GIÁO HỘI CÔNG GIÁO SINGAPORE TRƯỚC CUỘC VIẾNG THĂM CỦA ĐỨC THÁNH CHA
Với khoảng 176.000 tín hữu thuộc 32 giáo xứ, Giáo hội Công giáo ở Singapore là một trong những Giáo hội năng động và quan trọng nhất ở Đông Nam Á, bất chấp một xã hội ngày càng bị lôi cuốn bởi lối sống vật chất. Sức sống của Giáo hội được khẳng định qua sự hiện diện tích cực của Giáo hội trong lĩnh vực xã hội cũng như bởi đông đảo tín hữu tham dự các cử hành phụng vụ…
Chặng cuối trong chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Á Châu vào đầu tháng 9/2024 chính là Singapore, một đảo quốc nhỏ chỉ cách Việt Nam khoảng hai giờ đường hàng không. Nhiều tín hữu Việt Nam sẽ đến Singapore để tham dự Thánh lễ do Đức Thánh Cha cử hành tại Sân vận động quốc gia ở Singapore Sports Hub vào ngày 12/9/2024.
Vài nét về Singapore
Singapore có diện tích chỉ 683 km2, với dân số khoảng 6 triệu, gồm các sắc tộc chính là Trung Hoa, Malaysia và Ấn Độ, sử dụng các ngôn ngữ Anh, Malaysia, Trung Quốc và Tamil. Khoảng 33% dân số Singapore theo Phật giáo, 18% theo Kitô giáo, trong đó có 3,5% là Công giáo, 15% theo Hồi giáo, 11% theo Đạo giáo, 5% theo Ấn giáo và các tôn giáo khác chiếm 17% dân số.
Singapore được Quốc vương Johor nhượng lại cho Công ty Đông Ấn của Anh vào năm 1819. Năm 1942, Singapore rơi vào tay người Nhật cho đến năm 1945. Năm 1959 Singapore giành được quyền tự trị trong Khối thịnh vượng chung và trở thành một phần của Liên bang Malaysia. Nhưng đến năm 1965 Singapore đã rời Liên bang và được thành lập như là một nước Cộng hòa liên kết với Khối thịnh vượng chung.
Singapore có nền kinh tế hiện đại phát triển. Các ngành công nghiệp được phát triển chủ yếu trong các lĩnh vực cơ khí (nhà máy đóng tàu), hóa chất, hóa dầu, điện tử, dược phẩm và công nghệ sinh học. Ngoài thương mại, hoạt động tài chính ngân hàng cũng có tầm quan trọng rất lớn. Singapore cũng là một địa điểm du lịch quan trọng và là trung tâm hội nghị chính của châu Á.
Khởi đầu của Giáo hội Singapore
Công cuộc loan báo Tin Mừng tại Singapore bắt đầu từ thế kỷ XVI, khi một số nhà truyền giáo Bồ Đào Nha, được tiếp nối bởi thánh Phanxicô Xaviê, đến quần đảo Mã Lai, nhưng bị gián đoạn sau khi người Hà Lan theo Tin Lành Calvin đến Singapore. Họ đã cấm việc thờ phượng Công giáo, các hoạt động truyền giáo bị hạn chế, trong khi các giám mục của giáo phận Malacca khi đó bị buộc phải cư trú bên ngoài lãnh thổ. Năm 1819, sau khi Công ty Đông Ấn của Anh mua đảo Singapore, Giáo hội quay trở lại Singapore, nhờ hoạt động của Hội Thừa sai Paris và đặc biệt là của thánh Laurent Marie Joseph Imbert (1796-1839), một linh mục người Pháp, thành viên của Hội Thừa sai Paris, người được xem là linh mục Công giáo đã cử hành Thánh lễ đầu tiên tại đảo quốc này sau khi đặt chân lên bờ biển Singapore vào ngày 11/12/1821.
Được ủy thác cho Hội Thừa sai Paris, vào năm 1841 Singapore được Đức Giáo hoàng Grêgôriô XVI nâng thành giáo phận Đại diện Tông tòa Malacca-Singapore, và trở thành một tổng giáo phận tách khỏi Malacca vào năm 1972. Đến năm 1977, Đức Cha Gregory Yong trở thành Tổng giám mục tiên khởi của Singapore. Trong hai thế kỷ qua, dân số Công giáo đã gia tăng đáng kể. Hiện nay Đức Hồng y William Goh là Giám mục của Tổng giáo phận.
