ĐỨC THÁNH CHA CHỦ SỰ NGHI THỨC TRAO VÀ ĐỌC SẮC CHỈ CÔNG BỐ NĂM THÁNH 2025
Vào lúc 5 giờ rưỡi chiều thứ Năm ngày 09/5/2024, tại Đền thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha đã chủ sự buổi cử hành Kinh chiều II lễ Chúa Lên Trời, cùng nghi thức trao và đọc Sắc chỉ công bố Năm Thánh 2025.
Hiện diện tại buổi cử hành với Đức Thánh Cha, có khoảng 50 Hồng y, 40 Giám mục, 100 linh mục và rất đông các tín hữu.
Trao và đọc Sắc chỉ
Buổi cử hành được bắt đầu bằng lời chào phụng vụ của Đức Thánh Cha và giới thiệu nghi thức cử hành. Ngài đọc: “Anh chị em thân mến, Thiên Chúa toàn năng và nhân hậu làm sống lại trong chúng ta niềm hy vọng chắc chắn về vinh quang mà ân sủng đã được dành cho chúng ta. Hôm nay, vào lễ trọng Chúa Lên Trời, trước Cửa Thánh của Đền thờ Thánh Phêrô, trước sự hiện diện của Giáo hội lữ hành Roma, tôi gửi đến các vị Giám quản 4 Đền thờ Roma, một số đại diện Giáo hội trên toàn thế giới và Công chứng viên Tông toà, Sắc chỉ Spes non confundit công bố Năm Thánh năm 2025, để đọc. Xin Chúa Thánh Thần, Đấng Phục Sinh đã hứa, mở lòng chúng ta đón nhận hồng ân hy vọng, để nhờ sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, cuộc sống của chúng ta có thể được đổi mới bởi đức tin và tình yêu”.
Tiếp đến Đức Thánh Cha trao Sắc chỉ Năm Thánh 2025 cho bốn vị Giám quản Đền thờ ở Roma, gồm Đền thờ Thánh Phêrô, Đền thờ Latêranô, Đền thờ Đức Bà Cả và Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành. Ngài cũng trao Sắc chỉ cho các vị đại diện của các Giáo hội trên toàn thế giới và một Công chứng viên Tông toà để đọc một số đoạn quan trọng của Sắc chỉ.
Nội dung chính của Sắc chỉ
Trong Sắc chỉ, Đức Thánh Cha tuyên bố ngài mong muốn sẽ mở Cửa Thánh trong một nhà tù, kêu gọi xoá nợ cho các nước nghèo, tỷ lệ sinh cao hơn, chào đón người di cư và tôn trọng Thụ tạo. Ngài hy vọng thành lập một Quỹ xoá đói và cam kết ngoại giao cho hoà bình lâu dài.
Công chứng viên Tông toà đọc ngắn gọn 25 điểm của Sắc chỉ. Điểm đầu tiên bắt đầu với tựa đề Sắc chỉ “Spes non confundit – Niềm Hy vọng không làm thất vọng” (Rm 5,5). Đức Thánh Cha nghĩ đến tất cả những người hành hương hy vọng sẽ đến Roma trong Năm Thánh, và cả những người không thể đến thành phố của Tông đồ Phêrô và Phaolô sẽ cử hành Năm Thánh trong các Giáo hội địa phương. Ngài mong ước đây là thời gian sống động và gặp gỡ cá nhân của mọi người với Chúa Giêsu, “Cánh cửa” ơn cứu độ.
Đức Thánh Cha cũng ấn định rằng vào Chúa nhật ngày 29/12/2024, tất cả các Nhà thờ Chính toà, các Giám mục sẽ cử hành Thánh lễ long trọng khai mạc Năm Thánh. Và Năm Thánh sẽ kết thúc bằng nghi thức đóng Cửa Thánh Đền thờ Thánh Phêrô vào ngày 06/01/2026, lễ Hiển Linh.
Phần cuối cùng được đọc thể hiện mong muốn của Đức Thánh Cha dựa trên Lời Chúa trong Thánh vịnh 27 câu 4: “Hãy cậy trông vào Chúa, mạnh bạo lên, can đảm lên nào! Hãy cậy trông vào Chúa”.
