NHÌN LẠI GIÁO HỘI VIỆT NAM 60 NĂM QUA
NHẬN DIỆN NHỮNG CƠ HỘI VÀ NHỮNG THÁCH ĐỐ HIỆN NAY
Mục lục
- NHÌN LẠI CHẶNG ĐƯỜNG 60 NĂM QUA
- Trong cuộc chiến Bắc-Nam sôi bỏng (1960-1975)
- Cơn khủng hoảng sau chiến tranh (1975-1990)
- Trong tiến trình thay đổi và hội nhập của đất nước (từ 1990 đến hiện nay)
- THỬ ĐỌC LẠI CÂU CHUYỆN TỪ LĂNG KÍNH SỨ MẠNG
- Công giáo và Cộng sản
- Công giáo và truyền thống dân tộc
- Công giáo và người nghèo
WHĐ (08.05.2021) – Năm 2020 đầy hoang mang và ám ảnh do cơn đại dịch Covid cũng là cột mốc thời gian ghi dấu 60 năm Hàng Giáo phẩm Công giáo Việt Nam. Thật tiếc vì phải mừng Ngọc Khánh trong tình trạng khẩn cấp của đất nước và của toàn cầu, do đó có sự tiết chế ngay cả một số cách thức chính đáng diễn tả niềm vui. Nhưng cũng có điều hay, vì tình trạng khẩn cấp của toàn xã hội có thể gợi nhắc về một sự khẩn cấp không kém nơi chính sứ mạng của Giáo hội hiện nay ở đất nước này.
Từ một nhãn quan sứ mạng[1] Kitô giáo, bài viết này sẽ lướt nhìn 60 năm qua của Công giáo Việt Nam, sẽ nhận diện điều gì đang diễn ra, gồm cả những cơ hội và những thách đố. Việc nhận diện rõ các thách đố và cơ hội, rất thường chúng ẩn chứa trong nhau, thiết tưởng là việc cần thiết khả dĩ giúp người ta tiến bước về phía trước một cách có định hướng và vững chắc hơn.
I. NHÌN LẠI CHẶNG ĐƯỜNG 60 NĂM QUA
Chiến tranh, khủng hoảng sau chiến tranh, đổi mới và hội nhập – đó có lẽ là cách mô tả khái quát nhất bức tranh Việt Nam từ giữa thế kỷ trước cho tới nay. Đời sống Giáo hội lọt thỏm trong bức tranh này và tương tác trực tiếp với nó. Có thể phân chia dòng thời gian 60 năm qua thành ba giai đoạn:
1. Trong cuộc chiến Bắc-Nam sôi bỏng (1960-1975)
Hàng Giáo phẩm Việt Nam được thiết lập qua Sắc chỉ Venerabilium nostrorum, ngày 24.11.1960. Đó là thời điểm sáu năm sau biến cố chia đôi đất nước (1954), với hơn nửa triệu người Công giáo di cư từ Bắc vào Nam. Đây cũng là thời điểm vừa mới kỷ niệm 300 năm thành lập hai giáo phận đầu tiên (1659), với dòng lịch sử gần như lấp đầy bằng những cuộc bách hại. Liên quan đến cuộc xung đột Nam-Bắc thì năm 1960 ghi nhận sự ra đời của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, mở ra một giai đoạn mới của cuộc chiến vốn sẽ leo thang khốc liệt trong những năm tiếp theo và chỉ kết thúc với sự sụp đổ của thể chế ở miền Nam mười lăm năm sau đó.
– Tại miền Bắc, những năm đầu thập niên 1960 của Giáo hội có thể được gọi là những năm ngấm đòn. Con số đông đảo giáo dân (ước tính trên 50%) di cư vào Nam để lại một bản đồ dân số Công giáo mỏng đi trầm trọng tại mười giáo phận miền Bắc. Đáng ghi nhận hơn nữa, tỉ lệ các linh mục di cư từ tất cả các giáo phận đều cao hơn nhiều so với tỉ lệ giáo dân tương ứng, như đối với giáo phận Thanh Hóa thì tỉ lệ này cao hơn trên bốn lần. Hệ quả hiển nhiên là gánh nặng mục vụ chồng chất thêm rất nhiều trên vai các linh mục ở lại, phần đông các vị đã cao tuổi với nhiều hạn chế về sức khỏe. Peter Hansen nghiên cứu và cung cấp bảng số liệu sau đây:[2]
Số giáo dân di cư | Tỉ lệ giáo dân di cư | Số linh mục di cư | Tỉ lệ linh mục di cư | |
Hà Nội | 50.000 | 33,4% | 115 | 55,6% |
Hải Phòng | 60.000 | 52,3% | 79 | 80,6% |
Vinh | 57.080 | 31,7% | 70 | 39,3% |
Bùi Chu | 150.000 | 71,7% | 150 | 77,7% |
Hưng Hóa | 8.000 | 11,8% | 23 | 28,4% |
Bắc Ninh | 38.000 | 55,9% | 60 | 75,0% |
Phát Diệm | 80.000 | 72,7% | 139 | 87,4% |
Thanh Hóa | 18.500 | 20,6% | 64 | 88,9% |
Thái Bình | 80.000 | 57,1% | 79 | 70,6% |
Lạng Sơn | 2.500 | 50,0% | 14 | 58,3% |
Hà Nội | 50.000 | 33,4% | 115 | 55,6% |
Nhưng sự ngấm đòn ê ẩm hơn đến từ những khó khăn trong tương quan với thể chế quyền lực. Nhiều linh mục, chủng sinh, tu sĩ, giáo dân phải đi tù, chết rũ tù, hay bị quản chế. Hoạt động mục vụ bị giới hạn nghiêm ngặt, nhiều cộng đoàn tín hữu không có sự hiện diện hay ngay cả sự thăm viếng của linh mục trong thời gian kéo dài nhiều năm. Trong khi đó, xuất hiện một loại tổ chức ở ngoài Giáo hội nhưng mang danh nghĩa ‘Công giáo’ với nhiều tính hàm hồ. Các chủng viện không còn hoạt động, việc đào tạo chủng sinh do chính các giám mục xoay xở cách chật vật tại giáo phận của mình. Việc truyền chức linh mục chịu sự kiểm soát hết sức gắt gao, đến nỗi nhiều trường hợp phải truyền chức ‘non’ và ‘chui’ để đối phó với tình hình ngày càng mù mịt phía trước.[3] Thêm vào đó, hầu như không có mấy liên lạc với Giáo hội hoàn vũ, ngay cả sự kiện Công đồng Vatican II cũng không được biết đến cho tới mãi về sau này.
