Khóa họp cấp đại lục của Âu Châu chuẩn bị Thượng Hội đồng Giám Mục thế giới
Chúa Nhật 5/2/2023 Giáo Hội tại Âu Châu bắt đầu khóa họp cấp đại lục tại Praha, thủ đô Cộng hòa Tiệp, để chuẩn bị Thượng Hội đồng Giám Mục thế giới kỳ thứ 16 vào tháng 10 năm nay và năm 2024, về chủ đề: “Hướng tới một Giáo Hội hiệp hành: hiệp thông, tham gia và sứ vụ”. Nhân biến cố này, những khuấy động đã bùng lên trong dư luận Công Giáo tại Đức và Âu Châu.
Hai phần của khóa họp
Khóa họp do Liên Hội đồng Giám Mục Âu Châu tổ chức và tiến hành qua 2 giai đoạn: trước tiên từ ngày 5 đến ngày 9/2, với sự tham dự của 200 đại biểu tham dự trực tiếp và khoảng 400 người tham dự trực tuyến. Phần thứ 2 sẽ diễn ra từ ngày 10 đến 12/2 và chỉ có 39 chủ tịch Hội đồng Giám Mục Âu Châu tham dự. Cuối khóa họp chỉ có một thông cáo báo chí được công bố. Những kết luận của khóa họp sẽ được gửi về Văn phòng Thượng Hội đồng Công nghị ở Vatican, để góp phần chuẩn bị Tài liệu làm việc Thượng Hội đồng Giám Mục thế giới vào tháng 10 năm nay và năm tới.
Hồi cuối tháng giêng vừa qua, Liên Hội đồng Giám Mục Âu Châu đã mở một trang mạng mới để thông tin về Khóa họp này tại Praha (https://prague.synod2023.org). Ban tổ chức Khóa họp cũng mở một trung tâm báo chí tại một khách sạn ở Praha để các cơ quan truyền thông có thể đăng ký đến theo dõi.
Nghi ngờ và phản đối
Đứng trước khóa họp này ở Praha, đại diện các phong trào cải tổ Giáo Hội ở Đức và Âu Châu tỏ ra nghi ngờ, và đồng thời kêu gọi 600 tham dự viên phần đầu của khóa họp hãy tiến hành những cải tổ cơ bản trong Giáo Hội.
– Chủ tịch tổ chức “Chúng tôi là Giáo Hội Quốc tế” (Wir sind Kirche International”, ông Colmes, người Ai Len, tuyên bố trong một cuộc họp báo trực tuyến hôm 30/1/2023 rằng “600 giáo dân và giáo sĩ sẽ thảo luận trong 4 ngày về tiến trình đổi mới Giáo Hội. Rất tiếc là chỉ có 39 chủ tịch Hội đồng Giám Mục được tham dự hai ngày cuối của khóa họp. ‘Điều có liên hệ tới mọi người thì phải do mọi người quyết định’”.
– Giám đốc tạp chí tôn giáo Adista ở Ý, bà Ludovica Eugenio, thì tố giác việc xử lý những vụ lạm dụng tính dục trong Giáo Hội vẫn tiếp tục tiến hành quá chậm chạp. Theo bà, đây là kết quả một sự lạm dụng quyền lực, không phải xảy ra trong khoảng không, nhưng trong bối cảnh tiếp tục khuyến khích việc bạo hành như vậy.
– Tổng thư ký nhóm làm việc Công Giáo thuộc Diễn đàn Kitô Âu Châu LGBT, là ông Miroslav Matavka, người Slovakia, thì phàn nàn về nạn tiếp tục kỳ thị các nhóm thiểu số về tính dục. Đặc biệt là tại Đông Âu, những người LGBT tiếp tục phải chịu những thành kiến bị khoa học bác bỏ từ lâu. Ví dụ vài Giáo Hội địa phương vẫn còn ủng hộ các phương pháp chữa trị trực tiếp hoặc gián tiếp cho những người đồng tính luyến ái hoặc có những đề xuất khác để đàn áp căn tính về tính dục”.
– Bà Sophie Rudge, người Anh, Đồng chủ tịch Liên minh Phụ nữ Công Giáo Andante, yêu cầu Giáo Hội truyền chức phó tế cho phụ nữ, để họ có thể giảng, và hãy mở đường cho phụ nữ lãnh nhận các chức vụ lãnh đạo trong Giáo Hội. Bà nói: “Chỉ như thế mới có thể có sự thay đổi cơ bản trong Giáo Hội”.
– Nữ tu Philippa Rath, người Đức, thuộc dòng Biển Đức, và là thành viên “Con đường Công nghị” ở Đức (Synodal Weg) bày tỏ xác tín rằng “không thể thối lui trên con đường tiến đến một Giáo Hội hiệp hành, nhưng vẫn còn rất nhiều điều phải làm, ví dụ kiến tạo một nền văn hóa tranh luận sáng suốt” (katholisch.de 31/1/2023).
Quan niệm khác nhau về “hiệp hành”
Những lập trường “cấp tiến” trên đây phản ánh những khác biệt trong quan niệm nơi nhiều người về từ “Sinodalità” hay ”Synodality”.
Hồi năm 2015, khi kỷ niệm 50 năm Thượng Hội đồng Giám Mục, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng “Sinodalità”, hiệp hành hay đồng hành, là điều Thiên Chúa muốn cho Giáo Hội trong Ngàn năm thứ ba. Năm 2018, ngài yêu cầu Ủy ban thần học quốc tế nghiên cứu và thảo luận về từ này.
