SỨ ĐIỆP
CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ
CHO NGÀY THẾ GIỚI BỆNH NHÂN LẦN THỨ XXXI
Ngày 11. 02. 2023
WHĐ (12.01.2023)– Hôm 10. 01 vừa qua, Toà thánh đã công bố Sứ điệp của Đức Thánh cha Phanxicô, cho Ngày Thế giới bệnh nhân lần thứ XXXI, sẽ được cử hành vào ngày 11. 02. 2023 sắp tới.
Dưới đây là nội dung Sứ điệp của Đức Thánh Cha:
“Hãy chăm sóc cho người này”
Lòng trắc ẩn như một bài tập Hiệp hành của việc chữa lành
Anh chị em thân mến!
Bệnh tật là một phần trải nghiệm của thân phận con người chúng ta. Nhưng bệnh tật có thể trở thành phi nhân nếu nó bị trải nghiệm trong tình trạng cô lập và bị bỏ rơi, không được đồng hành với sự quan tâm và lòng trắc ẩn.
Khi bước đi cùng nhau, chẳng có gì lạ khi có ai đó cảm thấy yếu mệt, phải dừng lại vì mệt mỏi hoặc vì rủi ro trên đường. Chính trong những khoảnh khắc như vậy, chúng ta thấy mình đang bước đi như thế nào: liệu đó có thực sự là bước đi cùng nhau, hay chỉ đơn thuần là những cá nhân đi trên cùng một con đường, chăm lo cho lợi ích của bản thân, và để người khác “tự bảo vệ mình”. Do đó, vào Ngày Thế giới Bệnh nhân lần thứ XXXI này, khi toàn thể Giáo hội đang trên lộ trình Hiệp hành, tôi mời gọi anh chị em cùng suy tư về sự thật rằng chính nhờ kinh nghiệm về sự mong manh và bệnh tật mà chúng ta có thể học cách cùng nhau bước đi theo phong cách của Thiên Chúa, đó là sự gần gũi, trắc ẩn và dịu dàng.
Trong Sách ngôn sứ Ezekiel, trong lời tiên tri vĩ đại cấu thành một trong những điểm cao nhất của toàn bộ Mặc khải, Đức Chúa phán thế này: “Chính Ta sẽ chăn dắt chiên của Ta, chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ – sấm ngôn của Ðức Chúa là Chúa Thượng. Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh… Ta sẽ theo lẽ chính trực mà chăn dắt chúng” (34, 15-16). Những trải nghiệm về sự hoang mang, bệnh tật và yếu đuối là một phần trong hành trình của con người: chúng không loại trừ chúng ta khỏi Dân Chúa, trái lại, chúng đưa chúng ta đến trung tâm điểm chú ý của Đức Chúa, Đấng là Cha, và không muốn đánh mất bất kỳ người con nào trên đường đi. Vậy, chúng ta hãy học nơi Ngài, để thực sự trở thành một cộng đoàn đồng hành với nhau, có khả năng không để mình bị lây nhiễm bởi nền văn hóa vứt bỏ.
Thông điệp Fratelli Tutti khuyến khích chúng ta đọc lại dụ ngôn Người Samari nhân hậu, mà tôi đã chọn để minh họa cách chúng ta có thể đi từ “những đám mây đen” của một thế giới khép kín sang “suy tư và sáng tạo một thế giới rộng mở” (x. số 56). Thật vậy, có một mối liên hệ sâu sắc giữa dụ ngôn này của Đức Giêsu và nhiều cách mà tình huynh đệ bị phủ nhận trong thế giới hiện nay. Đặc biệt, việc người đàn ông bị đánh đập, bị cướp, và bị bỏ lại bên vệ đường tượng trưng cho tình trạng mà nhiều anh chị em của chúng ta bị bỏ rơi khi họ cần được giúp đỡ nhất. Việc phân biệt những cuộc tấn công vào sự sống và phẩm giá con người đến từ những nguyên nhân tự nhiên và những cuộc tấn công nào đến từ sự bất công và bạo lực là điều không dễ dàng. Trên thực tế, việc tăng mức độ bất bình đẳng và việc mở rộng lợi ích của một số ít người đã ảnh hưởng đến tất cả các môi trường sống của con người, đến độ khó có thể coi bất kỳ trải nghiệm nào như chỉ là nguyên nhân “tự nhiên”. Mọi đau khổ diễn ra trong một “nền văn hóa” và ở giữa những mâu thuẫn đa dạng của nó.
