ĐỨC MARIA, HÌNH ẢNH CỦA GIÁO HỘI HIỆP HÀNH: BÀI 04 – PHÓ DÂNG
Đức Maria hoàn toàn phó dâng cho Thiên Chúa
Tiếng “xin vâng” của Đức Maria đối với ý Chúa đã làm thay đổi cuộc đời Mẹ và vận mệnh của toàn thể nhân loại. Đức Maria đã không chạy trốn khi sứ thần Gabriel đề nghị Mẹ trở thành Mẹ của Con Thiên Chúa. Dù không dễ để hiểu, nhưng Mẹ đã chấp nhận bằng sự tự do hoàn toàn và sẵn lòng cộng tác với Thiên Chúa. Chính nhờ sự phó dâng vô điều kiện của Mẹ mà Thiên Chúa đã làm người.
Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nói: “Thật vậy, trong buổi Truyền Tin, Đức Maria đã phó dâng trọn vẹn chính mình cho Thiên Chúa với sự “vâng phục hoàn toàn của lý trí và ý chí”, chứng tỏ một sự “vâng lời bằng đức tin” với Đấng đã phán dạy cùng Mẹ qua vị sứ thần. Vì thế Mẹ đã đáp lại với tất cả cái “bản ngã” vừa nhân tính, vừa nữ tính của mình, và câu trả lời đầy đức tin này đã sẵn có một sự hợp tác toàn vẹn với “ơn Chúa đến trước và phù trợ”, và một sự hoàn toàn sẵn sàng đón nhận tác động Chúa Thánh Thần, là Đấng “không ngừng kiện toàn đức tin qua các hồng ân của Ngài”. Lời Thiên Chúa hằng sống do Sứ thần loan báo cho Đức Maria đã quy hướng về Mẹ: “Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai” (Lc 1,31). Bởi chấp nhận lời truyền tin này, Đức Maria đã trở thành “Mẹ Thiên Chúa” và mầu nhiệm Thiên Chúa Nhập Thể đã được hoàn thành trong Mẹ. “Chúa Cha rất nhân từ đã muốn Đấng được tiền định làm Mẹ phải ưng thuận trước khi Chúa Con Nhập Thể”. Và Đức Maria đã bằng lòng ưng thuận sau khi nghe mọi lời Sứ thần loan báo. Đức Mẹ thưa: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38). Tiếng “Xin Vâng” (Fiat) của Đức Maria đã quyết định về phía nhân loại, cho mầu nhiệm Thiên Chúa được hoàn thành. Nó hoàn toàn hòa hợp với lời của Chúa Con thưa với Chúa Cha khi xuống thế gian: “Cha đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể… Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài” (Dt 10,5-7). Mầu nhiệm Nhập Thể đã được hoàn thành khi Đức Maria thưa tiếng Xin Vâng: “Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”, lời xin vâng này làm cho ước muốn của Chúa Giêsu, Con của Mẹ, có thể thực hiện được, theo mức độ mà Mẹ tham dự vào trong kế hoạch của Thiên Chúa”[1].
Việc phó dâng là một tiến trình thiêng liêng
Việc hoàn toàn phó dâng cho Thiên Chúa không thể được thực hiện một cách đột ngột. Đó là hoa quả của một tiến trình thiêng liêng dài lâu. Vào lúc Truyền tin, Đức Maria không chỉ thưa tiếng “xin vâng” ngay lập tức. Nhưng Mẹ đã trải qua hàng loạt những kinh nghiệm: trước tiên, Mẹ rơi vào bối rối, sau đó Mẹ đã hỏi sứ thần một câu hỏi, Mẹ cũng suy tư, phân định và nhận ra ý Chúa; và cuối cùng Mẹ phó dâng hoàn toàn cuộc đời cho Thiên Chúa khi thưa rằng: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38).
