Tòa thánh và các Giáo hội Irak, vai trò khai phá của Đức Phanxicô
la-croix.com, Joseph Yacoub, 2021-02-26
Không nghi ngờ gì nữa, Công đồng Vatican II (1962-1965) là bước ngoặt quan trọng trong việc mở cửa ra với Giáo hội Đông phương của các tín hữu kitô người aramaic-syriac, trong đó có nước Irak và Syria là các cơ sở nền tảng.
Từ Đức Phaolô VI (1971), nhiều biện pháp đã được thực hiện và các giáo hoàng kế nhau đã tạo các liên kết được các ban bộ khác nhau của giáo triều tiếp tục theo đuổi không mệt mỏi. Đức Gioan-Phaolô II đã mang viên đá sáng lập đến đó và các tầng của tòa nhà này được Đức Phanxicô xây dựng, ngài luôn thúc đẩy xa hơn cuộc đối thoại với các Giáo hội Đông phương.
Trong khuôn khổ này, các Giáo hội Irak (Can-đê, Assyria và Syriac là đa số) đã đóng một vai trò quan trọng, bởi vì quyền lực thượng phụ của họ vượt quá giới hạn địa lý của đất nước, họ có quyền tài phán đối với các giáo phận ở Syria, Liban, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và các nơi khác.
Các Giáo hội Can-đê và Assyria, từ Babylon và vùng phương Đông, có các ghế tương ứng ở Irak, còn các Giáo hội công giáo và chính thống Syriac thì ở Antioch, sự hiện diện của họ ở Iraq cũng rất tích cực, họ có trụ sở tòa thượng phụ ở Syria và Liban.
Các tín hữu của họ sống rải rác giữa Basra ở phía Nam, Baghdad ở trung tâm, Mosul và Đồng bằng Ninivê, Arbèle và Qaraqosh ở phía Bắc. Qaraqosh là biểu tượng cho sự ra đi hàng loạt của các tín hữu sau cuộc xâm lược tàn bạo của nhà nước hồi giáo cực đoan ISIS.
Tuyên ngôn kitô học ngày 11 tháng 11 năm 1994
Hàng năm ngày 11 tháng 11 là ngày kỷ niệm ký kết Tuyên bố chung về Kitô học giữa Đức Gioan-Phaolô II và Thượng phụ Giáo hội Assyria phương Đông (được gọi là Nestorian), Mar Dinkha IV tại Vatican năm 1994.
Đây là sự kiện lịch sử có giá trị to lớn về mặt thần học, chính trị và biểu tượng mà chúng tôi có dịp bình luận trên báo này, (Một bước trên con đường hiệp nhất, ngày 25 tháng 1 năm 1995). Tầm quan trọng của bản ký kết nằm ở chỗ nó đã chấm dứt những tranh cãi đã làm rạn nứt trong vòng 1.500 năm về hai bản chất, nhân tính và thiên tính của Chúa Kitô, và về Đức Trinh Nữ Maria (Theotokos hay Christotokos). Đức Gioan-Phaolô II đã nói về sự cần thiết phải “vượt ra khỏi những mơ hồ và khó hiểu của quá khứ”.
Hơn nữa, tuyên bố này công nhận quyền lực của các Giáo hội tương ứng trong việc “giữ lại một vài khác biệt nào đó trong cách diễn đạt thần học, như chúng tôi đã kiểm chứng, thường được bổ sung hơn là phản đối”. Con đường do Đức Gioan-Phaolô II vạch ra đã được Đức Phanxicô tiếp tục đi.
Các mối dây liên kết được củng cố
Dưới triều giáo hoàng của ngài, các mối dây liên kết đặc biệt được củng cố với Giáo hội assyria Đông phương cũng như với Giáo hội Can-đê và Giáo hội chính thống Syriac của Antioch. Điểm nổi bật, Đức Phanxicô đã đến thăm và cầu nguyện với cộng đồng Assyro-Can-đê ở Tbilisi (Georgia) ngày 30 tháng 10 năm 2016, với sự hiện diện của Đức Thượng phụ Can-đê Louis Raphael Sako và các giám mục của ngài. Hai năm sau, ngày 29 tháng 6 năm 2018, Thượng phụ Sako được phong hồng y.
