TÍNH HIỆP HÀNH TRONG ĐỜI SỐNG CỦA NGƯỜI NỮ TU
THEO LINH ĐẠO MẾN THÁNH GIÁ
“Cùng với chị em bước đi trong linh đạo Mến Thánh Giá” (Hc, đ.31)
WGPQN (07.9.2022) – Hiệp hành là bước đi cùng nhau trên cùng một con đường. Tính hiệp hành trong đời sống của người nữ tu Mến Thánh Giá là “cùng với chị em bước đi trong linh đạo Mến Thánh Giá” (Hc, đ.31), là bước đi cùng nhau và với nhau để phổ biến khắp nơi tình yêu thực tiễn đối với thánh giá Con Thiên Chúa. Linh đạo này tập trung vào Mầu nhiệm thập giá cứu độ của Chúa Giêsu Kitô, lấy Đức Kitô làm trung tâm của đời sống được thể hiện qua ba chiều kích: Chiêm niệm, khổ chế và tông đồ. Chiêm niệm cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Kitô trên thập giá là đi vào mối tương quan hiệp thông mật thiết với Người, khao khát đồng hóa với Người trong Mầu nhiệm khổ nạn. Sống khổ chế là thông phần vào, tham dự vào cuộc khổ nạn cứu thế của Đức Kitô; tháp nhập hoàn toàn đời mình vào tình yêu của Đấng chịu đóng đinh, làm cho Mầu nhiệm khổ nạn trở nên hiện thực và hữu hiệu nơi cuộc đời mình. Thực hiện việc tông đồ là bày tỏ cảm thức thuộc về Giáo hội- tham dự vào đời sống và sứ vụ của Giáo hội để Giáo hội được “tái sinh” – Một Giáo hội kết nối tương quan, một Giáo hội không loại trừ, một Giáo hội không ngừng chuyển động ; là biểu lộ thuộc về Đức Kitô, gắn liền với sứ mạng cứu thế của Người. Như vậy, “cùng với chị em bước đi trong linh đạo Mến Thánh Giá” bao hàm ý nghĩa sâu sắc của lối sống hiệp hành: Hiệp thông, tham gia, sứ vụ. Lối sống ấy dựa trên nền tảng là tình yêu dành cho Đức Kitô chịu đóng đinh- động lực gắn kết ba chiều kích: Chiêm niệm, khổ chế, tông đồ.
Hiệp thông với Giáo hội theo linh đạo Mến Thánh Giá qua chiều kích chiêm niệm
Ơn gọi thánh hiến đặt nền tảng trên Bí tích Rửa tội và phát xuất từ Giáo hội, nên dù là nam nữ tu sĩ, nữ tu Mến Thánh Giá hay giáo dân thì đều được mời gọi hiệp thông sâu xa với Hội Thánh, vì Hội Thánh là thân thể Chúa Kitô (x. Lumen Gentium, số 7). Người Kitô hữu hiệp thông với Hội Thánh là hiệp thông với Đức Kitô, là kết hiệp mật thiết với Người như cành nho gắn liền với thân nho (x. Ga 15,1-8). Mối tương quan với Đức Kitô được thiết lập thâm sâu sẽ là động lực để gắn kết với tha nhân và sống tình huynh đệ với nhau như anh chị em.
Nói đến chiêm niệm không thể không nhắc đến Đấng sáng lập – Đức cha Lambert de la Motte. Với tâm hồn chiêm niệm sâu sắc, người cha tinh thần không ngừng liên lỉ chiêm ngắm Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh trên Thánh giá, cảm nghiệm tình yêu phi thường của Người và diễn tả tình yêu ấy nơi cuộc sống. Ngài đã được Thiên Chúa chọn làm trung gian chuyển thông ơn đoàn sủng cho Dòng Mến Thánh Giá, và ngài cũng chuyển thông ân sủng kín múc được từ Thiên Chúa cho hết thảy mọi người, với mục đích làm tình yêu Đức Kitô được mọi người nhận biết. Ngài hiệp thông với Hội Thánh trong lời kinh khẩn nài tha thiết cùng Đấng chịu đóng đinh cho lương dân được ơn cứu độ và ơn hoán cải cho các tín hữu sống xa Chúa (x. Ltk III,1; Btt 8; Bts 5,4c); và góp phần xây dựng Giáo hội địa phương qua những công trình mà ngài đã để lại, đặc biệt là hàng Giáo phẩm địa phương và Dòng Mến Thánh Giá.
