ĐỨC CHA YVES RAMOUSSE VỀ VỚI CHÚA
WHĐ (02.03.2021) – Đức cha Yves Ramousse, nguyên Đại diện Tông tòa Phnom Penh và là người có những đóng góp rất lớn đối với việc loan báo Tin Mừng tại Campuchia, đã qua đời ngày 26.2 tại Pháp vì dịch Covid-19.
Đức cha Ramousse sinh ngày 23.2.1928 tại thị trấn Sembadel, tỉnh Haute-Loire, giáo phận Puy, miền trung nước Pháp. Ngài là con út trong gia đình có ba người con của ông Jacques Ramousse – một nhân viên ngành đường sắt, và bà Julie Carlet. Đức cha Ramousse gia nhập Tiểu Chủng viện La Chartreuse ở Brives-Charensac vào năm 1942, sau đó gia nhập Hội Thừa sai Paris (MEP) và theo học Đại Chủng viện vào năm 1947. Ngài thụ phong linh mục ngày 4.4.1953, và sang Rome học, bảo vệ luận án về “Giáo lý của thánh Gregory thành Nyssa” vào năm 1957. Ngày 18.3.1957, ngài được gởi sang phục vụ ở Campuchia.
Đến đất nước Đông Nam Á này, vị thừa sai của MEP học tiếng Khmer và tiếng Việt ở Banam, kế đó là ở giáo xứ Thánh Phêrô và Thánh Phaolô tại Phnom Penh. Năm 1960, ngài trở thành giáo sư ở Đại Chủng viện Sài Gòn, năm kế tiếp thì về giảng dạy ở Tiểu Chủng viện Phnom Penh. Cha Ramousse có quay lại Pháp một thời gian ngắn trong năm 1962 để dạy tại Chủng viện của MEP. Ngày 12.11.1962, khi mới 35 tuổi, ngài được bổ nhiệm làm Giám mục Đại diện Tông tòa Phnom Penh và được Đức cha Gustave Raballand truyền chức giám mục vào ngày 24.2.1963 trong một nhà nguyện nhỏ của MEP.
Công đồng Vatican II
Đức cha Ramousse đã dự các khóa 2, 3 và 4 của Công đồng Vatican II. Trong những dịp này, ngài đã gặp hai vị giám mục của Lào là Đức cha Jean Arnaud, Đại diện Tông tòa Savannakhet và Đức cha Étienne Loosdregt, Đại diện Tông tòa Vientiane. Năm 1968, Đức cha Ramousse đã thành lập Hội đồng Giám mục Lào – Campuchia (CELAC). CELAC vẫn nhóm họp trong nhiều năm, trước khi phải ngưng hoạt động trong giai đoạn 1974-1992 vì Khmer Đỏ.
Trở về từ Công đồng Vatican II, vị Đại diện Tông tòa trẻ tuổi của Phnom Penh tràn đầy nhiệt huyết, muốn thực hiện nhiều kế hoạch để phát triển Giáo hội tại Campuchia. Áp dụng tinh thần của Hiến chế về Phụng vụ Thánh (Sacrosanctum Concilium), Đức cha Ramousse yêu cầu các linh mục dâng lễ bằng tiếng bản xứ. Nhờ đó, Kinh Thánh và nhiều tài liệu Công giáo bắt đầu được dịch và được viết bằng tiếng Khmer. Cùng với các vị giám mục của CELAC, Đức cha Ramousse đẩy mạnh các hoạt động về đối thoại liên tôn, cụ thể là với Phật giáo. Nhiều chương trình đã được tổ chức để các linh mục, tu sĩ, giáo dân ở Campuchia tìm hiểu thêm về sứ vụ truyền giáo ở môi trường mà người Công giáo chiếm thiểu số.
Khói lửa chiến tranh
Trong các thập niên 1950, 1960, Campuchia bắt đầu có nhiều linh mục Khmer. Đức cha Ramousse mong muốn cánh đồng truyền giáo ở nước này dần dần sẽ do các “thợ gặt” bản xứ coi sóc. Với sự đề nghị của ngài, tháng 9.1968, hai Hạt Phủ doãn Tông tòa Battambang và Kampong được thành lập. Hai Hạt Phủ doãn Tông tòa này trước đó thuộc Hạt Đại diện Tông tòa Phnom Penh.
Đức cha Ramousse cũng cho thành lập Đại Chủng viện trên bán đảo Chrouy Changvar, đối diện với Phnom Penh. Tuy nhiên, chủng viện hoạt động chưa lâu thì đã phải đóng cửa do những bất ổn về chính trị ở Campuchia trong thập niên 1970. Khi xung đột bùng nổ ở nước này, người Việt – vốn là phần lớn của cộng đoàn Dân Chúa ở Campuchia khi ấy – phải di tản. Số lượng tín hữu giảm từ 65.000 còn 7.000. Số lượng nữ tu ở Campuchia từ 185 chỉ còn lại vài vị và hầu hết về sau đều thiệt mạng trong những năm tháng của chế độ Pol Pot. Nội chiến cũng làm ngưng trệ hoạt động truyền giáo ở Campuchia. Đức cha Ramousse đã từ chối sự giúp đỡ của tổ chức Công giáo Mỹ – Catholic Relief Service, vì ngài muốn giữ vị trí trung lập, không ủng hộ bên nào, và cũng không muốn cộng đoàn Công giáo bị xem là một tổ chức phi chính phủ.
