Hướng dẫn tham gia Thư viện Điện tử Công giáo Việt Nam
Kính thưa Quý Đức Cha, Quý Cha và anh chị em,
Chúng tôi xin gợi ý một số hướng dẫn để mọi người có thể sử dụng Thư viện này cách dễ dàng và hiệu quả.
- Thư viện Điện tử Công Giáo Việt Nam là gì?
– Thư viện Điện tử Công Giáo Việt Nam là nơi lưu trữ sách báo, tài liệu của tiền nhân thực hiện trong quá khứ hoặc các tác giả sáng tác trong thời hiện tại và tổ chức cho các bạn đọc trong nước cũng như ngoài nước, không phân biệt tôn giáo, có thể sử dụng chúng dễ dàng, đồng thời cũng để lưu giữ chúng cho các thế hệ mai sau.
– Gọi là Thư viện điện tử vì chúng tôi thu thập, lưu trữ, quản lý, trình bày nội dung các sách báo, tài liệu bằng các phương tiện điện tử thay vì dùng một cơ sở vật chất để chứa các sách báo, tài liệu cụ thể như các thư viện thông thường.
– Gọi là Thư viện Công Giáo vì chúng tôi xin dành ưu tiên cho tác phẩm của người Công Giáo hay liên hệ tới người Công Giáo. Chúng tôi không có tham vọng mở rộng cho tất cả các sách báo, tài liệu thuộc về mọi lĩnh vực như một loại thư viện tổng hợp của quốc gia hay quốc tế. Tuy nhiên, thư viện cũng sẵn sàng đón nhận mọi tác phẩm ngoài Công Giáo để bất cứ ai muốn cống hiến cho cộng đồng xã hội đều có thể gửi sách báo, tài liệu của mình vào Thư viện này.
– Gọi là Thư viện Công Giáo Việt Nam vì chúng tôi dành sự quan tâm nhiều đến tác phẩm của người Việt Nam hay liên hệ đến người Việt Nam, chứ không dám mở rộng cho mọi người thuộc mọi dân tộc và ngôn ngữ trên thế giới như những thư viện tổng hợp cấp quốc gia hay quốc tế. Thí dụ như chúng tôi lưu trữ các tác phẩm chữ Hán, chữ Nôm của các Thừa sai nước ngoài thời trước vì liên quan đến người Việt Nam.
– Thật ra, không phải sách báo nào cũng đáng lưu trữ và sử dụng, vì có những sách sai lạc về tín lý, luân lý hay cổ vũ những điều tiêu cực gây chia rẽ, hiểu lầm, thí dụ cuốn Tây dương Gia tô Bí lục. Đối với những loại sách này, bộ phận thu thập và phân loại sẽ thẩm định giá trị để có thể vẫn được lưu giữ nhưng không đưa vào danh mục độc giả tự do sử dụng để tránh phổ biến những sai lầm. Những ai cần nghiên cứu, có thể liên lạc với người quản thủ thư viện để giải mã số bảo mật cho việc sử dụng sách.
- Thư viện điện tử Công Giáo Việt Nam được tổ chức như thế nào?
2.1. Ban Sáng lập.
Thư viện này được một nhóm anh em có sáng kiến thành lập và thông báo cho cộng đồng vào ngày 01/5/2015. Đứng đầu nhóm là Giám mục Micae Hoàng Đức Oanh và các anh em sau đây:
– Lm. Giuse Phạm Bá Lãm
– Lm. Gioan Phêrô Võ Tá Khánh
– Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn
– Anh Tôma Nguyễn Trí Dũng
– Anh Giêrônimô Nguyễn Văn Nội
– Anh Giuse Nguyễn Trọng Đa
– Anh Philipphê Nguyễn Ngọc Phượng
– Anh Giuse Phạm Văn Tại
– Anh Gioan Baotixita Lê Hải Nam
– Anh Gioan Baotixita Lưu Văn Lộc
– Anh Giuse Trần Quý Hiệp
– Anh Giuse Nguyễn Đức Khang
2.1. Ban Quản trị
Thư viện này có một Ban quản trị để quản lý và điều hành mọi công việc của Thư viện. Ban Quản trị gồm những anh chị em đảm nhận các công tác sau đây:
– Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn: Chủ nhiệm, điều hành chung,
– Lm. Giuse Phạm Bá Lãm: Phó chủ nhiệm, quản lý tài chính, vật chất, cung cấp các phương tiện làm việc, tiếp nhận các đóng góp tiền bạc, sách báo, tài liệu cho Thư viện.
– Lm. Phêrô Võ Tá Khánh: phụ trách về thơ, văn, giới thiệu các sách mới, sáng tác mới trên trang web, đưa bài lên các mục mình phụ trách trên trang web.
