CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ DỰ KIẾN CỦA ĐỨC THÁNH CHA
VÀ VATICAN TRONG NĂM 2022
Vatican News (27.01.2022) – Hãng tin Công giáo Thụy Sĩ dự kiến chương trình nghị sự của Đức Thánh Cha trong năm 2022. Bao gồm các hoạt động: các cuộc tông du, Thượng Hội đồng, công nghị tấn phong Hồng y, Tông hiến cải tổ Giáo triều, phong thánh và một số sự kiện nổi bật khác.
Thượng Hội đồng
Thượng Hội đồng
Trước hết về Thượng Hội đồng. 2022 được gọi là năm năng động của thượng Hội đồng về hiệp hành, đã được Đức Thánh Cha khai mạc vào ngày 10/10/2021 tại Roma.
Giai đoạn thứ nhất của Thượng Hội đồng diễn ra ở mọi giáo phận trên thế giới, sẽ kết thúc vào ngày 15/8/2022. Mục đích của giai đoạn giáo phận, là nhằm cống hiến cho nhiều người, càng nhiều càng tốt, một kinh nghiệm hiệp hành thực sự trong việc lắng nghe nhau và cùng tiến về phía trước theo hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
Giai đoạn lục địa sẽ bắt đầu vào tháng 9/2022. Tài liệu làm việc của giai đoạn đầu tiên sẽ là tài liệu làm việc cho bảy cuộc họp lục địa: châu Phi, châu Đại Dương, châu Á, Trung Đông, châu Mỹ Latinh, châu Âu và Bắc Mỹ. Bảy cuộc họp quốc tế này sẽ lần lượt đưa ra bảy Văn kiện cuối cùng, làm cơ sở cho ấn bản Tài liệu làm việc thứ hai và ấn bản này sẽ được sử dụng tại giai đoạn thứ ba.
Giai đoạn thứ ba và là giai đoạn cuối sẽ diễn ra tại Roma, dự kiến vào tháng 10/2023. Trong thời gian này, các Giám mục và quan sát viên sẽ họp với Đức Thánh Cha để phát biểu và lắng nghe nhau dựa trên Tiến trình Thượng Hội đồng cấp địa phương. Mục đích là để phân định ở mức độ hoàn vũ tiếng nói của Chúa Thánh Thần, Đấng đã và đang nói trong toàn thể Giáo hội.
Bản văn đúc kết sau cùng của Thượng hội đồng sẽ được chuyển tới Đức Thánh Cha để làm tài liệu tham khảo cho ngài viết ra Tông huấn hậu Thượng Hội đồng lần này, hoặc, nếu Đức Thánh Cha ủy quyền, các nghị phụ tham dự Thượng Hội đồng cùng Đức Thánh Cha đồng ký và văn bản đúc kết trở thành Văn kiện chính thức mang tính giáo huấn của Đức Thánh Cha.
Tấn phong Hồng y
Công nghị tấn phong Hồng y
Có nhiều khả năng trong thời gian đầu năm, Đức Thánh Cha sẽ triệu tập công nghị tấn phong Hồng y để tăng số Hồng y cử tri. Vì nếu không, vào cuối năm 2022 số Hồng y cử tri sẽ giảm xuống còn 110 vị, ít hơn so với số 120 Hồng y cử tri, là con số được thánh Giáo hoàng Phaolô VI ấn định. Dự đoán sự kiện này có thể diễn ra trước Mùa Chay, nghĩa là trước ngày 02/3.
Từ khi được bầu làm người kế vị thánh Phêrô, mỗi năm, Đức Thánh Cha Phanxicô đều tấn phong Hồng y, ngoại trừ năm vừa qua 2021.
Cho đến nay, Đức Thánh cha Phanxicô đã triệu tập bảy công nghị để tấn phong 101 Hồng y mới, và hiện nay gần 2/3 các hồng y cử tri do ngài chọn. Gần một nửa số hồng y cử tri hiện nay trên 75 tuổi, điều này có nghĩa là các vị không còn quyền bầu Giáo hoàng trong vòng 5 năm tới đây.
Việc dự báo danh sách các tân Hồng y trong triều đại Đức Thánh Cha Phanxicô ngày càng khó khăn. Ngài hầu như luôn luôn mang đến cho Giáo hội những bất ngờ. Theo truyền thống, các vị được tấn phong sẽ được thông báo trước. Tuy nhiên, trong những năm qua, nhiều vị cho biết rất ngạc nhiên khi hay tin.
