THƯ MỤC VỤ CỦA ĐỨC CHA GIOAN ĐỖ VĂN NGÂN: “SỐNG ƠN GỌI”
(Tháng 7/2021)
Quý Cha và quý Tu sĩ rất thân mến,
Ơn gọi không nguyên dành cho giáo sĩ, tu sĩ mà còn cho giáo dân (Vat. GH n. 32. 38) và dành cho cả anh chị em Do Thái và lương dân… Thánh Phaolô quả quyết ‘Thiên Chúa đã kêu gọi, không chỉ từ giữa Do Thái, mà cả giữa dân ngoại… Và sẽ xảy ra là nơi đã nói với chúng: Các ngươi không phải dân Ta, ở đó chúng sẽ được gọi là con cái Thiên Chúa hằng sống’ (Rm 9: 24-26; x. CvTđ 28: 28). Cảm kích tư tưởng của Thánh Augustinô, con người, hữu thể ở chóp đỉnh, vượt mọi hữu thể, mang trong hữu thể mình ‘ơn gọi’ (être de vocation), có khả năng hướng về Tuyệt Đối…, chúng ta muốn dừng chân, tìm hiểu ơn gọi Kitô hữu, tu sĩ, giáo sĩ… để đáp lời vuông tròn nhất chính ơn gọi đã từng được ngỏ cho mỗi chúng ta.
Chúng ta không muốn sống những tháng ngày trong ơn gọi một cách uể oải… thụ động… như thể: ‘Cũng liều nhắm mắt đưa chân, để xem con Tạo xoay vần ra sao…’ (Kiều), nhưng muốn phát huy ‘lòng mến thuở đầu’ (Kh 2: 4), trọn đời sống hiến dâng cho tình yêu Thiên Chúa, cho sứ vụ…
Từ ngữ ‘Ơn gọi’ hàm ý ‘tiếng gọi’, ‘lời mời’, ‘vời đến’, ‘tuyển chọn’, ‘gọi tên’…
- Ơn gọi, khoảnh khắc đổi đời
Những trình thuật về ơn gọi thuộc những trang Kinh Thánh ấn tượng nhất. Môsê trước bụi gai bốc lửa, ơn gọi Isaia trong Đền Thánh, cuộc đối thoại giữa Đức Chúa và Giêrêmia trẻ trung, Phêrô tại hồ Tibêria gặp Đấng Phục Sinh, Phaolô tại Damas… Đã diễn ra biến cố ‘giao ước’ giữa Đức Chúa uy nghi huyền nhiệm và những người, vừa hãi sợ… có thể chối lời mời, mà cũng có thể đủ tự chủ… tự do quảng đại đáp lời…
Ơn gọi thuộc cõi riêng, chẳng hạn với tiên tri Isaia, ‘Đức Chúa đã gọi tôi từ dạ mẹ’ (Is 49: 1), với Phaolô, ‘Đấng đã tách riêng tôi ngay từ lòng mẹ, và kêu gọi tôi…’ (Gal 1: 15), có lời ngỏ đặt vào tận con tim, có gõ cửa lay động tự do và có khoảng lặng đợi chờ … ơn gọi riêng tư đến mức ‘gọi tên’: Abram! Môsê! Amos! Hỡi Israel! Maria! Saolô!… và còn nhấn mạnh bằng biến cố Đức Chúa ‘đổi tên’, ‘Ta đã gọi đích tên ngươi’ (Is 45: 4): ‘Tên ngươi không còn là Abram, tên ngươi phải là Abraham’ (Kn 17: 5)… ‘Người bảo: Người ta sẽ không còn gọi tên ngươi là Giacóp, nhưng là Israel (Kn 32: 29)… ‘Simôn, ngươi có phúc… Ta bảo ngươi: Ngươi là Đá, và trên Đá ấy, Ta sẽ xây Hội thánh của Ta, và quyền môn Âm phủ sẽ không thắng nổi’ (Mt 16: 17. 18).
