Bế mạc Năm thánh Josaphat tại Đền thờ thánh Phêrô
Lúc 3 giờ chiều, thứ Bảy, ngày 11 tháng Mười Một này, Đức Tổng giám mục Trưởng Sviatoslav Shevchuk, Giáo chủ Chính thống Ucraina nghi lễ Đông phương, sẽ chủ sự Kinh Chiều trọng thể, tại Đền thờ thánh Phêrô ở Roma, nhân dịp bế mạc Năm thánh kỷ niệm 400 năm thánh Josaphat tử đạo. Hài cốt thánh nhân được lưu giữ trong mộ tại Đền thờ thánh Phêrô.
Trưa Chúa nhật, ngày 12 tháng Mười Một, Đức Thánh cha sẽ chủ sự kinh Truyền tin với các tín hữu tại Quảng trường thánh Phêrô, và sẽ có nhiều tín hữu Công giáo Ucraina tham dự buổi đọc kinh này. Tiếp đến, vào lúc 1 giờ 30 trưa, Đức Tổng giám mục Trưởng sẽ đồng tế thánh lễ với Đức Tổng giám mục Gintaras Grusas, Tổng giám mục Giáo phận Vilnius, Chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục Âu châu, tại bàn thờ Ngai Tòa, trong Đền thờ thánh Phêrô, trước sự tham dự của các tín hữu Công giáo Ucraina.
Thánh Josaphat Kuncewycz, người Ucraina, sinh năm 1580 tại Volinia, trong một gia đình Chính thống giáo nhiệt thành, theo học tại Vilnius nay thuộc Lituani. Ngài trở lại Công giáo hồi năm 1604, khi được 24 tuổi và gia nhập Đan viện Dòng thánh Basilio, với tên là Josaphat. Năm 1617, ngài được bổ nhiệm làm Giám mục Phó Giáo phận Polock, rồi năm sau đó trở thành Tổng giám mục giáo phận này, khi mới được 38 tuổi. Ngày 12 tháng Mười Một năm 1623, ngài bị những người theo Chính thống giáo sát hại, trong lúc ra khỏi thánh đường khi mới cử hành thánh lễ. Ngài được Đức Giáo hoàng Piô IX tôn phong hiển thánh năm 1867 và được tôn làm Bổn mạng của Giáo hội Công giáo Ucraina. Năm 1963, di hài của thánh nhân được đưa với Đền thờ thánh Phêrô, do ý của Đức Giáo hoàng Phaolô VI và được đặt dưới bàn thờ kính thánh Basilio Cả.
Năm nay, Giáo hội Công giáo Ucraina nghi lễ Đông phương kỷ niệm 400 năm thánh Josaphat chịu tử đạo. Các tín hữu và 55 giám mục của Giáo hội này đã về Roma hành hương và trong dịp này, các giám mục đã nhóm công nghị, từ ngày 03 đến ngày 12 tháng Chín vừa qua.
Giáo hội Công giáo Ucraina Đông phương được thành lập năm 1595, khi một số giám mục, linh mục và giáo hữu rời bỏ Chính thống Nga xin hiệp nhất với Tòa Thánh, và được giữ nguyên phụng vụ Byzantine và kỷ luật của Chính thống. Hiện nay, Giáo hội này có năm triệu tín hữu, hơn 4.100 giáo xứ và trên 3.000 linh mục, tại 13 nước trên thế giới. Đây là Giáo hội đông nhất trong số 22 Giáo hội Công giáo Đông phương hiệp nhất với Tòa Thánh. (Tổng hợp 9-11-2023).
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
nguồn: vietnamese.rvasia.org
#namthanhjosaphat #denthothanhphero