– Anh Giuse Nguyễn Trọng Đa phụ trách phần thu thập, chọn lọc các sách báo, tài liệu.
– Anh Giuse Phạm Văn Tại, Nguyễn Ngọc Phượng: phụ trách phân loại, sắp xếp, đánh mã số các sách báo, tài liệu.
– Anh Giêrônimô Nguyễn Văn Nội phụ trách việc chọn lựa, đánh giá các tài liệu thần học, Thánh Kinh trước khi xử lý.
– Anh Thomas Nguyễn Trí Dũng: phụ trách phần đánh giá các tác phẩm khác, ngoài lĩnh vực thần học, Thánh Kinh, để chọn lựa, phân loại.
– Anh J.B. Nguyễn Hải Nam phụ trách phần xử lý dữ liệu, thiết kế các dự án phát triển Thư viện.
– Anh Giuse Trần Quý Hiệp phụ trách phần thiết kế trang Web, quản lý dữ liệu trong kho lưu trữ, phối hợp với anh Nam và các kỹ sư tin học để chuyển các dữ liệu xử lý thành các sách điện tử (e- book) hoà nhập với hệ thống e-book toàn cầu.
– Anh J.B. Lưu Văn Lộc: phụ trách các phần dịch thuật cho các sách ngoại ngữ, viết phần đánh giá tác phẩm để đưa lên trang web.
– Anh Giuse Nguyễn Đức Khang phụ trách phần liên lạc với các anh em hải ngoại để vận động sự giúp đỡ và thu thập các tác phẩm ở nước ngoài.
– Nữ tu Maria Phạm Thị Thuỳ Trinh: Quản thủ Thư viện, phụ trách phần quản lý trang web, đưa tin lên trang web, trả lời các thư liên lạc.
- Thư viện điện tử Công Giáo Việt Nam được thực hiện như thế nào?
Công việc thư viện được thực hiện theo những bước sau đây: thu thập, chọn lọc, phân loại và sắp xếp các sách báo, tài liệu thu nhận được, sau đó chuyển hoá chúng thành dữ liệu điện tử và giới thiệu chúng trên trang web để độc giả truy cập và sử dụng.
3.1. Bước đầu tiên: Thu thập
* Trong dòng lịch sử dân tộc Việt Nam từ khi các vua Hùng dựng nước cho đến khi bị người Trung Hoa đô hộ trong suốt 11 thế kỷ (từ 111 TCN đến 938), Nhà nước Việt Nam sử dụng chữ Hán của Trung Quốc mãi cho đến đầu thế kỷ XX. Với ý thức độc lập dân tộc, song song với việc sử dụng chữ Hán, người Việt sáng tạo ra chữ Nôm vào khoảng thế kỷ thứ VIII và cộng tác với các giáo sĩ Công Giáo Tây Phương trong việc sáng tạo ra chữ Quốc ngữ. Đây là công trình ghi âm tiếng Việt bằng chữ cái Latinh do các vị thừa sai Dòng Tên sáng tạo ra trong khoảng những năm 1615-1657, đặc biệt với 2 tác phẩm của Cha Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) là cuốn Từ điển Việt-Bồ-La và Phép Giảng Tám Ngày in năm 1651 tại Roma, Ý.
Người ta ước tính Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đã có hàng ngàn tác phẩm bằng chữ Hán, Nôm và chữ Quốc ngữ. Tuy nhiên rất nhiều tác phẩm trong số đó đã bị huỷ hoại do sự bất cẩn của con người và sự khắc nghiệt của môi trường nóng và ẩm của Việt Nam. Vì thế Thư viện Công Giáo Việt Nam sẽ tích cực thu thập tất cả những tác phẩm còn sót lại của tiền nhân để có thể giới thiệu cho người đọc.
Trong thực tế hiện nay có hàng ngàn tác phẩm liên quan đến Giáo Hội Công Giáo Việt Nam có thể được đưa vào trong Thư viện này. Nhiều tác phẩm đang được lưu giữ trong thư viện của quốc gia hay của các học viện, đại chủng viện, dòng tu cũng như trong tủ sách của tư nhân. Số tác phẩm trong các thư viện ở nước ngoài như trong thư viện của Toà Thánh Vatican, thư viện của Hội Thừa sai Paris, của các cha Dòng Tên… cũng không nhỏ.
* Các sách báo, tài liệu được thu thập có thể đến từ nhiều nguồn khác nhau:
– Từ những cá nhân và tập thể (như dòng tu, chủng viện, tổ chức, cộng đồng, thư viện khác…) là chủ nhân của các tác phẩm. Họ cho phép Thư viện được quyền sử dụng tác phẩm của mình để lưu trữ trong Thư viện và giới thiệu cho mọi người sử dụng với mục đích là để phổ biến và bảo tồn văn hoá Việt Nam.
