ĐTC HÀNH HƯƠNG HỒ THÁNH ANNA VÀ CỬ HÀNH PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
Vatican News (27.07.2022) – Vào lúc 4 giờ chiều thứ Ba ngày 26/7/2022 giờ Edmonton, tức là 5 giờ sáng ngày 27/7/2022 giờ Việt Nam, Đức Thánh Cha đã hành hương và cử hành Phụng vụ Lời Chúa tại Hồ Thánh Anna, một trong những địa điểm thánh thiêng nhất của các Dân tộc Bản địa ở Bắc Mỹ, nơi từ lâu được biết đến như nơi chữa lành.
Hồ thánh Anna và cuộc Hành hương hàng năm
Hồ Thánh Anna là điểm hành hương của các tín hữu Công giáo từ cuối thế kỷ XIX. Mỗi năm, hàng ngàn tín hữu hành hương từ các nơi, đặc biệt là Mỹ và Canada, đến tắm mình trong hồ nước thánh và cầu nguyện. Hồ được người Nakota Sioux gọi là Wakamne – “Hồ của Thiên Chúa”, người Cree gọi là “Hồ của Chúa Thánh Thần”, nổi tiếng với nước chữa lành bệnh và ý nghĩa thiêng liêng của nó đối với cả tín hữu Công giáo và các Dân tộc Bản địa ở Canada và vùng Tây Bắc Hoa Kỳ. Hồ được cha Jean Baptiste Thibault, một nhà truyền giáo gọi là “Hồ Thánh Anna”.
Đến nơi hành hương, Đức Thánh Cha được đón tiếp trước nhà thờ giáo xứ. Nhà thờ đầu tiên được xây dựng vào năm 1844, nhưng bị hư hại hoàn toàn do hoả hoạn vào năm 1928. Nhà thờ được xây dựng lại vào năm 2009 và được Đức tổng giám mục Richard Smith của Edmonton thánh hiến vào ngày 7/8/2010.
Sau đó Đức Thánh Cha di chuyển đến hồ, đi ngang qua tượng Thánh Anna. Đến hồ, Đức Thánh Cha làm dấu Thánh Giá ở bốn phương hướng, theo phong tục bản địa, và làm phép nước hồ. Cuối cùng, ngài tiếp tục lên xe đến nơi cử hành, trong khi chúc lành cho hàng ngàn tín hữu tham gia cuộc hành hương hàng năm.
Cuộc hành hương “Hồ Thánh Anna” được các các tu sĩ dòng Hiến sĩ Đức Mẹ tổ chức lần đầu tiên vào tháng 7/1889 với 400 người tham dự; và sau đó, được tiếp tục hàng năm vào tuần lễ thánh Anna, Mẹ của Đức Mẹ và Bà của Chúa Giêsu, rất được các cộng đồng bản địa Canada tôn kính, và trở thành một trong những sự kiện thiêng liêng quan trọng nhất đối với các tín hữu hành hương Bắc Mỹ và đặc biệt được yêu mến bởi các cộng đồng Dân tộc Đầu tiên.
Phụng vụ Lời Chúa
Trong phần cử hành Phụng vụ Lời Chúa, sau khi nghe bài đọc sách Thánh trích từ sách ngôn sứ Êdêkien (47, 1-2. 8-9. 12), trong đó ngôn sứ nói rằng ngài đã nhìn thấy nước từ đền thờ chảy ra, và nước này chảy đến ai thì đều mang ơn cứu độ, cộng đoàn nghe đoạn Tin Mừng theo thánh Gioan (7,37-39), với lời Chúa Giêsu: “Ai khát, hãy đến với tôi, ai tin vào tôi, hãy đến mà uống!” “Từ lòng Người, sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống.”
Trở về nguồn gốc của đức tin
Đức Thánh Cha bắt đầu bài giảng bằng câu chào bằng tiếng bản địa: Anh chị em thân mến, âba-wash-did! Tansi! Oki! [Chúc một ngày tốt lành!]