Chiến tranh ngày càng leo thang, miền Bắc không phải là chiến trường thực thụ (trừ một số đợt oanh kích của không lực Mỹ) nhưng toàn xã hội phải nhận những ảnh hưởng sâu xa của cuộc chiến. Đời sống Giáo hội càng khó khăn hơn nữa trong những năm 60 và 70. Nhìn chung, đây là giai đoạn mà Công giáo miền Bắc dường như phải cố gắng hết sức để tồn tại.
– Tại miền Nam, mặc dù đây là giai đoạn của bom đạn khói lửa chiến tranh với nỗi bất an thường trực, nhưng tình hình Giáo hội sáng sủa hơn nhiều, thậm chí hoàn toàn tương phản so với hoàn cảnh ở miền Bắc. Trước hết, con số người Công giáo di cư từ các giáo phận phía Bắc đã làm cho cộng đồng Công giáo ở miền Nam tăng dân số nhảy vọt lên hơn gấp đôi. Thêm vào đó, có một phong trào trở lại đạo khá ồ ạt vào những năm cuối thập niên 1950 và đầu thập niên 1960,[4] thời Đệ nhất Cộng hòa, dù sự ồ ạt này làm cho một số người không khỏi nghi ngại về động cơ. Đáng lưu ý rằng cả hai vị nguyên thủ quốc gia của hai nền cộng hòa đều là tín hữu Công giáo. Cuộc canh tân toàn diện của Công đồng Vatican II được tiếp nhận kịp thời và được triển khai từng bước. Giáo hội đóng góp nhiều và rộng khắp trong các lãnh vực, nhất là giáo dục, y tế và từ thiện xã hội. Các cuộc di cư tị nạn chiến tranh hay khẩn hoang lập ấp của người Công giáo trong những năm 60 và 70 thường do các linh mục dẫn dắt và tổ chức, với rất nhiều vấn đề phải giải quyết như nhà ở, lương thực, việc làm, trường học, cô nhi viện… bên cạnh các phương tiện thiết yếu để sinh hoạt đạo.[5] Việc đào tạo linh mục được tổ chức bài bản và cập nhật với các tiểu chủng viện của mỗi giáo phận và các đại chủng viện đáp ứng đủ cho hai giáo tỉnh. Việc gửi các linh mục đi tu nghiệp nâng cao ở nước ngoài cũng như việc đón nhận các linh mục tu sĩ ngoại quốc đến phục vụ trong nước diễn ra thuận tiện. Nói chung, dù có những khó khăn do cuộc chiến và dù số tín hữu chỉ chiếm chưa tới 10% dân số, sự hiện diện của Giáo hội ở miền Nam trong những năm này là một sự hiện diện năng động và có thế lực.[6]
Mặt khác, chính cái thế lực ấy sớm cho thấy có vấn đề. Người ta nói về những ưu đãi mà thế quyền dành cho Giáo hội và người của Giáo hội. Người ta cũng nói về những sự nhập nhằng lạm dụng quyền bính và củng cố thanh thế. Trong chuyển động này, Giáo hội phần nào bị hút về phía thế quyền và phần nào bị chi phối, dù muốn hay không. Biến cố 30.4.1975 đánh dấu sự cáo chung của thể chế miền Nam, vì thế, càng là một biến cố mang ý nghĩa thất đoạt và gây choáng váng cho phần đông người Công giáo trên phần đất này.
2. Cơn khủng hoảng sau chiến tranh (1975-1990)
Mốc 1990 được chọn ở đây vì hai lý do. Một là để đánh dấu thời gian bắt đầu có những tín hiệu thoáng mở hơn từ phía Nhà Nước đối với đời sống và sinh hoạt của Giáo hội, trong khuôn khổ chính sách ‘Đổi Mới’ vốn đã được đưa ra trước đó, vào năm 1986. Hai là để quy chiếu đến sự kiện 21 giám mục Việt Nam đi Ad limina, cùng với Đức Gioan Phaolô II đồng tế đại lễ Các Thánh Tuẫn Đạo Việt Nam vào ngày 24 tháng 11, đồng thời mừng kỷ niệm 30 năm thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam. Đây quả là một thời điểm bản lề trong mối tương quan giữa Giáo hội và Nhà Nước, như Đức cha Phaolô Maria Nguyễn Minh Nhật nói trong lời chào mừng Đức Thánh Cha hôm ấy: “Chúng con có được dịp này là nhờ các thành quả tốt đẹp mà phái đoàn Tòa Thánh vừa mới đem lại. Qua các cuộc tiếp xúc thảo luận với chính quyền Việt Nam, phái đoàn đã thành công trong việc đánh tan cái thinh lặng nặng nề, và khiến cho tinh thần đối thoại được ưu thắng, mở ra con đường cảm thông giữa Tòa Thánh và Nhà Nước”.[7] Mọi người còn nhớ mới hai năm trước đó (1988), chính quyền đã cực lực phản đối việc tuyên thánh cho 117 vị thánh Tuẫn đạo Việt Nam và đã cấm người Công giáo cử hành lễ tuyên thánh này.
Cái “nặng nề” mà vị Chủ tịch Hội đồng Giám mục lúc ấy nói đến đã gợi lại cả một giai đoạn đặc biệt gay go tiếp theo sau cuộc chiến. Thật vậy, sự kiện kết thúc chiến tranh và thống nhất đất nước đã mở ra một cuộc khủng hoảng. Những năm cuối thập niên 70 chứng kiến tình trạng đói kém do thiếu lương thực trầm trọng, cùng với sự bùng nổ chiến tranh liên tiếp ở biên giới Tây Nam (1978) và biên giới phía Bắc (1979). Bên cạnh đó là chính sách tập trung cải tạo các quân nhân viên chức từng phục vụ dưới chế độ cũ, bao gồm hàng trăm linh mục từng là tuyên úy quân đội. Làn sóng vượt biên dấy lên khắp nơi, nhất là ở miền Nam, đưa hàng trăm ngàn thuyền nhân rời bỏ đất nước, trong đó con số người Công giáo chiếm tỉ lệ đáng kể.
Đây là giai đoạn mà Giáo hội phải trải qua những thử thách khốc liệt, đặc biệt ở miền Nam là nơi vừa chuyển từ chế độ cũ sang chế độ mới. Không còn các hoạt động bên ngoài khuôn viên nhà thờ, ngay chính việc phụng tự cũng chịu sự kiểm soát. Các cơ sở giáo dục, y tế, từ thiện của Giáo hội bị trưng dụng. Các chủng viện và học viện phải đóng cửa và giải tán. Việc truyền chức, bổ nhiệm, thuyên chuyển các chức sắc trong Giáo hội trở thành vô cùng khó khăn, gần như bất khả. Các linh mục, tu sĩ ngoại quốc bị trục xuất; việc liên lạc với Giáo hội và thế giới bên ngoài hoàn toàn bế tắc. Giáo hội gần như bị tước sạch, có vẻ như chỉ còn sự tồn tại!