Cẩm nang cho Thượng Hội đồng về Tính hiệp hành nói rằng: “Trước hết và trên hết, Tiến trình hiệp hành là một tiến trình thiêng liêng. Đây không phải là chuyện cứ máy móc thu thập dữ liệu hay tổ chức hàng loạt những cuộc hội họp và thảo luận. Mục đích của việc lắng nghe mang tính chất hiệp hành là phân định, vì thế đòi hỏi chúng ta phải học biết và sử dụng nghệ thuật phân định cá nhân và cộng đoàn. Chúng ta lắng nghe nhau, lắng nghe truyền thống đức tin của chúng ta và lắng nghe các dấu chỉ thời đại để nhận biết những gì Chúa đang nói với chúng ta”[2].
Tính chất trung tâm của Thiên Chúa
Nhiều lần chúng ta nghĩ rằng chúng ta có thể làm mọi thứ bằng chính khả năng của mình. Chúng ta đặt lợi ích cá nhân và sức mạnh con người lên hàng đầu. Chúng ta thường quên rằng không có Thiên Chúa thì chúng ta không làm được gì. Trong trạng thái tâm trí bối rối và ích kỷ, con người không thể đặt Chúa lên trên hết. Trật tự ưu tiên mà chúng ta tạo ra rất quan trọng trong cuộc sống chúng ta. Chúng ta nên dành cho Chúa vị trí đầu tiên trong cuộc đời mình. Đó chính là dấu chỉ của hoàn toàn phó dâng.
Sau khi lắng nghe sứ thần Gabriel, Đức Maria không hiểu ý nghĩa của việc trở thành mẹ của Con Thiên Chúa. Tuy nhiên, Mẹ không sợ hãi những thách đố. Mẹ không suy nghĩ đến sự thoải mái và an toàn cá nhân, nhưng Mẹ dành ưu tiên cho Chúa. Mẹ hoàn toàn phó dâng bản thân mình cho ý Chúa. Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta có thường để bản thân bận rộn với những dự án và lịch trình cá nhân hơn là dành cho Chúa tầm quan trọng đúng mức không?
“Tính chất trung tâm của Thiên Chúa” trong đời sống người tín hữu là một chủ đề quan trọng trong hành trình hiệp hành của chúng ta. Ở điểm này, J. Kuttianimattathil viết: “Mỗi thành viên của cộng đoàn phải cắm rễ sâu hơn nữa trong Chúa, tin chắc rằng chúng ta được chính Thiên Chúa kêu gọi và được Ngài biến thành một phần của chính cộng đoàn cụ thể. Không có niềm tin này, chúng ta không thể có một cộng đoàn hiệp hành. Tuy nhiên, vì những động cơ sai lầm, ảnh hưởng thái quá của quá trình thế tục hóa, khát vọng vinh quang cá nhân và nhiều yếu tố khác nữa, khiến một số người đã không thể chia sẻ niềm tin này hoặc nó đã trở nên yếu nhược”[3].
Thiên Chúa ban tất cả cho ai phó dâng tất cả
Các tông đồ đã từ bỏ tất cả để đi theo Chúa Giêsu. Trong bài giảng, Chúa Giêsu nói: “Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau” (Mc 10,29-30). Khi thực hiện hiệp hành trong Giáo hội, chúng ta không chỉ từ bỏ những gắn bó quá mức của chúng ta với của cải trần thế, nhưng còn bỏ cả những xác tín sai lạc, những ước muốn vị kỷ, những thái độ ích kỷ và những suy nghĩ chia rẽ. Khi chúng ta thoát khỏi những điều này, chúng ta có thể phó dâng bản thân chúng ta cho Thiên Chúa và Ngài sẽ ban gấp trăm cho chúng ta phúc lành của Ngài.
Chuyển ngữ: Nt. Têrêsa Kiều Thị Yến Ly, SPC
Trích từ: Tác phẩm “Đức Maria, Hình ảnh của Giáo hội hiệp hành”
Nguyên tác: Mary Icon of the Synodal Church: Biblical Reflections
_______
[1] Đức Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris Mater – Mẹ Đấng Cứu Thế, 25.03.1987, số 13.
[2] Tổng Thư ký của Thượng Hội đồng, Cẩm nang Thượng Hội đồng Giám mục về tính hiệp hành, phần 2.2.
[3] Characteristics of a Synodal Community (những đặc tính của một cộng đoàn hiệp hành), trong Magnet 6 (2022/3), trang 10.
#ducmaria #giaohoihiephanh