Ủy Ban Thánh Nhạc: Hội thảo toàn quốc lần thứ 41
WGPSG — “Một số kiểu âm nhạc đại chúng” là đề tài được nhạc sĩ P. Kim (Phêrô Phaolô Phạm Kim) trình bày trong buổi Hội thảo Thánh nhạc toàn quốc lần thứ 41 do Ủy ban Thánh nhạc (UBTN), trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam tổ chức vào ngày 17.10.2017 tại Trung tâm Mục vụ Tổng giáo phận Sàigòn-Tp.HCM.
Buổi Hội thảo được Đức Giám mục Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản -Chủ tịch UBTN- khai mạc lúc 08g15. Đến tham dự có linh mục Rôcô Nguyễn Duy – Thư ký UBTN, linh mục nhạc sư Phêrô Kim Long – nguyên phó Chủ tịch UBTN, cùng trên 120 hội thảo viên gồm các ủy viên thường vụ UBTN, các linh mục trưởng ban Thánh nhạc giáo phận, các linh mục đặc trách Thánh nhạc các Đại chủng viện và dòng tu, các linh mục, tu sĩ, nhạc sĩ, giảng viên thanh nhạc và các ca trưởng. Để tiện theo dõi và thảo luận, Ban tổ chức đã gửi đến các tham dự viên Nội san Hương Trầm số 26,
Phần Thuyết trình
Khởi đi từ phân tích: Âm nhạc đại chúng bắt nguồn từ thánh ca cộng đồng (còn gọi là thánh ca bình dân), nhưng nhờ sự phát triển của ngành công nghiệp biểu diễn và truyền thông, nó đã trở nên phổ biến rộng rãi trên toàn thế giới, nhạc sĩ P. Kim đã dẫn hội thảo viên đến với đề tài “Một số kiểu âm nhạc đại chúng” (popular music) với những điểm chính:
A/ Sơ lược về âm nhạc đại chúng
Sau khi giới thiệu đôi nét về nguồn gốc nhạc Jazz, nhạc sĩ P. Kim nhân định: âm nhạc đại chúng khởi đi từ trào lưu nhạc jazz tại Mỹ, sau đó phát triển, pha trộn rồi phân nhánh thành những loại nhạc khác nhau. Vì thế, popular music có những đặc tính sau:
1/ Về phương diện đời sống văn hoá xã hội
Mỗi loại popular music là một sự phản ảnh đời sống văn hoá xã hội của từng quốc gia, vùng miền trong từng giai đoạn. Vì vậy nó theo một qui luật tự nhiên của những trào lưu: Khởi đầu – Phát triển – Cao trào – Thoái trào. Trào lưu đi sau thường phát xuất từ những phản ứng ngược lại với trào lưu đi trước.
Như vậy, sau khi thoái trào, mỗi loại âm nhạc không biến mất, nhưng nó sẽ hồi sinh với những cải tiến, pha trộn với những loại nhạc khác, phù hợp với đời sống văn hoá xã hội của một giai đoạn nào đó, để tiếp tục tạo nên một vòng đời của trào lưu mới.
2/ Về chuyên môn âm nhạc
Người ta thường xem xét theo các khía cạnh: Giai điệu – Hoà âm – Tiết tấu – Dàn nhạc – Phong cách biểu diễn – Ký âm và ký hiệu. Nhạc sĩ P. Kim tóm tắt:
– Giai điệu: Ta thấy cấu trúc một ca khúc (12 đến 32 ô nhịp) khi trình tấu đầy đủ bao gồm: Intro – Verse (hoặc Chorus) – Chorus (hoặc Verse) – Bridge (Giai tấu) – Trở lại Verse hoặc Chorus… – Outro. Đặc biệt về ứng tấu, bản nhạc chỉ là khung sườn, tuỳ theo cảm hứng, ca sĩ sẽ hát theo cách riêng của mình sao cho phù hợp với phần đệm (nhất là tiết tấu của phần đệm). Riêng về thang âm, popular music thích dùng các thang âm điệu thức hơn là thang âm cổ điển. Với đặc điểm ứng tấu, các nhạc sĩ còn tạo thêm (khu ứng tấu) nhiều thang âm biến cách khác.
