ĐỨC THÁNH CHA CHỦ SỰ THÁNH LỄ KHAI MẠC ĐẠI HỘI ĐỒNG THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC THỨ 16 (4/10/2023)
Vatican News (04.10.2023) – Sáng thứ Tư 4/10/2023, Đức Thánh Cha đã khai mạc Đại hội Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ 16 bằng Thánh lễ tại quảng trường Thánh Phêrô. Đức Thánh Cha đã suy tư về cái nhìn chúc tụng và chào đón của Chúa Giêsu. Trước những thời khắc sầu khổ, Chúa đã ngợi khen sự khôn ngoan của Chúa Cha. Đức Thánh Cha mời gọi Giáo hội không lấy tinh thần chia rẽ và xung đột để đối mặt với những thách thức và vấn đề của ngày nay, nhưng khiêm tốn và hiệp nhất, cầu nguyện và bác ái và cởi mở với Chúa Thánh Thần.
Cùng đồng tế với Đức Thánh Cha trong Thánh lễ có 20 tân Hồng y được ngài vinh thăng trong Công nghị vào sáng ngày 30/9/2023 và khoảng 100 Hồng y trong Hồng y đoàn. Bên cạnh đó còn có 370 Giám mục và linh mục tham dự Đại hội Thượng Hội đồng và hơn 250 linh mục không phải là thành phần của Đại hội Thượng Hội đồng.
Tất cả 464 tham dự viên của Thượng Hội đồng, trong đó có 365 thành viên, với 54 phụ nữ có quyền bỏ phiếu, đều hiện diện tham dự Thánh lễ.
Trong Thánh lễ cũng có sự hiện diện của 20 phái đoàn các Giáo hội Đông phương và hai Giám mục Trung Quốc được Đức Thánh Cha bổ nhiệm.
Bài giảng
Trong bài giảng, từ bài Tin Mừng nói rằng Chúa Giêsu, trước những thời khắc sầu khổ đã có cái nhìn vươn xa hơn, ngợi khen sự khôn ngoan của Chúa Cha, Đức Thánh Cha suy tư về cái nhìn chúc tụng và chào đón của Chúa Giêsu. Ngài mời gọi Giáo hội không lấy tinh thần chia rẽ và xung đột để đối mặt với những thách thức và vấn đề của ngày nay, nhưng khiêm tốn và hiệp nhất, cầu nguyện và bác ái và cởi mở với Chúa Thánh Thần.
Mở đầu bài giảng Đức Thánh Cha nhắc rằng “chúng ta đang khai mạc Đại hội Thượng Hội Đồng. Và chúng ta không cần một cái nhìn thiển cận, được tạo nên từ những chiến lược của con người, những tính toán chính trị hay những trận chiến ý thức hệ. Chúng ta không ở đây để tiến hành một cuộc họp quốc hội hay một kế hoạch cải cách. Không. Chúng ta ở đây để cùng bước đi với cái nhìn của Chúa Giêsu, Đấng chúc tụng Chúa Cha và chào đón những ai mệt mỏi và bị áp bức”.
Và Đức Thánh Cha suy tư về cái nhìn của Chúa Giêsu.
Cái nhìn chúc tụng
Trước hết, đó là một cái nhìn chúc tụng. Đức Thánh Cha nói “Mặc dù đã trải qua cảm giác bị khước từ và chứng kiến chung quanh mình nhiều sự chai đá trong tâm hồn, Đức Kitô không để mình bị giam cầm bởi sự thất vọng, không trở nên cay đắng, không ngừng cất tiếng ngợi ca”.
Không nản lòng
Theo Đức Thánh Cha, cái nhìn này của Chúa cũng mời gọi chúng ta trở thành một Giáo hội biết chiêm ngưỡng hành động của Thiên Chúa và nhận định về hiện tại với tâm hồn tươi tắn, hân hoan. “Giữa những làn sóng đôi khi bị kích động của thời đại chúng ta, Giáo hội vẫn được mời gọi không nản lòng, không tìm kiếm những sơ hở về ý thức hệ, không tự rào cản mình bằng những tiên kiến sẵn có, không nhượng bộ những giải pháp tiện lợi, không để thế gian sai khiến hoạch định và công việc của mình”.
