MỘT BÀI TRÌNH BÀY NGẮN GỌN VỀ TÀI LIỆU LÀM VIỆC CHO KHÓA HỌP THỨ HAI CỦA ĐẠI HỘI THƯỜNG LỆ THỨ XVI CỦA THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC
WHĐ (16/8/2024) – Vào ngày 09.07.2024, Văn phòng Tổng thư ký Thượng Hội đồng Giám mục về tính hiệp hành đã công bố Tài liệu Làm việc (Instrumentum Laboris) cho Khoá họp thứ hai của Đại hội Thượng Hội đồng Giám mục vào tháng 10/2024. Tiếp đó, Văn phòng Tổng Thư ký Thượng Hội đồng đã có một bài trình bày ngắn gọn để giới thiệu về Tài liệu trên. Sau đây là toàn văn bản dịch Việt ngữ bài trình bày của Văn phòng Tổng Thư ký Thượng Hội đồng do Thầy Giuse Phan Văn Phi, O.Cist. thực hiện.
SECRETARIA GENERALIS SYNODI
(VĂN PHÒNG TỔNG THƯ KÝ THƯỢNG HỘI ĐỒNG)
Một bài trình bày ngắn gọn về Tài liệu Làm việc
cho Khóa họp thứ hai của
Đại hội thường lệ thứ XVI của Thượng Hội đồng Giám mục
Vào năm 2021, Giáo hội của Thiên Chúa đã được “triệu tập trong Thượng Hội đồng” (x. Tài liệu chuẩn bị, số 1). Kể từ đó, các Giáo hội địa phương, chính ở đây và từ nơi đây mà Giáo hội Công giáo hiện hữu trong sự hiệp nhất và phổ quát của mình, đã đón nhận lời mời gọi suy tư về những bước đi mà Thiên Chúa đang kêu gọi Giáo hội của Ngài đảm nhận. Hôm qua cũng như hôm nay, điều quan trọng là loan báo Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô, Đấng cứu độ trần gian, Đấng chữa lành và dẫn đưa thế giới đến sự viên mãn trọn vẹn. Bước đi cùng nhau – nghĩa là mang “tính hiệp hành” – trên lộ trình được Chúa Giêsu hướng dẫn, đó là điều kiện để mọi người trong Giáo hội, sống hiệp thông, để tham gia vào sứ vụ chung này.
* * *
Tài liệu Làm việc (IL), như tên gọi của nó, trước tiên là một “công cụ giúp làm việc” cho các thành viên của Đại hội sẽ gặp nhau tại Rôma vào tháng 10 sắp tới (từ ngày mùng 2 đến ngày 27).
Bản văn không nhằm đưa ra các câu trả lời được “đóng gói sẵn” và cũng không có ý định đề cập đến tất cả các vấn đề liên quan đến tính hiệp hành. Đúng hơn, bản văn đề cập đến các vấn đề liên quan đến chủ đề của tài liệu: “Làm thế nào để trở thành một Giáo hội hiệp hành truyền giáo”. Đó chính là một bản văn mang tính định hướng, được trình bày rõ ràng và thiết kế một cách chủ yếu để khuyến khích việc cầu nguyện, đối thoại, phân định và phát triển sự đồng thuận. Điều đó khởi đi từ những điểm hội tụ, đã được chín muồi trong tiến trình, hướng tới việc đệ trình lên Đức Thánh cha một Tài liệu chung kết của Đại hội thường lệ của Thượng hội đồng Giám mục lần thứ XVI này.
Dĩ nhiên, bản văn có thể được dùng trong những tháng sắp tới trong nhiều bối cảnh khác nhau của Giáo hội để khuyến khích toàn thể Dân Thiên Chúa tham gia cầu nguyện và chia sẻ các suy tư cũng như hỗ trợ vào công việc được ủy thác cho các thành viên của Đại hội.
