Tài liệu chuẩn bị và hướng dẫn giai đoạn tham vấn của Thượng Hội đồng giám mục
Ngày 7/9/2021, Ủy ban Tổng Thư ký của Thượng Hội đồng đã phổ biến văn kiện chuẩn bị và tài liệu hướng dẫn để hướng dẫn hành trình Thượng hội đồng về đề tài Hiệp hành, sẽ được khai mạc vào ngày 9-10/10/2021 tại Roma và vào ngày 17/10/2021 tại các Giáo hội địa phương, và sau đó kết thúc với đại hội tại Vatican vào năm 2023
Mục đích các tài liệu
Văn kiện chuẩn bị dài 23 trang và Tài liệu hướng dẫn dài 29 trang. “Văn kiện chuẩn bị” nhắm là “công cụ” hỗ trợ cho giai đoạn đầu tiên của việc lắng nghe và tham khảo ý kiến của Dân Chúa trong các Giáo hội địa phương, từ tháng 10 năm 2021 đến tháng 4 năm 2022.
Tài liệu hướng dẫn, dài 29 trang, là một cẩm nang cung cấp những hỗ trợ cụ thể cho các giáo phận để chuẩn bị cho dân Chúa. Tài liệu này có các lời cầu nguyện trực tuyến, các ví dụ về các Thượng Hội đồng gần đây, một bảng chú giải thuật ngữ cho tiến trình thượng hội đồng. Đây “Không phải là một cuốn sách nội quy”, mà là “một hướng dẫn để hỗ trợ những nỗ lực của mỗi Giáo hội địa phương”.
“Cùng đồng hành”
Hai tài liệu được soạn thảo để trả lời cho câu hỏi cơ bản: “Làm thế nào để thực hiện, ở mọi cấp độ (từ cấp độ địa phương đến cấp độ hoàn vũ) ‘việc cùng đồng hành’, điều giúp Giáo hội loan báo Tin Mừng, phù hợp với sứ mạng đã được trao phó cho Giáo hội; và đâu là các bước mà Chúa Thánh Linh mời gọi chúng ta thực hiện để phát triển như một Giáo hội hiệp hành?”.
Những bước tiến đến hiệp hành
Trả lời câu hỏi này, Ủy ban Tổng Thư ký của Thượng Hội đồng nhấn mạnh sự cần thiết phải “sống một tiến trình giáo hội có sự tham gia và hòa nhập” mang lại cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người bên lề, cơ hội để diễn tả và được lắng nghe; sau đó để nhận biết và đón nhận sự đa dạng của các đặc sủng và xem xét “cách mà quyền và trách nhiệm được thực thi trong Giáo hội”. Tiếp đến, cần “công nhận cộng đoàn Kitô giáo như một chủ thể đáng tin cậy và đối tác đáng tin tưởng” trong các con đường đối thoại, hòa giải, hòa nhập, tham gia, và cũng để “tái tạo mối quan hệ” với các đại diện của các hệ phái đức tin khác, với các tổ chức xã hội dân sự và các phong trào quần chúng.
Những người rao giảng Tin Mừng tích cực
Tài liệu nhắc lại rằng tất cả những người được rửa tội “đều là những người tham gia tích cực vào việc truyền bá Tin Mừng”; và vì vậy điều cốt yếu là trên hành trình công nghị, các mục tử “đừng ngại lắng nghe Đàn chiên được giao phó cho họ”.
Văn kiện chuẩn bị đưa ra các câu hỏi hướng dẫn việc tham vấn Dân Chúa: “Ngày nay việc ‘việc cùng đồng hành’ được thực hiện như thế nào trong giáo phận của anh chị em?” Do đó tài liệu mời gọi xem lại các kinh nghiệm của từng giáo phận, để ý đến các tương quan giữa giáo dân, linh mục, giáo xứ, và cả giữa các giám mục với các dòng tu, hiệp hội, phong trào, tổ chức…
Các khía cạnh của sự hiệp hành được thực hiện
Cuối cùng, tài liệu trình bày mười chuyên đề chính “nêu rõ các khía cạnh khác nhau của “tính hiệp hành được thực hiện” Những lĩnh vực cốt lõi này cần được khám phá sâu hơn để đóng góp một cách phong phú hơn cho giai đoạn đầu của quá trình tham vấn:
* Những người bạn đồng hành: suy tư xem ai là một phần của điều mà chúng ta gọi là “Giáo hội của chúng ta”;
* Lắng nghe những người trẻ tuổi, phụ nữ, người được thánh hiến, người bị loại bỏ, bị loại trừ;
* Nói ra: suy nghĩ xem trong cộng đồng có cổ võ phong cách giao tiếp đích thực, không hai mặt và cơ hội không;
* Cử hành: suy nghĩ xem việc cầu nguyện và phụng vụ truyền cảm hứng và hướng dẫn một cách hiệu quả việc “cùng đồng hành” của chúng ta như thế nào, và về cách thức cổ võ sự tham gia tích cực của các tín hữu;
* Đồng trách nhiệm trong Sứ mệnh: phản ánh cách cộng đồng hỗ trợ các thành viên dấn thân phục vụ, chẳng hạn như thúc đẩy công bằng xã hội, nhân quyền, hay giữ gìn ngôi nhà chung của chúng ta;
* Đối thoại trong Giáo hội và Xã hội: suy nghĩ lại các địa điểm và phương tiện đối thoại trong các Giáo hội địa phương, với các Giáo phận lân cận, với các cộng đồng và phong trào tôn giáo, với các cơ sở khác nhau, với những người ngoại đạo, với người nghèo;
* Với các hệ phái Ki-tô khác: mối quan hệ của chúng ta với các anh chị em của các hệ phái Ki-tô khác là gì? Những lĩnh vực nào có liên quan, và thành quả cũng như thách thức trong các mối quan hệ của chúng ta là gì?
* Quyền hạn và sự tham gia: quyền hạn được thực thi như thế nào trong Giáo hội địa phương của chúng ta, kinh nghiệm làm việc nhóm là gì; các thừa tác vụ giáo dân được thăng tiến như thế nào?
* Phân định và Quyết định: hỏi xem những thủ tục và phương pháp nào được sử dụng để đưa ra quyết định; quá trình đưa ra quyết định được liên kết với việc thực hiện quyết định như thế nào; những công cụ nào được cổ võ cho việc minh bạch và trách nhiệm giải trình;
* Đào tạo Bản thân trong sự Hiệp hành: về bản chất, nhìn vào việc đào tạo dành cho những người có trách nhiệm trong cộng đồng Ki-tô, để giúp họ có khả năng lắng nghe và đối thoại hơn.(CSR_5967_2021).
Hồng Thủy
nguồn: Vatican News Tiếng Việt