ĐTC Phanxicô gặp gỡ các tín hữu giáo phận Vanimo
Gặp gỡ các tín hữu giáo phận Vanimo của Papua New Guinea chiều Chúa Nhật ngày 8/9/2024, Đức Thánh Cha đề cao hoạt động của các nhà truyền giáo và đề cao vẻ đẹp phong phú của vùng đất này nhưng ngài nhấn mạnh họ còn có vẻ đẹp tuyệt vời hơn, đó chính là tình yêu thương nhau. Do đó ngài mời gọi họ tô điểm đất nước bằng sự hiện diện của một Giáo hội sống hiệp nhất yêu thương.
Hồng Thủy – Vatican News
Đến sân nhà thờ đồng Chính tòa Thánh Giá giữa tiếng reo hò múa hát của hàng chục ngàn tín hữu, Đức Thánh Cha được Đức Cha Francis Meli, Giám mục giáo phận Vanimo tiếp đón.
Đức cha Meli đã bày tỏ niềm vui và tạ ơn Chúa vì được Đức Thánh Cha viếng thăm. Ngài nói rằng “Cuộc viếng thăm hôm nay là một cột mốc quan trọng trong việc nuôi dưỡng hy vọng và sự thống nhất, cũng như tình yêu và sự hòa hợp giữa các nền văn hóa, nhóm dân tộc, bộ lạc, ngôn ngữ và quốc gia”.
Giám mục của Vanimo nhấn mạnh rằng cuộc viếng thăm này “là biểu tượng của hòa bình trong một thế giới bị tàn phá bởi xung đột và chiến tranh, bạo lực, đặc biệt là bạo lực giới, bất bình đẳng, bạo lực liên quan đến ma thuật, biến đổi khí hậu, tội phạm kinh tế, các vấn đề về luật pháp và trật tự, v.v. Chúng con đánh giá cao những nỗ lực của ngài trong việc thúc đẩy hy vọng, sự thống nhất, hòa bình và tình yêu trong khi lên án bạo lực và mọi hành động gây hại cho gia đình nhân loại”.
Theo Đức Cha Meli, lễ phong chân phước cho Chân phước To Rot vào ngày 17 tháng 1 năm 1995, bởi Thánh Gioan Phaolô II, “đã khơi dậy lòng nhiệt thành mới trong các giáo lý viên và nhấn mạnh tầm quan trọng của đời sống gia đình và công cuộc truyền giáo”. Và chứng tá của họ “phản ánh sự tận tụy không ngừng nghỉ của các nhà truyền giáo trong quá khứ và hiện tại. Sự dấn thân của họ là một minh chứng thuyết phục cho sức mạnh của đức tin và những nỗ lực truyền giáo”.
Đức Cha hy vọng cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha sẽ mang lại lòng nhiệt thành mới cho tất cả những người Công giáo và Kitô hữu ở Vanimo, hiệp nhất họ trong đức tin và sứ vụ. Cuối cùng, Đức Cha bày tỏ lòng biết ơn chân thành đến Đức Thánh Cha và đảm bảo sẽ cầu nguyện cho ngài.
Các chứng từ
Tiếp đến là phần trình bày chứng từ. Chứng từ đầu tiên của giáo lý viên Steven Alaba. Anh cho biết, các nhà truyền giáo giáo lý viên phục vụ ở những cộng đồng xa xôi, chuẩn bị cho tín hữu nhận lãnh các bí tích và giúp cầu nguyện vào các Chúa Nhật bởi vì nhiều tuần hay hàng tháng mới có linh mục đến các nơi đó. Các giáo lý viên thường rời gia đình đi truyền giáo ở các làng khác và gặp những khó khăn như tiền học cho con cái, nhà ở cho gia đình, vấn đề y tế sức khỏe. Do đó nhiều giáo lý viên đã từ bỏ việc truyền giáo và hiện nay chỉ con 15 người.
Anh Steven xin Đức Thánh Cha cầu nguyện và chúc lành để họ được kiên trì và can đảm trong sứ vụ truyền giáo tại giáo phận Vanimo.
Chứng từ thứ hai đến từ Maria Joseph, 12 tuổi, một thiếu nữ nội trú tại Nhà Đức Mẹ Lujan do các nữ tu điều hành. Maria mồ côi cha mẹ và đến cơ sở nội trú từ năm 2 tuổi, bị khuyết tật chân. Nhờ sự giúp đỡ của các nữ tu em đã được giải phẫu và bây giờ có thể đứng thẳng người. Em chia sẻ rằng các nữ tu là cha mẹ của em, các bạn trong nhà nội trú là chị em của em và tất cả sống như một gia đình thực sự. Em đang được chăm sóc về phần thiêng liêng, vật chất và trí thức. Em có thể chơi đàn violin và sáng tạo trong nghệ thuật. Em mong muốn sẽ trở thành một luật sư.