Đức Chúa gọi là sai đi, muốn người được sai đi trở nên tác nhân cho tình yêu cứu độ được vận hành trong lịch sử. Đức Chúa gọi là tuyển chọn, đưa người được chọn vào một sứ vụ. Đức Chúa gọi là tách riêng, người được tách riêng thuộc về Chúa, là Thánh… Đấng cất tiếng gọi là Đấng Thánh, ban ‘thánh triệu’ (2Tm 1: 9) để người được thánh triệu nên Thánh (Rm 1: 7; 1Cr 1: 1.2)… Vì vậy, ơn gọi, khoảnh khắc đổi đời…
- Ơn gọi riêng tư… còn cho cộng đồng… cho Giáo hội
Khởi đầu ơn gọi là được tuyển chọn và đích đến là hoàn thành Thánh Ý. Trong Cựu Ước, ơn gọi đến với các cá nhân nằm trong ơn gọi Israel trở nên dân Thiên Chúa. Thiên Chúa cư xử với Israel như với một cá nhân, có tự do và những phản ứng tự lập. Giao Ước trước tiên là tiếng Thiên Chúa gọi, là lời ngỏ vào con tim: ‘Nghe đây, hỡi Israel!’… ‘Ta đã gọi chính tên ngươi, ngươi là của Ta’ (Is 43: 1). Lời gọi này đợi chờ lời đáp, đưa Israel vào hiện hữu dành riêng, tựa vào chính Thiên Chúa. Ơn gọi cá nhân đi trong lịch sử cộng đồng, thức tỉnh lương tâm, để từng người cũng như tất cả cùng đáp lời Thiên Chúa và dấn thân tự đáy lòng trung tín suốt cuộc đời. Cá nhân và cộng đồng chung vận mạng thăng trầm: Hoàng hậu Esther bà Giuđita, Tiên tri Êlia ‘Giao ước của Ngài con cái Israel đã bỏ… các tiên tri của Ngài chúng đã rút gươm chém giết, chỉ còn sót lại mỗi một mình tôi…’(1V 19: 10).
Vào thời viên mãn Tân Ước, ơn gọi quy chiếu vào hoạt động của Chúa Giêsu Kitô. Chúa gọi nhóm mười hai, gọi toàn nhân loại: ‘ra các ngả đường, hễ gặp ai thì mời vào tiệc cưới’ (Mt 22: 9; 1 Co 1: 26)…, nhất là những người tội lỗi: ‘Có cần đến lương y, hẳn không phải người lành mạnh, mà là kẻ đau yếu… Ta không đến kêu gọi những người công chính, mà là những kẻ tội lỗi’ (Mt 9: 12.13)…
Đối với nhóm mười hai, ơn gọi mang ý nghĩa đặc biệt: ‘Trong những ngày ấy, Ngài ra núi cầu nguyện và Ngài đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Ngày đến, Ngài kêu các môn đồ lại, và chọn lấy trong họ một nhóm mười hai, mà Ngài gọi là tông đồ… (Lc 6: 12.13) và thiết thân hơn nữa: ‘Các ngươi là bạn hữu của Ta…’, ‘Không phải các ngươi đã chọn Ta, nhưng chính Ta đã chọn các ngươi, và đã đặt các ngươi ra, ngõ hầu các ngươi đi và sinh trái, và trái trăng của các ngươi còn mãi…’ (Ga 15: 14.16).
Lời Chúa Giêsu bao hàm tiếng gọi theo Chúa qua con đường mới mà Chúa nắm giữ bí quyết: ‘Nếu ai muốn đi sau Ta, thì… (Mt 16: 24). Dịp lễ, tại Giêrusalem, người Do Thái bỡ ngỡ mà rằng: Làm sao ông ấy đã chẳng theo học mà lại thông hay chữ nghĩa? Đức Giêsu đáp lại họ: Đạo lý Ta dạy không phải là của Ta mà là của Đấng đã sai Ta’ (Ga 7: 15.16)…
- Ơn gọi, dấn thân trọn đời (full time, full life)
Giáo hội vừa khai sinh đã nhận thức sống đời Kitô hữu là bước theo tiếng gọi. Thánh Phaolô trải nghiệm thực tại song song: Ngài là Tông đồ bởi được gọi (Apôtre par vocation): ‘Phaolô, nô lệ của Đức Kitô Giêsu, được kêu gọi làm tông đồ, được tách riêng để giảng Tin Mừng của Thiên Chúa’ (Rm 1: 1)… Ngài là tông đồ của đoàn thánh nhân cũng do được gọi (saints par vocation): ‘chư thánh đã được hiệu triệu’ (1Co 1: 2), ‘thánh triệu bởi trời’ (Dt 3: 1). Phaolô không ngừng nhắc dân Corintô do ơn gọi mà cộng đoàn hình thành: ‘Hãy xem xét, hỡi anh em, việc anh em được kêu gọi’ (1Co 1: 26)… Hãy dấn thân sống ơn gọi đã nhận (x. 1Co 7: 24).