Đức Thánh Cha vui mừng được có mặt ở đây, như là một người hành hương với và giữa các tín hữu Canada. Ngài nói rằng những tiếng trống ngài nghe trong những ngày này dường như vang vọng nhịp đập của rất nhiều trái tim: những trái tim, qua nhiều thế kỷ, đã đập gần vùng nước này; trái tim của nhiều người hành hương đã cùng nhau đi bộ để đến “hồ của Chúa”để cảm nghiệm việc chữa lành của Người. Biết bao trái tim đã đến đây với niềm khao khát lo lắng, bị đè nặng bởi gánh nặng cuộc sống, và tìm được nơi những dòng nước này niềm an ủi và sức mạnh để tiếp tục!”
Đặc biệt, Đức Thánh Cha nhấn mạnh lưu ý rằng chiêm ngắm làn nước hồ thánh Anna giúp chúng ta quay trở về nguồn gốc của đức tin khi tưởng tượng Chúa Giêsu, Người đã thực hiện phần lớn sứ vụ của mình trên bờ hồ: Biển hồ Galilê. Ở đó, Chúa đã chọn và gọi các Tông đồ, rao giảng các Mối phúc, dạy nhiều dụ ngôn của mình, thực hiện các dấu hiệu và chữa lành. Đức Thánh Cha lưu ý nơi đó, trung tâm của “Galilê dân ngoại” (Mt 4,15), là một vùng ngoại vi, một ngã tư thương mại, nơi hội tụ của nhiều dân tộc, khiến vùng này trở thành một vùng có nhiều tôn giáo và phong tục khác nhau. Chính tại nơi đó, Chúa Giêsu đã rao giảng về vương quốc của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã chọn bối cảnh đa dạng phong phú đó để loan báo cho thế giới một điều gì đó mang tính cách mạng: “Hãy đưa má bên kia, yêu kẻ thù của mình, sống như anh chị em như con cái của Thiên Chúa Cha, Đấng làm cho mặt trời của Người chiếu sáng trên người lành cũng như kẻ dữ và mưa trên người công chính cũng như kẻ bất lương” (x. Mt 5,38-48). Do đó, hồ này, với tất cả sự đa dạng của nó, đã trở thành địa điểm của một lời tuyên bố chưa từng có về tình huynh đệ; không phải là một cuộc cách mạng mang lại cái chết và thương tật sau khi nó xảy ra, mà là một cuộc cách mạng của tình yêu.
Nước ban sự sống và nước chữa lành
Tiếp đến Đức Thánh Cha giải thích về hai ý nghĩa của nước mà Ngôn sứ Êdêkien nói với chúng ta: nước chảy từ Đền thờ vừa “ban sự sống” vừa “chữa lành” cho dân Chúa (x. Ed 47,8-9).
Nước ban sự sống. Đức Thánh Cha so sánh trái tim của những người bà thân yêu đang ở đây là những suối nguồn từ đó dòng nước sống động của đức tin chảy ra, và nhờ nó họ làm dịu cơn khát của con cháu mình. Ngài cho biết mình bị ấn tượng bởi vai trò quan trọng của phụ nữ trong các cộng đồng bản địa: họ chiếm một vị trí nổi bật như là nguồn phúc lành không chỉ về thể lý mà còn về đời sống tinh thần.
Đức Thánh Cha chia sẻ về người bà của ngài, người mà từ đó, lần đầu tiên ngài nhận được sứ điệp đức tin và biết rằng Tin Mừng được truyền đạt thông qua sự quan tâm yêu thương và sự khôn ngoan trong cuộc sống. Đức tin được lan tỏa trong các gia đình, được truyền đi bằng ngôn ngữ của những người mẹ, trong giọng điệu trữ tình ngọt ngào của những người bà. Ngài nói: “Tôi thấy ấm lòng khi nhìn thấy rất nhiều ông bà và cụ cố ở đây. Tôi cảm ơn quý vị và muốn nói với tất cả những gia đình có người cao tuổi: quý vị đang sở hữu một kho báu! Hãy bảo vệ nguồn sống này trong ngôi nhà của quý vị: hãy chăm sóc nó, như một di sản quý giá cần được yêu thương và trân trọng.