Dù vậy, tên của một số Giám mục quan trọng trong Giáo triều Rôma được nhắc đến: Đức Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher (67 tuổi), Ngoại Trưởng Tòa Thánh; Đức cha Lazarus You Heung-sik người Hàn Quốc, Tổng Trưởng Bộ Giáo sĩ, (70 tuổi); Đức Tổng Giám mục Arthur Roche (72 tuổi), Tổng trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích; Đức Tổng Giám mục Fernando Vérgez Alzaga (76 tuổi), Chủ tịch Phủ Thống đốc thành Vatican.
Phong Thánh
Phong Thánh
Ngày 15/5, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự Thánh lễ phong Thánh đầu tiên tại Quảng trường Thánh Phêrô kể từ năm 2019, lần phong thánh cho chân phước John Henry Newman và 4 vị khác. Có 7 vị Chân phước sẽ được chính thức tôn phong Hiển thánh là: Chân phước Charles de Foucauld, Chân phước Devasahayam Pillai người Ấn Độ, và 5 vị Chân phước khác.
Một sự kiện quan trọng khác trong năm nay là Thánh lễ phong Chân phước cho Đức Giáo Hoàng Phaolô I tại Vatican ngày 04/9. Thường được gọi là “vị giáo hoàng tươi cười”, Đức Gioan Phaolô I đột ngột qua đời vào ngày 28/9/1978, chỉ sau 33 ngày được bầu chọn. Một ưu tiên trong triều đại giáo hoàng ngắn ngủi của ngài là thực hiện công việc của Công đồng Vatican II. Nhưng ngay cả trước khi được bầu làm giáo hoàng, Đức Gioan Phaolô I đã được biết đến với sự khiêm tốn, chú trọng đến sự nghèo khó thiêng liêng và tận tâm giảng dạy đức tin một cách dễ hiểu.
Phiên tòa ở Vatican
Các phiên tòa
Phiên tòa được gọi là “tòa nhà Luân Đôn” sẽ là một trong những phiên tòa nổi bật trong năm.
Sau 2 năm điều tra, tức là từ tháng 7/2019, ngày 27/7/2021 phiên tòa hình sự tại Vatican bắt đầu xét xử 10 bị can và 4 công ty, theo đơn kiện của Viện giáo vụ (IOR) hay cũng gọi là “Ngân hàng Vatican”.
Hoàn tất hồ sơ dày 500 trang, Viện công tố, hay cũng gọi là chưởng tín của Vatican đã quyết định truy tố ra tòa 10 bị can, trong đó có Đức Hồng y Angelo Becciu, nguyên Tổng Trưởng Bộ Phong Thánh, và ông René Bruelhart nguyên Chủ tịch Cơ quan Giám sát và Thông tin Tài chính của Vatican (AIF). Các bị can bị cáo buộc về những tội như tống tiền, tham ô, lường gạt, rửa tiền, lạm dụng chức vụ.
Sau một khởi đầu chậm chạp và bị đánh dấu bởi nhiều sai sót về thủ tục, theo thẩm phán Giuseppe Pignatone, phiên tòa sẽ được tiếp tục trong năm 2022. Một thủ tục kéo dài và phức tạp sẽ phải được sáng tỏ những trục trặc trong quá trình mua lại bất động sản ở Luân Đôn cách đây gần 8 năm.
Amoris Laetitia
Các gia đình
Đức Thánh Cha cũng sẽ tham dự cuộc Gặp gỡ các gia đình Công giáo Thế giới lần thứ 10 được tổ chức ở Roma, từ ngày 22 đến 26/6. Sự kiện quốc tế này sẽ kết thúc Năm “Gia đình Amoris Laetitia” đã được khai mạc vào ngày lễ Thánh Giuse 19/3/2021. Nhắc đến cuộc gặp gỡ này trong buổi đọc kinh Truyền Tin 26/12/2021, Đức Thánh Cha mời gọi người Công giáo chuẩn bị thiêng liêng và tham gia những ngày này trong Giáo phận.
Đại hội sẽ khai mạc vào buổi chiều thứ Tư 22/6, tại Đại thính đường Phaolô VI ở Vatican, trong đó, có chứng tá của các gia đình, cùng với sự hiện diện của Đức Thánh Cha.
Từ thứ Năm ngày 23 đến sáng thứ Bảy 25/6, Đại hội cũng sẽ diễn ra trong Đại thính đường Phaolô VI với các buổi hội thảo, trong đó, các kinh nghiệm mục vụ từ khắp nơi trên thế giới sẽ được đưa vào đối thoại. Vào chiều thứ Bảy 25/6 sẽ có thánh lễ tại Quảng trường Thánh Phêrô, ngoài các đại biểu được mời, đây sẽ là giây phút đặc biệt dành cho các gia đình của giáo phận Roma. Việc chọn thánh lễ vào chiều thứ Bảy có mục đích để các gia đình không thể đến Roma có thể cử hành sự kiện quan trọng này cùng với Giám mục Giáo phận vào Chúa Nhật hôm sau.