Đánh giá lại cuộc hành trình cho đến nay và đặc biệt là những đóng góp của các Giáo hội địa phương trong vài tháng đầu năm 2024, Tài liệu Làm việc cho Khóa họp thứ hai của Đại hội thường lệ lần thứ XVI của Thượng Hội đồng Giám mục đưa ra một số định hướng và một số đề xuất về cách làm thế nào Giáo hội phổ quát, cũng như các Giáo hội địa phương và các nhóm Giáo hội có thể và sẽ phát triển trong cách hiện hữu “mang tính hiệp hành trong sứ vụ.”
Vì thế, Tài liệu Làm việc này phải được đọc trong toàn bộ tiến trình Thượng Hội đồng khởi xướng từ năm 2021 và trong tính liên tục với tiến trình đó: từ việc tham khảo tại các Giáo hội địa phương, tới các Đại hội cấp quốc gia và cấp châu lục, Khóa họp thứ nhất của Đại hội Thượng Hội đồng Giám mục, Bản Báo cáo Tổng hợp, cuộc Gặp gỡ Quốc tế của các cha sở hưởng ứng Thượng Hội đồng. Nó cũng bao gồm công việc của mười nhóm nghiên cứu được Đức Thánh cha giao nhiệm vụ nghiên cứu chuyên sâu về mười chủ đề chính. Các nhóm này đang kết hợp một số chỉ dẫn đã xuất hiện trong Khóa họp thứ nhất vào công việc của họ và đang kích hoạt “giai đoạn thực hiện” của tiến trình hiệp hành được ấn định trong Tông hiến Episcopalis Communio.
Tài liệu Làm việc bao gồm năm phần. Sau phần Nhập đề, Tài liệu bắt đầu với một phần dành nói về Các Quy tắc Nền tảng của việc hiểu biết về tính hiệp hành, nhắc lại nhận thức đạt được trong tiến trình và được đồng thuận bởi Khóa họp thứ nhất của Đại hội. Tiếp theo đó là ba phần đan kết chặt chẽ với nhau, soi sáng cho đời sống hiệp hành truyền giáo của Giáo hội từ những góc độ khác nhau: (I) Các Mối Tương Giao – với Chúa, giữa anh chị em, và giữa các Giáo hội. Những mối tương giao này sẽ duy trì sức sống của Giáo hội theo những cách triệt để hơn nhiều so với việc chỉ mang tính cơ cấu; (II) Các Lộ Trình, sẽ hỗ trợ và nuôi dưỡng tính năng động của các mối tương giao một cách cụ thể; (III) Các Nơi Chốn, chống lại sự cám dỗ do các hình thức phổ quát trừu tượng đặt ra, nói lên tính cụ thể của bối cảnh trong đó các mối tương giao được thể hiện, với tính đa dạng, đa nguyên và liên kết với nhau, cũng như với sự bén rễ của chúng trong nền tảng sinh động của việc tuyên xưng đức tin. Mỗi Phần này sẽ là chủ đề của việc cầu nguyện, đối thoại và phân định theo một trong những mô-đun [modules] xây dựng nên công việc của Khóa họp thứ hai.
* * *
Phần nhập đề
Phần nhập đề nhắc lại hành trình đã đi cho đến nay và tạ ơn Thiên Chúa về những thành quả mà tiến trình hiệp hành đã mang lại, và được nhìn nhận trong một Giáo hội tỏ ra sống động và đang tiến bước. Trong số những thành quả này có việc sử dụng rộng rãi phương pháp hiệp hành gọi là Đối thoại trong Thánh Thần. Tài liệu bắt đầu bằng một bản văn lấy từ sách ngôn sứ Isaia, mô tả một bữa tiệc được Chúa chuẩn bị cho mọi dân tộc, một biểu tượng của tình thân ái và hiệp thông. Chủ đề này được nối kết với sứ vụ của Giáo hội là mang lại niềm hy vọng và ơn cứu độ cho nhân loại, nhất là cho những ai đang khổ đau. Tiến trình Hiệp hành, đã bắt đầu từ năm 2021, được coi là một cơ hội để canh tân Dân Thiên Chúa trong sứ vụ của mình, bắt nguồn từ căn tính chung do Phép Rửa và trong tính đa dạng của các bối cảnh Giáo hội.
