Kết thúc tiến trình phong chân phước cấp giáo phận cho “Cố Thuận” – vị sáng lập Dòng Xitô ở Việt Nam
Trưa ngày 10/5/2024, tại Tòa Giám quản Roma, Đức cha Baldassare Reina, Phó Giám quản Roma, đã chủ sự phiên họp kết thúc tiến trình phong chân phước giai đoạn giáo phận cho Cha Benoit Thuận, được gọi cách thân thương là “Cố Thuận”, người sáng lập “Dòng Đức Bà An Nam”, sau được đổi thành “Hội Dòng Xitô Thánh Gia”. Đức cha Reina gọi đây là “một khoảnh khắc lễ hội của toàn thể Giáo hội”, ở Roma cũng như ở Việt Nam.
Cha Benoit Thuận có tên khai sinh là Henri François Denis (1880-1933), một nhà truyền giáo người Pháp đã đến Việt Nam vào tháng 5/1903. Vào năm 1918 ngài đã thành lập đan viện Xitô đầu tiên, khi ấy có tên là “Dòng Đức Bà An Nam” tại Phước Sơn, thuộc tổng giáo phận Huế.
Tham dự nghi thức kết thúc tiến trình phong chân phước giai đoạn giáo phận cho Cố Thuận đặc biệt có Viện phụ tổng quyền Dòng Xitô Mauro Giuseppe Lipori, Cha Nguyên Viện Phụ Gioan Baotixita Trần Văn Chuyên, đại diện các bề trên của Hội Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam, một số đan sĩ nam nữ trong gia đình Xitô Việt Nam cũng như đại diện Liên tu sĩ Roma, và một nhóm giáo dân Việt Nam đến từ Berlin.
Tiến trình thành lập dòng Xitô tại Việt Nam
Theo thủ tục giáo luật, các tài liệu điều tra về sự thánh thiện của vị tôi tớ Chúa Benoit Thuận đã được niêm phong để chuyển đến Bộ Phong Thánh.
Đức cha Phó Giám quản giáo phận Roma đã đọc tiểu sử sơ lược của vị Tôi Tớ Chúa. Sinh tại Boulogne-sur-Mere, Pháp, vào năm 1880, Henri François Denis gia nhập chủng viện của Hội Thừa Sai Paris và được thụ phong linh mục vào ngày 7/3/1903. Vài tháng sau ngài nhận bài sai và lên đường đến Việt Nam. Ngài được Đức cha Casper, Đại diện Tông tòa khi đó đặt tên là “Thuận”, với ý nghĩa là thuận theo ý Chúa. Ngài gặp gỡ mọi người không phải với phong cách của người trên trước nhưng là của người phục vụ.
Tuy nhiên, khi hoạt động tông đồ truyền giáo, Cố Thuận cảm thấy cách mạnh mẽ tiếng gọi làm chứng cho Tin Mừng bằng đời sống đan tu. Vì vậy, vào năm 1918, với sự đồng ý của Đức Giám mục và được sự cho phép của Bộ Loan báo Tin Mừng thời đó, ngài đã thành lập Dòng Đức Bà An Nam, với đời sống hết sức đơn giản khó nghèo và ban đầu chỉ có một người bạn đồng hành.
Ngày 4/3/1930, Cha bề trên Benoit Thuận và Cộng đoàn Phước Sơn đệ đơn xin gia nhập Dòng Xitô Chung Phép thế giới. Ngày 12/10 cùng năm (1933), Đại Hội Toàn Dòng Xitô đã chấp nhận cho Cộng đoàn Phước Sơn gia nhập Dòng Xitô và trực thuộc Bề Trên Cả (Cha Tổng Phụ).
Cha Benoit Thuận qua đời vào ngày 21/7/1933. Hai năm sau, ngày 21/03/1935, Tòa Thánh đã chuẩn y lời thỉnh cầu của Đại Hội Xitô về việc sáp nhập Dòng Đức Bà An Nam vào Đại gia đình Xitô thế giới. Toàn thể các tu sĩ Dòng Đức Bà An Nam khấn lại cách trọng thể để gia nhập Dòng Xitô thế giới.
Bất chấp sự khổ chế trong đời sống đan tu, lý tưởng tu trì này đã ngay lập tức thu hút hàng chục bạn trẻ. Và với thời gian, từ con số 95 thành viên, đan viện Xitô đầu tiên ở Việt Nam đã phát triển và Hội Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam hiện có gần 2.000 nam nữ đan sĩ.
Đối mặt với nhu cầu biết về Chúa Kitô của thời đại bằng lòng trung thành sáng tạo
Phát biểu vào cuối nghi thức kết thúc tiến trình phong chân phước cấp giáo phận cho “Cố Thuận”, Viện phụ Lipori đã nhấn mạnh sức mạnh ngôn sứ của Cố Thuận, nhà truyền giáo đã trở thành đan sĩ để đi đến tận cùng sứ vụ của mình. “Cha Benoit hiểu rằng việc mang lời loan báo của Chúa Kitô Đấng Cứu Chuộc đến các biên giới địa lý của trái đất là chưa đủ; cần phải đẩy nó đến giới hạn tận cùng của trái tim. Ở đó, mọi người bị bỏ rơi trong cuộc sống vô nghĩa nếu không gặp được Chúa Giêsu Kitô. Để thúc đẩy một cuộc canh tân đan viện và việc truyền giáo trong Giáo hội, chúng ta cần những nhân vật này hơn là lời nói, những người có thể đối mặt với nhu cầu về Chúa Kitô của thời đại của họ bằng lòng trung thành đầy sáng tạo”.