Đức TGM Gallagher: An ninh không đến từ vũ khí mà đến từ sự hợp tác
Ngọc Yến
Vatican News (30.11.2020) – Hôm thứ Hai 23/11, trong buổi mạn đàm về ngoại giao – khoa học tại Viện Hàn lâm Quốc gia Lincei, Ý, về đề tài: “Tình huynh đệ, sinh thái toàn diện và Covid-19. Đóng góp của ngành ngoại giao và khoa học”, Đức Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher, Ngoại trưởng Tòa Thánh đã có bài tham luận bày tỏ quan điểm của Tòa Thánh về vấn đề này.
Thế giới phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng
Trong phần đầu bài tham luận, Đức Tổng Giám mục Gallagher nói đến nhiều cuộc khủng hoảng nhân đạo mà thế giới đang phải đối mặt, ở các khu vực khác nhau của hành tinh: “Mặc dù chúng ta đang chứng kiến những tiến bộ chưa từng có trong các lĩnh vực khoa học, nhưng thực tế, chúng ta đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng sức khỏe với hơn 50 triệu người bị nhiễm bệnh do đại dịch và hơn một triệu người đã thiệt mạng do Covid-19”.
Khủng hoảng sức khỏe cũng là khủng hoảng lương thực và môi trường
Điều này cũng làm gia tăng cuộc khủng hoảng lương thực đang diễn ra. Theo thông tin trong báo cáo về “Tình trạng an ninh lương thực và dinh dưỡng trên thế giới”, do 5 cơ quan của Liên Hiệp Quốc hoạt động trong lĩnh vực dinh dưỡng (FAO, Ifad, Pam, Unicef và WHO) đưa ra hồi tháng 7, thì trong năm 2019, gần 690 triệu người bị đói. Nỗi ám ảnh về nạn đói luôn rình rập cũng liên quan đến cuộc khủng hoảng môi trường do sự nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu. Báo cáo đặc biệt của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) cho biết, có ít nhất nửa tỷ người sống ở những khu vực đang diễn ra quá trình sa mạc hóa. Kết quả không thể tránh khỏi là: sản xuất nông nghiệp và sự đảm bảo nguồn cung cấp lương thực bị giảm. Và trong trường hợp này, những người nghèo là những người phải trả giá trước tiên, họ buộc phải di chuyển. Chính Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu vào tháng 10/2018 đã phát hiện ra rằng, nếu quyết định về việc giảm phát thải khí nhà kính không được thực thi, thì vào năm 2030 sự nóng lên trung bình toàn cầu sẽ có thể vượt 1,5°C, với ảnh hưởng nghiêm trọng và lan rộng đến phần lớn nhân loại hôm nay và ngày mai.
Khủng hoảng kinh tế và xã hội gia tăng bởi đại dịch
Tất cả những điều này làm gia tăng thêm cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội, mà đại dịch đang gây ra. Thực tế chỉ ra rằng: “Người nghèo, trước hết là những người làm việc trong các khu vực không chính thức, là những người đầu tiên thấy phương tiện sống còn của mình bị biến mất. Sống bên lề của nền kinh tế chính thức, người nghèo không được tiếp cận với mạng lưới an ninh xã hội, bao gồm bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm chăm sóc sức khỏe. Họ phải đi tìm kiếm các hình thức thu nhập khác, và hậu quả là nạn bóc lột sức lao động, cưỡng bức lao động, nạn mãi dâm và buôn người gia tăng.
Tóm lại, theo Ngoại trưởng Tòa Thánh, những cuộc khủng hoảng này có mối liên hệ chặt chẽ với nhau đến mức người ta có thể nói đây “chỉ là một cuộc khủng hoảng phức tạp về môi trường-sức khoẻ-xã hội”.