Buổi cử hành được tiếp tục với đoàn rước tiến đến Bàn thờ Tuyên xưng đức tin, và hát Phụng vụ Kinh chiều II lễ Chúa Lên Trời.
Lời Chúa được công bố trong giờ Kinh chiều trích thư thứ nhất của Thánh Phêrô Tông đồ: “Đức Kitô đã chịu chết một lần vì tội lỗi, Đấng Công Chính đã chết cho kẻ bất lương hầu dẫn đưa chúng ta đến cùng Thiên Chúa. Thân xác Người đã bị giết chết, nhưng nhờ Thần Khí, Người đã được phục sinh. Đấng đang ngự bên hữu Thiên Chúa sau khi đã lên trời, đã bắt các thiên sứ và toàn thể thần minh phải phục quyền” (1Pr 3, 18.22).
Sau đây là bài giảng của Đức Thánh Cha:
Bài giảng của Đức Thánh Cha
Giữa những tiếng reo mừng, Chúa Giêsu lên trời, ngự bên hữu Chúa Cha. Như chúng ta vừa nghe, Người đã chịu chết để chúng ta được thừa hưởng sự sống đời đời (1 Pr 3, 22). Do đó, việc Chúa thăng thiên không phải là một sự tách biệt, một sự xa cách chúng ta, nhưng đó là sự hoàn thành sứ vụ của Người. Chúa Giêsu đã xuống với chúng ta để chúng ta có thể lên cùng Chúa Cha. Người đã xuống với chúng ta để nâng chúng ta lên cao. Người xuống tận cùng dưới đất để mở rộng cửa Trời trên chúng ta. Người đã tiêu diệt cái chết của chúng ta để chúng ta có thể nhận được sự sống, mãi mãi.
Đây là nền tảng hy vọng của chúng ta: Chúa Kitô, Đấng đã lên trời, mang nhân tính của chúng ta đến với trái tim của Thiên Chúa, với tất cả niềm hy vọng và trông mong, “để ban cho chúng ta niềm tin tưởng rằng Người đã đi trước mở đường dẫn chúng ta vào Nước Chúa khiến chúng ta là những chi thể của Người nắm chắc phần hy vọng sẽ cùng Người hưởng phúc vinh quang” (Lời nguyện lễ Thăng Thiên)
Anh chị em thân mến, chính niềm hy vọng này, bắt nguồn từ Chúa Kitô, Đấng đã chết và sống lại, mà chúng ta muốn cử hành, chào đón và loan báo cho toàn thế giới Năm Thánh sắp tới, mà bây giờ đang đến gần. Niềm hy vọng này không đơn giản là sự lạc quan của con người hay mong đợi phù du về một lợi ích trần thế nào đó. Không, đó là một thực tại đã được hoàn thành trong Chúa Giêsu và điều đó cũng được ban cho chúng ta mỗi ngày, cho đến khi chúng ta nên một trong vòng tay yêu thương của Người. Niềm hy vọng Kitô giáo -như Thánh Phêrô viết – là “một gia tài không thể hư hại, không thể vẩn đục và tàn phai” (1 Pr 1, 4). Hy vọng nâng đỡ hành trình cuộc sống chúng ta ngay cả khi cuộc sống quanh co và mệt mỏi; mở ra trước mắt chúng ta những con đường tương lai khi sự cam chịu và bi quan muốn giam cầm chúng ta; làm cho chúng ta thấy điều tốt lành có thể đến khi sự dữ dường như thắng thế; giúp chúng ta thanh thản khi tâm hồn bị đè nặng bởi thất bại và tội lỗi; làm cho chúng ta mơ về một nhân loại mới và làm cho chúng ta can đảm trong việc xây dựng một thế giới huynh đệ và hòa bình; khi có vẻ như không đáng để nỗ lực. Đây là niềm hy vọng, hồng ân mà Chúa đã trao cho chúng ta với Bí tích Rửa tội.
Anh chịem thân mến, trong Năm Cầu Nguyện này, khi chúng ta chuẩn bị cử hành Năm Thánh, chúng ta hãy hướng tâm hồn lên Chúa Kitô, để trở thành những người ca vang niềm hy vọng trong một thế giới được đánh dấu bởi quá nhiều tuyệt vọng. Bằng cử chỉ, lời nói, những lựa chọn của mỗi ngày, sự kiên nhẫn để gieo một chút vẻ đẹp và lòng tốt bất cứ nơi nào chúng ta hiện diện, chúng ta muốn hát lên niềm hy vọng, để giai điệu của nó có thể chạm đến trái tim nhân loại và đánh thức trong mỗi tâm hồn niềm vui và lòng can đảm để đón nhận sự sống.
