Ủy ban Thánh Nhạc: Hội thảo lần 34
-+-
WGPSG — Ủy ban Thánh Nhạc trực thuộc HĐGMVN đã tổ chức buổi hội thảo lần thứ 34 tại Trung tâm Mục vụ TGP Sài Gòn trong buổi sáng thứ Ba ngày 29/4/2014.
Tham dự có Đức cha Lôrensô Chu Văn Minh, Giám mục phụ tá TGP Hà Nội, quý cha Trưởng ban Thánh Nhạc các giáo phận, quý cha, quý tu sỹ, quý nhạc sỹ và ca trưởng các ca đoàn. Đức cha Vinhsơn Nguyễn Văn Bản, Chủ tịch UBTN và cha Roco Nguyễn Duy, Thư ký UBTN hướng dẫn phần hội thảo.
Trước khi bước vào 2 phần chính: Đúc kết về Bản Hướng dẫn Mục vụ Thánh nhạc và Thuyết trình về đề tài “Cung Ngắm”, mọi người đã nghe Ban Tổ chức điểm lại một vài tin chính:
– Ngày 27/2/2014, tại nhà thờ DCCT Sài Gòn đã diễn ra chương trình Giao hưởng Hợp xướng do nhạc sỹ Vũ Đình Ân dàn dựng dưới sự cố vấn của cha Giám tỉnh Vinh Sơn Phạm Trung Thành.
– Ngày 26/3/2014, tại TGM Thanh Hóa đã diễn ra vòng chung kết thi “Ngắm Đứng” cấp giáo phận do Ban Phụng vụ GP tổ chức.
– Ngày 22/4/2014, Ban Thánh Nhạc Giáo phận Xuân Lộc sinh hoạt thường kỳ lần thứ I. Cha Đaminh Trần Công Hiển được bổ nhiệm làm trưởng ban Thánh nhạc GP thay thế cha Vinh Sơn Phạm Liên Hùng, nghỉ hưu vì lý do sức khoẻ.
– Tối ngày 28/4/2014, tại TTMV Sài Gòn đã diễn ra chương trình Thánh ca với chủ đề Tin Mừng Phục Sinh do UBTN thực hiện. Trong đêm thánh ca có sự hiện diện rất đông của nhiều thành phần dân Chúa trong đó có Đức cha chủ tịch UBTN, Đức cha Lôrensô, và Đức cha Phêrô, giám mục phụ tá TGP TPHCM.
– Cha Thư ký UBTN đã trình bày một số điểm chính yếu về tài liệu “Hướng dẫn Thánh Nhạc”. Cha cho biết trong mấy tháng vừa qua, Ban soạn thảo vẫn nhận được nhiều ý kiến chân thành đóng góp, vừa được UBTN soạn thảo và phát hành. Tập tài liệu này có 88 trang khổ giấy A5 với 232 điều, được chia thành 5 chương: Vì sao chúng ta hát; Hội Thánh cầu nguyện; Âm nhạc trong việc thờ phượng Chúa; Chuẩn bị bài hát cho cử hành Phụng vụ; Cấu trúc bài hát trong Phụng vụ. Được biết Bản hướng dẫn này là niềm mong mỏi từ lâu của mọi người, các GP sẽ đăng ký số lượng để Ban thư ký in và gửi về. Đức cha Vinh Sơn cho biết thêm, trải qua 5 lần hội thảo, tập tài liệu được góp ý tu sửa nhiều lần. Trong phiên họp thường niên kỳ I/2014, HĐGMVN đã đồng ý cho áp dụng thử nghiệm Bản hướng dẫn này trong vòng 3 năm. Từ bây giờ, các cá nhân và đoàn thể phải thực hiện theo Bản hướng dẫn này và xin mọi người tiếp tục góp những ý kiến xây dựng.
Trong phần thuyết trình về đề tài “Cung Ngắm”, ĐC Lôrensô đã khái quát cung ngắm các giáo phận miền Bắc thành 2 cung. “Cung ngắm Dòng” do các cha dòng Đaminh truyền lại, được áp dụng ở các GP: Bùi Chu, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thái Bình. “Cung ngắm Triều” do các cha hội Thừa Sai truyền lại được áp dụng ở các GP còn lại. ĐC giới thiệu một công thức ngắn gọn, đơn giản để người trẻ có thể dễ dàng thực hành. Theo ĐC, cung ngắm Triều đơn giản, chia thành 2 bậc trầm và bổng. Bậc trầm gồm những chữ có dấu “nặng – huyền – hỏi” có cao độ Fa. Bậc bổng gồm những chữ còn lại là “không dấu – sắc – ngã” có cao độ La. Cung ngắm Dòng đơn giản thì chia làm 3 bậc trầm, trung và bổng. Bậc trầm gồm những dấu “nặng – huyền” có cao độ Mi, riêng dấu “hỏi” thì luyến kép có cao độ Mi – La. Bậc trung gồm những chữ “không dấu” có cao độ La. Bậc bổng gồm những dấu “sắc – ngã” có cao độ Đô. Về nội dung thì có 3 loại ngắm: Ngắm Rằng, Ngắm Dấu Đanh và Ngắm Đại Thể (15 sự Thương Khó). Mỗi loại ngắm, ĐC Lorenso đều ký âm kèm theo và khi ngắm minh họa, ĐC đã lôi cuốn người nghe bằng chất giọng diễn cảm đặc trưng của người miền Bắc.
Sang phần thảo luận, các tham dự viên đã nêu lên một số điểm về “Cung Ngắm” ở miền Nam, miền Trung; Về sửa lời các bài ngắm; Về phân biệt “ngắm” với đọc đoạn và hát. Đức cha Vinh Sơn và Đức cha Lôrensô đã giải thích thêm về cung ngắm ở Bình Định mà một số giáo phận ở giáo tỉnh Sài Gòn đang áp dụng. Việc sửa lời bài ngắm phải đợi Ban sửa Kinh làm việc thống nhất, còn hiện nay, các GP vẫn sử dụng sách ngắm cũ của GP mình. Việc ký âm theo nốt nhạc, ở đây chỉ gạch nhịp theo dấu “chấm – phẩy” để người ngắm biết chỗ nghỉ, chỗ ngân chứ không theo đúng trường độ như các bài hát, một số tác giả khác đã ký âm theo đúng nhạc lý cho những ai muốn tham khảo. Qua hội thảo, mọi người mong ước cung ngắm miền Nam cũng có người sưu tập phổ biến, còn để ngắm được biểu cảm thì người ngắm phải học hỏi, luyện tập chứ mẫu đưa ra chỉ để áp dụng cho những người chưa biết ngắm… Giờ giải lao, mọi người tiếp tục trao đổi và thảo luận theo các nhóm nhỏ về mọi đề tài có liên quan đến Thánh Nhạc.
Hội thảo TN lần tới vẫn tổ chức tại TTMV Sài Gòn và tiếp tục đề tài về Bình ca do cha giáo Kim Long phụ trách. Được biết mỗi lần hội thảo, các tham dự viên đều nhận được quà tặng là tập nội san Hương Trầm (đã phát hành được 19 số), các sách, băng đĩa thánh ca do các nhạc sĩ công giáo thực hiện.