Khi lực lượng Khmer Đỏ bắt đầu đợt tấn công Phnom Penh vào ngày 1.1.1975, các vị thừa sai bắt buộc phải đưa ra lựa chọn, ở lại hay lên những chuyến bay cuối cùng để rời khỏi Campuchia. Đức cha Ramousse, cùng với các linh mục Robert Venet, Emile Destombes và François Ponchaud, đã quyết định ở lại.
Đầu tháng 2.1975, ngài gọi cha Joseph Chhmar Salas, khi ấy đang ở Pháp, về Campuchia. Với sự cho phép của Tòa Thánh, ngày 14.4.1975, Đức cha Ramousse đã truyền chức giám mục cho Đức cha Salas tại giáo xứ Đức Bà ở thủ đô của Campuchia, giữa tiếng rốc két rền vang. Đức cha Salas trở thành Giám mục Phó Đại diện Tông tòa Phnom Penh, tránh cho nơi này rơi vào tình trạng không có giám mục coi sóc vì các vị thừa sai người nước ngoài bị trục xuất, nếu ở lại sẽ bị giết.
Ngày 15.4.1975, Đức cha Sales cùng với vài linh mục bản xứ đã có mặt để chia tay Đức cha Ramousse cùng các linh mục người nước ngoài. Chỉ hai ngày sau, lực lượng Khmer Đỏ đã chiếm được Phnom Penh. Đức cha Ramousse và các linh mục người nước ngoài chuyển đến Đại sứ quán Pháp ở thủ đô Campuchia, vài tuần sau thì các vị đều phải rời nước này.
Một năm sau, Đức cha Yves Ramousse từ chức Đại diện Tông tòa Phnom Penh. Ngài quyết định sang Indonesia, để được gần Campuchia, và chăm sóc người tị nạn tại đây. Lo ngại về tình hình ở Campuchia, đặc biệt là sự an nguy của người Công giáo, ngài đã báo động với Tòa Thánh. Ngày 6.1.1983, Bộ Truyền giáo thành lập Văn phòng Thăng tiến Tông đồ cho người Campuchia, do Đức cha Ramousse phụ trách, với sự hỗ trợ của Đức cha André Lesouëf, Phủ doãn Tông tòa Kampong Cham. Văn phòng này chuyên giúp các tín hữu phải tị nạn nối liên lạc với các giáo xứ nơi họ nhập cư.
Trở lại
Năm 1989, Đức cha Ramousse quay lại Campuchia nhờ sự giúp đỡ của Ủy ban Công giáo Hỗ trợ Phát triển và Chống Đói nghèo. Tình cảnh của Giáo hội tại Campuchia khi ấy rất bi thương. Hầu hết các thánh đường đều bị phá hủy, bao gồm nhà thờ Chính tòa Phnom Penh. Các Kitô hữu thì tử vong trong chiến tranh, hoặc bị ly tán và hầu như không còn một linh mục, tu sĩ nào. Không thể công khai gặp gỡ các tín hữu vì thời điểm ấy, người dân Campuchia không được tiếp xúc với người nước ngoài, Đức cha Ramousse tản bộ dọc đại lộ Monivong, mong gặp ai quen biết. Một tín hữu nhận ra và bí mật hẹn gặp ngài cùng với vài giáo dân khác. Từ cuộc hẹn này, mối liên hệ dần được nối lại.
Hiệp định Paris được ký kết năm 1991 chính thức chấm dứt nội chiến ở Campuchia. Năm 1992, Đức cha Yves Ramousse được tái bổ nhiệm làm Đại diện Tông tòa Phnom Penh, đồng thời ngài cũng là Giám quản Tông tòa Battambang. Đức cha Ramousse quyết định để người Campuchia tự xây dựng lại Giáo hội tại nước này bằng cách giúp họ tổ chức các cộng đoàn tại địa phương một cách bài bản, với 3 ủy ban: Giáo lý, Phụng vụ và Bác ái. Ngày 25.3.1994, sau nhiều cuộc thảo luận giữa vị Đức cha Ramousse với chính phủ Campuchia, nước này đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh. Năm 1997, chính phủ Campuchia công nhận Công giáo là một tôn giáo, chứ không còn là một hiệp hội hay “tổ chức phi chính phủ có yếu tố tôn giáo”. Cũng trong giai đoạn này, ngài tập trung vào việc đào tạo linh mục bản xứ làm “hạt nhân” cho việc truyền giáo.
Năm 1997, Đức cha Ramousse xin Tòa Thánh bổ nhiệm Giám mục Phó Đại diện Tông tòa. Ngài truyền chức giám mục cho Đức cha Emile Destombes (MEP) vào ngày 5.10 cùng năm. Ngày 14.4.2001, Đức cha Ramousse về hưu, Đức cha Destombes kế vị.
Đức cha Ramousse ở lại Campuchia, tại giáo xứ Sihanoukville, cho đến năm 2013. Sau đó, ngài về nước, nghỉ hưu ở thị trấn Montbeton, miền nam Pháp. Hằng ngày, ngài vẫn cầu nguyện cho Giáo hội tại Campuchia, đất nước ngài đã dành cả đời để phục vụ và luôn luôn yêu mến. Chính sự kiên trì, lòng can đảm, tầm nhìn và những hy sinh của Đức cha Ramousse đã giúp Giáo hội tại Campuchia phục sinh từ những đổ nát của chiến tranh trong thập niên 1990.
Sáng 26.2, Đức cha Ramousse qua đời tại bệnh viện vì nhiễm SARS-CoV-2, chỉ vài ngày sau sinh nhật lần thứ 93 (23.2) và mừng 58 năm giám mục (24.2).
Lan Chi (theo Églises d’Asie)