Tuy nhiên, điều quan trọng ở đây là nhận ra tình trạng cô độc và bị bỏ rơi. Đó là một tội ác có thể được khắc phục dễ dàng hơn bất kỳ sự bất công nào khác, bởi vì – như câu chuyện dụ ngôn cho biết – chỉ cần một khoảnh khắc chú ý, với sự đánh động bên trong của lòng trắc ẩn cũng đủ để chúng ta vượt thắng nó. Hai người qua đường, được coi là có đạo và ngoan đạo, nhìn thấy người đàn ông bị thương nhưng không dừng lại. Tuy nhiên, người khách thứ ba, một người Samari, vốn bị coi là ngoại bang và bị khinh miệt, đã động lòng trắc ẩn và chăm sóc người khách lạ dọc đường, coi người ấy như một người anh em. Khi làm như vậy, thậm chí không cần suy nghĩ về nó, anh đã thay đổi mọi thứ, làm cho thế giới trở nên huynh đệ hơn.
Thưa anh chị em, chúng ta hiếm khi chuẩn bị sẵn sàng cho bệnh tật. Và thường, thậm chí còn không thừa nhận rằng mình đang già đi. Chúng ta sợ bị tổn thương và văn hóa thị trường lan tràn thúc đẩy chúng ta từ chối, không chừa chỗ cho sự mong manh của phận người. Và như thế, khi sự dữ xâm nhập và tấn công chúng ta, chúng ta bị đánh gục. Sau đó, có thể xảy ra trường hợp là những người khác bỏ rơi chúng ta, hoặc chúng ta dường như phải bỏ rơi họ để không cảm thấy mình là gánh nặng cho họ.
Đây là cách mà sự cô đơn bắt đầu, và chúng ta có thể bị đầu độc bởi cảm giác cay đắng về sự bất công, như thể chính Thiên Chúa đã bỏ rơi chúng ta. Thật vậy, chúng ta có thể thấy khó giữ được sự bình an với Chúa khi mối tương quan của chúng ta với người khác và với chính mình bị tổn hại. Do đó, điều quan trọng là ngay cả trong cơn bệnh tật, toàn thể Giáo hội phải tự đo lường mình theo mẫu gương của người Samari nhân hậu trong Phúc âm, để có thể trở thành một “bệnh viện dã chiến” đích thực, vì sứ mạng của Giáo hội được thể hiện trong các hành động chăm sóc, nhất là trong bối cảnh lịch sử của thời đại. Tất cả chúng ta đều mong manh, đều dễ bị tổn thương, và đều cần lòng trắc ẩn, biết cách dừng lại, tiếp cận, chữa lành và nâng đỡ. Vì thế, cảnh ngộ của người bệnh là một lời kêu gọi cắt đứt sự thờ ơ và làm chậm bước chân của những người tiến lên như thể họ không có anh chị em nào.
Ngày Thế giới Bệnh nhân không chỉ mời gọi cầu nguyện và gần gũi với những người đau khổ. Đồng thời, nó cũng nhằm mục đích khơi dậy nơi dân Chúa, các tổ chức chăm sóc sức khỏe và xã hội dân sự về một phương thức mới để cùng nhau tiến tới. Lời tiên tri Ezekiel được trích dẫn trên đây chứa đựng một sự phán xét rất nghiêm khắc về quyền ưu tiên của những người thực thi quyền lực kinh tế, văn hóa và chính trị đối với người dân: “Sữa các ngươi uống, len các ngươi mặc, chiên béo tốt thì các ngươi giết, còn đàn chiên lại không lo chăn dắt. Chiên đau yếu, các ngươi không làm cho mạnh; chiên bệnh tật, các ngươi không chữa cho lành; chiên bị thương, các ngươi không băng bó; chiên đi lạc, các ngươi không đưa về; chiên bị mất, các ngươi không chịu đi tìm. Các ngươi thống trị chúng một cách tàn bạo và hà khắc” (34, 3-4). Lời Chúa luôn soi sáng và hợp thời, không chỉ trong sự tố cáo, mà còn trong đề xuất. Thật vậy, phần kết của dụ ngôn người Samari nhân hậu gợi ý cách thực thi tình huynh đệ, vốn được bắt đầu bằng một cuộc gặp mặt trực tiếp, có thể được mở rộng sang việc chăm sóc có tổ chức. Quán trọ, chủ quán trọ, tiền bạc và lời hứa giữ thông tin cho nhau (x. Lc 10, 34-35): tất cả những điều này gợi nhớ đến thừa tác vụ của các linh mục, đến công việc của các nhân viên y tế và xã hội, đến sự dấn thân của các thành viên trong gia đình, và đến những tình nguyện viên, mà nhờ họ, sự thiện đứng lên chống lại với cái ác mỗi ngày ở mọi nơi trên thế giới.