Giữa hoàn cảnh ấy, vào năm 1980, các giám mục trên toàn quốc đã gặp nhau chính thức lần đầu tiên trong khuôn khổ Hội đồng Giám mục Việt Nam, đã soạn quy chế cho cơ chế này, và nhất là công bố Thư Chung 1980, trong đó các vị đã cùng nhau nhận định và đưa ra đường hướng mục vụ “đồng hành với dân tộc” được tóm kết trong hai điểm chính: (1) Tích cực góp phần cùng đồng bào cả nước bảo vệ và xây dựng tổ quốc; (2) Xây dựng trong Hội Thánh một nếp sống và một lối diễn tả đức tin phù hợp hơn với truyền thống dân tộc.[8] Tầm nhìn dấn thân này của các giám mục đã truyền cảm hứng cho dân Chúa sống đức tin và ơn gọi của mình trong giai đoạn thử thách này. Nhiều linh mục, tu sĩ, giáo dân nêu chứng tá Tin Mừng trong nhà tù hay nơi quản chế, trong các ‘trại cải tạo’, các nông trường, công trường, vùng kinh tế mới, và mọi khung cảnh mà mình hiện diện. Câu chuyện tù tội của Cố Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận (nay là Đấng Đáng Kính) có thể đặc trưng cho phương diện chứng tá tích cực của Công giáo Việt Nam vào giai đoạn này.
3. Trong tiến trình thay đổi và hội nhập của đất nước (từ 1990 đến hiện nay)
Kể từ thập niên cuối cùng của thế kỷ 20, trong bối cảnh Liên Xô và khối Cộng sản Đông Âu đã tan rã, tại Việt Nam nhiều khẩu hiệu đậm màu ý thức hệ (kiểu như ‘chủ nghĩa Mác Lênin vô địch muôn năm!’) vốn sôi nổi một thời thì nay dần dần biến mất. Thay vào đó, khẩu hiệu ‘đổi mới và hội nhập’ được nhấn mạnh. Nhà Nước tiếp tục dò dẫm thực hiện một ‘nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa’. Song song với tiến trình hội nhập vào một thế giới toàn cầu hóa, tình hình kinh tế chuyển biến tích cực hơn, và bộ mặt xã hội từ thành thị đến nông thôn được ghi nhận nói chung có nhiều thay da đổi thịt. Nhưng bên cạnh đó là sự bùng nổ những vấn đề lớn như quốc nạn tham nhũng, sự xâm hại môi trường, yếu kém trong quản lý xã hội, sự thao túng của nhóm lợi ích, những tranh chấp đất đai, nhất là tình trạng phân hóa giàu nghèo ngày càng khoét sâu choáng ngợp hơn. Khoảng cách giàu nghèo này góp phần thúc đẩy hiện tượng di dân từ nông thôn đến các thành phố lớn, đặt ra nhiều thách đố mới cho sứ vụ mục vụ của Giáo hội.
Trong thời gian này, Giáo hội được ‘cởi trói’ nhiều hơn. Đã có một loạt các chuyến thăm và làm việc của phái đoàn Tòa Thánh, cũng như những cuộc thăm viếng Vatican của các viên chức cao cấp Việt Nam. Các đại chủng viện lần lượt được mở cửa và trở lại hoạt động. Việc đào tạo, truyền chức và bổ nhiệm nhân sự mục vụ nói chung không còn quá khó khăn như trước nữa. Có một sự bùng nổ việc trùng tu và xây dựng các nhà thờ, các cơ sở hạ tầng của Giáo hội… Việc tổ chức các lễ mừng ‘hoành tráng’, các cuộc đại hội, hành hương sầm uất trở nên dễ dàng và thường xuyên hơn. Năm Thánh Giáo hội Việt Nam và Đại Hội Dân Chúa đã diễn ra một cách trọng thể.
Tuy nhiên, vẫn có đó những căng thẳng, thường là âm ỉ, nhưng đôi khi bùng lên thành những vụ xung đột khuấy động dư luận trong nước và thế giới. Năm 1988, hai giám mục Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi và Philípphê Nguyễn Kim Điền lần lượt qua đời sau những năm đầy sóng gió với chế độ mới. Cũng năm này, Đức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận được phóng thích sau 13 năm tù đày, nhưng vẫn bị ngăn cản việc thi hành chức vụ; năm 1991, ngài đi Rôma và không bao giờ được phép trở về Việt Nam nữa. Năm 1993, Đức cha Nicôla Huỳnh Văn Nghi được Tòa Thánh bổ nhiệm Giám quản Tông Tòa Sài Gòn, nhưng chính quyền phản đối; ngài đã phải rất vất vả để chu toàn nhiệm vụ của mình. Năm 2008, Đức cha Giuse Ngô Quang Kiệt, Tổng giám mục Hà Nội, bị hệ thống truyền thông lên án kịch liệt xung quanh vụ tranh chấp khu đất Tòa Khâm Sứ cũ; hai năm sau, ngài phải từ chức và đi hưu trí ở tuổi 58. Cũng trong thời gian này, tại Hà Nội đã bùng lên các cuộc tranh chấp đất đai giữa Giáo hội địa phương và chính quyền ở Thái Hà và Đồng Chiêm. Những năm gần đây hơn, thêm các cuộc khủng hoảng tương tự ở giáo xứ Cồn Dầu (Đà Nẵng), giáo xứ và dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm, Vườn rau Lộc Hưng (TP. HCM), và nhất là Đan Viện Biển Đức Thiên An (Huế). Đó chỉ là một số sự kiện nổi cộm hơn của bức tranh toàn cảnh đầy lợn cợn trong mối tương quan giữa Công giáo và Nhà Nước.
Các giám mục Việt Nam bắt đầu có những tiếng nói rõ ràng và thẳng thắn hơn, nhất là trong tư cách tập thể những người lãnh đạo Giáo hội Công giáo tại đất nước này. Các vị góp ý rằng quyền tự do tôn giáo không phải là một ân huệ để xin-cho. Đặc biệt, năm 2012, Ủy Ban Công lý và Hòa bình của Hội đồng Giám mục đã công bố văn bản “Nhận định về một số tình hình tại Việt Nam hiện nay”; năm 2013, Ban Thường Vụ HĐGMVN gửi “Thư Góp Ý về việc sửa đổi Hiến Pháp”; năm 2016, các giám mục lại tiếp tục có văn bản chính thức “Góp ý về Dự Thảo Luật Tín Ngưỡng Tôn Giáo”. Nội dung các ý kiến trên bao quát những vấn đề rất căn bản như: về cơ chế quyền lực nhà nước, về các quyền con người (đặc biệt quyền tự do tôn giáo), về kinh tế, luật đất đai, môi trường xã hội, môi trường sinh thái, vai trò của trí thức, lĩnh vực giáo dục và y tế… Dường như chưa có mấy dấu hiệu tiếp thu tích cực từ phía chính quyền.