Chương trình sẽ kết thúc vào sáng Chúa Nhật với buổi đọc kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha tại Quảng trường Thánh Phêrô.
Firenze
Địa Trung Hải
Về Địa Trung Hải. Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm Firenze vào ngày 27/02. Đây là cuộc viếng thăm thứ hai sau cuộc viếng thăm vào ngày 10/11/2015 tại thủ phủ vùng Toscana cho Địa hội của Giáo hội Ý, sẽ diễn ra trong khuôn khổ cuộc họp của các Giám mục và các Thị trưởng của Địa Trung Hải – và sau cuộc họp ở Bari, được tổ chức vào tháng 02/2020. Cuộc viếng thăm tới sẽ kéo dài cuộc hành hương Địa Trung Hải được tạo nên trong triều Giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô.
Tông du
Tông du
Đầu năm 2022, các ca nhiễm Covid-19 tăng ở nhiều nơi trên thế giới. Do vậy, trong năm 2022 không có chuyến tông du quốc tế chính thức nào của Đức Thánh Cha được xác nhận. Ở tuổi 85, ít có khả năng Đức Thánh Cha có thể tiếp tục lịch trình tông du đến nhiều nước như thời kỳ trước đại dịch.
Trong 9 năm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến hơn 50 quốc gia. Riêng năm 2019, Ngài đã đến thăm 11 quốc gia.
Vì Covid-19 bùng phát nên Đức Thánh Cha không có chuyến tông du nào trong năm 2020. Nhưng ngài đã làm nên lịch sử với tư cách là vị Giáo Hoàng đầu tiên đến thăm Iraq vào tháng 3 năm 2021. Tiếp theo là các chuyến tông du đến Hy Lạp, Sýp, Slovakia và Budapest để tham dự Đại hội Thánh Thể Quốc tế.
Sau đây là những địa điểm mà Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ mong muốn đến thăm vào một thời điểm thích hợp: Malta, Canada, Hungary, Congo, Papua New Guinea và Đông Timor, Libăng, Croatia và có thể cả Nam Sudan.
Công đồng Vatican II
Kỷ niệm Công đồng Vaticanô II
Ngày 11/10/1962, thánh Giáo hoàng Gioan XXIII chính thức khai mạc Công đồng Vatican II. Được công bố là một sự canh tân tinh thần sau khi chiến tranh kết thúc. Thực tế, Công đồng là một thời điểm quyết định canh tân tinh thần và cơ cấu, biến đổi sâu sắc giáo hội Công giáo. Chắc chắc Đức Thánh Cha, người luôn bảo vệ di sản Công đồng sẽ cử hành kỷ niệm 60 sự kiện này trong năm nay.
Buổi họp của ĐTC với Hội đồng Hồng y
Tông hiến cải tổ Giáo triều
Ngay từ khi mới được bầu làm chủ chăn Giáo hội hoàn vũ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã xúc tiến công trình cải tổ Giáo triều như đã được Hồng y đoàn đề nghị trong những ngày nhóm công nghị trước khi bầu Giáo hoàng mới. Thật vậy, chỉ 1 tháng sau khi được bầu làm Giáo Hoàng, ngài đã thiết lập Hội đồng Hồng y cố vấn, gồm 8 vị từ 5 châu, để giúp ngài cải tổ giáo triều Roma và đề ra những thay đổi khác trong Giáo hội hoàn vũ.
Hội đồng Hồng y cố vấn đã nhóm họp được hơn 30 khóa trong 8 năm và đã giúp Đức Thánh Cha cải tổ nhiều cơ quan Tòa Thánh, đồng thời hệ thống hóa đường hướng cải tổ ấy trong dự thảo Tông hiến mới về Giáo triều với tựa đề tạm thời là “Praedicate evangelium – Các con hãy loan báo Tin Mừng”.
Trong những năm qua, một số lần Hội đồng Hồng y đã tiên báo Tông Hiến mới có thể được công bố: lần đầu tiên vào năm 2018, rồi sau đó, dự kiến vào tháng 6 năm 2019. Và nhiều người dự đoán Văn kiện quan trọng này sẽ được công bố vào dịp lễ kính thánh Phêrô và Phaolô, 29/6/2020, nhưng đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi chương trình. Và cuối cùng là dự đoán Đức Thánh Cha phê chuẩn trước lễ Phục Sinh 2021, nhưng điều này vẫn chưa được thực hiện.
Do đó, năm 2022 có thể sớm chấm dứt 8 năm suy tư về văn kiện này, một trong những văn kiện quan trọng nhất của triều đại Giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô.
Ngọc Yến
Nguồn: vaticannews.va/vi/