Các sinh hoạt của Thượng Hội đồng Giám mục XVI
Chiều ngày 20 tháng Mười vừa qua, ông Paolo Ruffini, Trưởng ban Thông tin của Thượng Hội đồng Giám mục Kỳ thứ XVI, cùng với các phụ tá và vài thành viên của Thượng Hội đồng đã mở cuộc họp báo để cho biết nội dung các cuộc thảo luận của các nhóm nhỏ, về phần B3 trong tài liệu làm việc của Thượng Hội đồng về tinh thần đồng trách nhiệm trong Giáo hội, vai trò của các giám mục, cách thực thi quyền bính.
Ông Ruffini cho biết có sự tái khẳng định quyết tâm tránh thái độ độc đoán và quyền bính không có nghĩa là thống trị, nhưng là phục vụ. “Ai có quyền bính không phải kiểm soát tất cả nhưng là có khả năng ủy quyền”, và giám mục là vị quyết định cuối cùng, nhưng không phải là tiếng nói duy nhất.
Có những nhóm nói về vai trò của các mục tử trong việc mục vụ người nghèo, theo thể thức buổi cầu nguyện do Đức Thánh cha chủ sự tại Quảng trường thánh Phêrô cho những người di dân và tị nạn. Cần lắng nghe tiếng kêu của những người đau khổ trên đường, như người Samaritano nhân lành. Các giám mục được kêu gọi hoán cải tâm hồn, và cầu nguyện để tái xuất hiện những tâm tình nhân đạo nơi những người đang buôn bán võ khí, góp phần vào “Thế chiến thứ ba” gây chết chóc, đau khổ cho hàng triệu người” trên thế giới.
Tại cuộc họp báo, bà Sheila Pires, người Nam Phi, Tổng thư ký Ủy ban Thông tin của Thượng Hội đồng cho biết trong khóa họp, cũng có tiếng nói cảnh giác chống nạn giáo sĩ trị, kể cả nơi các giáo dân, vì thái độ này đưa tới sự lạm dụng quyền bính, lạm dụng lương tâm, kinh tế và tính dục, làm Giáo hội mất uy tín, đến độ cần có những cơ cấu kiểm soát. Vì thế, có các tham dự viên nhấn mạnh rằng “đồng hành tính có thể góp phần phòng ngừa lạm dụng, vì đó là một tiến trình có liên hệ tới sự lắng nghe và đối thoại”.
Về những cải tổ cần thiết trong Giáo hội, người ta nói đến sự cải tổ cần thiết để có sự minh bạch hơn trong các cơ cấu tài chánh và lãnh vực kinh tế; duyệt lại giáo huấn và cả một số tước vị lỗi thời. Cần củng cố các cơ cấu hiện hữu như các Hội đồng mục vụ, nhưng không rơi vào thái độ “duy nghị viện”.
Sau cùng, bà Sheila cho biết vấn đề sự hiện diện cạnh những người trẻ trong môi trường kỹ thuật số, như một lãnh vực loan báo Tin mừng để đến với những người ở xa Giáo hội, cũng được nhắc đến trong các cuộc thảo luận.
Phát biểu của Đức Tổng giám mục Liên Hội đồng Giám mục Âu châu
Đức Tổng giám mục Gintaras Grusas, người Lituani, nhưng sinh ra và lớn lên tại Mỹ. Lên tiếng trong cuộc họp báo, Đức Tổng giám mục cho biết là không chờ đợi quyết định nào của Thượng Hội đồng Giám mục về việc thay đổi đạo lý của Giáo hội. Ngài cho biết như trên, khi trả lời câu hỏi của nhà báo xem có nghị quyết nào của Thượng Hội đồng về việc truyền chức cho phụ nữ hoặc về đồng tính luyến ái hay không. Đức Tổng giám mục cũng là Chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục Âu châu. Ngài nói: “Đề tài của chúng tôi là tính đồng hành, điều mà Đức Thánh cha đã đề ra cho Thượng Hội đồng Giám mục này. Những vấn đề chuyên biệt sẽ được thảo luận sau. Theo ý tôi, sẽ không có nghị quyết, bây giờ cũng như trong giai đoạn tới đây vào năm 2024”.
Đức Tổng giám mục Grusas nói thêm rằng: “Nếu chúng ta là một Giáo hội đã trở nên đồng hành thì Thượng Hội đồng này đã là một thành công rồi”. Tuy nhiên, Đức Tổng giám mục nhìn nhận những vấn đề tranh luận sẽ không biến mất. Chúng là thành phần của đời sống Giáo hội. Nhưng Thượng Hội đồng không muốn quyết định về các vấn đề đạo lý của Giáo hội”. Qua các cuộc nói chuyện tại công nghị này, ngài có cảm tưởng là tiến trình nhóm họp này quan trọng hơn là những quyết định”.
Chứng từ của Đức Tổng giám mục từ Tokyo
Trong số các khách mời lên tiếng trong cuộc họp báo, cũng có Đức cha Tarcisio Isao Kikuchi, Dòng Ngôi Lời, Tổng giám mục Tokyo, Chủ tịch Caritas quốc tế, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Nhật Bản, Tổng thư ký Liên Hội đồng Giám mục Á châu. Ngài cho biết đối với người Nhật, thật là khó nói trong nhóm, vì họ thích im lặng hơn, theo lối sống của họ. Vì thế, “cuộc thảo luận được đề cập đến trong những ngày này thật là quan trọng. Trong khóa họp cấp đại lục Á châu để chuẩn bị cho Thượng Hội đồng Giám mục này, chúng tôi đã bắt đầu sử dụng phương thức các cuộc thảo luận nhóm, quanh một bàn. Nhờ tham dự năm nhóm nhỏ, tôi đã có thể sống trọn sự khác biệt trong sự hiệp nhất của Giáo hội, không quên rằng Giáo hội là hoàn vũ”. Ngôn ngữ được sử dụng trong các cuộc gặp gỡ là ngôn ngữ của thần học hoàn vũ, cho dù một giải pháp duy nhất không thể có giá trị đối với tất cả mọi người. Điều này là vì tại Á châu, có bao nhiêu ngôn ngữ và bao nhiêu thực tại: chúng ta không thể chọn một giải pháp duy nhất để đồng hành với nhau, xét vì đồng hành tính có nghĩa là tôn trọng các văn hóa địa phương.
Đức Tổng giám mục Kikuchi cũng nói về hoạt động của Caritas quốc tế mà ngài làm chủ tịch và nhấn mạnh rằng “mỗi Caritas đều là điều cơ bản trong hành trình đồng hành của Giáo hội. Tất cả các tổ chức đều có căn tính Công giáo, cộng tác tích cực với các đối tác khác nhau và cũng có một giá trị đại kết và liên tôn. (Vatican News 20-10-2023).
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
nguồn: vietnamese.rvasia.org