– Từ những cá nhân và tập thể gửi về Thư viện các tác phẩm, tuy không phải của họ, nhưng đã thu thập được từ trước, bây giờ họ nhờ Thư viện trình bày trên website cho mọi người biết và truy cập, nếu những tác phẩm đó không cần xin phép tác giả (50 năm sau khi tác phẩm được xuất bản), hoặc tác giả không đòi tác quyền.
– Từ những độc giả có thiện cảm với thư viện, tuy không trực tiếp gửi các tập tin (files), nhưng thấy tác phẩm ích lợi cho nhiều người đọc, nên đã gửi tới Thư viện những đường kết nối (links) để người đọc có thể biết và truy cập chúng ở các địa chỉ liên kết.
– Tác phẩm sẽ được ghi chú theo nguồn thu thập để bạn đọc có thể liên lạc với người làm chủ tác phẩm.
* Trong thời gian vừa qua, từ tháng 5/2015 đến 1/2016, Thư viện đã thu nhận được một số tác phẩm sau đây:
– Thầy 27/5/2015 Micae Nguyễn Hạnh đã gửi đến hơn 1.000 tập tin (files) dạng PDF gồm các sách Hán Nôm thầy thu thập được.
– Thi sĩ Lê Đình Bảng gửi hơn 20 cuốn sách mới xuất bản và cho phép Thư viện sử dụng tất cả các tác phẩm của mình.
– Ngày 20/6/2015, Cha Antôn Nguyễn Hữu Triết, Trưởng ban Văn hoá TGP Tp.HCM và cô Quỳnh Trâm, đại diện Cố Lm. Giáo sư Thanh Lãng và Nguyễn Hưng, trao quyền sử dụng các sách báo tài liệu của các ngài cho Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, đại diện Thư viện Điện tử Công Giáo Việt Nam.
– Nhiều cá nhân đã gửi các tập tin sách báo tài liệu cho Thư viện. Cha Stephan Huỳnh Trụ sẵn sàng đóng góp những sách Hán Nôm quý giá của ngài cho thư viện.
– Ngày 11/11/2015, Ông Đồng Phước Vinh, giám đốc Cty Sách Điện tử Trẻ, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm lập thư viện ebooks và tặng không những files sách thuộc thẩm quyền mình.
Như thế là trong kho sách của Thư viện chúng ta đang có khoảng hơn 1.000 cuốn sách đã thu thập được.
3.2. Bước 2: Chọn lọc, phân loại và sắp xếp theo mã số cho từng tác phẩm.
Trong số hàng ngàn sách báo, tài liệu gửi về, các nhân viên Thư viện sẽ chọn lọc theo các tiêu chuẩn ở số 1 để xác định sách nào xứng đáng được đặt vào danh mục của Thư viện. Để thực hiện các công tác này, nhất là đối với các sách Hán Nôm, Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, anh Giuse Trần Quý Hiệp và một vài anh chị giáo dân đã đi học thêm tiếng Hán Nôm. Các anh chị phụ trách thư viện cũng đến học hỏi tại Công ty TNHH Sách Điện Tử Trẻ (Ebook Trẻ) tại 161B Lý Chính Thắng, Phường 7, Quận 3, TP. HCM về quy trình thực hiện sách điện tử. Công ty này đã có kinh nghiệm trên 3 năm với hơn 4.000 cuốn sách đã thực hiện.
– Để tiện việc lưu trữ và sử dụng: tất cả các sách báo, tài liệu thu thập được, sẽ được chọn lọc, phân loại và sắp xếp theo hệ thống thập phân của Melvil Dewey như hầu hết các thư viện tổng hợp trên toàn thế giới. Trong hệ thống thập phân này, các sách báo được phân loại theo nội dung thành 10 đề tài hay lĩnh vực lớn gọi là đại mục, đánh số từ 0 đến 9. Mỗi đại mục lại được chia thành 10 phần nhỏ hơn gồm những đề tài hay lĩnh vực liên quan gọi là trung mục, được đánh số từ 00 đến 99. Mỗi trung mục lại được chia thành 10 phần nhỏ, gồm những lĩnh vực chi tiết hơn của cùng một đề tài hay lĩnh vực, gọi là tiểu mục, đánh số từ 000 đến 999.