Chứng từ thứ ba là của Sơ Jaisha Joseph, đại diện cho 6 dòng nữ hoạt động trong giáo phận Vanimo. Sứ vụ của các nữ tu ở đây là dạy giáo lý, thăm viếng các gia đình, huấn luyện người trẻ và trẻ em, chăm sóc trẻ em kém may mắn. Các nữ tu cũng dấn thân trong lĩnh vực giáo dục, y tế, mục vụ nhà tù, bác ái, mục vụ ơn gọi và đôi khi thăm viếng các giáo xứ ở vùng xa trong giáo phận.
Sơ Jaisha nói: “Tại Vanimo, chúng con tìm thấy niềm vui và sự hài lòng khi làm công việc của Chúa như là công cụ của hòa bình và tình yêu”. Sơ hy vọng sự hiện diện của Đức Thánh Cha “chạm đến và thắp sáng trái tim của tất cả chúng con, đặc biệt là những người trẻ. Điều đó chắc chắn sẽ giúp họ chấp nhận thử thách khám phá giá trị của đời sống thánh hiến và sẽ dẫn họ đến với lối sống khiêm nhường này bằng cách tích cực đáp lại tiếng gọi của Chúa”.
Và cuối cùng là chứng từ của một đôi vợ chồng, David và Maria Kulo. Theo Maria, “Bí tích Hôn phối giúp vợ chồng chia sẻ gánh nặng và trách nhiệm của nhau, mang lại niềm vui, tình yêu và sự bình an để sống một cuộc hôn nhân hạnh phúc”.
Còn David cũng chia sẻ: “Thông qua Bí tích Hôn phối, tôi nhận ra rằng vợ chồng được kết hợp với nhau và với Chúa. Chúng tôi chia sẻ thời gian trách nhiệm và thời gian giải trí. Chúng tôi hiểu tầm quan trọng của việc giao tiếp tốt trong hôn nhân, đây là một trong những kỹ năng cơ bản để vượt qua khó khăn. Nó cho phép chúng tôi dành thời gian cho nhau, trân trọng nhau và học cách xin lỗi và cảm ơn vì bất kỳ điều nhỏ nhặt nào chúng tôi làm”.
Diễn văn của Đức Thánh Cha
Trong bài nói chuyện sau đó, Đức Thánh Cha đề cao hoạt động của các nhà truyền giáo và đề cao vẻ đẹp phong phú của vùng đất này nhưng ngài nhấn mạnh họ còn có vẻ đẹp tuyệt vời hơn, đó chính là tình yêu thương nhau. Do đó ngài mời gọi họ tô điểm đất nước bằng sự hiện diện của một Giáo hội sống hiệp nhất yêu thương.
Trước hết Đức Thánh Cha nhắc lại rằng “từ giữa thế kỷ 19, việc truyền giáo ở đây chưa bao giờ dừng lại: các tu sĩ nam nữ, giáo lý viên và các nhà truyền giáo giáo dân đã không ngừng rao giảng Lời Chúa và giúp đỡ anh em mình qua việc chăm sóc mục vụ, giáo dục, chăm sóc sức khỏe và trong nhiều lĩnh vực khác. Họ đã đối mặt với nhiều khó khăn để trở thành công cụ ‘hòa bình và tình yêu’ cho mọi người, như Sơ Jaisha Joseph đã chia sẻ với chúng ta”.
“Do đó, các nhà thờ, trường học, bệnh viện và trung tâm truyền giáo xung quanh chúng ta làm chứng rằng Chúa Kitô đã đến để mang lại ơn cứu độ cho tất cả mọi người, để mỗi người có thể phát triển vẻ đẹp của mình vì công ích” (xem Tông huấn Evangelii gaudium, 182).
Ca ngợi vùng đất tráng lệ, phong phú với nhiều loại thực vật và chim chóc, cảnh tượng hùng vĩ của thiên nhiên, Đức Thánh Cha cũng nhắc rằng “Chúa giao phó sự phong phú này cho các anh chị em như một dấu chỉ và một khí cụ, để anh chị em cũng có thể sống như thế, hiệp nhất trong sự hòa hợp với Người và với các anh chị em, tôn trọng ngôi nhà chung của anh chị em và bảo vệ lẫn nhau” (xem Sứ điệp cử hành Ngày Thế giới cầu nguyện cho việc chăm sóc công trình sáng tạo lần thứ 5, ngày 1 tháng 9 năm 2019).
