, chúng ta phải nhớ rằng ngày nay ở khắp mọi nơi, đặc biệt là ở lục địa Á châu, chúng ta không thể có tôn giáo nếu không mang tính “Đối thoại liên tôn”.
Lúc 16g35, sau giải lao, các tham dự viên chia làm 3 nhóm thảo luận dựa trên 3 câu hỏi:
1. Thực trạng tương quan giữa Công giáo và tín đồ các tôn giáo trong địa phương/ giáo phận của cha.
2. Dựa trên hướng dẫn của Hội Thánh, cha nghĩ đâu là những loại hình sinh hoạt liên tôn nào khả thi trong thời gian tới?
3. Quý cha có đóng góp gì cho hoạt động của Văn phòng Đối thoại Đại kết và Liên tôn của HĐGM Việt Nam?
Các tham dự viên đã thảo luận sôi nổi, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế, các khó khăn và thuận lợi, cùng với những phương cách đối thoại đem lại hiệu quả trong tinh thần đại kết và LT. Đại diện các tổ đã lần lượt tổng kết phần thảo luận, và những đóng góp ý kiến cho hoạt động của VP ĐTĐK và LT của HĐGMVN.
ĐGM Giuse Châu Ngọc Tri chia sẻ
ĐGM Giuse cảm ơn những đóng góp của quý tham dự viên cho giáo phận trong ĐTLT và những đóng góp cho VP ĐTĐK và LT của HĐGMVN.
Ngài đã chia sẻ về hành trình trong các ngày ngài cùng với Đức ông Indunil thăm tại GP Hà Nội và Lạng Sơn, nơi có một số ngôi Chùa, Văn Miếu, và các ngài được sự đón tiếp nồng hậu của quý sư thầy, và Phật tử; đặc biệt là trong ngày lễ Phật Đản.
Đức ông Indunil chia sẻ (Lm Giuse Nguyễn Hoàng Vinh, O.P, phiên dịch)
Ngài chia sẻ về gia đình ở Sri Lanka, cha là Công giáo, Mẹ là Phật tử theo đạo Công giáo. Thưở nhỏ, ngài từng học chung với các bạn thuộc tôn giáo khác, nên ngài nói: “ĐTLT ở trong máu của tôi rồi, vì thế tôi sẽ trả lời những vấn nạn mà các nhóm đã đưa ra. Một trong những vấn nạn là làm sao thúc đẩy sự đối thoại với các tôn giáo khác.”
Giáo hội đã thực hành ĐTLT từ lâu rồi, Thông điệp Ecclesiam suam ĐGH Phaolô VI (năm 1964), Giáo hội phải tham gia đối thoại ở nơi GH hiện diện. Chúng ta khởi đầu tham gia đối thoại với tôn giáo khác, có nền tảng thần học cho vấn đề này. Chúng ta có Thiên Chúa, Đấng khởi nguồn cho cuộc đối thoại. Thiên Chúa tạo dựng tất cả mọi người, ngài cũng đối thoại với mọi người, cố làm cho con người hiểu. Chính Thiên Chúa đã trở thành người, chúng ta tin rằng Chúa Giêsu Kitô là Ngôi Lời nhập thể để cứu tất cả nhân loại. Khi nói về ĐTLT, chúng ta không chỉ nói đối thoại ở cấp độ nhân loại, chúng ta bước vào mầu nhiệm của Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô nói với chúng ta và cũng nói với những người khác, vì thế chúng ta tin rằng có những chân lý vẫn đang tồn tại bên ngoài Giáo hội; Thánh Thần cũng đang hoạt động mạnh mẽ bên ngoài Giáo hội. Do đó khi ĐTLT chúng ta bước vào mầu nhiệm của Thiên Chúa. Khi lắng nghe tín đồ của tôn giáo khác, chúng ta cũng đang lắng nghe cách mà Thiên Chúa nói với người khác nữa; cho nên khi bước vào ĐTLT, chúng ta cũng mặc lấy tâm tình bước vào nơi thánh; cho nên chúng ta có nền tảng thần học để khởi đầu cuộc đối thoại.