Ơn gọi ban không (x. 2Tm 1: 9) cho tín hữu Kitô do tự Chúa Thánh Thần làm nên đời sống mới, ơn ‘sống đời đời’ (1Tm 6: 12) và ‘vinh quang’ (1Thes 2: 12) trong Thánh Thần. ‘Thần Khí của Đấng đã cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết cư ngụ trong anh em’ (Rm 8: 11)…’ Anh em đã chịu lấy Thần Khí của hàng nghĩa tử’ …’ Chính Thần Khí chứng thực cho thần hồn ta rằng: ta là con cái Thiên Chúa, mà nếu là con, thì cũng là kẻ thừa tự, thừa tự của Thiên Chúa, và đồng thừa tự với Đức Kitô, một khi ta cùng cam chịu khổ với Ngài, để rồi cùng chia phần vinh hiển với Ngài’ (Rm 8: 15-17)… Chúa Thánh Thần khơi lên cho cộng đoàn lời đáp ‘hiếu kính, thảo hiền’.
Quý Cha và quý Tu sĩ rất thân mến,
Có một câu truyện ‘đẹp, ngỡ là mơ’… về một người sống ơn gọi…
Vào một ngày cuối năm 1965, trên một chuyến bay đưa các Giám mục người Hoa Kỳ trở về từ Italia, sau khi đã dự Công đồng Vatican II, có một nữ tiếp viên hàng không rất xinh đẹp, tận tình và nhã nhặn phục vụ hành khách. Trong suốt hành trình, cô tiếp viên cảm thấy mất tự nhiên vì có một người, xem ra đứng đắn, cứ chăm chú nhìn mình.
Sau đó cô được biết người ấy chính là Đức cha Fulton Sheen, Tổng Giám mục thành phố New York. Ngài là một Giám mục lừng danh về giảng dạy và đạo đức.
Đến lúc chiếc phi cơ hạ cánh, vị Giám mục kia, không hiểu ngài có toan tính gì, đợi mọi người xuống hết để xuống sau cùng. Đã vậy, khi đến cầu thang máy bay, ngài còn ghé sát vào tai cô tiếp viên, nói thầm những lời gì đó, ngoài cô, chẳng ai có thể nghe được…
Câu truyện đến đó, tưởng chừng chẳng còn ai nhớ, sẽ trôi qua… có chăng một ánh mắt… mà cũng chỉ là một ánh mắt thoáng qua như bao nhiêu ánh mắt mà cô tiếp viên bắt gặp trong đời…
Tuy nhiên, vào một buổi trưa, Đức cha Fulton Sheen nghe tiếng gõ cửa, sau đó là sự bất ngờ của Đức cha khi ngài mở cửa. Trước mặt ngài là cô tiếp viên hàng không trẻ tuổi, sắc đẹp mặn mà trên chuyến bay hôm nào…
Cô lên tiếng chào Đức cha và hỏi: ‘Thưa Đức cha, Đức cha có nhớ con không?’ Đức cha Fulton Sheen từ tốn trả lời: ‘Cha nhớ chứ. Con chính là cô tiếp viên trên chiếc máy bay đưa cha trở về từ Italia’. Cô nói tiếp: ‘Vậy Đức cha có nhớ Đức cha đã nói nhỏ vào tai con điều gì không?’ Đức cha trả lời: ‘Nhớ! Cha nhớ, cha đã khen con đẹp lắm. Và cha hỏi con rằng, có bao giờ con đã cảm tạ Chúa vì Chúa đã ban cho con sắc đẹp tuyệt vời kia chưa?’ Cô sung sướng nói tiếp: “Kính thưa Đức cha, điều Đức cha nói đã làm con băn khoăn nhiều. Cũng chính vì điều đó mà hôm nay con đến gặp Đức cha. Vậy, theo ý Đức cha, con phải làm gì để tạ ơn Chúa?’
Hơi bất ngờ, Đức cha Fulton Sheen lặng người suy nghĩ một chút. Sau đó Đức cha dẫn cô tới trước tấm bản đồ thế giới treo trên tường, vẫn giọng nói ôn tồn, Đức cha hỏi: ‘Có bao giờ con nghe nói tới một trại phong nào ở Việt Nam mang tên là trại phong Di Linh chưa?’ Cô ngước đôi mắt xanh như dọ hỏi: “Kính thưa Đức cha, có lần con đã đọc được trên báo, con cũng đã được nghe ai đó kể một vài câu truyện về trại phong Di Linh.’