Trong khi đó bên trong đời sống và sinh hoạt Giáo hội, ngoài làn sóng trùng tu xây dựng cơ sở và xu hướng lễ hội rộn rịp như đề cập trên kia, cũng có những biểu hiện chuyển mình thuộc chiều sâu nhiều hơn. Có thể kể một số trong đó như: hoạt động tích cực của mạng lưới tổ chức Caritas ở các cấp; sự phát triển phong phú hơn của hệ thống truyền thông và xuất bản Công giáo; các sinh hoạt hội thảo, tĩnh tâm, thường huấn cấp toàn quốc hay giáo tỉnh, giáo phận; các nhóm Bảo Vệ Sự Sống, Sinh Viên Công giáo, giới trẻ, tông đồ gia đình, Cursillo, DOCAT, các chương trình phổ biến Giáo huấn Xã hội của Hội Thánh; những nỗ lực canh tân việc dạy và học giáo lý; các khóa thần học dành cho giáo dân ở một số giáo phận; sự phát triển về lượng và chất của các hội dòng, tu hội; những nỗ lực canh tân việc đào tạo linh mục… Tất cả những điều này chắc hẳn có nhận động lực từ mối hiệp thông năng động với Giáo hội tại khu vực Á Châu và trên toàn cầu, nhất là từ các giáo huấn cập nhật của các giáo hoàng trong những thập niên gần đây: Đức Gioan Phaolô II, Đức Bênêđictô XVI, và hiện nay là Đức giáo hoàng Phanxicô.[9] Nhưng đồng thời, trong đời sống đức tin của người Công giáo Việt Nam cũng bộc lộ những vấn đề, qua một số hiện tượng mà các mục tử trong Giáo hội không thể không quan tâm: Hiện tượng rộ lên của phong trào “Sứ điệp từ trời”;[10] những biến tướng lệch lạc của phong trào Lòng Chúa Thương Xót;[11] những sự hưởng ứng dễ dãi đối với các tin đồn giật gân về thần hiện, trừ quỷ, phép lạ đó đây, đôi khi rất nhanh chóng tạo nên những hiện tượng cơn sốt do hiệu ứng đám đông… Cũng cần ghi nhận những vấn đề tế nhị hơn trong cộng đoàn đức tin, như: nhiều người Công giáo chấp nhận buông theo cơn sóng duy vật thực tiễn trong những hình thức làm ăn bất chính, và đôi khi họ trở thành một nguồn đáng kể hỗ trợ tài chánh cho các công cuộc của Giáo hội;[12] hay thái độ đóng kín trong nội bộ gia đình, xứ đạo, cộng đoàn, Giáo hội của mình, và thờ ơ đối với những vấn đề xảy ra xung quanh trong xã hội và đất nước. Sự thỏa hiệp của người tín hữu trước những sự dữ luân lý, nhất là những sự dữ đặc trưng của xã hội và thời đại, cũng là một thực tế khó phủ nhận.[13] Các ‘triệu chứng’ này, dù chỉ mang tính tiêu biểu, thiết tưởng cũng có thể cho phép chẩn đoán những bệnh trạng cấp tính và mãn tính ở tầm sâu hơn trong đời sống đức tin của người tín hữu, và do đó đặt ra thách đố cho khung cảnh mục vụ.
Trên đây là mô tả toát lược chặng đường 60 năm qua của Giáo hội tại Việt Nam. Đó là một bức tranh với nhiều gam màu, hay đúng hơn, đó là một câu chuyện sống động với nhiều cung bậc vẫn còn đang diễn ra. Câu chuyện của một Giáo hội địa phương thì luôn nằm trong câu chuyện lớn hơn của Giáo hội phổ quát vốn bắt nguồn từ chính câu chuyện Đức Giêsu Kitô, và đã trải qua dòng lịch sử ngót hai ngàn năm. Chính từ quan điểm của câu chuyện lớn hơn này, tức quan điểm sứ mạng Kitô giáo theo Tin Mừng, người ta mới có thể làm công việc đúc kết và đánh giá câu chuyện 60 năm ấy một cách sát hơn với bản chất và trọng tâm của nó.
II. THỬ ĐỌC LẠI CÂU CHUYỆN TỪ LĂNG KÍNH SỨ MẠNG
Nhìn lại 60 năm qua, hẳn không ai phủ nhận mối tương quan với thể chế Cộng sản là yếu tố chi phối sâu rộng nhất đến đời sống và sứ mạng của Giáo hội Công giáo ở đất nước này. Nhưng cánh đồng sứ mạng ở đây không chỉ bao gồm thể chế và con người Cộng sản, mà trước hết đó là cộng đồng dân tộc Việt Nam, một cộng đồng với những nét đặc trưng trong bản sắc văn hóa và tín ngưỡng của mình, cũng như với tình trạng nghèo là hiện thực xã hội ngay cả hôm nay. Chính qua mối tương quan với các thực tại ấy mà sứ mạng của Giáo hội Việt Nam cần được khảo sát.
1. Công giáo và Cộng sản
Đây là mối quan hệ đầy gai góc, bắt nguồn từ sự xung khắc ý thức hệ và niềm tin. Sau năm 1945, khi người Công giáo nhận diện được người Cộng sản thì thái độ chính thức là lên án và tẩy chay, theo sự hướng dẫn rõ rệt của Huấn Quyền trong thời kỳ này.[14] Cuộc di cư rầm rộ hồi 1954 rõ ràng là một cuộc chạy trốn (hay tị nạn) Cộng sản. Nếu Giáo hội miền Bắc những năm sau đó phải cố gắng để tồn tại trong hoàn cảnh khắc nghiệt, thì giai đoạn 1975-1990 cả Giáo hội ở miền Nam cũng thấy mình nằm trong quỹ đạo ấy. Thế nhưng, cần mở ngoặc ở đây rằng trong nhãn quan sứ mạng thì sự việc Giáo hội ‘chỉ cố sao để tồn tại’ là một điều bất thường! Trong khi đó, cũng từ nhãn quan sứ mạng, người ta chất vấn cả Giáo hội ở miền Nam trước 1975 nữa, dù ‘không Cộng sản’ nhưng vẫn có những vấn đề do chính sự thân thiết với thế quyền và do thế lực có được nhờ sự thân thiết ấy.[15] Rồi ba thập niên gần đây, trong bối cảnh xã hội ‘đổi mới và hội nhập’, đời sống và sinh hoạt Công giáo được nới lỏng hơn đáng kể so với trước kia, thì người ta vẫn có nhiều điều để chất vấn Giáo hội trong quy chiếu đến bản chất sứ mạng Kitô giáo.[16]
Cũng cần lưu ý, với Công đồng Vatican II (1962-1965), Giáo hội không còn tập trung quyết liệt lên án Cộng sản vô thần nữa, thay vào đó là sự nhấn mạnh phải phân biệt giữa chủ thuyết và con người. Giáo hội bày tỏ sự tôn trọng và chọn thái độ cởi mở đối thoại với mọi người, không loại trừ người Cộng sản vô thần (x. Lumen gentium 16; Gaudium et spes 21). Hướng đi này của Công đồng ảnh hưởng trên các giám mục, như người ta thấy ngay từ năm 1973, trong “Thư gửi toàn thể giáo hữu Công giáo Việt Nam”, các giám mục miền Nam đã tỏ ra bớt gay gắt với chế độ Cộng sản. Rồi trong Tuyên Ngôn đầu năm 1974, các ngài kêu gọi chính phủ hai miền Nam Bắc chấm dứt cuộc chiến huynh đệ tương tàn và hướng đến hòa hợp hòa giải dân tộc.[17] Tiếc rằng sau 1975, cuộc chiến kết thúc nhưng những diễn biến tiếp theo cho thấy sự hòa hợp hòa giải không diễn ra, dù về phần mình các mục tử Giáo hội đã sẵn sàng chọn thái độ tôn trọng và đối thoại.