– Tuy nhiên, hệ thống thập phân này đã được hai linh mục G. Courtois và J. Pihan khai triển, áp dụng cho các sách báo Công Giáo nên chúng tôi sử dụng công trình này cho Thư viện chúng ta như khá nhiều thư viện Công Giáo trên thế giới đang dùng. Trong hệ thống này, có 8 phần dành cho các khoa học Kitô giáo, 1 phần (phần đầu, số 0) cho Kiến thức phổ thông và 1 phần (phần cuối, số 9) cho lĩnh vực giáo dục.
Các tác phẩm đến từ các cơ quan, thư viện khác, dù đã được phân loại theo hệ thống Dewey, cũng sẽ được phân loại và sắp xếp lại theo hệ thống mới của Thư viện này. – Chúng tôi đã gửi 1 tập sách nhỏ, tên là Phiếu tài liệu theo hệ thống thập phân, dày 72 trang, có ghi sẵn các đại mục, trung mục và tiểu mục cho các anh chị em phụ trách công việc phân loại này. Sau khi được phân loại, mỗi tác phẩm có một mã số riêng để được lưu trữ trong thư viện và các độc giả có thể dễ dàng tìm đọc.
– Sau đây là một thí dụ về việc phân loại sách theo các đại mục, trung mục và tiểu mục: Thí dụ: Sách Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo của Uỷ ban Giáo lý Đức tin trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, xuất bản năm 2010 được ghi mã số 208 vì thuộc đại mục 2 (tín lý), trung mục 0 (tín lý tổng quát), tiểu mục 8 (Giáo lý Hội Thánh Công Giáo). Các sách giáo lý khác như Bản Toát yếu Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, xuất bản năm 2007, Sách Giáo lý Tân Định… đều được ghi theo mã số này (x. Phiếu tài liệu theo hệ thống thập phân [dành cho Công Giáo]).
- 3. Bước 3: Chuyển hoá sách báo bằng kỹ thuật số và xử lý dữ liệu
Để các sách báo tài liệu có thể được bất cứ người nào trên thế giới truy cập trên mạng internet vào bất cứ lúc nào, chúng cần được chuyển hoá thành những dữ liệu điện tử theo kỹ thuật số và được truyền thông trên mạng vô tuyến toàn cầu. Công trình này gồm các công đoạn sau đây:
– Trước hết, tác phẩm sẽ được sao chụp qua máy photocopy đời mới để lấy ra các tập tin (files) hình ảnh hay quét qua máy quét “scanner” thành tập tin dữ liệu dưới dạng PDF. Chúng tôi cũng đã đầu tư một số tiền để mua 1 máy quét và đã làm thử cho những cuốn sách đầu tiên. Sau 5-7 tháng dò dẫm, chúng tôi mới làm được vài chục cuốn sách. Công việc này được anh Giuse Đặng Văn Chiến thuộc giáo xứ Hoà Hưng phụ trách.
Tuy nhiên theo kinh nghiệm của Công ty Ebook Trẻ, máy quét của chúng tôi còn rất hạn chế về độ cong của sách khi sao chụp, về độ phân giải của hình ảnh và dung lượng tập tin quá lớn cho mỗi cuốn sách…Đúng hơn thay vì đầu tư vài chục triệu đồng mua máy quét, chúng tôi nên khai thác các máy quét có giá trị cả tỷ đồng của các thư viện quốc gia để có thể quét nhanh hơn, giá rẻ hơn, hình ảnh đẹp và rõ hơn. Trung bình 1 cuốn sách với nội dung 200 trang khổ A5, 14x20cm, mỗi trang giá khoảng 1.000đ VN, sẽ tốn khoảng 200.000đ tiền chụp dữ liệu.
– Công đoạn tiếp theo là xử lý các tập tin ảnh PDF để chuyển hoá thành tập tin văn bản (text). Đối với nhiều thư viện hiện nay, người ta chỉ đưa các tập tin dạng ảnh nên độc giả chỉ có thể “xem” nhưng không sử dụng được theo ý của mình như cắt, dán, phóng to, thu nhỏ chữ trong bản văn. Muốn làm được như thế, các tập tin dạng hình ảnh phải chuyển đội thành dạng văn bản để định dạng từng chữ, từng số như trong bản văn.
Các dữ liệu sẽ được xử lý trên máy tính cao cấp nhờ một chương trình gọi là “optical character recognition” (nhận dạng ký tự quang học) để “đọc lại” và chuyển hoá chúng thành các tập tin dạng “văn bản”, thay vì phải thuê người đánh máy lại toàn bộ tác phẩm. Nhờ chương trình này, trong vòng ít giây, trang chữ biến thành những tập tin theo dạng văn bản. Ngày 6/8/2015, chúng tôi đã nhận được 1 máy tính Apple Mc Pro do các anh Phong, Liêm-Sử, Ngà, ở Hoa Kỳ mua tặng.