Được thừa hưởng lòng đạo đức, thánh thiện và lối sống chiêm niêm thâm sâu của Đức cha Lambert, người nữ tu Mến Thánh Giá hiệp thông với Giáo hội bằng đời sống cầu nguyện: suy niệm, nguyện ngắm, chiêm niệm và sống Mầu nhiệm Thập giá với tâm tình yêu mến, tưởng nhớ và noi theo cuộc đời lữ thứ hy sinh của Đức Kitô. Càng tiếp xúc thân mật với Chúa Kitô thì càng để cho Người hoạt động trong ta, càng để cho Lời của Người hướng dẫn ta để mạnh mẽ kiên cường vác thập giá theo Người và làm chứng cho Người. Càng khám phá và cảm nghiệm tình yêu của Người ngay trong cuộc đời mình thì càng «chịu đóng đinh vào thập giá với Đức Kitô». Càng xác tín: «tôi sống nhưng không phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi» (Gl 2,20) thì càng quảng đại dấn thân phục vụ Giáo hội, nhất là Giáo hội địa phương để danh Chúa được tôn vinh. Xin cho người nữ tu Mến Thánh Giá luôn chiêm ngắm, say mê Đức Kitô chịu đóng đinh, và luôn thông hiệp vào mầu nhiệm thập giá của Người. Nhờ kinh nghiệm nội tâm này, cuộc đời của người nữ tu Mến Thánh Giá có thể trở thành lời kinh chuyển cầu cho lương dân được ơn biết Chúa; cho các tín hữu sống xa lìa Chúa được ơn hoán cải; cho các nhu cầu của Giáo hội phổ quát, Giáo hội địa phương và các linh hồn nơi luyện ngục (x. Hc, điều 61).
Hiệp thông với Giáo hội theo linh đạo Mến Thánh Giá qua chiều kích khổ chế
Khổ chế theo nghĩa hẹp là những quy định khắc khổ phải tuân theo, phải ra sức tập luyện, rèn luyện, khổ luyện để đạt được mục đích đã vạch ra. Một sinh viên muốn ra trường với tấm bằng suất sắc thì phải có kế hoạch học tập nghiêm nhặt và tuân thủ những qui luật khắc khổ. Một siêu mẫu muốn có thân hình đẹp thì phải tuân thủ chế độ ăn uống khắc nghiệt, tuân theo quy trình tập luyện, kiêng khem và giảm cân khắt khe… Vậy có nhiều động lực khác nhau để người ta thực hành khổ chế.
Trong lãnh vực đời sống đức tin, khổ chế là phương tiện giúp người Kitô hữu thể hiện lòng mến với Đức Kitô, gắn kết với Đức Kitô, để nhờ Người họ đạt đến sự trọn lành. Riêng đối với người nữ tu Mến Thánh Giá, «khổ chế là thông phần vào cuộc khổ nạn cứu thế của Chúa Kitô» (Hc, điều 63). Thông phần là tham dự vào, góp phần của mình vào… «Khổ chế là thông phần vào cuộc khổ nạn cứu thế của Chúa Kitô» ẩn chứa một ý nghĩa tích cực. Chính người nữ tu Mến Thánh Giá năng động, chủ động, tích cực sống mầu nhiệm khổ nạn của Chúa Kitô cách hiện thực và hữu hiệu trong cuộc đời mình. Để như thánh Phaolô, người nữ tu Mến Thánh Giá cũng xác tín : tôi hoàn tất nơi thân xác tôi những gì còn thiếu trong những đau khổ Chúa Giêsu phải chịu vì thân mình Người là Hội thánh (x. Cl 1, 24). Khi người nữ tu Mến Thánh Giá cho Đức Kitô mượn thân xác của mình để thực hành những việc hãm mình, hy sinh, khổ chế, với ý hướng gắn kết với Đức Kitô để tiếp nối cuộc đời lữ thứ hy sinh của Người; thì họ được Chúa ban cho giá trị cao quý- được thông phần vào hy lễ cứu độ của Đức Kitô trên Thánh giá. Khi người nữ tu Mến Thánh Giá thông dự vào cuộc khổ nạn của Chúa Kitô thì họ cũng hiệp thông với Giáo hội vì Giáo hội là “Thân thể mầu nhiệm” của Chúa Kitô. Hiệp thông với Chúa Kitô là đầu của Giáo Hội thì cũng hiệp thông với Giáo hội là thân thể của Người (x. Ep 5, 23). Giáo hội là một thân thể sống động, luôn hoạt động và tiến bước. Là chi thể của Giáo hội, người nữ tu Mến Thánh Giá càng phải sống chết cho Giáo hội ngang qua ơn gọi và linh đạo đặc thù của mình. Noi gương Đức cha Lambert, xin cho người nữ tu Mến Thánh Giá chết đi trong mọi sự để chỉ sống cho một mình Thiên Chúa, sống tinh thần khổ chế cách triệt để hơn với ý hướng thông phần vào cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu trên Thánh giá, và sẵn sàng đi con đường hẹp cho đến chết bằng những đau đớn bên ngoài và tâm tình vâng phục bên trong đối với thánh ý Thiên Chúa.