Ở đây có một dữ kiện lịch sử đáng được nhắc lại, đó là việc chọn ở lại sống trong thể chế Cộng sản – dù khó khăn đến mấy – đã từng được xác lập bởi Bản Quyền một số giáo phận miền Bắc ngay khi cuộc di cư 1954 đang diễn ra. Ở giáo phận Hà Nội, chẳng hạn, điều này được quy định minh bạch đối với các giáo sĩ, chỉ trừ một số ngoại lệ. Trong hồi ký của mình, Đức cha Phaolô Lê Đắc Trọng đặt câu hỏi “Hàng giáo sĩ đi Nam có lợi hay có hại?”, và ngài quy chiếu đến sứ mạng theo Tin Mừng để đưa ra một phân tích sâu sắc về sự kiện rất tế nhị này. Để kết luận, vị giám mục nêu quan điểm như sau: (1) Ở lại miền Bắc để gắn bó với đoàn chiên, đó là tinh thần của Chúa Giêsu mục tử; (2) Ai vì khó khăn không thể ở lại được hoặc theo lương tâm, xét mình khó đứng vững trong môi trường nghịch với đạo, người đó có thể rút đi, nhưng nên trình bày với Bề Trên trước khi quyết định; (3) Mục tử nào ra đi cách vô trật tự, theo lợi riêng cho mình, gây thiệt hại cho giáo xứ mà mình được trao phó, thiệt hại cho các linh hồn, thì phải chịu trách nhiệm về điều đó.[18]
Chính trong thái độ căn bản ấy mà xung quanh biến cố 30.4.1975, không một giám mục nào ở miền Nam rời bỏ đất nước và đoàn chiên của mình. Thể chế Cộng sản không phải là lý do để Giáo hội buông rơi sứ mạng, ngay cả trường hợp tệ nhất khi mà sứ mạng chỉ còn là sự hiện diện. Vâng, một sự hiện diện sống động của men Tin Mừng thì khác với tình trạng chỉ ‘tồn tại’. Bởi mục tiêu của sứ mạng Giáo hội thì lớn hơn chính bản thân Giáo hội! Trong cái nhìn này, thể chế Cộng sản không chỉ là một thách đố mà còn có thể được thấy là một cơ hội![19]
2. Công giáo và truyền thống dân tộc
Năm 1980, khi chọn đường hướng “đồng hành với dân tộc” bằng cách “tích cực xây dựng và bảo vệ tổ quốc” cũng như “xây dựng một nếp sống và một lối diễn tả đức tin phù hợp hơn với truyền thống Việt Nam”, dường như các giám mục có ít nhất hai lý do. Thứ nhất, bởi vì đó là nẻo đường có triển vọng để xây dựng một tương quan tích cực hơn giữa người Công giáo với chính quyền. Thứ hai, điều đáng nói ở đây, bởi vì các ngài nhìn nhận rằng cộng đồng Công giáo vẫn còn xa lạ mức nào đó với tình tự dân tộc, do đó cần xóa bớt khoảng cách và hòa nhập nhiều hơn.
Trước hết, về lịch sử, tưởng cần nhắc lại “cuộc tranh cãi về nghi thức Trung Hoa” hồi đầu thế kỷ 17 là một bài học xương máu cho sứ mạng của Giáo hội. Phải mất ba thế kỷ, Giáo hội mới chấp thuận cho người Công giáo Trung Hoa (từ 1939) và Việt Nam (từ 1964) có những thực hành tôn kính tổ tiên. Thật không ngạc nhiên khi nhiều bà con lương dân ngày nay vẫn còn nghĩ rằng “theo đạo là bỏ ông bà”.[20] Quả thật, phải nhận rằng kiểu thức sứ mạng ‘trồng Giáo hội’ (church planting) được các thừa sai Tây phương áp dụng qua các thế kỷ đã hình thành một cộng đồng Công giáo Việt Nam với những nét ngoại lai bàng bạc trong một số lĩnh vực đời sống. Thế rồi cái nhãn ‘ngoại lai’ ấy, vốn được mặc nhiên coi như một ‘tội’ của người Công giáo vào thời các vua chúa trước đây, rất tiếc vẫn còn tiếp tục bị khai thác cách hồ đồ trong truyền thông và cả trong hệ thống giáo dục, gieo rắc sự nghi ngờ và thiếu thiện cảm đối với người Công giáo. Đây là một thách đố cho người Công giáo Việt Nam, thúc đẩy việc thanh lọc một số nét ‘ngoại lai’ không cần thiết, và nhất là vượt qua cái kiểu thức ‘trồng Giáo hội’ trong sứ mạng ad gentes và trong nền mục vụ của mình.[21] Chiều hướng này ngày nay gọi là hội nhập văn hóa và đối thoại tôn giáo.[22]
Thực tế, kể từ Công đồng Vatican II, và với cảm hứng ‘đối thoại ba mặt’ (triple dialogue) của Liên Hội đồng Giám mục Á Châu, Công giáo ở Việt Nam dù giữa bao khó khăn vẫn có một số cố gắng hội nhập văn hóa – trong Phụng vụ cũng như trong các lãnh vực đời sống và hoạt động tông đồ. Ngày nay, xu thế đổi mới và hội nhập của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và đa nguyên văn hóa cũng là một đà thúc đẩy người Công giáo Việt Nam hòa nhập hơn vào đời sống xã hội xung quanh mình. Công giáo ngày càng bớt tính ‘ốc đảo’ so với những thế kỷ trước, ngay cả so với những thập niên trước đây. Các giáo xứ thành thị cũng như thôn quê bây giờ ít ‘toàn tòng’ hơn. Và dù muốn hay không, các cuộc hôn nhân khác đạo ngày càng tăng nhiều. Những điều này rõ ràng vừa là cơ hội vừa là thách đố. Trong Giáo hội Việt Nam nhiều người bắt đầu nói về ‘missio inter gentes’, là một đúc kết nhãn quan thần học sứ mạng của FABC, trong đó Giáo hội tại lục địa này nhìn nhận mình là thiểu số ở giữa đại dương lương dân, và được kêu gọi làm muối làm men từ bên trong đại dương ấy.