Câu hỏi hướng dẫn trọng tâm của suy tư này là: “Làm thế nào trở thành một Giáo hội hiệp hành truyền giáo?” Tài liệu nhấn mạnh rằng đây không phải chỉ là vấn đề cải thiện các cơ cấu và các tiến trình thủ tục của Giáo hội, nhưng là vấn đề canh tân sự dấn thân trong sứ vụ của mọi người. Điều này đòi hỏi một nhận thức sâu sắc về tính hiệp hành và về việc không ngừng hoán cải. Cuối cùng, phần nhập đề nhắc lại rằng hai Khóa họp nối tiếp nhau (Khóa họp thứ hai không thể bị tách rời khỏi Khóa họp thứ nhất) “và trên hết, chúng là một phần của một tiến trình rộng lớn hơn mà như Tông hiến Episcopalis communio tuyên bố, sẽ không dừng lại vào cuối tháng 10 năm 2024.”
* * *
Các Quy tắc Nền tảng (số 1-21)
Trong tiến trình của Khóa họp thứ hai, Đại hội sẽ dành để thảo luận các quy tắc nền tảng dẫn dắt hành trình hoán cải và canh tân mà Dân Thiên Chúa muốn theo để ngày càng mang tính hiệp hành hơn trong sứ vụ. Hành trình này giúp chúng ta sống hài hòa tính đa dạng và sự khác biệt, trong sự trao đổi hỗ tương của nam giới và nữ giới, trong một hành trình không ngừng hoán cải và canh tân.
Chương này đưa ra một chân trời để định vị các suy tư và các đề xuất thần học cũng như mục vụ, khảo sát những nền tảng của Giáo hội hiệp hành truyền giáo, đặc biệt là căn tính của Giáo hội xét như là Dân Thiên Chúa và là Bí tích của sự hiệp nhất. Viễn tượng này bắt nguồn từ truyền thống sống động của Giáo hội và được thể hiện trong những điểm hội tụ đã xuất hiện trong suốt tiến trình Thượng Hội đồng. Tính hiệp hành được xem như một hành trình hoán cải và canh tân, được định hướng nhắm tới sứ vụ và sự tham gia của tất cả mọi người đã lãnh nhận Phép rửa tội. Giáo hội được mời gọi trở thành một dấu chỉ hiệp nhất và là một công cụ hòa giải, trong một thế giới đầy chia rẽ và xung đột. Điều này đòi hỏi một nhận thức mới mẻ về sự hiệp thông trong Giáo hội và một sự dấn thân sống tính hiệp hành trong mọi chiều kích của nó. Chương này dành không gian để suy tư về tính hỗ tương cần thiết giữa nam giới và nữ giới. Những đóng góp nhận được trong tất cả các giai đoạn của tiến trình nói lên sự cần thiết phải nhìn nhận đầy đủ hơn các đặc sủng, ơn gọi và vai trò của nữ giới trong mọi lĩnh vực của đời sống Giáo hội.
Trong Khóa họp thứ hai
Thông qua việc thực hành phương pháp Đối thoại trong Thánh Thần – một thực tiễn đã được trải nghiệm trong Khóa họp thứ nhất – và thông qua việc đào sâu các quan điểm được xác định trong Tài liệu này, Đại hội sẽ được kêu gọi để xác minh và thể hiện sự tồn tại của một sự đồng thuận đích thực trong Giáo hội về các khía cạnh cơ bản này của đời sống Dân Thiên Chúa.