Tuy nhiên, theo Đức Thánh Cha, có một cảnh tượng còn đẹp hơn, đó là “cảnh tượng lớn lên trong chúng ta khi chúng ta yêu thương nhau”. Do đó, “sứ mạng của chúng ta chính là phổ biến vẻ đẹp của Tin Mừng Chúa Kitô khắp nơi, thông qua tình yêu Thiên Chúa và anh chị em chúng ta” (xem Evangelii gaudium, 120)!
Đức Thánh Cha đề cao sự ủng hộ của cộng đồng trong việc giúp các nhà truyền giáo có thể thực hiện nhiệm vụ của họ một cách thanh thản, nhất là khi họ phải dung hòa giữa nhu cầu của sứ vụ với trách nhiệm của gia đình, nhưng ngài cũng nói đến một cách thế khác để giúp họ, đó là “mỗi người chúng ta loan báo sứ điệp truyền giáo ở nơi chúng ta sống (xem Công đồng II, Sắc lệnh Ad Gentes, 23): tại nhà, ở trường học, trong môi trường làm việc, để ở khắp mọi nơi, trong rừng, trong làng mạc và trong thành phố, vẻ đẹp của những bức tranh toàn cảnh tương ứng với vẻ đẹp của một cộng đồng trong đó chúng ta yêu thương nhau”.
Bằng cách này, theo Đức Thánh Cha, chúng ta sẽ có thể “sửa lại những sự cạnh tranh, vượt qua sự chia rẽ – cá nhân, gia đình và bộ lạc -; xua đuổi sự sợ hãi, mê tín và ma thuật khỏi lòng người; chấm dứt những hành vi phá hoại như bạo lực, bất trung, bóc lột, sử dụng rượu và ma túy: những tệ nạn giam cầm và tước đi hạnh phúc của nhiều anh chị em của chúng ta, ngay cả ở đất nước này”.
Từ đó Đức Thánh Cha khích lệ các tín hữu giáo phận Vanimo: “tình yêu mạnh mẽ hơn tất cả những điều này và vẻ đẹp của nó có thể chữa lành thế giới, bởi vì nó có nguồn gốc từ Thiên Chúa (xem Giáo lý, ngày 9 tháng 9 năm 2020). Do đó, chúng ta hãy truyền bá nó và bảo vệ nó, ngay cả khi điều này có thể khiến chúng ta phải trả giá bằng những hiểu lầm và chống đối”. Ngài đề cao tấm gương của Chân phước Pietro To Rot – người chồng, người cha, giáo lý viên và vị tử đạo của vùng đất này – đã làm chứng cho chúng ta điều này, bằng lời nói và gương sáng; người đã hiến mạng sống mình để bảo vệ sự hiệp nhất của gia đình trước những người muốn phá hoại nền tảng của nó.
Cuối cùng, Đức Thánh Cha nhắc lại rằng ngoài vẻ đẹp thiên nhiên được mọi người yêu thích, “Có một điều khác, đẹp đẽ và hấp dẫn hơn, được tìm thấy trong trái tim của anh chị em và thể hiện ở tình bác ái mà anh chị em yêu thương nhau”. Ngài khẳng định: “Đây là món quà quý giá nhất mà anh chị em có thể chia sẻ và làm cho mọi người biết đến, khiến Papua New Guinea nổi tiếng không chỉ vì hệ động thực vật đa dạng, vì những bãi biển mê hoặc và làn nước biển trong xanh mà còn và trên hết là vì những con người tốt bụng mà họ gặp ở đó; và cha nói điều này đặc biệt với các con, các trẻ em, với những nụ cười dễ lan tỏa và niềm vui vỡ òa của các con, tỏa sáng khắp mọi hướng. Các con là hình ảnh đẹp nhất mà bất cứ ai rời khỏi đây đều có thể mang theo và lưu giữ trong lòng!”
Đức Thánh Cha khuyến khích các tín hữu “hãy ngày càng tô điểm mảnh đất hạnh phúc này bằng sự hiện diện của anh chị em như một Giáo hội yêu thương”.
Sau khi Đức Thánh Cha dâng kính Đức Mẹ một bông hồng bằng vàng, Đức Giám mục giáo phận đã đọc kinh thánh hiến cho Đức Mẹ.
Sau khi chúc lành cho cộng đoàn, Đức Thánh Cha đi xe golf vòng quanh sân trước nhà thờ để chào các tín hữu hiện diện.