– Tuy nhiên, vì các bản văn tiếng Việt có nhiều dấu giọng chồng lên các chữ như ă â, ê, ơ ô, ư, nên việc chuyển hoá tự động qua việc nhận dạng hình ảnh luôn có những sai sót vài % nên cần có người đọc dò lại, so sánh với nguyên bản và sửa chữa. Đây là công việc nặng nhọc, tốn tiền bạc, thời gian nhất. Trung bình 1 cuốn sách dày 200 trang, khổ 14×20 cm, mỗi trang có khoảng 2.000 từ, có độ sai sót 3% nghĩa là mỗi trang có60 từ sai cần sửa bằng cách đánh máy trực tiếp, nên cần khoảng 10-20 giờ kiểm tra, hiệu đính. Trong thời gian vừa qua, nữ tu Thuỳ Trinh đã đảm nhận công việc dò bài này nên rất vất vả và chị còn phải lo phần quản lý trang web cho nên chúng tôi dự tính sẽ thuê các sinh viên thực hiện công việc này và trả thù lao cho họ.
Chúng ta thử tưởng tượng, một cuốn Điển Ngữ Thần Học Thánh Kinh của Giáo hoàng Học viện Piô X, 4 tập, dày trên 2.000 trang, cần đến 400 giờ kiểm soát và sửa chữa, nghĩa là cần đến hơn 1 tháng làm việc, mỗi ngày 8 giờ. Nói ra điều này để các bạn hình dung khối lượng công việc trong thư viện của chúng ta. Vì thế mỗi năm, chỉ có thể làm vài chục cuốn sách mà thôi. Chúng tôi đã thấy Công ty Ebook Trẻ thuê hàng chục người đọc và đánh máy, trả thù lao hàng tỷ đồng cho công việc này. Vì thế chúng ta không thể mong làm thật nhanh để có một thư viện có hàng ngàn cuốn sách ngay một lúc được.
– Thư viện cũng phải số hoá những tài liệu viết tay, những công trình nghiên cứu của các nhà khoa học, thần học, học giả. Thí dụ tài liệu nghiên cứu của Lm. Thanh Lãng với vài ngàn trang giấy viết tay, rất ích lợi cho các nhà nghiên cứu văn hoá Việt Nam hay cho các sinh viên làm luận văn. Nếu cần phải thuê người đánh máy một số thành văn bản. Đây cũng là công việc nặng nhọc, tốn tiền bạc, thời gian.
– Một số tác phẩm được các thư viện khác lưu trữ bằng những bản vi phim (microfilm), muốn cho độc giả biết và sử dụng các tác phẩm này, Thư viện cũng phải chuyển hoá thành các dữ liệu thông thường cho độc giả truy cập.
3.4. Bước 4: Lưu trữ trong kho
Các sách báo, tài liệu sau khi được số hoá sẽ được lưu trữ trong một kho, giống như các sách được lưu trữ trong một toà nhà cụ thể, gọi là Kho dữ liệu (server). Kho dữ liệu này phải có dung lượng khá lớn để có thể chứa tới vài chục ngàn cuốn sách, phải an toàn để không bị những nhóm “hacker” quấy phá hay tổ chức đối kháng xâm nhập làm hư hỏng, phải có không gian đủ rộng để việc truy cập của độc giả được nhanh chóng và sau cùng phải tồn tại lâu dài.
Qua sự giúp đỡ của Anh Nguyễn Đức Hạnh ở Hoa Kỳ, chúng tôi đã thuê được 1server đủ điều kiện và đặt ở Hoa Kỳ. Tiền thuê sẽ trả hàng năm. Theo thời giá, tiền thuê khoảng 5.000-8.000 Đôla Mỹ/ năm. Hiện nay anh Hạnh đang đóng góp tiền thuê server cho Thư viện chúng ta.
Các tác phẩm lưu giữ trong server được phân loại dữ liệu, được gắn công cụ tìm kiếm tiện dụng và các ứng dụng (app.) như một thư viện điện tử thực thụ: theo Đề mục, tên tác phẩm, tên tác giả, loại dữ liệu như trong một thư viện điện tử hiện chứa các sách điện tử (e-books). Tuy nhiên, theo kinh nghiệm chia sẻ của Công ty Ebook Trẻ, việc lưu trữ này đang có những kỹ thuật mới và Công ty đang thực hiện cho mình cũng như sẵn sàng chia sẻ cho thư viện chúng ta. Vì thế trong thời gian qua chúng tôi phải tìm hiểu để chọn được kỹ thuật tốt nhất cho Thư viện chúng ta.