Nước còn chữa lành. Đức Thánh Cha đưa các tín hữu trở lại bờ Biển hồ Galilê, nơi Chúa Giêsu đã “chữa khỏi nhiều bệnh cho nhiều người” (Mc 1,34). Đức Thánh Cha nhắc lại ở quanh hồ Galilê Chúa Giêsu đã cúi xuống và với lòng kiên nhẫn, từ bi và dịu dàng, đã chữa lành nhiều người bị bệnh về thể xác hoặc tinh thần. Chúa Giêsu đã đến lúc đó, và bây giờ Người vẫn đến, để chăm sóc chúng ta, cũng như để an ủi và chữa lành cho gia đình nhân loại cô đơn và mệt mỏi của chúng ta. Người cũng mở rộng lời mời gọi tất cả mọi người và cả chúng ta nữa: ‘Hỡi tất cả những ai mệt mỏi và mang gánh nặng, hãy đến cùng Ta, và Ta sẽ cho các bạn được nghỉ ngơi’ (Mt 11,28). Hoặc, như Người nói trong đoạn chúng ta đã nghe chiều nay, ‘Hãy để những ai khát hãy đến với Ta, và uống’ (Ga 7,37-38).”
Tất cả chúng ta đều cần được chữa lành
Từ đó, Đức Thánh Cha nhắc rằng tất cả chúng ta đều cần sự chữa lành của Chúa Giêsu, thầy thuốc của linh hồn và thể xác. Ngài cầu nguyện: “Lạy Chúa, như những người bên bờ Biển hồ Galilê không ngại kêu lên cùng Chúa những nhu cầu của họ, chúng con cũng đến với Chúa vào buổi tối hôm nay, với bất cứ nỗi đau nào chúng con mang trong mình. Chúng con mang đến cho Chúa sự mệt mỏi và những cuộc đấu tranh của chúng con, những vết thương do bạo lực mà các anh chị em bản địa của chúng con phải gánh chịu. Tại nơi diễm phúc này, nơi hòa hợp và hòa bình ngự trị, chúng con dâng lên Chúa những trải nghiệm bất hòa của chúng con, những tác động khủng khiếp của nạn thực dân, nỗi đau không thể xóa nhòa của rất nhiều gia đình, các ông bà và trẻ em. Xin giúp chúng con được chữa lành vết thương của chúng con. Chúng con biết rằng điều này đòi hỏi nỗ lực, sự quan tâm và những hành động cụ thể từ phía chúng con; nhưng chúng con cũng biết rằng chúng con không thể tự mình làm điều này. Chúng con trông cậy vào Chúa và sự cầu bầu của Mẹ Chúa và bà của Chúa.”
Vai trò của người mẹ và người bà trong các cộng đồng Bản địa
Một lần nữa, Đức Thánh Cha nhấn mạnh vai trò của những người mẹ và người bà trong các cộng đồng Bản địa trong việc giúp chữa lành những vết thương đó, và đặc biệt đề cập đến hình ảnh “người bà” của Thiên Chúa, người đã được các nhà truyền giáo giới thiệu với Người bản địa ở Canada thông qua một tiến trình hội nhập văn hoá cách hiệu quả. Ngài nhắc lại rằng một phần “di sản đau đớn” của sự đô hộ ở châu Âu “bắt nguồn từ thực tế là những người bà bản địa đã bị ngăn cản việc truyền lại đức tin bằng ngôn ngữ và văn hóa của chính họ”. Theo Đức Thánh Cha, sự mất mát đó chắc chắn là bi thảm, nhưng sự hiện diện của những người bà ở đây là bằng chứng của sự kiên cường và một khởi đầu mới, của cuộc hành hương hướng tới sự chữa lành, của một trái tim rộng mở với Thiên Chúa, Đấng chữa lành cuộc sống của cộng đồng”.
Và Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Tất cả chúng ta, với tư cách là Giáo hội, bây giờ cần được chữa lành: chữa lành khỏi cám dỗ đóng kín co cụm trong chính mình, bảo vệ thể chế hơn là tìm kiếm sự thật, thích quyền lực thế gian hơn phục vụ Tin Mừng. Anh chị em thân mến, với sự giúp đỡ của Thiên Chúa, chúng ta hãy giúp đỡ nhau trong việc đóng góp sức mình vào việc xây dựng một Giáo hội Mẹ đẹp lòng Chúa: có khả năng ôm ấp từng người con của mình; một Giáo hội mở cửa cho tất cả mọi người và nói với tất cả mọi người; một Giáo hội không chống lại ai, và gặp gỡ tất cả mọi người.”