Mặt khác, nói về cái tai tiếng ‘ngoại lai’ (mà đôi khi người Công giáo bị gán một cách võ đoán) và nói về việc hội nhập với truyền thống dân tộc, thì cũng phải nói đến một cạm bẫy luôn tiềm ẩn ở tầm sâu, đó là chủ nghĩa dân tộc. Với ký ức về những kinh nghiệm bi thảm của thời thực dân và của cuộc chiến ‘giành độc lập dân tộc’, rồi với bối cảnh dư luận xã hội hiện nay đang nói nhiều về ‘hiểm họa Trung quốc’, trong một thế giới với xu thế lên ngôi của những hình thức chủ nghĩa dân tộc nào đó,[23] thì sứ mạng Kitô giáo cần phải tỉnh táo để trong khi đề cao lòng yêu nước cách chuẩn mực, vẫn không rơi vào cái bẫy của một thứ chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và cực đoan.[24] Bởi Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô là Tin Mừng phổ quát, và Giáo hội có chỗ cho mọi dân tộc.
3. Công giáo và người nghèo
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô tiên vàn là Tin Mừng cho người nghèo (x. Lc 4,18tt.). Nhưng ý nghĩa giải phóng của sứ mạng Kitô giáo không chỉ nhận lý do của nó từ cơ sở Thánh Kinh và thần học mà thôi, đó còn là sự đáp trả trước hiện thực xã hội nữa. Hơn ba thập kỷ ‘đổi mới và hội nhập’, Việt Nam có những con số tăng trưởng kinh tế ấn tượng, nhưng tình trạng bất bình đẳng – tức khoảng cách giàu nghèo – cũng gia tăng một cách nhức nhối. Con số người siêu giàu và con số người thuộc nhóm nghèo nhất đều đang gia tăng, gây ra sự phân cực.[25] Hệ quả trực tiếp là khoét sâu thêm sự bất bình đẳng về cơ hội, tạo nên cái vòng luẩn quẩn của đói nghèo. Dễ nhận thấy nhất là khoảng cách thăm thẳm về mức sống giữa dân tộc đa số và các dân tộc thiểu số, giữa thành thị và nông thôn. Trong những năm qua, rất nhiều giáo xứ nông thôn nghèo trên mọi miền đất nước đã mất dần các thế hệ trẻ của mình do hiện tượng đổ xô đến làm ăn sinh sống và định cư tại các thành phố lớn; và hiện tượng này không hề có dấu hiệu sẽ đảo chiều.
Thực trạng nghèo của đa số dân chúng và các hệ quả của nó trực tiếp thách đố sứ mạng của Giáo hội, nhất là thách đố cái kiểu thức sứ mạng từng được mệnh danh là ‘cứu linh hồn’ (soul saving) xem ra vẫn còn vương vấn trong tâm thức nhiều mục tử và tín hữu Công giáo Việt Nam. Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô là Tin Mừng giải phóng con người toàn diện, chứ không phải chỉ dành cho ‘phần hồn’ của người ta! Thực ra, đã có những dấu hiệu cho thấy Công giáo Việt Nam đang cố gắng – dù khó khăn và chậm chạp – để vượt qua cái tâm thức ấy và dấn thân xã hội một cách cụ thể hơn, như Thư Chung hậu Đại hội Dân Chúa (2011) của HĐGMVN đã đề cập (x. số 41). Đặc biệt, ngay từ trước đó hơn mười năm, các giám mục đã tuyên bố mạnh mẽ rằng:[26]
Chỉ một Giáo hội nghèo mới có thể dấn thân vào đại dương những người nghèo. Một Giáo hội khiêm tốn và bé nhỏ sẽ dễ dàng hơn để hòa đồng với đa số người nghèo. Một Giáo hội không có quyền lực sẽ dễ gần gũi số đông những người chỉ mơ ước được làm người, được cơm no áo ấm, được học hành và có việc làm… Đã đến lúc cần sáng tạo ra những ‘mô hình’ mới của Giáo hội như là những cộng đồng nhỏ bé, dễ hòa mình vào xã hội của người nghèo: những cộng đồng nghèo hơn, ít bề thế, ít cồng kềnh, khiến người ta không còn e dè sợ hãi khi tiếp cận, gặp gỡ, những cộng đồng mở ra hơn là khép kín. Sau cùng, đó là những cộng đồng quan tâm nhiều hơn đến đời sống toàn diện của con người, không chỉ khép kín trong đời sống thuần túy tôn giáo, nghĩa là trong việc cử hành bí tích hay phụng vụ, mà còn dấn thân trực tiếp vào việc cải thiện đời sống vật chất, nâng cao văn hóa và giáo dục cho người dân, nhất là những người nghèo… Đức Giêsu đã không rao giảng Tin Mừng chỉ bằng lời nói, mà Tin Mừng của Ngài là ‘người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc nghe được, và người chết trỗi dậy’.
Như vậy, khi phác họa tầm nhìn về chính Giáo hội địa phương mình, các giám mục Việt Nam đã đồng thanh với FABC trong đường lối “ưu tiên chọn lựa người nghèo”, và nhất là trở thành “một Giáo hội nghèo của người nghèo”.[27] Điều này hàm chứa quyết tâm sẵn sàng dấn thân xã hội, để mỗi thành phần trong Giáo hội – bằng phương cách thích hợp – góp phần loại bỏ các nguyên nhân của tình trạng nghèo đói và khốn khổ nơi phần đông dân chúng, như nạn tham nhũng, bất công, yếu kém trong quản lý xã hội, thiếu tôn trọng nhân phẩm và nhân quyền, tình trạng xâm hại môi trường sinh thái, vv…[28] Mối quan tâm và sự liên can chính mình theo cách phù hợp vào các lãnh vực đời sống để phát triển nhân bản toàn diện, đó là một phần không tách rời của sứ mạng Giáo hội. Nói tắt, ở đâu có nghèo đói và đau khổ, ở đó có thách đố và có tiếng gọi cho các môn đệ thừa sai của Đức Kitô (x. Gaudium et spes 1).