3.5. Bước 5: Giới thiệu trên trang website
Muốn cho người đọc biết và sử dụng được những gì Thư viện đang có, chúng tôi giới thiệu tất cả sách báo, tài liệu trên 1 website mang tên thuvienconggiaovietnam.net (.com hay .org). Chúng tôi đã nhờ các chuyên viên tin học, đứng đầu là kỹ sư Lê Thái Dương, thiết kế trang web này trong suốt mấy tháng vừa qua và vẫn còn tiếp tục hoàn chỉnh nó. Đây là công việc khá phức tạp và chúng tôi rất mong được sự góp ý và trợ giúp của các bạn đọc cũng như các chuyên viên điện tử trong lĩnh vực này. Vì thế chúng tôi giới thiệu trang web này từ hôm nay. Chúng tôi giới thiệu trang web này ở phần sau đây.
- Hướng dẫn sử dụng trang web của Thư viện
Trang web này được ví như cửa hàng sách bày những sách báo, tài liệu cho các bạn xem, đọc và có thể tải về làm thành tủ sách riêng của mình. Đối với các bạn đã từng sử dụng internet, chúng tôi hy vọng các bạn có thể dễ dàng thực hiện vài công việc cần thiết cho phần đăng ký và đăng nhập như bất cứ trang web nào. Còn đối với các bạn chưa quen với internet, chúng tôi xin giới thiệu phần hướng dẫn sau đây.
4.1. Việc đăng ký và đăng nhập
Trên trang chủ của website này, bạn thấy dòng chữ đầu tiên là Đăng ký và Đăng nhập. Để đọc được nội dung của các sách, bạn cần phải đăng ký và đăng nhập.
– Việc đăng ký: Bạn điền các thông tin cá nhân cần thiết như Tên của bạn, Địa chỉ, email, Mật khẩu (bạn tự chọn và ghi nhớ mật khẩu này), Ngày sinh, Giới tính để chúng tôi có thể giúp đỡ bạn trong việc sử dụng Thư viện cách hiệu quả.
– Việc đăng nhập: Sau khi điền các thông tin, bạn nhấn vào ô chữ Đăng ký là hoàn thành việc đăng nhập. Ở góc phải màn hình sẽ hiện lên tên bạn đã đăng ký và từ nay bạn có quyền vào thư viện để truy cập các sách trong đó.
4.2. Các phần chính trên trang chủ
Trên dòng “Menu” bạn sẽ thấy các ô: Hình ngôi nhà (Trang chủ), Thư viện, Tủ sách, Giới thiệu, Nhập từ khoá…, Tìm tất cả thể loại, Tìm kiếm. Nhấn vào từng ô bạn sẽ thấy trải ra nhiều nội dung.
– Trang chủ: Có 4 nội dung chính sau đây: Sách mới đưa vào Thư viện, Sách sắp đưa vào Thư viện, Sách hay nên đọc, Tham khảo.
– Thư viện: nhấn vào ô chữ này, bạn sẽ thấy xuất hiện ở bên trái màn hình cột Danh mục-Thể loại, dưới đó là 10 ô kể tên 10 đại mục, mỗi đại mục có 1 ô dấu +. Nhấn vào dấu cộng này, bạn sẽ thấy xuất hiện 10 trung mục liên quan. Nhấn vào dấu + ở trung mục, bạn sẽ thấy xuất hiện 10 tiểu mục liên quan.
Người đọc chỉ cần gõ vào ô tìm kiếm ở phía bên phải màn hình theo tên sách hay tên tác giả hoặc tên chủ đề sẽ thấy hiện ra mã số của các sách trong mỗi mục và tác phẩm muốn tìm. Hiện nay số sách giới thiệu trên trang web còn ít vì chúng tôi thiếu người đọc dò bài, sửa lỗi cũng như người viết lời giới thiệu cho từng cuốn sách nên trong các mục còn để trống. Hy vọng kho sách sẽ dần dần đầy lên nhờ sự cộng tác của mọi người.
4.3. Tủ sách
Trong phần này bạn có các mục: Thông tin, Phần mềm đọc sách: ứng dụng cho PC, IOS hay Android, Hỗ trợ: các hướng dẫn. Ngoài việc đọc và tìm kiếm thông tin, bạn có thể tạo 1 tủ sách cho riêng bạn với cách sách bạn ưa thích, đã đọc hay sẽ đọc.
4.4. Giới thiệu
Trong phần này có Lời giới thiệu về Thư viện của Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh, Hướng dẫn tham gia TVĐTCG của Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Danh sách các nhà tài trợ cho Thư Viện.