Thực vậy, chúng ta cần hy vọng. Xã hội chúng ta đang sống, thường chỉ đắm chìm trong hiện tại và không có khả năng nhìn về tương lai, cần hy vọng. Thời đại chúng ta đang sống, bị cuốn vào chủ nghĩa cá nhân với sự mệt mỏi ngày qua ngày, cần hy vọng. Công trình sáng tạo của Chúa, vốn bị tổn thương nặng nề và biến dạng bởi sự ích kỷ của con người, cần hy vọng. Niềm hy vọng cần cho các dân tộc và các quốc gia đang nhìn về tương lai với tâm trạng lo sợ, trong khi bất công và kiêu ngạo vẫn tồn tại, người nghèo bị loại bỏ, chiến tranh gieo rắc cái chết, và giấc mơ về một thế giới huynh đệ dường như chỉ là một ảo ảnh. Những người trẻ, thường mất phương hướng nhưng mong muốn sống trọn vẹn, cần hy vọng. Người lớn tuổi, những người mà văn hóa hiệu quả và lãng phí không còn biết cách tôn trọng và lắng nghe, cần hy vọng. Người bệnh và tất cả những người bị thương về thể xác và tinh thần, những người có thể nhận được sự an ủi qua sự gần gũi và quan tân của chúng ta, cần hy vọng.
Giáo hội cần hy vọng, để ngay cả khi cảm thấy gánh nặng mệt mỏi và yếu đuối, Giáo hội luôn nhớ rằng mình là Hiền Thê của Chúa Kitô, được yêu thương với một tình yêu muôn thuở và trung tín, được mời gọi để bảo vệ ánh sáng Tin Mừng, được sai đi để thông truyền cho tất cả ngọn lửa mà Chúa Giêsu đã mang đến và thắp sáng trên thế giới một lần và mãi mãi.
Anh chị em thân mến, mỗi chúng ta cần hy vọng trong một cuộc sống đôi khi mệt mỏi và bị tổn thương, trái tim khát khao sự thật, khao khát sự tốt lành và vẻ đẹp, khao khát về giấc mơ mà không bóng tối nào có thể xua tan. Tất cả mọi sự, bên trong và bên ngoài chúng ta, đều kêu xin hy vọng và tìm kiếm, ngay cả khi không biết điều đó: sự gần gũi của Thiên Chúa. Romano Guardini nói đối với chúng ta dường như thời đại chúng ta là thời đại xa cách Thiên Chúa, trong đó thế giới đầy tràn mọi thứ và Lời Chúa không được lắng nghe. Tuy nhiên, ông khẳng định: “Nếu thời điểm đến, và sẽ đến, sau khi bóng tối đã bị xua tan, khi con người sẽ hỏi Thiên Chúa, ‘Lạy Chúa, Ngài đã ở đâu?’, thì một lần nữa họ sẽ nghe câu trả lời: ‘Hơn bao giờ hết, ta đang rất gần các con’. Có lẽ Thiên Chúa gần với thời đại băng giá của chúng ta hơn là baroque với sự huy hoàng của các ngôi nhà thờ của nó, thời Trung cổ với sự phong phú của các biểu tượng, với Kitô giáo sơ khai với lòng can đảm trẻ trung khi đối diện với cái chết. […] Nhưng Người chờ đợi […] rằng chúng ta vẫn trung tín với Người. Từ đó có thể nảy sinh một đức tin có giá trị không kém, hơn nữa có lẽ còn tinh ròng hơn, trong mọi hoàn cảnh còn mãnh liệt hơn bao giờ hết trong thời kỳ phong phú nội tâm” (R. Guardini, Chấp nhận chính mình, Brescia 1992, 72).
Anh chị em thân mến, nguyện xin Chúa Phục Sinh, Đấng lên trời, ban cho chúng ta ân sủng để tái khám phá niềm hy vọng, loan báo hy vọng, xây dựng hy vọng.
Nguồn: vaitcannews.va/vi