Không lấy tinh thần chia rẽ và xung đột để đối mặt với những thách thức
Đức Thánh Cha nói tiếp rằng “Cái nhìn chúc tụng của Chúa Giêsu mời gọi chúng ta trở thành một Giáo Hội không lấy tinh thần chia rẽ và xung đột để đối mặt với những thách thức và vấn đề của ngày nay, nhưng trái lại, hướng mắt về Thiên Chúa là mầu nhiệm hiệp thông, với sự kinh ngạc và khiêm tốn, chúc tụng và thờ lạy Người, chân nhận Con Một của Người là Chúa”.
Chúa Giê-su là đủ cho chúng ta
“Chúng ta thuộc về Thiên Chúa và – xin hãy nhớ – chúng ta tồn tại là để đưa Thiên Chúa đến với thế giới. Như thánh tông đồ Phao-lô đã nói với chúng ta, chúng ta không có ‘điều đáng tự hào nào khác ngoại trừ thập tự giá của Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô’ (Gal 6:14). Chúa Giê-su là đủ cho chúng ta, Người là đủ cho chúng ta. Chúng ta không muốn vinh quang trần thế, chúng ta không muốn được đẹp mặt trước mắt thế gian, nhưng đạt được niềm tự hào nhờ ơn an ủi của Tin Mừng, để làm chứng tốt hơn và cho mọi người về tình yêu vô biên của Thiên Chúa”.
Tái tập trung cái nhìn của chúng ta vào Thiên Chúa, trở thành một Giáo Hội nhìn nhân loại với lòng thương xót
Đức Thánh Cha cũng nhắc lại lời Đức Bênêđíctô XVI trong một kỳ Đại hội Thượng Hội đồng, “vấn đề đặt ra cho chúng ta là: Thiên Chúa đã lên tiếng, Người đã thực sự phá vỡ sự im lặng tuyệt đối, Người đã bày tỏ chính mình, nhưng làm thế nào chúng ta có thể làm cho thực tế này đến được với con người ngày nay, để trở thành sự cứu độ?” (Suy niệm tại Phiên họp chung đầu tiên của Đại hội thường kỳ lần thứ XIII của Thượng Hội đồng Giám mục, ngày 8 tháng 10 năm 2012).
Đây là câu hỏi nền tảng. Và nhiệm vụ hàng đầu của Thượng Hội Đồng là “tái tập trung cái nhìn của chúng ta vào Thiên Chúa, trở thành một Giáo Hội nhìn nhân loại với lòng thương xót. Một Giáo hội hiệp nhất và huynh đệ, biết lắng nghe và đối thoại; một Giáo hội chúc phúc và khuyến khích, trợ giúp những người tìm kiếm Chúa, lay chuyển hữu hiệu những người còn đang thờ ơ -dửng dưng, khởi xướng những lối nẻo đưa con người đến với vẻ đẹp của đức tin. Một Giáo hội lấy Thiên Chúa làm trung tâm và do đó không chia rẽ bên trong cũng như không bao giờ khắc nghiệt bên ngoài. Chúa Giêsu mong muốn Giáo hội, hiền thê của Người, được như thế”.
Cái nhìn chào đón
Cái nhìn thứ hai của Chúa Giêsu là cái nhìn chào đón. Đức Thánh Cha nhận xét: “Trong khi những người nghĩ rằng họ khôn ngoan thì không thể nhận ra hành động của Thiên Chúa, nhưng Chúa Giêsu vui mừng trong Chúa Cha vì Thiên Chúa tỏ mình ra cho những kẻ bé mọn-đơn sơ, những người có tâm hồn nghèo khó. Và do đó, trong suốt cuộc đời của mình, Chúa Giêsu luôn có cái nhìn hiếu khách đối với những người yếu đuối nhất, những người đau khổ, những người bị ruồng bỏ. Ngài đặc biệt nói với họ những gì chúng ta đã nghe: Hỡi tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28).