- Mời gọi tham gia vào việc xây dựng nền văn hóa
Chúng tôi quan niệm rằng Thư Viện này là 1 phương tiện để xây dựng nền văn hoá và văn minh Kitô giáo. Vì thế chúng tôi cũng mời gọi những ai sử dụng Thư viện này tham gia vào công trình xây dựng nền văn hoá sự sống và văn minh tình yêu cách tích cực và năng động qua những ứng dụng khác của trang Web. Do đó, trong trang web này chúng tôi có một số ứng dụng trong phần Tham Khảo như:
+ Luận văn nghiên cứu: giới thiệu các luận văn tốt nghiệp, chuyên đề nghiên cứu của các giáo sư, tiến sĩ, nghệ sĩ Công Giáo trong các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, văn hoá.
+ Nghiên cứu trải nghiệm: về văn hoá theo các chuyên đề như Đặc ngữ Công Giáo, Bàn luận từ ngữ, Lịch sử văn hoá, Chơi Ô chữ- Học Thánh Kinh… do thầy Micae Nguyễn Hạnh phụ trách.
+ Sáng tác văn học: giới thiệu những sáng tác mới về thơ, văn do các thi sĩ Trăng Thập Tự, Lê Đình Bảng phụ trách.
+ Lời Chúa Hằng ngày: gồm các phần suy niệm Lời Chúa, các Lời kinh, Lời khuyên mục vụ…do Cha Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ; anh Trần Quý Hiệp phụ trách.
Chúng tôi hy vọng các mục này có thể giúp các bạn độc giả có thêm hứng thú trước những trang chữ khô khan, kích thích khả năng sáng tạo của người đọc.
- Việc truy cập trên website có phải trả phí?
– Người đọc truy cập với tư cách nghiên cứu cá nhân được hoàn toàn miễn phí và truy cập không giới hạn. Tuy nhiên một vài tác phẩm có thể được mã hoá để hạn chế việc truy cập do nội dung có những điểm tiêu cực (Thí dụ: Sách Tây Dương Gia Tô Bí Lục) hay cần xác định độ tuổi (Thí dụ: Sách về giới tính và quan hệ tình dục).
– Việc truy cập các file dữ liệu thuộc quyền sở hữu của Thư viện nhằm mục đích in ấn, xuất bản thành sách để bán, hay nghiên cứu, in thành văn bản để đạt các học vị của cá nhân hay tập thể đều phải được sự đồng ý bằng văn bản của Ban Quản Trị Thư Viện và phải trả một phần phí cho việc thực hiện các file dữ liệu đó.
- Quyền sở hữu của Thư viện
– Thư viện chỉ giữ quyền sở hữu đối với những tác phẩm đã được uỷ thác cho Thư viện từ những cá nhân và tập thể muốn nhượng quyền sở hữu tác phẩm của mình để từ nay Thư viện quản lý chúng. Trên trang Web sẽ có mã số chỉ rõ tác phẩm nào thuộc quyền sở hữu của Thư Viện.
– Các tác phẩm khác được tác giả hay người nắm quyền sở hữu cho Thư viện mượn để số hoá và đưa vào Thư viện sử dụng thì Thư viện chỉ có tác quyền trên dữ liệu điện tử mà thư viện đã bỏ công sức, tiền bạc ra thực hiện mà thôi. Các cá nhân và tập thể vẫn giữ nguyên tác quyền đối với tác phẩm vật thể của họ và có quyền trao tặng cho người khác sử dụng theo ý mình.
– Thư viện không có tác quyền trên những tác phẩm mà bạn đọc gửi tới qua đường kết nối (link) hay trao cho mà không có giấy uỷ quyền.
– Thư viện tha thiết xin các tác giả, các văn nghệ sĩ, các tổ chức có quyền sở hữu tác phẩm như các cá nhân, cộng đồng dòng tu, các nhà xuất bản và các thư viện khác gửi các tác phẩm mình sở hữu về cho Thư viện Điện tử Công Giáo Việt Nam mà không đòi hỏi bất cứ một điều kiện tài chính nào. Lý do là vì Thư viện này được lập ra hoàn toàn vì mục đích phục vụ cộng đồng Dân Chúa và nhân loại cách vô vị lợi mà không đòi hỏi ai bất cứ điều kiện nào.
– Trong trường hợp vì một lý do bất ngờ ngoài ý muốn, mà Thư viện phải đột ngột đóng cửa, không còn phục vụ được nữa, thì tất cả tài sản vật chất cũng như tinh thần của Thư viện đều được giao về cho Hội đồng Giám mục Việt Nam quản lý và sử dụng.
- Nguồn lực của Thư viện gửi về đâu?