Vào ngày 24/6/1981, quan hệ ngoại giao được thiết lập giữa Cộng hòa Singapore và Tòa Thánh. Vào ngày 20/11/1986 Đức Gioan Phaolô II viếng thăm Singapore, trong chuyến tông du quốc tế lần thứ 32, khi ngài cùng thăm các quốc gia khác là Bangladesh, Fiji và New Zealand.
Một Giáo hội năng động và tăng trưởng
Giáo hội Singapore có 1 Hồng y và 2 Giám mục, 156 linh mục, 33 nam tu sĩ và 156 nữ tu. Với khoảng 176.000 tín hữu thuộc 32 giáo xứ, Giáo hội Công giáo ở Singapore là một trong những Giáo hội năng động và quan trọng nhất ở Đông Nam Á, bất chấp một xã hội ngày càng bị lôi cuốn bởi lối sống vật chất. Trên thực tế, dữ liệu gần đây nhất từ Văn phòng Thống kê Singapore cho thấy rằng Ki-tô giáo, đặc biệt là Công giáo, là tôn giáo duy nhất đang phát triển ở quốc đảo này. Một sức sống được khẳng định qua sự hiện diện tích cực của Giáo hội trong lĩnh vực xã hội cũng như bởi đông đảo tín hữu tham dự các cử hành phụng vụ. Tương quan giữa Giáo hội với Nhà nước rất tốt cũng nhờ vào đặc tính đa tôn giáo của xã hội Singapore.
Tín hữu Công giáo ở Singapore đã có những đóng góp và xây dựng cho Singapore. Giáo hội điều hành 57 cơ sở giáo dục với hơn 65 ngàn sinh viên học sinh, 33 trung tâm bác ái và xã hội.
Trong dịp Giáo hội Singapore kỷ niệm 200 năm đón nhận Phúc Âm, Thủ tướng Lý Hiển Long, một Phật tử, đã đánh giá cao về đóng góp của Giáo hội Công giáo cho Singapore trong hơn hai thế kỷ, thông qua giáo dục, chăm sóc sức khỏe và phúc lợi xã hội. Ông nói thêm: “Trong xã hội đa tôn giáo của chúng ta, người Công giáo phát triển mạnh và cùng tồn tại hài hòa với các tôn giáo khác”.
Phát triển “nội bộ”
Giáo hội Singapore đã phát triển “nội bộ”, với các văn phòng tổng giáo phận và các phong trào mới. Một số văn phòng mới đã được thêm vào và một số được mở rộng, ví dụ như Văn phòng thu hút sự tham gia của những người trẻ, đặc biệt là những người trong các trường cao đẳng, đại học và người lớn đang đi làm. Ủy ban Gia đình với 11 chi nhánh đã được tái thiết, và hiện phục vụ những người đã đính hôn, kết hôn, mục vụ cho những người ly hôn và những người có vợ hay chồng đã qua đời.
Với việc thành lập Hội đồng mới của các Hiệu trưởng trong các trường Công giáo, Ủy ban Tổng giáo phận về các trường Công giáo (ACCS) đã hoạt động rất tích cực. Tổng giáo phận cũng đã tăng cường phương tiện truyền thông kỹ thuật số, Đài phát thanh Công giáo và Tin tức Công giáo. Các phong trào mới đã bắt đầu như Trung tâm Lãnh đạo Công giáo, Hiệp hội Kiến trúc Công giáo, Hiệp hội Công nhân Xã hội Công giáo và những tổ chức khác.
Chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha đến Singapore sẽ diễn ra trùng với dịp kết thúc 10 năm kế hoạch mục vụ được Đức Hồng y Goh vạch ra cho Giáo hội Công giáo ở Singapore.
Để giúp người Công giáo Singapore chuẩn bị về phần thiêng liêng để “gặp gỡ Chúa Giêsu qua chuyến viếng thăm mục vụ của Đức Thánh Cha Phanxicô”, Tổng Giáo phận Singapore đã ra mắt một trang web gồm các kinh nguyện, các nguồn tài liệu trực tuyến và các cập nhật khác về cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha vào tháng 9.
Nguồn: vaticannews.va/vi