Đức Giáo hoàng Phanxicô đã chia ĐTLT thành các bước sau: Tiếp cận – Trao đổi – Lắng nghe – Hiểu – Thấu hiểu lẫn nhau, để tìm ra những điểm chung. Tất cả được tóm trong một từ “Đối thoại”. Những gì chúng ta đang làm là cố gắng đến với tha nhân. Đôi khi chúng ta cũng đi vào vết thương cũ của mình, khiến dễ có những nỗi sợ do ảnh hưởng của quá khứ… Trong Cựu Ước và Tân Ước, Thiên Chúa đã cố gắng giao tiếp với con người, nhưng con người lại từ chối. Tuy nhiên, Thiên Chúa không ngừng đối thoại với chúng ta. Đó cũng là ý nghĩa Thánh lễ chúng ta cử hành. Trong đêm bị trao nộp, dù bị phản bội, Chúa Giêsu vẫn tiếp tục bày tỏ tình yêu của Thiên Chúa. Cũng vậy, khi chúng ta tìm cách đối thoại, nhưng người ta từ chối. Ngay cả trong Giáo hội, cũng có những Kitô hữu từ chối, hay cho rằng không có nhu cầu đối thoại. Giống như trong một thị kiến, Thánh Phêrô đã từ chối ăn những con vật trong lưới sa từ trên trời xuống. Có tiếng phán bảo ông lần thứ hai: “Những gì Thiên Chúa đã tuyên bố là thanh sạch, thì người chớ gọi là ô uế” (Cv 10, 12-14); Phêrô từ chối ăn vì giáo dục thời đại ấy như thế. Tương tự như Phêrô, chúng ta được mời gọi tiếp cận dân ngoại mà không kỳ thị hay kết án bất kỳ ai. Chúng ta cần có những hướng dẫn để thực hành đúng đắn ĐTLT. Chúng ta cần có nơi phù hợp để các tôn giáo khác có thể đến để ĐTLT.
Đức ông đã giới thiệu tài liệu của Hội đồng Tòa Thánh về ĐTLT (2014) trong 3 ngôn ngữ Pháp, Anh, Ý: “Đối thoại trong Sự thật và Đức ái – Định hướng Mục vụ cho ĐTLT”. Hầu hết những thắc mắc, ưu tư đều được giải đáp trong tập sách này. Chẳng hạn các chủ đề: Nền tảng để đối thoại, Tính năng đông của đối thoại, Ơn gọi của đối thoại, Đào tạo đối thoại, Những khía cạnh thực hành đối thoại, cùng nhau bảo vệ môi trường… Những điều này giúp chúng ta nâng cao tình bằng hữu. Năm ngoái, các Giám mục ở Vatican cũng bàn đến ĐTLT, niềm vui cũng như những khó khăn đưa chúng tôi xích lại gần nhau.
Đối thoại là cơ hội chúng ta loan báo Tin Mừng Đức Kitô, không phải là phản bội đức tin của mình. Chính qua đối thoại, người khác biết Đức Giêsu là ai và môn đệ của Ngài đang làm những gì. Đối thoại giúp cho tha nhân và chính Kitô hữu chúng ta nhận ra Thiên Chúa vĩ đại dường nào và tình yêu của Ngài cũng bao la như vậy. ĐGH Phanxicô nói: “Tất cả chúng ta thuộc về cùng một gia đình nhân loại, vì thế chúng ta là anh chị em với nhau.” Do đó, đối thoại giúp chúng ta cùng tiến đến một thực tại mới.
Kết thúc chia sẻ, một lần nữa Đức ông bày tò niềm vui được gặp gỡ mọi người trong buổi họp hôm nay, với xác tín Chúa Thánh Thần đang hoạt động nơi đây. Ngài hy vọng những việc làm của quý vị đạt kết quả tốt đẹp.
Lm. Trương Diễn đã đại diện Ban Mục vụ ĐTLT TGPSG gởi đến Đức ông món quà là 3 số Tập san Liên tôn của 2 năm qua, và tặng lẵng hoa tươi thắm, để bày tỏ sự liên đới trong sứ mạng ĐTLT ngài. Hy vọng “Nhịp cầu Tâm giao” (tên tập san) sẽ luôn nối kết với ngài.
Đáp lại, Đức ông trao tặng ĐGM Giuse Châu Ngọc Tri 3 tác phẩm của Hội Đồng Giáo hoàng về ĐTLT: Chứng nhân Kitô giáo trong thế giới đa tôn giáo, Xây dựng nền Văn hóa Từ bi (kỷ niệm 25 năm các Sứ điệp dửi Phật tử dịp đại lễ Vesak), và tập san “Pro Dialogo” bàn về những phản hồi của tín đồ tôn giáo khác về tính hiệp hành.
ĐGM Giuse đã cảm ơn Đức ông kèm những lời cầu chúc tốt lành. Sau đó, ĐGM Giuse trao lại cho Lm Thư ký VP. ĐTĐK và LT để phổ biến.
Kết thúc cuộc họp của Văn phòng ĐTĐK và LT/ HĐGMVN đầy ý nghĩa lúc 18g30 trong niềm phấn khởi của mọi người cùng nhau hát lên bài “Hiểu và thương” (Năm châu bốn biển đều là anh em, hiểu càng nhiều, thương càng sâu). Tất cả các tham dự viên cũng nhận được các Tập san – quà tặng.
Sau đó, Đức ông đã chụp hình lưu niệm cùng quý tham tham dự viên. Mọi người cùng chào đón Đức TGM Giuse Nguyễn Năng đến gặp gỡ Đức ông, ĐGM Giuse Châu Ngọc Tri. Buổi gặp gỡ khép lại qua bữa Agape và mở ra hành trình ĐTLT trên nhiều giáo phận.
Tiến Hương
Nguồn: tgpsaigon.net (25.05.2024)