KẾT LUẬN
Cần phải xác lập và/hoặc hiệu chỉnh một tầm nhìn sứ mạng, đó là một trong những thông điệp nền tảng có thể rút ra từ giai đoạn lịch sử 60 năm qua của Giáo hội Việt Nam. Tầm nhìn ấy sẽ quy hướng về chính cốt lõi của sứ mạng theo Tin Mừng, là sứ mạng của Thiên Chúa (missio Dei) được Đức Giêsu Kitô thi hành, và được tiếp tục trao cho Giáo hội trong Thánh Thần.
Mục tiêu của sứ mạng là Nước Trời hay Triều Đại Thiên Chúa, như Đức Giêsu đã hình dung, đã diễn tả bằng lời nói, việc làm và nhất là bằng toàn thể Mầu nhiệm của chính Người. Mục tiêu Triều Đại Thiên Chúa làm nên chiều kích đặc sủng của Giáo hội, còn chiều kích cơ chế Giáo hội chỉ có ý nghĩa là phương tiện để phục vụ cho cứu cánh này. Theo đó, sứ mạng của Giáo hội được đánh giá theo phẩm tính hơn là lượng tính, nó quy chiếu đến chiều sâu bên trong hơn là hình thức và tầm cỡ bên ngoài. Sứ mạng xây dựng Triều Đại Thiên Chúa luôn có thể và phải được đảm nhận, dù ở đâu, lúc nào và trong hoàn cảnh nào, thuận cũng như nghịch. Không phải mọi hoàn cảnh khách quan đều đáng ước mong, nhưng trong viễn ảnh Triều Đại Thiên Chúa thì mọi hoàn cảnh khách quan đều là cơ hội và là tiếng gọi – kể cả thể chế Cộng sản, thực tế đa nguyên văn hóa và tôn giáo, và thực trạng nghèo cùng với những nguyên nhân và hậu quả của nó.
Chính định hướng Triều Đại Thiên Chúa sẽ giúp Hàng Giáo phẩm Công giáo Việt Nam dẫn dắt cộng đoàn tín hữu xúc tiến những dự án hoán cải mục vụ đầy triển vọng nhằm đem lại sự chuyển hóa cần thiết trong sứ mạng loan báo Tin Mừng. Đây là thao thức căn bản mà Đức thánh cha Phanxicô đã cưu mang và diễn tả ngay trong Tông huấn đầu tiên của ngài.[29]
Lm. Giuse Lê Công Đức, PSS
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 121 (Tháng 11 & 12 năm 2020)
[1] ‘Sứ mạng’ hay ‘sứ mạng thừa sai’ hay ‘công cuộc Phúc âm hóa’ hay ‘loan báo Tin Mừng’… là lý do hiện hữu của Hội Thánh. Đã có những tầm nhìn sứ mạng khác nhau trong lịch sử. Mọi tầm nhìn đều cần được hiệu chỉnh để phản ảnh sứ mạng theo Tin Mừng nhiều hơn. Về từ ngữ, cũng cần phân biệt giữa ‘sứ mạng’ (missio) và ‘sứ vụ’ (ministerio), và tránh lẫn lộn hai từ đó như vẫn thường xảy ra. Ngoài ra, bạn đọc cũng có thể nhận thấy chúng tôi tránh dùng từ ‘truyền giáo’ để nói về sứ mạng loan báo Tin Mừng.
[2] PETER HANSEN, “Bac Di Cu: Catholic Refugees from the North of Vietnam, and Their Role in the Southern Republic, 1954-1959”, Journal of Vietnamese Studies, Vol. 4, No. 3, (2009), 173 -211.
[3] Như ở giáo phận Bùi Chu, ngày 8.12.1963, giám mục đã quyết định truyền chức linh mục cho 28 thầy theo tình trạng khẩn cấp, trong đó 22 thầy ở độ tuổi 21, 22, 23, tức chưa đạt tuổi tối thiểu theo giáo luật. X. http://gpbuichu.org/ linh-muc-giao-phan/ (truy cập ngày 01.9.2020).
[4] Những trường hợp cử hành Phép Rửa cùng lúc cho hàng trăm người không phải là hiếm, như ở một số giáo điểm thuộc giáo phận Qui Nhơn và Đà Nẵng.
[5] Nửa sau thập niên 1960, chiến tranh leo thang, nhiều xứ đạo miền quê bị bom đạn cày xới dữ dội, một số cha sở đã dẫn giáo dân đến các vùng ngoại ô thành phố lập các trại tị nạn. Điều này rất phổ biến ở các giáo phận miền Trung. Sau Hiệp định Paris (1973), rất nhiều gia đình trong số đó di cư vào phía Nam để khẩn hoang lập ấp, cũng dưới sự dẫn dắt của các cha sở.
[6] Một linh mục cho biết: “Trong một nước chỉ có chưa tới 10% dân số là (tín đồ) Công giáo mà tại Quốc hội, có tới 30% dân biểu Công giáo với 3 vị chủ tịch Quốc hội liên tiếp là Công giáo; trong bộ máy hành chính, có 9/14 tỉnh trưởng miền Trung và 14/18 tỉnh trưởng miền Nam là Công giáo; trong chính phủ có 4/12 bộ trưởng là Công giáo; trong quân đội, 3 trong số 16 tướng lĩnh là Công giáo. Cho đến năm 1963, trừ thị trưởng Đà Lạt là người theo Phật Giáo, tất cả các tỉnh trưởng, thị trưởng tại miền Trung và Tây Nguyên đều là tín đồ Công giáo”. X. TRẦN TRỌNG TRUNG, Một cuộc chiến tranh sáu đời tổng thống, Tập 2, nxb. Văn Nghệ TP HCM, (1987), tr. 212.
[7] TRẦN ANH DŨNG (chủ biên), Hội đồng Giám mục Việt Nam: 1980-2000, (không ghi nhà xuất bản), tr. 41-42.
[8] x. HĐGMVN, Thư Chung 1980, số 9.
[9] Vài sự kiện đáng ghi nhận cách riêng: các giám mục Việt Nam được trở lại tham dự Liên Hội đồng Giám mục Á Châu sau rất nhiều năm vắng mặt; việc tham dự Synod về Á Châu năm 1998, với kết quả là Tông huấn Ecclesia in Asia do Đức Gioan Phaolô II công bố sau đó; sự hưởng ứng quá trình chuẩn bị và cử hành Năm Thánh 2000 với nhiều ấn tượng thiêng liêng; sự hưởng ứng tầm nhìn hoán cải mục vụ để chuyển hóa sứ mạng loan báo Tin Mừng đang được xúc tiến của Đức Phanxicô.
[10] x. https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/nhan-dinh-ve-phong-trao-su-diep-tu-troi–39573.
[11] Như vụ cựu linh mục Nguyễn Văn Tường của giáo phận Vĩnh Long bị tuyên vạ tuyệt thông tiền kết (2014), vụ Giáo điểm Tin Mừng (Sài Gòn) gây xôn xao dư luận trong nhiều năm và mới được dàn xếp lại hồi tháng 8.2019.