– Hoà âm: Vẫn dựa vào các đặc tính căn bản của hợp âm 3 nốt (triads: trưởng, thứ, tăng, giam, nhưng qua thời gian các nhạc sĩ thích dùng những hợp âm mở rộng (7, 9 ,11, 13). Tạo chuỗi hợp âm trước, tạo giai điệu hoặc ứng tấu sau. Từ đó hình thành các kiểu hoà âm: Tonal Harmony, Modal Harmony, Atonal Harmony, Blue Harmony.
– Tiết tấu: Về công thức tiết tấu hoà đệm, các ban nhạc thường dựa trên công thức tiết tấu của bộ trống gõ để đưa ra những mẫu tiết tấu hoà đệm (chordal rhythm’s pattern) dài 1 hoặc 2 ô nhịp để đệm cho giai điệu. Về tiết tấu của giai điệu, lúc đầu thường tương đồng với một mẫu tiết tấu (rhythmic pattern) nào đó. Tuy nhiên, tuỳ theo trào lưu âm nhạc đang thịnh hành, người ta thường thay đổi mẫu tiết tấu hoà đệm để vừa làm mới bản nhạc, vừa lôi cuốn người nghe hơn. Vì vậy, giai điệu cũng thay đổi so với nguyên bản.
– Dàn nhạc: Các nhạc công trong dàn nhạc khai thác tất cả khả năng của các nhạc cụ để tạo nên những âm sắc mới. Tiếng trumpet ngày xưa “dõng dạc” oai hùng, ngày nay có thể “lải nhải” như bà già kể truyện. Tiếng trombone ngày xưa trọng thể uy nghi, ngày nay lại mềm mại như cello. Đặc biệt nhất phải kể đến guitar điện, nó mang nhiều âm thanh mới lạ, mở ra nhiều kỹ năng và khả năng diễn tả hơn so với acoustic guitar (nhạc cụ không dùng điện).
– Phong cách biểu diễn: Đặc điểm của popular music là ứng tấu theo ngẫu hứng, nên bản nhạc nguyên gốc không quan trọng bằng cách trình tấu như thế nào. Hơn nữa, vì loại nhạc này gắn liền với sự phát triển của ngành công nghiệp biểu diễn, nên bên cạnh yếu tố là âm nhạc (để nghe), một ban nhạc hay mộ ca sĩ còn cần rất nhiều yếu tố khác (để nhìn) mới có thể có được một buổi biểu diễn thành công. Ngoài hệ thống âm thanh công suất lớn, buổi biểu diễn còn cần đến công nghệ sân khấu hấp dẫn, vũ đạo lôi cuốn và thời trang bắt mắt (đôi khi trở thành lập dị, lố bịch).
– Ký âm và ký hiệu: Tự do phóng khoáng và phổ thông là đặc điểm popular music. Vì vậy, một bản nhạc càng được viết đơn giản, càng mở rộng trí tưởng tượng cho nghệ sĩ diễn tấu. Chỉ cần ghi chú phong cách tiết tấu, tempo và các ký hiệu hợp âm là cả ban nhạc và ca sĩ có thể biểu diễn một cách hoàn chỉnh. Một số kiểu viết và ký hiệu vừa đơn giản vừa hiệu quả gồm: Scale spelling (đánh vần thang âm) và Chord spelling (đánh vần hợp âm).
B/ Âm nhạc đại chúng và Thánh ca cộng đồng Việt Nam
Sau khi giới thiệu đôi nét về âm nhạc đại chúng, nhạc sĩ P. Kim liên hệ với Thánh ca cộng đồng Việt Nam:
1/ Một số ảnh hưởng của âm nhạc đại chúng đối với Thánh ca Việt Nam
– Dùng ký hiệu hợp âm: Một số bài thánh ca tác giả hoà âm theo kiểu popular music bằng cách viết các ký hiệu hợp âm bên trên khuông nhạc, tạo điều kiện dễ dàng cho người đệm đàn.