Thời gian thử thách trở thành thời gian lựa chọn
Nhưng cũng vì điều này mà tai ương của đại dịch “có thể được xem như một sự định hình lại xã hội, như một thời điểm hợp nhất bao hàm việc nhận thức về lợi ích chung”. Và như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc lại trong buổi cầu nguyện đặc biệt cho đại dịch vào ngày 27/3 năm nay, chúng ta phải “coi thời gian thử thách này như một thời điểm để lựa chọn”.
Sự lựa chọn là: biến đổi hoặc thoái lui
Đức Tổng Giám mục Gallagher nhấn mạnh rằng: “Thực tế, đại dịch Covid-19 có thể được coi là một thời điểm hoán cải thực sự, không chỉ theo nghĩa tinh thần, một cơ hội thực sự để biến đổi; mà ngược lại, nó cũng có thể trở thành một yếu tố của sự xuyên tạc, thoái lui và khai thác. Do đó, tái khởi động có thể được hiểu là một thách đố của nền văn minh ủng hộ công ích và một sự thay đổi quan điểm, vốn phải đặt phẩm giá con người vào trung tâm của mọi hành động của chúng ta. Nhưng điều này đòi hỏi một tầm nhìn rõ ràng về loại xã hội và nền kinh tế mà chúng ta muốn, thúc đẩy chúng ta suy tư chính xác ý nghĩa của nền kinh tế và mục đích của nó”.
An ninh không đến từ vũ khí mà đến từ sự hợp tác
Cuối cùng, để đảm bảo an ninh toàn vẹn của các quốc gia và dân tộc, không được tăng chi phí vào quân sự, nhưng cần phải tăng cường hợp tác toàn cầu, củng cố chủ nghĩa đa phương, nhấn mạnh vào cam kết giải trừ vũ khí và kiểm soát vũ khí, chứ không phải để tự nó chấm dứt. Mục tiêu đóng góp vào an ninh và hòa bình chung, không được hiểu là không có chiến tranh, mà là không có sự sợ hãi, và do đó thúc đẩy phúc lợi xã hội vì công ích.
Như vậy, cần hội tụ các năng lực để xây dựng đối thoại, các sáng kiến ngoại giao, chính sách an ninh chung. Cộng đồng quốc tế được kêu gọi áp dụng các chiến lược xa, hướng tới tương lai để thúc đẩy mục tiêu hòa bình và ổn định, tránh các cách tiếp cận thiển cận đối với các vấn đề an ninh quốc gia và quốc tế.
Mọi thứ đều được kết nối: tầm nhìn đa diện về sinh thái toàn diện
Khái niệm về tình huynh đệ mở rộng và đầy đủ theo cái nhìn của thông điệp Laudato si’, với quan điểm của sinh thái học toàn diện. Trích lời Đức Thánh Cha: “Mọi thứ đều được kết nối”, Đức Tổng Giám mục nhấn mạnh rằng “việc bảo vệ các hệ sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý chung toàn cầu sẽ không bao giờ hiệu quả nếu tách rời khỏi các vấn đề như chính trị và kinh tế, di cư và các mối quan hệ xã hội”. Đức Tổng Giám mục Gallagher nhắc lại: “Vào năm 2006, Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI đã yêu cầu điều này: “Chúng ta cần chuyển đổi mô hình phát triển toàn cầu”. Nghĩa là, “chúng ta cần áp dụng một tầm nhìn mới về thế giới, gắn liền với khái niệm sinh thái học toàn diện, qua đó, chúng ta có ý định thúc đẩy suy tư về ngôi nhà chung của chúng ta, vượt ra ngoài những chiều kích đơn thuần của khoa học, môi trường, kinh tế hoặc đạo đức, để mở ra một cái nhìn toàn diện về cuộc sống nhằm xây dựng tốt hơn các chính sách, chỉ số, quy trình nghiên cứu và đầu tư, tiêu chí đánh giá, tránh mọi quan niệm sai lệch về phát triển hoặc tăng trưởng. Ở đây, rất hiệu quả khi sử dụng hình ảnh “khối đa diện có nhiều mặt, nhiều khía cạnh nhưng đều tạo nên một thể thống nhất giàu sắc thái, nhờ có được nét ưu việt của bộ phận”.