Những năm đại dịch vừa qua đã làm tăng thêm lòng biết ơn của chúng ta đối với những người làm việc hàng ngày trong lãnh vực chăm sóc sức khỏe và nghiên cứu. Tuy nhiên, thoát ra khỏi một thảm kịch tập thể vĩ đại như vậy chỉ bằng việc tôn vinh các anh hùng là chưa đủ. Covid-19 đã thử thách mạng lưới chuyên môn và sự đoàn kết tuyệt vời này, đồng thời phơi bày những giới hạn về cấu trúc của các hệ thống phúc lợi hiện tại. Vì vậy, lòng biết ơn cần phải được đi đôi với việc tích cực tìm kiếm, ở mọi quốc gia, các chiến lược và nguồn lực để mọi người đều được đảm bảo tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản và thích hợp.
Người Samari nói với chủ quán “Hãy chăm sóc cho người này” (Lc 10, 35), Đức Giêsu cũng lặp lại lời đó với mỗi người chúng ta, và Người khuyên chúng ta “Hãy đi và làm như vậy” (Lc 10, 37). Như tôi đã nhấn mạnh trong Thông điệp Fratelli Tutti, “Dụ ngôn này phác họa một hình ảnh chói lòa soi chiếu sự chọn lựa cơ bản mà chúng ta phải thực hiện để tái thiết thế giới đau thương này. Đối mặt với bao nỗi đau, với những vết thương, lối thoát duy nhất là làm như người Samari tốt lành. Mọi chọn lựa khác sẽ dẫn ta hoặc về phía bọn cướp, hoặc về phía những người bỏ đi, không xót thương trước nỗi khổ đau của nạn nhân đang quằn quại bên đường. Dụ ngôn chỉ cho chúng ta thấy cách thức xây dựng lại cộng đồng, khởi đi từ những con người biết đồng cảm với các yếu nhược của người khác, không chấp nhận một xã hội loại trừ, nhưng vì thiện ích chung, sẵn sàng đến bên, nâng dậy và phục hồi người quỵ ngã” (số 67). Thật vậy, “chúng ta được dựng nên để sống sung mãn, là điều chỉ đạt được trong tình yêu. Sống thờ ơ với đau khổ không phải là một lựa chọn khả thi” (số 68).
Vào ngày 11. 02. 2023, chúng ta hãy hướng nhìn về Thánh địa Lộ Đức như một lời ngôn sứ, một bài học được giao phó cho Giáo hội giữa lòng thời đại. Điều quan trọng không phải chỉ là những gì hoạt động tốt hoặc những người làm việc hiệu quả. Thực ra, những người bệnh tật là trung tâm của Dân Chúa, và Giáo hội cùng với họ tiến lên như một dấu chỉ về một nhân loại, trong đó, mọi người đều quý giá và không ai bị loại trừ hoặc bỏ lại phía sau.
Nhờ sự chuyển cầu của Đức Maria, Đấng cứu kẻ liệt kẻ khốn, tôi xin phó thác từng người trong anh chị em là những người đau yếu; là những người chăm sóc họ trong gia đình, hoặc trong công việc, nghiên cứu, và tình nguyện; và là những người dấn thân thắt chặt các mối tương quan cá nhân, Giáo hội, và dân sự của tình huynh đệ. Tôi ưu ái ban phép lành cho tất cả anh chị em.
Rôma, Đền thờ Thánh Gioan Latêranô, ngày 10 tháng Giêng năm 2023
PHANXICÔ
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: vatican.va (10. 02. 2023)