Đức cha dõi mắt nhìn vào khoảng xa xăm: ‘Này con, cách đây chưa lâu, cha nghe nói Đức Giám mục Giáo phận Sài Gòn tên là Gioan Cassaigne (tên Việt là Gioan Sanh) đã từ chức Giám mục Sài Gòn để đến phục vụ anh chị em trại phong Di Linh. Con có muốn cảm tạ Chúa bằng cách thử một lần đến trại phong Di Linh, gặp Đức Giám mục Sài Gòn và ở lại với anh chị em bệnh phong khoảng sáu tháng không?’ Quá bất ngờ trước lời đề nghị của Đức Giám mục thành New York, cô tiếp viên không thốt lên một lời, lặng lẽ cúi chào Đức cha rồi lui về trong sự bàng hoàng của chính nội tâm mình…
Những tháng đầu năm 1966, người ta đọc thấy một bản tin đáng khâm phục trên các phương tiện truyền thông: Một nữ tiếp viên rất trẻ, rất đẹp của một hãng hàng không Hoa Kỳ đã xin nghỉ nghề tiếp viên hàng không để đến trại phong Di Linh của Việt Nam, tình nguyện chăm sóc các bệnh nhân phong.
Chỉ chừng ấy thôi, lời của một vị Giám mục khả kính đã biến một cô tiếp viên hàng không xinh đẹp thành một Nữ tu. Bởi chính cô, sau một thời gian phục vụ anh chị em phong, đã tự nguyện mang chiếc áo Nữ tu trong Tu hội Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn Việt Nam.
Từ nay, bước vào đời sống tu trì, người Nữ tu, cô gái xinh đẹp của chúng ta, hoàn toàn trút bỏ mọi vướng bận của đời thường để yên tâm sống lý trưởng cảm tạ Chúa bằng việc phục vụ anh chị em phong của mình. Người Nữ tu đã từng làm tiếp viên hàng không ấy, đẹp quá. Chị đẹp, không chỉ là sắc đẹp thể chất, mà chính là vẻ đẹp lộng lẫy của tâm hồn. Người Nữ tu ấy, không ai khác, chị Louise Bannet.
Chị Louise Bannet đã tình nguyện ở lại trại phong Di Linh suốt đời… Nhưng, lịch sử đất Việt thăng trầm… năm 1975, sau gần mười năm phục vụ người phong, chị đã phải lên đường về nước. Một thời gian sau, chị lại xin Tu hội cho đi phục vụ bệnh nhân phong ở Tahiti.
Năm 1982, sau nhiều ngày bị căn bệnh ung thư hoành hành… Chị Louise Bannet đã qua đời giữa sự tiếc thương vô hạn của cộng đoàn anh chị em phong tại Tahiti và của các bệnh nhân phong Việt Nam.
Có phải không, thưa quý Cha và quý Tu sĩ, lời sách Cách Ngôn: ‘Duyên dáng là giả trá! Sắc đẹp là hư vô. Người đàn bà kính sợ Ðức Chúa đó là người phải ca ngợi.’ (Cn: 31: 30)
Có khi nào ta nghe trong cộng đoàn những sinh viên… những tín hữu con cái giáo xứ… ngả theo các giáo phái… ngả theo một niềm tin khác… và có phải một phần vì ta chưa thể hiện ơn gọi… ngay từ cách giao tiếp nhân bản… ngay từ phút đầu người khác tới gặp chúng ta…?
‘… Lòng xót thương là trái tim đang đập của Tin Mừng’ (ĐTC Phanxicô, Misericordiae Vultus).
Tôi đã nghe từ giữa giáo xứ… và cảm nhận niềm khao khát của giáo dân mong các ‘người của Chúa’ sống cho ra ơn gọi đời dâng hiến…
Nguyện xin Đức Trinh Mẫu Rất Thánh diễm phúc và Thánh Cả chuyển cầu trước Thánh Nhan cho chúng ta đừng xem nhẹ ơn gọi mà làm nhạt nhòa ‘lòng mến thuở đầu’ (Kh 2: 4), mà làm Thánh Nhan bị mờ phai…
+ Gioan Đỗ Văn Ngân
Giám mục Giáo phận Xuân Lộc
Nguồn: giaophanxuanloc.net