Chúa Giêsu cũng thúc giục chúng ta ra đi, cho đi, yêu thương
Những đám đông tại Biển hồ Galilê tụ tập quanh Chúa Giêsu đa phần là những người bình thường, đơn sơ, những người mang đến với Người những nhu cầu và nỗi đau của riêng họ. Do đó, Đức Thánh Cha nói rằng nếu chúng ta muốn chăm sóc và chữa lành cuộc sống của cộng đồng của mình, chúng ta cần bắt đầu từ những người nghèo và bị thiệt thòi nhất. Chúng ta cần nhìn nhiều hơn đến các vùng ngoại vi và lắng nghe tiếng khóc của những người anh chị em nhỏ bé nhất của chúng ta. Chúng ta cần học cách lắng nghe nỗi đau của những người, trong những thành phố đông đúc và bị hạ giá nhân phẩm của chúng ta, thường thầm kêu lên: “Xin đừng bỏ rơi chúng tôi!”
Đức Thánh Cha chỉ ra rằng Chúa Giêsu, Đấng chữa lành và an ủi chúng ta bằng nước hằng sống của Thánh Linh của Người, cũng thúc giục chúng ta ra đi, cho đi, yêu thương. Đức Thánh Cha mời gọi tự hỏi: tôi phải làm gì cho những người cần tôi? Khi nhìn vào các dân tộc bản địa và nghĩ về lịch sử của họ và những nỗi đau mà họ phải chịu đựng, tôi phải làm gì cho những người dân bản địa? Có phải tôi chỉ lắng nghe với sự tò mò, kinh hoàng bởi những gì đã xảy ra trong quá khứ, hay tôi làm điều gì đó cụ thể cho họ? Tôi có cầu nguyện, gặp gỡ, đọc, ủng hộ họ và để bản thân được đánh động trước những câu chuyện của họ không? Nhìn vào cuộc sống của chính mình, nếu tôi thấy mình đau khổ, tôi có lắng nghe Chúa Giêsu muốn đưa tôi vượt ra khỏi giới hạn của sự thiếu kiên nhẫn của tôi, Đấng mời gọi tôi làm lại từ đầu, tiến thêm một bước nữa, để yêu thương không?
Và ngài lưu ý, “Đôi khi, một cách tốt để giúp đỡ người khác không phải ngay lập tức cho họ những gì họ yêu cầu, mà là đồng hành với họ, mời gọi họ yêu thương và cho đi chính mình. Bằng cách này, thông qua những điều tốt mà họ có thể làm cho người khác, họ sẽ khám phá ra những dòng nước hằng sống của chính họ, và kho báu độc đáo và quý giá mà họ thực sự có.”
Cuối bài giảng, Đức Thánh Cha nói với các anh chị em bản địa rằng nó quý giá đối với ngài và đối với Giáo hội. Ngài nói: “Tôi muốn Giáo Hội gắn bó với anh chị em, được đan kết chặt chẽ như những sợi chỉ của những dải màu mà nhiều người trong anh chị em đeo trên vai. Xin Chúa giúp chúng ta tiến lên trong quá trình chữa lành, hướng tới một tương lai ngày càng lành mạnh và đổi mới. Tôi tin rằng đây cũng là mong muốn của những người ông, người bà của anh chị em. Xin ông bà của Chúa Giêsu, Thánh Gioakim và Anna, phù hộ cho chúng ta trên hành trình của chúng ta.”
Sau bài giảng, Đức Thánh Cha cùng các tín hữu dâng lời cầu nguyện cộng đoàn, đọc kinh Lạy Cha và ngài ban phép lành kết thúc.
Cuối cùng, Đức Thánh Cha lên xe mui trần trở về lại nhà thờ giáo xứ và sau đó trở về lại chủng viện thánh Giuse nghỉ đêm.
Đây là hoạt động cuối cùng của Đức Thánh Cha tại Edmonton. Sáng thứ Tư 27/7 tức là tối thứ Tư 27/7 giờ Việt Nam, Đức Thánh Cha sẽ rời Edmonton bay sang Québec ở phía đông Canada.
Hồng Thủy
Nguồn: vaticannews.va (27.07.2022)