– Cách đệm đàn: Một số nhà thờ phối hợp organ với piano. Thường nhạc công orgna chơi âm sắc kéo dài theo ký âm hợp âm, còn piano thường chơi các mẫu trải nốt, hoặc một số công thức tiết tấu căn bản của các loại nhịp 2, nhịp 3, nhịp 4…
Trong một số nhà thờ (không nhiều) còn có combo bao gồm guitar, trống… đệm theo các điệu như waltz, tango, be-bop…
2/ Những yếu tố tích cực của âm nhạc đại chúng cần khảo sát để phát triển
Trong thập niên vừa qua, với ảnh hưởng của popular music đã sáng tác được nhiều bài Thánh ca cộng đồng vừa có giá trị nghệ thuật, vừa phù hợp với bầu khí phục vụ. Vì thế, ta cần vận dụng những yếu tố tích cực để ứng dụng trong Thánh ca cộng đồng. Đó là:
– Những thang âm ngoài cổ điển: Popular music thích sử dụng những thang âm điệu thức (modal scale) và những thang âm dân tộc, vì:
Gần gũi với với giáo hội (các thang âm điệu thức).
Tạo sự khác biệt (các thang âm dân tộc) với thánh nhạc các quốc gia khác.
Mang hơi thở của thời đương đại.
– Những kiểu hoà âm ngoài cổ điển: Việc sử dụng những thang âm ngoài cổ điển cũng tạo nên những kiểu hoà âm mà các nhạc sĩ cổ điển đã và đang sử dụng trong các tác phẩm của mình.
3/ Những yếu tiêu cực nên hạn chế hoặc loại bỏ
– Hạn chế giai điệu trải nốt: Cộng đoàn khó hát và nghèo nàn về hợp âm.
– Hạn chế giai điệu đảo phách: Chỉ nên dùng những đảo phách quen thuộc và ăn khớp với lời ca.
– Đệm theo công thức tiết tấu:
Hạn chế: Có thể dùng một cách tiết chế những công thức tiết tấu trung tính (không phải điệu nhảy) vào những lúc thích hợp.
Loại bỏ: Đức Hồng y Lercaro, Chủ tịch hội đồng thực thi Hiến chế phụng vụ, trong thư “Novicis”, ngày 25.01.1967, viết: “Những điều gì thế tục, phải loại ra khỏi giáo đường, như là điệu jazz, nhạc kích động, vì chúng không hợp với bầu khí cầu nguyện, nghiêm trang của thánh đường”.
– Album thánh ca cộng đồng: 90% được thực hiện theo popular music. Thánh ca trở nên gần gũi và dễ nghe đối với nhiều người trong xã hội: Giúp nuôi dưỡng đức tin trong gia đình; là một công cụ hữu hiệu cho việc truyền giáo đem đạo vào đời. Tuy nhiên dễ tạo nên sự ngộ nhận khi đàn hát thánh ca trong phụng vụ. Vì thế cần cổ suý việc thực hiện những album mang cung cách riêng của nhạc nhà thờ.
4/ Nhận định chung về thánh ca Việt Nam
Sau khi phân tích về âm nhạc đại chúng, nhạc sĩ P. Kim nhận định chung thánh ca cộng đồng Việt Nam dưới hai lãnh vực:
– Sáng tác: Các nhạc sĩ Việt Nam đã sử dụng khéo léo những yếu tố tích cực của âm nhạc đại chúng mà tạo nên những bài thánh ca cộng đồng phù hợp để có thể phụng vụ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều yếu tố tích cực của âm nhạc đại chúng chưa được ứng dụng trong thánh ca cộng đồng thêm tính đương đại và tính dân tộc.