Hiệp thông với Giáo hội theo linh đạo Mến Thánh Giá qua chiều kích tông đồ
Làm sao người nữ tu Mến Thánh Giá tham dự vào đời sống và sứ vụ của Giáo hội cách tích cực qua các hoạt động tông đồ, nếu không cảm thức mình thuộc về Giáo hội- có bổn phận và trách nhiệm đối với Giáo hội. Làm sao người nữ tu Mến Thánh Giá thể hiện tinh thần tông đồ qua chuỗi ngày sống, nếu không được hun đúc và vun đắp bởi linh đạo Lâm bích, được thể hiện rõ nét qua cuộc đời Đấng sáng lập- Đức cha Lambert de la Motte. Đức cha chiêm ngắm Đức Kitô chịu đóng đinh, nhận ra tình yêu và chương trình cứu thế của Thiên Chúa mặc khải nơi Thập giá và nghe được tiếng Chúa sai đi đưa các linh hồn về với Người (x.ts.III,12). Ngài chia sẻ kinh nghiệm: Một thừa sai Tông tòa là một hình ảnh sống động của Đức Giêsu Kitô. Không thể trở thành thừa sai Tông tòa đích thực, nếu không là một hy lễ đau khổ xứng với bậc sống của mình (x. Tuyển tập bút tích- Di cảo của Đ.c Lambert de la Motte, số 11 và 16).
Người nữ tu Mến Thánh Giá thông phần vào cuộc khổ nạn cứu thế của Chúa Kitô trong đời sống tông đồ cũng phải chấp nhận chịu đau khổ trong tinh thần gắn bó với Đức Kitô, yêu mến Đức Kitô mà là Đức Kitô chịu đóng đinh. Nhờ đó, đời sống tông đồ của họ trở thành chứng từ của Giáo hội, lời công bố của Giáo hội giữa thế giới về giá trị của Tin Mừng. Như thế, người nữ tu Mến Thánh Giá hiệp thông với Giáo hội qua chiều kích tông đồ là làm cho Giáo hội được «tái sinh»- Một Giáo hội kết nối tương quan, một Giáo hội không loại trừ, một Giáo hội không ngừng chuyển động. Để có được lối sống hiệp thông như thế và thể hiện tính năng động của Giáo hội, đòi hỏi người nữ tu Mến Thánh Giá phải tự hoán cải chính mình. Một sự hoán cải mang tính Vượt qua từ «vị kỷ» sang «yêu thương», từ cái «tôi» sang cái «chúng ta», từ «cá nhân» sang cái «chung», từ «cộng đoàn cho tôi» sang «tôi cho cộng đoàn»… Nếu không có sự hoán cải của con tim và lý trí, của suy nghĩ, hành động và lối sống, mà đi vào sự hiệp thông, thì chúng ta có nguy cơ trở thành những «Pharisêu thời đại mới»- luôn bắt bẻ, lên án, chỉ trích, ganh tỵ… thay vì thấu hiểu, cảm thông và đón nhận nhau để xây dựng Giáo Hội.
Tóm lại, «cùng với chị em bước đi trong linh đạo Mến Thánh Giá» vừa thể hiện sắc thái của một Giáo hội hiệp hành: Hiệp thông, tham gia, sứ vụ; vừa làm nổi bật ba chiều kích linh đạo Lâm bích: Chiêm niệm, khổ chế, tông đồ. Ước mong người nữ tu Mến Thánh Giá luôn tháp nhập hoàn toàn đời mình vào tình yêu của Đấng chịu đóng đinh, để mọi chiều kích hiệp thông, tham gia, sứ vụ và đời sống chiêm niệm, khổ chế, tông đồ đều xuất phát từ nguồn mạch là Đức Kitô, xoay quanh trọng tâm là Đức Kitô, rập theo khuôn mẫu là Đức Kitô, được thúc đẩy bởi động lực là Đức Kitô, hướng về cùng đích là Đức Kitô như gương sống của Đấng sáng lập – Đức cha Lambert de la Motte.
Nt. Lucie Nguyễn Thị Thanh Lan
Dòng MTG. Qui Nhơn
Nguồn: gpquinhon.org