Trở nên một Giáo Hội hiếu khách
Đức Thánh Cha nói tiếp: “Cái nhìn chào đón này của Chúa Giêsu cũng mời gọi chúng ta trở nên một Giáo Hội hiếu khách. Trong thời điểm phức tạp mà chúng ta đang chứng kiến, những thách đố mới về văn hóa và mục vụ xuất hiện, đòi hỏi một thái độ nội tâm thân ái và tử tế, để có thể đương đầu với thách đố mà không sợ hãi”.
Một Giáo hội “đối thoại”
Theo Đức Thánh Cha, trong cuộc đối thoại mang tính hiệp hành mà chúng ta đang cùng nhau thực hiện với tư cách là Dân Chúa, chúng ta có thể lớn lên trong sự hiệp nhất và tình bạn với Chúa để nhìn những thách đố ngày nay bằng cái nhìn của Người; để trở nên, theo lối diễn đạt đẹp đẽ của Thánh Phaolô VI, một Giáo hội “đối thoại” (Thông điệp Ecclesiam suam, số 67). Một Giáo hội “với ách êm ái” (xem Mt 11:30), không áp đặt gánh nặng và nhắc lại cho mọi người: “Hỡi những ai mệt mỏi và chịu áp bức, hãy đến đây, hỡi những ai lạc lối hoặc tự cảm thấy xa cách, hãy đến đây, hỡi những người đã đóng cửa hy vọng: Giáo hội ở đây là để dành cho anh chị em!”.
Những vũ khí của Tin Mừng: khiêm tốn và hiệp nhất, cầu nguyện và bác ái
Kết thúc bài giảng, Đức Thánh Cha mời gọi cộng đoàn “hãy cùng nhau bước đi: khiêm nhường, nhiệt thành và vui tươi. Hãy đi theo bước chân của Thánh Phanxicô Assisi, vị Thánh của nghèo khó và hòa bình.
Nhắc lại câu chuyện Thánh Bonaventura kể, khi thánh Phanxicô đang cầu nguyện, Đấng Chịu Đóng Đinh đã nói với thánh nhân: “Hãy đi sửa chữa ngôi nhà thờ của Ta” (Legenda maior, II, 1), Đức Thánh Cha nói: “Thượng Hội Đồng nhắc nhở chúng ta về điều này: Mẹ Giáo hội luôn cần sự thanh tẩy, cần được “sửa chữa”, bởi vì tất cả chúng ta đều là Dân của những tội nhân được tha thứ, luôn cần trở về với nguồn là Chúa Giêsu và lại đặt mình trên những con đường của Chúa Thánh Thần để có thể đến với mọi người với Tin Mừng của Chúa. Thánh Phanxicô Assisi, trong thời kỳ đầy rẫy những cuộc đấu tranh và chia rẽ lớn lao giữa quyền lực trần thế và quyền lực tôn giáo, giữa Giáo hội thể chế và các trào lưu dị giáo, giữa các Kitô hữu và các tín hữu khác, đã không chỉ trích hay đả kích bất cứ ai, nhưng thánh nhân chỉ cầm những vũ khí của Tin Mừng: khiêm tốn và hiệp nhất, cầu nguyện và bác ái. Chúng ta cũng hãy làm như vậy!”
Hãy mở lòng ra với Chúa Thánh Thần và kêu cầu Người
Và Đức Thánh Cha nhắc lại một lần nữa rằng Thượng Hội Đồng mà chúng ta sắp khai mạc, “không phải là một cuộc tụ họp chính trị, mà là một cuộc triệu tập trong Thần Khí; không phải là một nghị viện phân cực, mà là nơi của ân sủng và hiệp thông.” Khẳng định rằng “Chúa Thánh Thần thường phá vỡ những kỳ vọng của chúng ta để tạo ra một điều gì đó mới mẻ, vượt qua những dự đoán và sự tiêu cực của chúng ta”, Đức Thánh Cha mời gọi: “Chúng ta hãy mở lòng ra với Chúa Thánh Thần và kêu cầu Người, vì Chúa Thánh Thần là nhân vật chính. Còn chúng ta bước đi với Người, trong niềm tin tưởng và hân hoan”.
Vatican News
Nguồn: vaticannews.va/vi
#thanhlekhaimacthuonghoidonggiammuc #thuonghoidonggiammuclanthu16