Sau đó cuốn cẩm nang và văn kiện chuẩn bị cho Thượng Hội đồng Giám Mục liên tục nhắc nhở rằng giáo dân có trách nhiệm làm chứng tá, các Giám Mục có trách nhiệm giáo huấn, thánh hóa và cai quản.
Đức Cha Georg Baetzing, Giám Mục giáo phận Limburg, Chủ tịch Hội đồng Giám Mục Đức, mới đây đã nhận xét rằng có những khác biệt cơ bản giữa Sinodalità tại Đức và Roma: “Đức Giáo Hoàng hiểu Sinodalità, hiệp hành, là một sự tập hợp bao quát những thôi thúc, những động lực từ mọi nơi trong Giáo Hội, rồi các Giám Mục thảo luận chuyên biệt hơn, và sau cùng có một vị đứng đầu quyết định. Tôi không nghĩ đó là Sinodalità có thể chấp nhận được trong thế kỷ 21 này”.
Ủy ban trung ương giáo dân Công Giáo Đức cũng tỏ ra dè dặt về quan niệm của Roma về Sinodalità. Ông Thomas Soeding, Phó Chủ tịch Ủy ban trung ương này đã đặt câu hỏi trong bản thông tin tháng 2 này của Ủy ban: “Phải chăng luật Chúa dạy rằng các Giám Mục là những người cai quản?”.
Thực tế
Sự bất bình đẳng không những được áp dụng giữa dân Chúa và các mục tử, nhưng cũng được áp dụng giữa các mục tử với nhau. Đức Giáo Hoàng có thể tham khảo ý kiến các Giám Mục trong tiến trình đưa ra các quyết định, nhưng sau cùng một mình ngài quyết định. Chính vì thế các Giám Mục luôn luôn phải hành động “với và dưới Phêrô, cum et sub Petro”.
Điều này ta thấy cụ thể tại Thượng Hội đồng Giám Mục đặc biệt năm 2019 về miền Amazon. Với đại đa số phiếu, các nghị phụ Thượng Hội đồng Giám Mục bỏ phiếu ủng hộ quyết định truyền chức cho những người nam có gia đình, gọi là “viri probati”, nhưng rồi đề nghị này bị Đức Giáo Hoàng bác bỏ.
Thư của hai vị lãnh đạo Thượng Hội đồng Giám Mục
Để góp phần đánh tan những ngộ nhận, nhân khóa họp cấp đại lục Âu Châu trong những ngày này, hồi cuối tháng 1 vừa qua, Đức Hồng Y Mario Grech, Tổng thư ký Thượng Hội đồng Giám Mục, cùng với Đức Hồng Y Jean Claude Hollerech, Tổng tường trình viên của Thượng Hội đồng Giám Mục thế giới lần thứ 16 tới đây, đã gửi thư cho các Giám Mục dấn thân trong giai đoạn đại lục chuẩn bị cho Thượng Hội đồng Giám Mục kỳ thứ 16 để nhắc nhở về vai trò của các Giám Mục trong tiến trình hiệp hành. Lá thư có đoạn viết:
“Các Giám Mục có một sứ vụ rất quan trọng và cơ bản đối với Giáo Hội, vì nếu Giáo Hội có cơ cấu là hiệp hành, thì chúng ta cũng phải nói rằng Giáo Hội cũng có cơ cấu là phẩm trật và sứ vụ của Giám Mục, về mặt cá nhân là cho giáo phận thuộc quyền, và về phương diện cùng với các anh em, thì hiệp với Đức Thánh Cha, như Công đồng chung Vatican 2 đã dạy. Các Giám Mục bảo đảm cho sự phân định mà dân Chúa đang thực hiện là một sự phân định đúng đắn và nhiệm vụ của chúng ta cũng là cầu nguyện cho các vị, vì mỗi ngày các vị phải chu toàn sứ vụ giữa bao nhiêu khó khăn… Chúng ta phải cám ơn Chúa vì đã ban cho chúng ta sứ vụ của Giám Mục trong Giáo Hội”.
Thư của hai vị Hồng Y đặc trách Thượng Hội đồng Giám Mục cũng cảnh giác rằng ai tự phụ là đã biết đâu sẽ là những kết luận của Công nghị Giám Mục này, hoặc muốn áp đặt cho Thượng Hội đồng Giám Mục một chương trình nghị sự, với chủ đích lèo lái cuộc thảo luận và ảnh hưởng tới những kết quả thì quên mất tiêu chuẩn điều hành tiến trình hiệp hành, đó là chúng ta được kêu gọi vạch ra một con đường chung, đi từ những đóng góp của tất cả mọi người. Đề tài Đức Thánh Cha đưa ra cho Thượng Hội đồng Giám Mục thế giới kỳ thứ 16 thật là rõ ràng: đó là tiến tới một Giáo Hội hiệp hành: hiệp thông, tham gia và sứ vụ. Đó là đề tài duy nhất mà chúng ta được kêu gọi đào sâu trong mỗi giai đoạn của tiến trình này, dù rằng những mong đợi đối với Thượng Hội đồng từ năm 2021 đến 2024 rất nhiều và khác nhau. Thượng Hội đồng Giám Mục này không có nhiệm vụ giải quyết tất cả các vấn đề mà Giáo Hội đang tranh luận.
Giuse Trần Đức Anh O.P.
nguồn: Vatican News Tiếng Việt