Để có thể vận hành, Thư viện cần sự đóng góp các ngưồn lực vật chất và tinh thần của mọi cá nhân và tập thể nào muốn xây dựng và phổ biến nền văn hoá và văn minh Kitô Giáo. Cụ thể như sau:
– Xin gửi các files sách báo, tài liệu Công Giáo đang có cho Thư Viện theo địa chỉ:thuviencgvn@gmail.com
– Xin gửi các sách báo, tài liệu, băng đĩa, hình ảnh… Công Giáo chưa được số hoá về địa chỉ: Lm. Giuse Phạm Bá Lãm, Nhà thờ Hoà Hưng, 104 Tô Hiến thành, P.15, Q. 10, Tp. HCM, Việt Nam. Đt: 0902509090.
– Xin chuyển tiền bạc, máy móc, vật chất đóng góp cho Thư viện về Lm. Giuse Phạm Bá Lãm, Nhà thờ Hoà Hưng, 104 Tô Hiến thành, P.15, Q. 10, Tp. HCM, Việt Nam. Đt: 0902509090.
– Các ý kiến đóng góp về việc xây dựng, tổ chức, quản lý, điều hành… xin gửi về Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, 1b Tôn Thất Tùng, Q.1, Tp. HCM, Việt Nam theo địa chỉ:thuviencgvn@gmail.com
– Xin các anh chị em văn nghệ sĩ và các chuyên viên tham gia đảm nhận những mục trong trang website để giới thiệu, sách báo, thơ văn cho thiếu nhi, thanh thiếu niên và người lớn.
- Dự liệu nguồn lực để thực hiện dự án Thư viện
– Sau phần chuẩn bị nhân sự, Thư viện cần 1 địa điểm để làm việc, chứa các sách báo, tài liệu “vật thể” từ các nơi gửi về, đặt các máy móc làm việc cũng như để thỉnh thoảng các anh chị em trong các ban có thể gặp nhau. Nhờ sự giúp đỡ của Cha Lãm, Phó chủ nhiệm, địa điểm đó hiện nay đặt tại 1 phòng trong giáo xứ Hoà Hưng. Về lâu dài, khi Cha Lãm không làm cha xứ nữa, Thư viện này cũng cần một địa điểm thích hợp.
– Thư viện cần một số tiền để thực hiện việc số hoá và xử lý dữ liệu, trả lương cho nhân viên thường trực.
Nếu 100 trang sách khổ A5 quét thành dữ liệu dạng PDF hiện nay tốn khoảng 100.000 đ và cần tối thiểu 3 ngày làm việc để dò bài và xử lý chỗ sai 150.000đ/ngày. Tổng cộng là 450.000 đ/cuốn. Cộng thêm các chi phí khác như điện, nước… khoảng 50.000 đ. Tổng cộng 600.000 đ.
Nếu mỗi năm Thư viện làm được 100 cuốn x 600.000 đ = 60.000.000 đ
– Thư viện cần trả lương cho 1 người quản thủ thường trực làm việc tại văn phòng. Nếu mỗi tháng 4 triệu đồng x 12 tháng = 48 triệu đồng. Đây là người lãnh thù lao duy nhất, còn các anh em khác đều làm tự nguyện, không lấy thù lao.
-Thư viện dành khoảng 10 triệu đồng cho các đồ dùng văn phòng như tủ đựng sách báo, tài liệu, giấy in nhãn mã hoá, bút…
– Trong văn phòng, về lâu dài, có lẽ cần phải có 1 máy photocopy, máy scanner, máy tính văn phòng, một máy điện thoại để việc xử lý được an toàn và nhanh chóng
– Đó là chưa kể tiền thuê 1 server hằng năm, khoảng 100 triệu đồng (5.000 USD).
Tổng cộng, dự án này mỗi năm cần từ 200 đến 250 triệu đồng VN (khoảng 10.000 đến 12.000 USD). Trong trường hợp xử lý nhiều tác phẩm, tiền chi sẽ cao hơn.
Đây là một công trình lớn, có tính cách cần thiết, ích lợi lâu dài cho Giáo Hội và xã hội Việt Nam nên chúng ta hy vọng sẽ có nhiều người chung tay góp sức và có các vị ân nhân giúp đỡ.
Lời kết
Thay mặt cho Ban Quản trị Thư Viện, chúng tôi xin hết lòng cám ơn Quý Đức Cha, Quý Cha, và tất cả anh chị em đang hy vọng Thư viện này sớm thành hình. Cầu chúc tất cả luôn tràn đầy niềm vui của Chúa Phục Sinh và ơn lành của Chúa Thánh Thần tronh Năm Thánh về Lòng Chúa Thương Xót.
Kính thư,
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn
Chủ nhiệm
Nguồn: UBGDCG/HĐGMVN