[12] Có rất nhiều dạng làm ăn bất chính ở trong nước hay ở nước ngoài mà người Công giáo có thể bị cuốn vào, ví dụ: trồng cần sa, buôn bán ma túy, dùng hóa chất độc hại trong chăn nuôi hay sản xuất để chạy theo lợi nhuận, kinh doanh trong các ngành đáng ngờ, tệ nạn hối lộ quan chức để ‘bôi trơn’…
[13] Có những sự dữ được thấy là hiện tượng nhức nhối ở Việt Nam hiện nay, có liên hệ đến cả người Công giáo, như vấn đề phóng túng tình dục và nạn phá thai, vấn đề bạo lực, gian dối và thực dụng – chẳng hạn tình trạng quay cóp của học sinh, sinh viên ở trường học các cấp, tình trạng đút lót cảnh sát giao thông… đã trở thành như bình thường và tự nhiên!
[14] Thông điệp Divini Redemptoris (1937) của Đức Piô XI lên án Cộng sản vô thần; Thư Chung (1951) của các giám mục Đông Dương khẳng định người Công giáo không thể theo Cộng sản; năm 1958, Đức Piô XII công bố Thông điệp Ad Apostolorum Principis, ra vạ tuyệt thông đối với những tín hữu tham gia các hoạt động của Hội Công Giáo Yêu Nước Trung Quốc, nhất là việc tự tấn phong giám mục mà chưa có sự chuẩn y của Tòa Thánh. Cũng nên nhắc đến Thư Chung có nội dung cảnh báo của các giám mục miền Nam vào tháng 3 năm 1960 nữa.
[15] Điển hình là những uẩn khúc trong tương quan giữa thể chế Đệ nhất Cộng hòa với Phật giáo…
[16] Linh mục Antôn Nguyễn Ngọc Sơn là một trong những người chất vấn về ‘hiệu quả truyền giáo ở Việt Nam’ như thế. Tác giả đưa ra những con số để chứng minh rằng sau 50 năm, tính từ 1960, tỉ lệ người Công giáo trong dân số Việt Nam không tăng được 1%; thậm chí nếu tính từ thập niên 1930 thì tỉ lệ ấy được thấy là sụt giảm! Xem: http://vntaiwan.catholic.org.tw/09news/9news246. htm. Đáng lưu ý, trong khi dùng các con số thống kê là công cụ chính yếu để khảo sát về tình hình sứ mạng của Giáo hội, tác giả vẫn xác định rằng “giá trị thực sự của hoạt động loan báo Tin Mừng nằm ở sự đánh giá của Thiên Chúa chứ không phải của con người”. Rất nhiều tiếng nói khác cũng chất vấn sứ mạng của Giáo hội Việt Nam trong những thập niên gần đây, chẳng hạn, một số bài viết liên quan của Giáo sư Trần Duy Nhiên (+2009), Lm. Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh, OFM, Lm. Anrê Đỗ Xuân Quế, OP, và nhiều người khác…
[17] x. ĐỖ MẠNH TRI, Con đường Đối thoại của các Giám mục Việt Nam, x. http://ttntt.free.fr/archive/
[18] Giám mục Phaolô LÊ ĐẮC TRỌNG, “Hàng giáo sĩ đi Nam có lợi hay có hại?”, trong Hồi ký, 2009, chương 5.
[19] Một thực tế hiện nay có thể làm không ít người ngạc nhiên, đó là ở phía Bắc, chẳng hạn tại giáo phận Hưng Hóa, nhiều trường hợp đảng viên Cộng sản là giáo dân, thậm chí là chức sắc tích cực trong ban mục vụ giáo xứ!
[20] Xin xem bài “Truyền giáo?” của người viết, tại: http://conggiao.info/truyen-giao-d-15998.
[21] “Trồng Giáo hội” là thuật ngữ chỉ cái kiểu thức sứ mạng trong đó các nhà thừa sai Tây phương không chỉ loan báo Tin Mừng cho dân chúng ở các lục địa khác, mà còn ‘trồng’ luôn cả mô hình Giáo hội Tây phương xét theo các yếu tố mặt ngoài nữa, như y phục, ngôn ngữ, kiến trúc, nghệ thuật, cách diễn đạt, v.v…
[22] Nhiều mục tử và nhiều tác giả đã nghiên cứu, viết lách và hoạt động về hội nhập văn hóa và đối thoại tôn giáo ở Việt Nam, trong đó chúng tôi đặc biệt muốn đề cập đến Đức Ông Laurenso Phạm Hân Quynh (1926-2012), một linh mục ở lại miền Bắc sau 1954, phải chịu nhiều gian truân thử thách, nhưng rất thao thức và dành nhiều tâm lực để tìm tòi và thúc đẩy sứ mạng của Hội Thánh trên nẻo đường hội nhập văn hóa và đối thoại tôn giáo này. X. http:// giadinhlaurenso.org/hieu-cha-gia-quynh–/tinh-than-cha-gia-laurenso-pham-han-quynh.html.
[23] Ví dụ, người ta đang nghe nhiều về “giấc mơ Trung Hoa”, về việc “làm cho nước Mỹ vĩ đại một lần nữa”, và về “chủ nghĩa Putin” mang sắc thái một chủ nghĩa dân tộc bảo thủ …
[24] x. Đức Giáo hoàng GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Solicitudo rei socialis (1987), số 15.
[25] Theo báo cáo của Oxfam, vào năm 2014, 210 người siêu giàu ở Việt Nam có tổng tài sản khoảng 20 tỷ USD, tương đương với 12% GDP cả nước. Số lượng những người siêu giàu này được dự báo sẽ tăng lên hơn 400 người vào năm 2025. Cũng theo Oxfam năm 2017, dân số nông thôn sống dưới chuẩn nghèo là 22,1%. Nguồn: ncif.gov.vn.
[26] Trích từ Bản Trả Lời cho Lineamenta, chuẩn bị Thượng Hội Đồng Giám Mục Á Châu 1998.
[27] Thật ra, các giám mục FABC đã vận dụng đường lối ấy của các giám mục Châu Mỹ La tinh), được đề ra ở Hội nghị Medellín (Colombia, 1968) và được hiệu chỉnh theo hướng triệt để hơn ở Hội nghị Puebla (Mexico, 1979).
[28] Ví dụ, những vấn đề thời sự trong xã hội Việt Nam dạo gần đây như: tình trạng gây ô nhiễm không khí và nước biển của nhà máy Formosa, tình trạng thực phẩm nhiễm độc do sản xuất hay chế biến với hóa chất độc hại, những bất cập trong quản lý đất đai dẫn đến những xung đột gay gắt, nạn tham nhũng và nhóm lợi ích,…
[29] Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng (Evangelii gaudium), 24.11.2013.