Con người ở trung tâm: Văn hóa chăm sóc, chiến thắng văn hoá loại bỏ
Điểm mấu chốt vẫn là “vị trí trung tâm của con người, do đó cần phải thúc đẩy văn hóa quan tâm”, trái ngược với “văn hóa loại bỏ” đang phổ biến, không chỉ về hàng hóa mà còn liên quan đến con người. Như Đức Thánh Cha đã nói trong Laudato si’ rằng “nếu sự phát triển kinh tế và công nghệ không mang lại một thế giới tốt đẹp hơn và chất lượng cuộc sống hoàn toàn trổi vượt, thì đó không thể được coi là sự tiến bộ”.
Sức mạnh biến đổi của giáo dục và liên đới
Ngoại trưởng Tòa Thánh đề nghị, để bắt đầu quá trình chuyển đổi, hãy “tận dụng sức mạnh chuyển đổi của giáo dục” và tình liên đới. Điều đầu tiên, về lâu dài, có thể hình thành trong các thế hệ mới “một nền kinh tế và chính trị bền vững thực sự vì chất lượng cuộc sống, đem lại ích lợi cho tất cả các dân tộc trên trái đất và đặc biệt là những người đang ở trong những hoàn cảnh thiệt thòi nhất và nhiều rủi ro nhất”.
Hành động đơn độc, nhà nước không thể đảm bảo công ích
Đại dịch làm lộ ra những yếu đuối của chúng ta, cho thấy “sự cần thiết phải có một tình liên đới mới”. Bởi vì chỉ có “hiệp nhất” chúng ta mới có thể đối mặt với những tình huống khẩn cấp khủng khiếp nhất. Đức Thánh Cha đã viết điều này trong Fratelli Tutti: “Ngày nay, không một quốc gia, dân tộc nào có thể một mình đảm bảo lợi ích chung của mọi người”.
Một xã hội huynh đệ, không bỏ quên ai
Trong phần kết luận, Đức Tổng Giám mục Gallagher nhắc lại rằng “cần phải tạo ra một xã hội huynh đệ thúc đẩy giáo dục đối thoại và cho phép mọi người cống hiến hết sức mình. Lời kêu gọi không bỏ rơi bất kỳ ai phải là một lời cảnh báo để đảm bảo rằng phẩm giá con người không bao giờ bị bỏ quên và không ai bị phủ nhận hy vọng có thể xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn”.
Ngoại trưởng Tòa Thánh nói: “Tôi muốn kết thúc bài tham luận với những lời của Đức Thánh Cha Phanxicô tại khóa họp thứ 75 của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc: Chúng ta ra khỏi cuộc khủng hoảng không giống nhau: chúng ta đi ra hoặc tốt hơn hoặc tệ hơn. Vì vậy, vào thời điểm quan trọng này, nhiệm vụ của chúng ta là phải suy nghĩ lại về tương lai của ngôi nhà chung và dự án chung của chúng ta. Đây là một nhiệm vụ phức tạp, đòi hỏi sự trung thực và nhất quán trong đối thoại, nhằm nâng cao tinh thần đa phương và hợp tác giữa các quốc gia. Đại dịch đã cho chúng ta thấy rằng hoặc chúng ta không thể sống thiếu nhau, hoặc trở nên tệ hơn: chống lại nhau. Liên Hiệp Quốc ra đời nhằm liên kết các quốc gia, xích lại gần nhau hơn, như một cầu nối giữa các dân tộc; chúng ta hãy sử dụng nó để biến thách đố mà chúng ta đang đối mặt thành cơ hội, để một lần nữa cùng nhau xây dựng tương lai mà chúng ta mong đợi”.
Nguồn: vaticannews.va/vi