* * *
BA VIỄN TƯỢNG CỐT YẾU
Phần I – CÁC MỐI TƯƠNG GIAO (số 22-50)
Trên những nguyên tắc nền tảng được nhận diện ở phần thứ nhất của Tài liệu, các mối tương giao giúp cho Giáo hội mang tính hiệp hành truyền giáo phải được khảo sát và chứng thực. Đó là mối tương giao với Chúa Cha, trong Chúa Giêsu Kitô và trong Chúa Thánh Thần, được diễn tả về mặt bí tích trong hành trình khai tâm Kitô giáo. Đó cũng là mối tương giao giữa nam và nữ trong cộng đoàn mà trong đó Chúa Thánh Thần ban cho mỗi người khả năng để hành động, theo những cách đa dạng nhất, cho thiện ích của tất cả (các đặc sủng); trong đó có những người được kêu gọi làm những việc phục vụ khác nhau (các thừa tác vụ); trong đó qua bí tích Truyền chức thánh một số người được mời gọi tham dự vào chức tư tế của Đức Kitô, là mục tử và là thủ lãnh, với tư cách của những thừa tác vụ chức thánh. Cuối cùng, chúng ta được hướng dẫn để suy tư về mối tương giao giữa các Giáo hội theo quan điểm công đồng về “trao đổi hồng ân”, bao gồm cả mối tương giao đại kết với các Giáo hội và Cộng đồng Giáo hội khác cũng như đối thoại với các nền văn hóa. Chúng ta thúc đẩy sự trao đổi này trong một thế giới và cho một thế giới mà giữa quá nhiều mâu thuẫn vẫn đang tìm kiếm công lý, hòa bình và hy vọng; một niềm hy vọng siêu việt và công lý vượt xa những giới hạn của những gì có thể thực hiện được trong thời điểm hiện tại.
Sức sống của Giáo hội vượt trên các cơ cấu của mình, và do đó, mời gọi chúng ta suy tư về việc vun trồng các mối tương giao đích thực và sâu sắc. Các mối tương giao là nền tảng của đời sống hiệp hành và truyền giáo của Giáo hội, được thể hiện qua sự hiệp thông và tham gia của tất cả mọi thành phần Dân Thiên Chúa trong một sứ vụ duy nhất. Một Giáo hội mang tính tương giao hỗ tương và ít quan liêu hơn là yêu cầu đến từ các báo cáo của các Giáo hội địa phương, và đặc biệt từ tiếng nói của giới trẻ.
Trong Khóa họp thứ hai
Đại hội sẽ đưa ra được những chỉ dẫn về các chủ đề như: Khai tâm Kitô giáo; việc nhìn nhận và thúc đẩy các đặc sủng và các tác vụ; mối tương giao giữa giám mục, linh mục và phó tế trong Giáo hội địa phương, cũng như việc phân tích loại hình các tác vụ dựa trên bí tích Phép Rửa, và đề nghị khai mở những tác vụ mới như “lắng nghe và đồng hành”. Đây cũng là một cơ hội để khảo sát ý niệm về “trao đổi hồng ân” trong khung cảnh đại kết cũng như trong đối thoại với các truyền thống tôn giáo và với tất cả mọi người.
* * *
Phần II – CÁC LỘ TRÌNH (số 51-79)
Như vậy chúng ta sẽ xem xét các lộ trình trong đó có thể chăm sóc các mối tương giao và phát triển chúng theo một phong cách Kitô giáo, nhằm phục vụ cho sứ vụ. Trước hết, đó là các lộ trình đào luyện, ở mọi cấp độ của đời sống Giáo hội. Tài liệu Làm việc nhắc lại rằng “không có sứ vụ nếu không có bối cảnh, không có Giáo hội nếu không có sự cắm rễ tại một nơi chốn rõ ràng, với những đặc nét văn hóa và những bối cảnh lịch sử của nó. Vì thế không thể phác thảo các kế hoạch huấn luyện trong trừu tượng”. Trong số những lộ trình để khảo sát, có các phương thức và các tiêu chuẩn giúp ấn định hình thức cụ thể của “việc phân định trong cộng đoàn” nhằm cho phép việc lắng nghe trong những hoàn cảnh khác nhau đối với “những gì Chúa Thánh Thần đang nói với các Giáo hội” và đưa ra những chọn lựa theo đó, với những quyết định phù hợp, nêu rõ trách nhiệm và sự tham gia của mọi người cũng như nhiệm vụ chuyên biệt của những ai đảm trách việc thực thi quyền bính. Cuối cùng, sẽ xem xét đến sự cần thiết của các thủ tục để giúp những vị hữu trách trong Giáo hội có thể giải trình một cách minh bạch về các hoạt động của mình vì lợi ích sứ vụ của Giáo hội.