Còn về Giáo hội “Nestoria” cổ đại, ngài đã tiếp giáo phụ Mar Guiwargis III lần đầu tiên tại Rôma, ngày 17 tháng 11 năm 2016. Trong dịp này, ngài bày tỏ lòng tôn kính Giáo hội Mesopotamia “có gốc rễ trong sự hiệp thông của Giáo hội sơ khai”.
Bởi vì “chính từ đó, việc loan báo Tin Mừng đã khởi nguồn, từ buổi bình minh của đức tin để đến Rôma và vùng đất Mesopotamia, nôi của những nền văn minh rất cổ xưa, và từ đó khai sinh ra các cộng đồng kitô giáo hưng thịnh”.
Hai năm sau, ngài lại tiếp giáo phụ Mar Guiwargis III cùng đi với một phái đoàn để thông qua một Tuyên bố chung giống như Tuyên bố năm 1994 được đề cập ở trên. Nhân dịp này, Đức Phanxicô nhắc lại ký ức về một nhà giáo luật và thần học gia Ebedjusus ở Nisibe, nhân kỷ niệm 700 năm ngày mất của ông (1318-2018) và cho biết ông là một trong những tác giả nổi tiếng nhất của truyền thống Syriac Đông phương, và đây được xem là món quà cho Giáo hội hoàn vũ.
Gắn bó với truyền thống kitô giáo Đông phương
Trước sự chứng kiến của các thành viên của ủy ban chung về đối thoại thần học giữa Giáo hội công giáo và Giáo hội phương Đông Assyria (Nestorian), ngày 24 tháng 11 năm 2017, ngài ca ngợi sự tái hợp giữa hai Giáo hội sau khi ký một tuyên bố chung về “đời sống á bí tích”.
Ngày 12 tháng 10 năm 2017, trong thông điệp gởi đến Giáo hoàng Học viện Phương Đông nhân kỷ niệm 100 năm ngày thành lập, ngài bày tỏ sự gắn bó của mình với các truyền thống kitô giáo phương Đông trong sự đa dạng về phụng vụ, thần học, nghệ thuật và giáo luật của họ, và đặc biệt “khuyến khích các mục tử truyền tình yêu sâu sắc với truyền thống và nghi thức của họ cho các tín hữu phương Đông bất cứ nơi đâu có họ.”
Về mối liên hệ với Giáo hội chính thống Syriac, trong bài phát biểu ngày 19 tháng 6 năm 2015 với Thượng phụ Mor Ignatius Ephrem II Karim của Giáo hội Syriac thành Antioch và toàn bộ phương Đông, ngài đã xem Giáo hội này là “Giáo hội của các vị tử đạo”. Ngài cũng nhắc lại mối quan hệ đã được gắn bó với Giáo hội phương Đông có từ thời Đức Phaolô VI và nhấn mạnh về tầm quan trọng của trụ sở Antioch và của Thánh Inhaxiô, giám mục thứ 3 của Antioch, “người thầy của sự hiệp nhất giữa các tín hữu trong Chúa Kitô”.
Vì thế đã có một tình gia đình và một mong muốn mãnh liệt thúc đẩy một cuộc đối thoại về “tình yêu và sự thật” trên cơ sở bình đẳng, hướng đến sự hiệp thông trọn vẹn với các Giáo hội của Iraq và toàn Đông phương.
Chuyến đi tới Irak chắc chắn sẽ củng cố cho mong muốn này.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Nguồn: Phanxico.vn
Một vài hình ảnh người dân Irak chuẩn bị đón Đức Phanxicô đến thăm đất nước.