– Thể hiện: Hầu hết những yếu tố tiêu cực, ồn ào và kích động của âm nhạc đại chúng như những điệu jazz, hip-hot… đã được hạn chế hoặc loại bỏ hoàn toàn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ca trưởng và người đệm đàn có đủ khả năng để thể hiện đầy đủ giá trị nghệ thuật của những bài thánh ca hay.
Kết luận:
Qua gần 2 tiếng diễn giảng, nhạc sĩ P. Kim kết luận:
– Âm nhạc đại chúng không chỉ có sức mạnh và lôi cuốn mạnh mẽ, mà nó còn mang đến những giá trị không nhỏ cho nền âm nhạc thế giới. Từ những phương thức mới trong hoà âm, sáng tác… cho đến cách thể hiện âm nhạc. Điều chúng ta cần là khả năng nhận thức: đâu là những cái hay, cái đẹp để tiếp thu, làm phong phú thêm cho nền thánh nhạc; đâu là những cái dở, cái xấu cần phải loại bỏ cho phù hợp với khung cảnh giáo đường.
– Muốn vậy chúng ta cần phải loại bỏ các định kiến để không tự trói buộc mình, để trở thành một con người tự do hơn.
Tóm lại, một bài thánh ca được viết theo một kiểu âm nhạc nào đó không quan trọng bằng nó phải được thể hiện ra sao để có thể “Vinh danh Thiên Chúa” và “thánh hoá các tín hữu”.
Giải đáp thắc mắc:
Sau giờ giải lao, lúc 10g20 các tham dự viên đã tham gia đặt câu hỏi và giải đáp thắc mắc.
– Thành phần chính trong cử hành phụng vụ là cộng đoàn. Vì thế khi soạn hoặc trình diễn một bản nhạc, mọi người phải cầu nguyện để bài thánh ca được sáng tác sẽ giúp người tín hữu sốt sắng cầu nguyện, phù hợp với sự thanh tịnh trong nhà thờ, cùng với sự nghiêm trang của Thánh lễ.
– Bài hát hay còn cần quan tâm đến phong cách trình diễn của ca trưởng, ca viên, người đệm đàn… sao cho phù hợp với thánh nhạc và khung cảnh cầu nguyện.
– Các nghi thức trong Thánh lễ ngày nay tương đối ngắn, vì thế hát thánh ca cộng đồng khá phù hợp. Vai trò của ca đoàn vẫn quan trọng, vì ngoài những bài hát do ca đoàn phụ trách, còn giúp cộng đoàn cầu nguyện khi hát những bài thánh ca cộng đồng.
– Cha Nguyễn Duy nhắn nhủ: Khi sáng tác nhạc thánh ca, nhạc sĩ cần lưu tâm: “Nhạc vì lời chứ không phải lời vì nhạc”. Vì thế, khi sáng tác nhạc sĩ cần ưu tiên đến lời ca.
– Sau cùng, Đức cha Vinh Sơn đúc kết: “Thánh vịnh và đáp ca là bản văn cố định được dùng trong Thánh lễ. Vì thế, khi sáng tác, các nhạc sĩ cần tuân thủ qui định chung theo “Bản Hướng dẫn Mục vụ Thánh nhạc” đã được Hội đồng Giám mục Việt Nam chuẩn y. Từ đó, từng bước chúng ta sẽ góp ý về việc sử dụng âm thanh, đệm đàn… phải đạt được mục đích giúp cộng đoàn cầu nguyện”.
Sau cùng, Đức cha Vinh Sơn thông báo ngày Hội thảo Thánh nhạc lần thứ 42 sẽ được tổ chức vào sáng thứ Ba, 10.4.2018 tại Trung tâm Mục vụ TGP Sàigòn.
Buổi Hội thảo kết thúc lúc 11g30 cùng ngày với bài hát “Xin hiệp nhất chúng con”.
nguồn: WGPSG