Trong Khóa họp thứ hai
Đại hội được mời gọi đề ra những cách thức cụ thể để đáp ứng các nhu cầu này về huấn luyện, về việc phân định trong cộng đoàn và về tính minh bạch, về sự khả tín và việc lượng giá, trong xem xét đến tính hiệp nhất của Giáo hội Công giáo và tính đa dạng của các bối cảnh.
Phần III – CÁC NƠI CHỐN (số 80-108)
Các mối tương giao và các lộ trình được định hình ở các nơi chốn. “Nơi chốn” không chỉ đơn thuần được định nghĩa theo thuật ngữ địa lý hay theo không gian thuần túy; đúng hơn, nó gợi tính cụ thể và đồng thời gợi đặc điểm bối cảnh thuộc nền văn hóa đặc trưng của nó, cũng như tính cá biệt đầy năng động biến hóa của hoàn cảnh con người. Tài liệu Làm việc phân tích các bối cảnh cụ thể trong đó các mối tương giao được thể hiện, nhìn nhận tính đa dạng và đa nguyên của các kinh nghiệm Giáo hội, mời gọi chúng ta vượt qua một lối nhìn tĩnh tại về các nơi chốn, và vượt qua hình ảnh về các mối tương giao theo dạng kim tự tháp giữa các thực thể Giáo hội khác nhau (các giáo xứ, giáo phận hay giáo khu, giáo tỉnh, Giáo hội hoàn vũ). Giáo hội, duy nhất và phổ quát, sống “tại các nơi chốn”, và “từ các nơi chốn”, sống trong một vòng tròn năng động và tính hỗ tương (hoặc “nội tâm hỗ tương”) của các mối tương giao. Trong viễn tượng này, tránh cả sự phân tán và chủ nghĩa đặc thù cục bộ, cũng như xu hướng đồng nhất hóa và cào bằng, tài liệu phản ánh các chủ đề tham gia vào các Giáo hội địa phương và mối liên hệ giữa tính hiệp hành, tính hiệp đoàn và tính ưu việt trong các nhóm Giáo hội và trong một Giáo hội duy nhất. Điều này bao gồm sự tập trung đặc biệt vào hồ sơ đổi mới của Thượng Hội đồng Giám mục.
Trong Khóa họp thứ hai
Vì thế, Đại hội sẽ đề cập những chủ đề như đời sống của Giáo hội địa phương (cách riêng việc thúc đẩy các dạng thức có tính tham gia), những mối nối kết giữa các Giáo hội, và những mối nối kết giữa các giám mục (các Hội đồng Giám mục, các cơ cấu Phẩm trật Đông phương, các Hội đồng địa phương), việc phục vụ cho sự hiệp nhất được đảm nhiệm bởi Giám mục Rôma trong một Giáo hội hiệp hành (trong bối cảnh này, cũng sẽ suy tư về những phát triển mà Thượng Hội đồng Giám mục đã trải nghiệm trong những năm gần đây và việc tìm kiếm những hình thức thực thi sứ vụ Phêrô mở ra với “hoàn cảnh mới” của tiến trình đại kết, hướng đến sự hiệp nhất hữu hình của các Kitô hữu).
Phần kết luận (số 109-112)
Tài liệu khép lại với việc nhắc nhớ rằng mỗi câu hỏi đề cập ở đây nhằm mục đích phục vụ cho Giáo hội và qua hành động của Giáo hội sẽ có khả năng chữa lành những vết thương thâm sâu nhất của thời đại chúng ta. Tài liệu nhắc lại rằng thế giới là dấu chỉ bí tích về một sự hiện diện siêu vượt trên nó và làm sinh động nó, một nơi chốn mà mọi sự được nối kết và được ghi dấu bởi một khát vọng hướng tha. Mọi sự đều là một lời mời gọi sống tương giao và là một bằng chứng về tình trạng mỗi người không thể tự túc [non-self-sufficiency]. Tài liệu kết thúc với một lời mời gọi tiếp tục cuộc hành trình trong tư cách là những người hành hương của niềm hy vọng.
Chuyển ngữ: Đan sĩ Giuse Phan Văn Phi, O.Cist.
Từ: synod.va
#thuonghoidong #giaohoihiephanh #tailieulamviec